Cuộc cách mạng 1848-1849 ở Ý thất bại, vấn đề thống nhất đất nước chưa được giải quyết. Nước Ý vẫn bị chia cắt thành 7 vương quốc nhỏ. Trong khi đó, vấn đề thống nhất nước Ý là một yêu cầu cấp thiết của giai cấp tư sản và toàn thể quần chúng nhân dân. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về hình thức và ý nghĩa cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia
Mục lục bài viết
1. Tình hình I-ta-li-a trước khi thống nhất:
– Giữa thế kỷ XIX I-ta-li-a vẫn bị chia thành 7 vương quốc nhỏ và chịu sự thống trị của đế quốc Áo.
– Phần lớn các vương quốc theo chế độ quân chủ chuyên chế
– Chỉ có vương quốc Piê-môn-tê giữ được độc lập, tương đối tự do, không phụ thuộc vào Áo, chế độ quân chủ lập hiến không giống với đa số các nước ở Italia, kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.
– Vào những thập niên 30, 40 của thế kỷ XIX, công nghiệp tư bản chủ nghĩa ở Italia đã tương đối phát triển, đặc biệt là Longbacdi, Pidmont. Việc xây dựng đường sắt, đóng tàu, kinh doanh các ngành công nghiệp mới được nhà nước khuyến khích. Chính sách “tự do buôn bán” đã mở cho quý tộc và tư sản một thị trường tiêu thụ mới, bảo đảm việc mua nguyên liệu rẻ và trang bị máv móc. Trong khoảng 1851-1858, số lượng hàng hóa lưu thông tăng gấp hai lần; máy móc, quặng, gang, than đá được nhập vào ngày càng nhiều. Ngành sản xuất bông phát triển nhanh chóng, ngành luyện kim và cơ khí bắt đầu được xây dựng. Nông nghiệp cũng chuyến hướng kinh doanh tư bản chủ nghĩa để cung cấp hàng hóa nguyên liệu cho công nghiệp và xuất cảng.
– Nông nghiệp tư bản chủ nghĩa cũng có sự tiến bộ rất lớn. Một số địa chủ đã thay đổi phương thức kinh doanh. Họ xóa bỏ khế ước địa tô, đuổi nhân dân ra khỏi miếng đất của họ và bắt đầu sử dụng công nhân làm thuê, xây dựng các nông trường tư bản chủ nghĩa từ đó hình thành quý tộc tư sản hóa. Nhưng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Italia đã gặp phải nhiều chướng ngại. Dưới sự đô hộ của đế quốc Áo và ách thống trị của các thế lực phong kiến trong nước, hầu hết các quốc gia ở đây đều rơi vào tình trạng trì trệ lạc hậu, kinh tế lạc hậu chậm phát triển, nền kinh tế tại Longbacdi và Venedia phụ thuộc Áo, ngành sản xuất tơ lụa bị hạn chế, thuế đánh nặng hàng hóa khi nhập vào …
– Sự chia cắt về chính trị: các quốc gia có pháp luật, tiền tệ, cân đo đong đếm khác nhau, có hàng rào thuế quan khó hình thành thị trường dân tộc thống nhất
– Chế độ phong kiến chuyên chế kiềm hãm sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa
– Về xã hội: Bên cạnh sự mâu thuẫn sâu sắc giữa dân tộc Italia với đế quốc Áo còn có maai thuẫn giữa giai cấp tư sản, nông dân, công nhân, thợ thủ công với chế độ phong kiến chuyên chế khiến cách mạng bùng nổ là điều không thể tránh khỏi
Từ tình hình trên phản ánh nhiệm vụ cần thiết đó là:
– Yêu cầu cấp bách là giải phóng dân tộc khỏi sự lệ thuộc vào Áo, xóa bỏ sự cản trở của các thế lực phong kiến.
– Mở đường cho kinh tế phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa.
2. Hình thức cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia:
Hình thức của cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia: Chủ trương dùng chiến tranh để thành lập nước Italia thống nhất dưới sự lãnh đạo của vương triều Xa – voa
Lãnh đạo: Bá tước Ca-vua – Thủ tướng Pi-ê-môn-tê
Diễn biến của cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia trải qua 3 giai đoạn sau:
2.1. Giai đoạn 1 – Cuộc chiến tranh chống Áo và sự thống nhất miền Bắc Trung Ý (4/1859 – 3/1860):
Tháng 7/ 1838, Cavua ký kết bí mật một hiệp ước với vua Pháp là Napoleong III. Pháp sẽ giúp Cavua đuổi Áo ra khỏi Longbacdia và Venedia, xác nhập Longbacdia và Venedia vào Piemong. Pháp trả công bằng vùng Xavoa và Nixơ
Tháng 4/1859, chiến tranh giữa liên quân Piêmôntê – Pháp với Áo dưới sự hỗ trợ của đoàn quân tình nguyện Ga-ri-ban-đi đẩy quân Áo tình thế khó khăn, nhân đó quần chúng ở các vương quốc miền Trung Italia nổi dậy khiến bọn phong kiến thống trị phải chạy sang Áo. Tháng 3 – 1860 các vương quốc miền Bắc sáp nhập vào Pi-ê-môn-tê sau khi nhân dân biểu quyết..
Thế là dưới áp lực của quần chúng và sự đóng góp tích cực của những người dân chủ tư sản, một bộ phận lớn của miền Bắc nước Ý được thống nhất, dưới ngọn cờ của Piêmông do vua Emmanuyen II và thủ tướng Cavua lãnh đạo.
2.2. Giai đoạn 2 – Cao trào cách mạng Nam Ý và sự thành lập nước Ý thống nhất (4/1860 – 3/1861):
Tháng 4/1860, khởi nghĩa nhân dân ở đảo Xi-xi-li-a bùng nổ, đòi lật đổ chính quyền tay sai Áo thống nhất đất nước, Ga-ri-ban-đi cùng đội quân “Áo đỏ” đổ bộ lên đảo giải phóng miền Nam Italia. Một chính quyền mới được ban hành do Garibanđi làm “Chấp chính”, chia đất công cho nông dân, những đặc quyền phong kiến bị bãi bỏ. Garibanđi thật xứng đáng là vị “anh hùng khí phách thời cổ đại, có khả năng sáng tạo những kỳ công và đã sáng tạo ra những kỳ công” như Ăngghen đánh giá. Hoạt động của Garibanđi làm cho phái tự do cố gây áp lực để giành lại chính quyền, sáp nhập Napôli vào Pilêmông, dưới quyền của triều đại Xavoa (10-1860). Sau khi cầm quyền ở Napôli, Cavua đã thủ tiêu những sắc lệnh cách mạng, Garibanđi bị đày ra đảo Caprêra.
Sau đó miền Nam I-ta-li-a sáp nhập vào Pi-ê-môn-tê (10/1860) thành lập vương quốc I-ta-li-a.Tháng 3-1861, Nghị viện Ý vừa được bầu ra, chính thức tuyên bố thành lập vương quốc Ý thống nhất do nhà vua Piêmông là Victo Emmanuyen II làm hoàng đế, Ca vua làm thủ tướng. Chính quyền tập trung trong tay quý tộc tư sản hóa và giai cấp đại tư sản. Thị trường dân tộc được thống nhất, hàng rào quan thuế bị thủ tiêu, đường sắt và công cuộc kinh doanh được khuyến khích.
2.3. Giai đoạn 3 – Hoàn thành thống nhất nước Ý (1861 — 1870):
Đến năm 1861, chỉ còn vùng Vênêdia (thuộc Áo) và Rômania (thuộc Giáo hoàng) là chưa nằm trong bản đồ Vương quốc Ý thống nhất. Garibanđi nhiều lần dẫn quân trở về nước để giải quyết nốt các khu vực còn lại, đều bị quân của Víchto Emmanuyen II chặn đánh. Năm 1866, I-ta-li-a liên minh với Phổ chống Áo giải phóng được Vê-nê-xi-a. Do thất bại của Áo, Italia được trả lại vùng Vê-nê-xi-a. Năm 1870, Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ, Giáo hoàng mất chỗ dựa. Rô-ma thuộc về I-ta-li-a. Ngày 20-9, Vênêdia và Rômania được sáp nhập vào nước Ý. Giáo hoàng Piô IV rút vào Vaticăng, tự coi mình là kẻ “bị cấm cố” với mấy trăm giáo dân và các lâu đài của Tòa thánh. Nước Ý hoàn thành việc thống nhất, lấy Rôma làm thủ đô.
3. Ý nghĩa và hạn chế của cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia:
3.1. Ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia:
– Mang tính chất một cuộc Cách mạng tư sản, lật đổ sự thống trị của đế quốc Áo và các thế lực phong kiến giải phóng Italia, đất nước được thống nhất.
– Làm nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản
– Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
– Góp phần hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu
3.2. Hạn chế cuộc đấu tranh thống nhất nước Italia:
– Sau khi thống nhất Italia vẫn theo chế độ quân chủ lập hiến, nền dân chủ còn rất nhiều hạn chế.
– Nông dân nghèo không có đất đai và không có quyền bầu cử.
4. Tổng kết một vài nét về Italia:
Italia được thống nhất năm 1861, có những đóng góp quan trong cho sự phát triển văn hóa, xã hội của khu vực Địa Trung Hải. Rất nhiều nền văn hóa và văn minh đã tồn tại ở đây vào thời tiền sử.
Về mặt văn hóa và ngôn ngữ, nguồn gốc lịch sử Ý bắt nguồn từ thế kỷ thứ 9 TCN, với những ghi chép đầu tiên về sự xuất hiện của các bộ tộc Italic ở miền trung Italy hiện đại. Về mặt ngôn ngữ, họ được chia thành những người Osci, người Umbri và người Latinh. Sau đó Latinh trở thành nền văn hóa thống trị khi Roma nổi lên thành thành phố quan trọng vào khoảng năm 350 TCN. Những nền văn minh khác thời tiền La Mã bao gồm Magna Graecia ở miền nam Ý và nền văn minh Etrusca phát triển rực rỡ ở phía bắc Ý khoảng từ năm 900 tới 150 TCN.
Sau khi Cộng hòa La Mã và Đế chế La Mã thống trị vùng đất này trong nhiều thế kỷ, Ý đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật, khoa học và triết học châu Âu trong suốt thời Trung Cổ và thời Phục Hưng. Trong thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng, bán đảo Ý cũng chịu sự thống trị của ngoại bang. Những phần của Ý bị sáp nhập vào Đế chế Tây Ban Nha, Áo và Đế chế Pháp của Napoleon, trong khi Vatican kiểm soát miền trung Ý, trước khi bán đảo Ý được giải phóng và thống nhất giữa các cuộc đấu tranh trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20.
Năm 1946, sau một cuộc trưng cầu ý dân, Vương quốc Italy bị bãi bỏ, Cộng hòa Ý chính thức được thành lập ngày 2 tháng 6 năm 1946. Thập niên 1950 và 1960 chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ của Ý. Ý là một trong những quốc gia sáng lập và gia nhập nhiều tổ chức như Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc, NATO, UNESCO, G7, G20, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Italy được đánh giá là một cường quốc khu vực, một nghiên cứu đánh giá sức mạnh cứng các quốc gia, đã xếp Italy đứng thứ 11 trên thế giới.