Hiện nay chúng ta thấy vốn là một trong những yếu tố mà tất cả các nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài đều rất quan tâm, nhất là hiện nay với thị trường vốn quốc tế đang dần phát triển để phục vụ nhu cầu của nhiều công ty. Cùng tìm hiểu hiệp hội thị trường vốn quốc tế là gì? Chức năng và sứ mệnh hiệp hội?
Mục lục bài viết
1. Hiệp hội thị trường vốn quốc tế là gì?
Hiệp hội thị trường vốn quốc tế trong tiếng Anh là International Capital Market Association; viết tắt là ICMA.
Chắc hẳn chúng ta đã nghe rát nhiều khi nhắc tới hiệp hội thị trường vốn quốc tế là một hiệp hội thành viên phi lợi nhuận, có trụ sở tại Thụy Sĩ, phục vụ nhu cầu của nhiều công ty thành viên trên thị trường vốn toàn cầu. Tính đến tháng 9 năm 2019, hiệp hội đã có hơn 570 thành viên tại 62 quốc gia.
Trong số các thành viên của hiệp hội có các nhà phát hành ở khu vực tư nhân và khu vực công, các ngân hàng và công ty chứng khoán, công ty quản lí tài sản và các nhà đầu tư khác, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường vốn, ngân hàng trung ương, công ty luật và các chủ thể khác.
2. Chức năng và sứ mệnh hiệp hội:
Cách thức hoạt động
Thông qua các Ủy ban, ICMA tập hợp các thành viên từ tất cả các lĩnh vực của thị trường chứng khoán nợ bán buôn và bán lẻ để thông báo công việc về các vấn đề thực tiễn thị trường và pháp lí, tác động đến tất cả các khía cạnh của hoạt động thị trường quốc tế. ICMA ưu tiên 4 khu vực thị trường sinh lời cố định chủ yếu: thị trường sơ cấp; thị trường thứ cấp; thị trường repo và thị trường tài sản thế chấp; và thị trường xanh, xã hội và bền vững.
Mục tiêu của hiệp hội
Thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên, tạo cơ sở để chất vấn và thảo luận chung các câu hỏi liên quan đến thị trường vốn và chứng khoán quốc tế và đưa ra các qui tắc và đưa ra các khuyến nghị điều hành hoạt động của hiệp hội. Và để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cho những người tham gia vào thị trường vốn và chứng khoán quốc tế.
Sứ mệnh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế
Nhiệm vụ của ICMA là thúc đẩy các thị trường chứng khoán nợ xuyên biên giới và toàn cầu hoạt động tốt, rất cần thiết để tài trợ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Để thực hiện sứ mệnh của mình, ICMA cam kết:
+ Xây dựng lòng tin vào thị trường bằng cách thúc đẩy các tiêu chuẩn thực tiễn tốt nhất được quốc tế chấp nhận thông qua việc phát triển một cách thích hợp, chấp nhận rộng rãi các qui tắc, khuyến nghị và các văn bản qui chuẩn nhằm duy trì và tăng cường khuôn khổ phát hành, kinh doanh và đầu tư chứng khoán xuyên biên giới;
+ Khuyến khích các luồng thông tin và đối thoại giữa tất cả các bên tham gia thị trường vốn quốc tế: bên đi vay, trung gian tài chính và nhà đầu tư, và nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm sàn giao dịch, công ty thanh toán bù trừ và công ty luật;
+ Trên tất cả các lĩnh vực cốt lõi của ICMA có sự tham gia cùng với các nhà quản lí vã xây dựng chính sách ở quốc gia và quốc tế nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn và kĩ thuật thị trường để hỗ trợ đảm bảo qui định tài chính, thúc đẩy khả năng phục hồi, năng lực và hiệu quả chi phí của thị trường vốn quốc tế;
+ Cung cấp cơ hội kết nối các bên tham gia thị trường thông qua các hội nghị, hội thảo, bàn tròn và các sự kiện khác;
+ Thúc đẩy các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao cho các bên tham gia thị trường vốn bằng cách cung cấp các cơ hội đào tạo và giáo dục.
ICMA cam kết bình đẳng, đa dạng, bao hàm và thúc đẩy các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm chính chuyên nghiệp.
3. Vai trò của thị trường vốn quốc tế:
Điều này luận giải lợi ích từ việc phát triển thị trường vốn đối với các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế và nền thị trường tài chính quốc tế.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh quốc tế:
– Góp phần bổ sung nguồn lực tài chính trung và dài hạn cho các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế
– Đáp ứng khả năng thanh toán của các doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động kinh doanh quốc tế
– Giảm chi phí đối với doanh nghiệp đi vay: Khi mức cung tiền được mở rộng thì chi phí vay mượn sẽ giảm đi
Đối với thị trường tài chính quốc tế:
– Góp phần hình thành và phát triển hệ thống thị trường tài chính quốc tế
– Giảm rủi ro đối với người cho vay: thứ nhất, những người đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn hơn và như vậy giảm bớt rủi ro đầu tư nhờ phân tán nguồn vốn của mình. Thứ hai, đầu tư vào chứng khoán quốc tế giúp giảm bớt rủi ro đối với người đầu tư vì giá cả của các chứng khoán đó biến động một cách độc lập với nhau.
– Gia tăng nguồn cung tiền tệ cho những người đi vay: Thị trường vốn quốc tế là chiếc cầu nối giữa những người đi vay và những người cho vay trên các thị trường vốn quốc gia khác nhau. Nếu một công ty không thể huy động được vốn từ những người đầu tư trong nước thì vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn từ những người đầu tư ở các nước khác thông qua thị trường vốn quốc tế.
Các nhân tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn quốc tế
Cách đây vài chục năm, các thị trường vốn quốc gia hoạt động chủ yếu như những thị trường độc lập. Tuy nhiên, thị trường vốn quốc tế được hình thành và mở rộng nhờ có sự gia tăng nhanh chóng số lượng các công cụ nợ, cổ phiếu và các đồng tiền được trao đổi trên phạm vi quốc tế.
Có 3 yếu tố dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng của thị trường vốn quốc tế, đó là:
– Việc ứng dụng công nghệ thông tin
– Việc xóa bỏ các biện pháp kiểm soát
– Sự ra đời của các công cụ tài chính mới
Các bộ phận cấu thành thị trường vốn quốc tế:
– Thị trường trái phiếu quốc tế
– Thị trường cổ phiếu quốc tế
4. Giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới:
Để thị trường vốn phát triển tích cực trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển TTCK và thị trường tiền tệ như:
Đối với thị trường chứng khoán
Một là, cần phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).
Hai là,cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023; nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; tăng tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ba là, tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.
Bốn là, tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới; tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.
Đối với thị trường tiền tệ
Một là, cần duy trì môi trường lãi suất thấp, khuyến khích phát triển thị trường TPDN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường bất động sản, tránh để thị trường phát triển quá nóng.
Hai là, nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, để giúp phát hiện rủi ro tiềm ẩn từ các ngân hàng và thị trường tài chính. Từ đó, xây dựng các phương án điều hành cụ thể về cách thức phản ứng với diễn biến mới. Đồng thời sớm xử lý triệt để nợ xấu, tránh nợ xấu tồn đọng kéo dài và có cơ chế rõ ràng trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém…
Ba là, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp yếu, có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường; đối với thị trường trái phiếu cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về phát hành TPDN ra công chúng, phát hành riêng lẻ để thi hành cùng Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp từ ngày 1/1/2021.
Bốn là, nghiên cứu và cho phép triển khai một số loại hình bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí… với đặc điểm là chi phí tham gia bảo hiểm được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, để khuyến khích người dân tiết kiệm tham gia bảo hiểm, từ đó hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn./.