Hoạch định chính sách văn hóa là bước khởi đầu có tác động lớn đến toàn bộ quá trình chính sách, là tiền đề để chính sách văn hóa đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả. Các bước thực hiện hoạch định chính sách văn hóa?
Mục lục bài viết
1. Hoạch định chính sách văn hoá là gì?
1.1. Khái niệm:
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời và cực kỳ đa dạng, vì vậy việc đặt ra các chính sách phù hợp để lưu giữ và phát huy thế mạnh văn hóa là điều vô cùng quan trọng, mà trước hết công tác hoạch định chính sách được ưu tiên hàng đầu. Thực tế, các tài liệu về hoạch định chính sách rất hạn chế bởi đó là hoạt động chuyên môn của chủ thể, cơ quan có thẩm quyền.
Nếu như định nghĩa và nội hàm của phạm trù “văn hóa” hiện vẫn còn đang được tranh luận, thì khái niệm “chính sách văn hóa” (hay chính xác hơn là “(các) chính sách về văn hóa”) tỏ ra dễ hiểu và dễ được đồng thuận hơn, bởi nội hàm chính của khái niệm này là “chính sách”. “Chính sách văn hóa” là những quan điểm, chủ trương và kế hoạch hành động có tính chất định hướng nhằm duy trì, thúc đẩy hoặc kiềm chế các hành vi và hoạt động văn hóa.
Việc xây dựng chính sách văn hóa có ý nghĩa căn bản, làm cơ sở/nền tảng/tiền đề cho việc triển khai các biện pháp cụ thể trong quá trình bảo đảm các quyền về văn hóa. Đồng thời, thực tiễn thi hành lại giúp kiểm chứng, rà soát và điều chỉnh các chính sách. Trong quá trình đó, nhà nước là chủ thể chính yếu gánh vác sứ mệnh xây dựng chính sách và hiện thực hóa các chính sách thông qua các cơ chế lập pháp, hành pháp và tư pháp.
1.2. Đặc điểm:
Hoạch định hay thiết lập kế hoạch chính sách văn hóa là quyết định quá trình phân bổ nguồn lực, xác định cụ thể các công việc, nhiệm vụ phải thực hiện có tính chất định hướng và cụ thể hóa hành vi, hoạt động văn hóa. Hoạch định chính sách văn hóa có quan hệ tới tương lai, nhưng nó không giống như dự báo mà là việc “bắt buộc” phải thực hiện theo đúng tiến trình như trong hoạch định đã đặt ra.
Hoạch định chính sách văn hóa phải đạt được kết quả là “để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.“
Hoạch định chính sách văn hóa là bước khởi đầu có tác động lớn đến toàn bộ quá trình chính sách, là tiền đề để chính sách văn hóa đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả. Chính sách có thể phát huy hiệu quả hay trong thực tế hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu hoạch định. Trọng tâm của toàn bộ quy trình hoạch định chính sách văn hóa là việc trả lời cho câu hỏi: Vấn đề nào nhà nước cần can thiệp? Cơ sở của sự can thiệp đó là gì? Đối tượng của chính sách văn hóa là gì? Nội dung chính sách cần điều chỉnh và các phương án chính sách cần lựa chọn? Phương án nào là tối ưu nhất? Ai là người có tiếng nói quyết định trong việc thông qua chính sách?
Hoạch định chính sách văn hóa cũng được coi là quá trình xây dựng một loại quản lý đặc biệt của nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt và lâu dài. Vai trò của hoạch định chính sách văn hóa được thể hiện trong việc mở đường cho cả tiến trình chính sách, làm khởi xướng những vấn đề văn hóa mà xã hội quan tâm, làm tăng niềm tin người dân vào nhà nước.
Quá trình hoạch định chính sách văn hóa có những đặc điểm, yêu cầu cụ thể và sẽ khác nhau tùy thuộc vào các thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Chủ thể hoạch định chính sách văn hóa có thể là cá nhân, nhóm hoặc tổ chức tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình hoạch định chính sách văn hóa. Các chủ thể này có thể chia làm 2 nhóm chính: Nhóm chủ thể bên trong chính quyền và nhóm chủ thể bên ngoài chính quyền. Chủ thể bên trong chính quyền như Quốc hội (các ủy ban của của Quốc hội), bộ máy hành pháp…Chủ thể bên ngoài chính quyền bao gồm các nhóm lợi ích, hiệp hội nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học,….
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam có chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển kinh tế vì mục tiêu văn hóa, vì sự phát triển con người. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy thành quả trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng với những thành quả trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Thậm chí có những nơi, những lĩnh vực nhất định còn chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng của các giá trị văn hoá. Điều đó đặt ra nhu cầu hoàn thiện cả về lí luận và thực tiễn thi hành các chính sách văn hóa.
2. Các bước thực hiện hoạch định chính sách văn hóa:
Thông qua quy trình hoạch định chính sách văn hóa cho biết chính sách được làm ra như thế nào và tại sao? Cơ sở nào để lựa chọn những chính sách tốt, phù hợp với yêu cầu cần điều chỉnh quan hệ xã hội bằng pháp luật?
Mục tiêu của phân tích chính sách là đóng góp nâng cao chất lượng và kết quả đạt được của quá trình hoạch định chính sách, hay còn được ví là giúp làm ra những chính sách thông minh hơn.Bản chất của việc phân tích chính sách thực chất là việc tìm ra những bất cập, hạn chế của chính sách hiện hành, từ đó làm căn cứ thuyết phục “thiết kế” tìm ra chính sách mới phù hợp hơn điều chỉnh quan hệ xã hội. Bởi vậy, công đoạn phân tích chính sách thường được tiến hành theo các bước cơ bản sau:
– Xác định vấn đề bất cập là bước đầu tiên cần được thực hiện trong công đoạn phân tích chính sách. Việc xác định vấn đề cần giải quyết không chỉ được nêu ra bằng các thuật ngữ, khái niệm chung chung hay chỉ dựa trên quan điểm chủ quan của một bên có liên quan (thông thường là ý kiến chủ quan của nhà quản lý) mà phải dựa vào bằng chứng của thực tiễn mới thuận lợi cho việc xác định mục tiêu cần đạt được và đề xuất các giải pháp chính sách đúng đắn để giải quyết vấn đề thực tiễn cần giải quyết.
– Xác định mục tiêu chính sách văn hóa: Mục tiêu chính sách là mức độ giải quyết vấn đề thực tiễn mà Nhà nước hướng tới trong thời gian trước mắt hoặc lâu dài (mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn) nhằm hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với các đối tượng chịu tác động hoặc chịu trách nhiệm tổ chức thi hành, bảo vệ và bảo đảm các quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước.
– Xác định các phương án chính sách văn hóa: Giải pháp thực hiện chính sách là các phương án khác nhau để giải quyết vấn đề bất cập theo mục tiêu đã xác định. Giải pháp, do đó, phải phù hợp, cân xứng với vấn đề về quy mô, phạm vi, đối tượng tác động, khắc phục được trúng và đúng các nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp gây ra vấn đề; đồng thời giải pháp phải hiệu quả, nghĩa là đạt được mục tiêu đặt ra với chi phí hợp lý, khả thi (chấp nhận được) đối với các đối tượng phải thực hiện, tuân thủ.
– Đánh giá tác động chính sách văn hóa: Khi các mục tiêu chính sách được thiết kế nhưng có nhiều phương án giải quyết được đề xuất, đánh giá tác động chính sách được xem là một công cụ mạnh mẽ để giúp các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Mặc dù đánh giá tác động chính sách không thay thế cho việc hoạch định chính sách nhưng nó góp phần hỗ trợ thiết kế chính sách hiệu quả hơn nhờ mang lại thông tin đầy đủ, toàn diện, đáng tin cậy và thuyết phục cho hành động hay quyết sách của nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách.
– Tham vấn, lấy ý kiến đối với chính sách: Tham vấn công chúng là hoạt động lấy ý kiến của nhân dân, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng thi hành, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, của văn bản…, hoạt động này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là đòi hỏi tất yếu khách quan của chế độ xã hội dân chủ.
– Lựa chọn phương án chính sách văn hóa: Trên cơ sở nhận diện, phân tích vấn đề bất cập và thiết lập các mục tiêu cụ thể, các chủ thể thực hiện hoạt động phân tích chính sách sẽ đưa ra các giải pháp để quyết vấn đề thực tiễn theo những mục tiêu đã xác định đó. Cần làm rõ tại sao trong số các phương án đã được cân nhắc và đánh giá lại lựa chọn phương án này và loại bỏ các phương án khác. Điều này có nghĩa là cần có sự so sánh các phương án đã đề xuất, trình bày các ưu, nhược điểm của từng phương án một cách thuyết phục để chứng minh phương án được lựa chọn rõ ràng có ưu thế hơn so với các phương án còn lại.
– Thông qua chính sách: Trong giai đoạn này chủ thể tiếp nhận hồ sơ đề xuất chính sách tiến hành đánh giá giá trị sử dụng của những chính sách đã được phân tích. Chủ thể thông qua chính sách của một quốc gia thường là chủ thể quyền lập pháp. Ở Việt Nam, Quốc hội là chủ thể có thẩm quyền phù hợp để thực hiện công đoạn phê duyệt chính sách làm cơ sở thực hiện chương trình xây dựng pháp luật tạo cơ sở nền tảng chuyển hóa chính sách thành văn bản quy phạm pháp luật ở giai đoạn tiếp theo.