Quê hương Việt Nam với 54 dân tộc anh em khác nhau, đến từ nhiều tỉnh thành và có nền văn hoá ẩm thực đa dạng phong phú. Với mỗi một vùng miền sẽ có một nền ẩm thực khác nhau và chắc hẳn ở đâu cũng có những món ăn đặc sản làm nên tên tuổi của vùng đất mình.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dàn ý Giới thiệu một loại bánh hoặc một món ăn của quê hương:
- 2 2. Đoạn văn giới thiệu về bánh giò:
- 3 3. Đoạn văn giới thiệu về bánh đậu xanh – Hải Dương:
- 4 4. Đoạn văn giới thiệu về Phở Hà Nội:
- 5 5. Đoạn văn giới thiệu về bánh nhãn – Nam Định:
- 6 6. Đoạn văn giới thiệu về bánh đa cua của người Hải Phòng:
- 7 7. Đoạn văn giới thiệu về bánh đa Thổ Hà- Bắc Giang:
- 8 8. Đoạn văn giới thiệu về Phở Hà Nội:
- 9 9. Đoạn văn giới thiệu về bánh chưng:
1. Dàn ý Giới thiệu một loại bánh hoặc một món ăn của quê hương:
– Giới thiệu Tên gọi của món bánh hoặc món ăn: bánh trôi, bánh chưng, bánh tai, Bún bò Huế,…. Bánh đó là đặc sản của địa phương hay vùng miền nào?
– Nguyên liệu làm ra món bánh hoặc món ăn.
– Hương vị của món bánh hoặc món ăn đó.
– Suy nghĩ của em khi ăn món bánh hoặc món ăn: yêu thích…
2. Đoạn văn giới thiệu về bánh giò:
Khác với Cốm chỉ có vào mùa thu hay Sấu chỉ có vào mùa hạ, người Hà Nội có thể thưởng thức bánh giò quanh năm, khắp các dãy phố đều dễ dàng tìm mua được bánh giò. Bánh có dạng hình chóp như kim tự tháp được gói bằng lá chuối, bên trong là vỏ bột bằng gạo tẻ trong mềm bao bọc lấy nhân thịt đậm đà. Mỗi khi về quê chơi, em luôn muốn được ăn những chiếc bánh giò nóng hổi. Phần vỏ bánh làm từ bột gạo và bột năng nên rất mềm mịn. Phần nhân thì gồm thịt xay, nấm hương, mộc nhĩ và cả trứng cút nữa. Bánh được gói bởi một lớp lá bên ngoài, nên bao nhiêu ngon ngọt đều được giữ lại bên trong. Mỗi khi được ăn một chiếc bánh giò nóng hổi, mềm thơm em lại cảm thấy biết ơn những người đã sáng tạo nên món ăn tuyệt vời như thế này.
3. Đoạn văn giới thiệu về bánh đậu xanh – Hải Dương:
Nhắc đến đặc sản Hải Dương, người ta không thể không nghĩ ngay đến bánh đậu xanh. Bao nhiêu lâu nay, qua từng ấy năm tháng, qua từng ấy thăng trầm, từng ấy đổi thay bánh đậu xanh vẫn là đặc sản của Hải Dương. Bánh được làm từ bột đậu xanh, đường và dầu thực vật. Từng miếng bánh được cắt thành hình chữ nhật, bọc giấy bên ngoài. Bánh rất mềm, có vị ngọt. Bánh đậu xanh Hải Dương ăn có vị ngọt thanh, vừa bỏ vào miệng là tan biến nhưng đủ để cảm nhận vị thơm, ngọt, béo. Bánh đậu xanh còn là món quà quê hương không thể thiếu mà người dân quê em dành tặng cho bạn bè, người thân và những người khách quý phương xa. Em rất yêu thích và tự hào về bánh đậu xanh quê hương mình.
4. Đoạn văn giới thiệu về Phở Hà Nội:
Em được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, quê hương em có rất nhiều những món ăn nổi tiếng như: Cốm, bún thang, chả cá…Trong đó, món ăn quê hương mà em yêu thích và tự hào nhất đó chính là Phở Hà Nội. Phở Hà Nội có một hương vị đặc biệt mà không nơi đâu có được. Nước phở được hầm từ xương nên rất thanh và ngọt, sợi phở mỏng, mềm có màu trắng như màu gạo. Bát phở Hà Nội càng trở thêm thơm ngon hơn khi có thêm các loại thịt như: thịt gà, thịt bò, thịt lợn và các loại rau như: hành, rau mùi, chanh,…Phở là món ăn đặc trưng của Hà Nội. Em luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi giới thiệu món ăn quê hương mình cho các bạn.
5. Đoạn văn giới thiệu về bánh nhãn – Nam Định:
Nếu được chọn một món ăn quê hương để giới thiệu đến bạn bè và thầy cô, em sẽ chọn món bánh nhãn Nam Định quê mình. Bánh nhãn là một món ăn nổi tiếng của vùng đất Nam Định, bánh nhãn là món quà quê quá đỗi giản dị, chân phương đúng như con người nơi đây. Nhiều người hay lầm tưởng cái tên bánh nhãn sẽ được làm từ quả nhãn nhưng không phải. Bánh được làm từ gạo nếp, trứng, đường kính và mỡ lợn nên khi ăn sẽ rất bùi và thơm. để bánh nhãn có độ thơm ngon ngậy béo thì người thợ làm bánh phải sử dụng bằng mỡ lợn để chiên bánh. Và muốn bánh chín vàng ươm, đồng đều thì phải được chiên trong chảo lớn ngập mỡ với lửa vừa phải thì khi ấy bánh nhãn sẽ đồng loạt chuyển sang màu vàng óng ánh và đảm được độ giòn ngon của bánh. Những chiếc bánh nhãn được làm nhỏ xinh như những quả nhãn, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của đường, thơm của trứng, lớp vỏ mỏng giòn tan trong miệng. Nếu có dịp đến Nam Định thì bánh nhãn là thức quà mà các bạn không nên bỏ qua.
6. Đoạn văn giới thiệu về bánh đa cua của người Hải Phòng:
Quê hương Hải Phòng của em được mệnh danh là “thành phố hoa phượng đỏ”. Đến với Hải Phòng quê em, mọi người không chỉ được ngắm nhìn những hàng phượng đỏ rực rỡ mà còn được thưởng thức rất nhiều những món ăn ngon. Bánh đa cua là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Hải Phòng quê em. Bánh đa cua ăn mùa nào cũng hợp. Mùa hè, bánh đa cua khéo léo gọi mời thực khách bằng màu xanh mát mắt của rau muống đầm xanh và giòn, còn mùa đông là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy. Nguyên liệu chế biến bánh đa cua không có gì là cao sang, đắt đỏ, chỉ những sản phẩm của vùng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… .Bánh đa Hải Phòng có hương vị và màu sắc vô cùng đặc trưng. Sợi bánh đa quê em dày và có màu nâu đậm, khi ăn cùng với nước dùng được chế biến từ xương lợn và gạch cua sẽ rất thơm ngon, đậm đà. Nếu ai đã từng được thưởng thức bánh đa cua sẽ không thể nào quên được hương vị đặc trưng của nó.
7. Đoạn văn giới thiệu về bánh đa Thổ Hà- Bắc Giang:
Quê hương Bắc Giang tôi nổi tiếng với nghề làm bánh đa Thổ Hà. Để làm được một chiếc bánh đa ngon những người con nơi đây đã phải gắng sức lm nhiều giai đoạn mới nên 1 chiếc bánh đầy đặn. Có hai loại bánh đa là bánh đa dừa và bánh đa nem. Nguyên liệu chính để làm bánh đa là gạo tẻ được xay bằng cối đá để tạo nên độ kết dính vừa đủ để làm bánh. Việc làm bánh đa phải bắt đầu từ lúc sáng sớm, tráng bánh sau đó mang đi phơi và điều đặc biệt ở đây là phơi gió, để bánh mềm, dẻo dễ cuốn. Nếu nắng to thì bánh đa sẽ dễ bị phồng, giòn, ảnh hưởng tới chất lượng bánh. Khi bánh đã khô thì bóc ra khỏi phên để cắt. Bánh được chia thành từng khúc bằng nhau sao cho vừa với máy cắt, thông thường với loại phên to thì cắt thành 7 khúc, phên bé thì cắt thành 9 khúc. Sau đó, bánh được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy theo đơn hàng. Bánh đa quê em thường có một đặc trưng nổi bật đó là chiếc bánh đa luôn dày đặn, phía trên mặt bánh luôn được tưới lên một chút nước cốt dừa thơm ngon và pha chút hạt lạc nhỡ nhỡ. Tất cả tạo nên mùi vị hấp dẫn vừa thơm vừa ngon, ăn lại càng thấy nhớ.
8. Đoạn văn giới thiệu về Phở Hà Nội:
Phở là đặc sản của Hà Nội. Nguyên liệu làm nên một bát phở gồm bánh phở và nước dùng, thịt bò (hoặc thịt gà). Phở Hà Nội đặc biệt nhờ nước dùng ngọt thanh, trong vắt được ninh từ xương của trâu hoặc bò. Ngoài ra còn có gia vị như hành, rau thơm, ớt, chanh… tạo nên hương vị hoàn hảo, không nơi đâu có được. Nhiều người còn ăn kèm với quẩy. Phở thường được ăn vào buổi sáng. Em rất thích món ăn này mỗi khi đi học sáng sớm.
9. Đoạn văn giới thiệu về bánh chưng:
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bánh chưng có hình vuông, được gói từ lá dong xanh và buộc bằng lá giang hoặc dây lạt. Nhân bên trong là thịt mỡ với đậu xanh, bên ngoài là những hạt nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong và luộc chín. Để nấu bánh chưng, cần chuẩn bị một chiếc nồi bên dưới phủ lá dong còn thừa rồi xếp bánh ngay ngắn, đổ nước ngập bánh rồi bắc lên bếp đun trong khoảng 8-12 tiếng tùy kích cỡ to nhỏ của bánh. Trong quá trình đun, cần phải thường xuyên xem nước trong nồi đã cạn chưa và đổ thêm nước để tránh tình trạng bánh bị cháy. Sau khi bánh chín, vớt ra để ráo rồi lấy khăn lau sạch bề mặt bánh, chỉnh lại dây lạt cho bánh đẹp nhất có thể, để cho bánh nguội là có thể sắp lên bàn thờ, mang đi biếu hoặc ăn luôn. Bánh có vị thơm của gạo nếp, vị béo của thịt mỡ. Bánh chưng là nét đẹp văn hóa, là một trong những biểu tượng của ngày tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là tinh thần được lưu truyền bao năm tháng, em rất thích được ngồi nấu bánh chưng cùng gia đình vào mỗi đêm Giao thừa.