Chắc hẳn chúng ta đã biết giáo dục đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với mỗi con người và đây cũng là chính sách quan trọng và được đầu tư phát triển hàng đầu của đất nước. Bởi thúc đẩy phát triển giáo dục cũng là thúc đẩy tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và hoàn thiện con người hơn.
Mục lục bài viết
1. Giáo dục là gì?
Giáo dục theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học.
2. Giáo dục tiếng Anh là gì?
Giáo dục tiếng Anh là “education”.
3. Bản chất của giáo dục:
Về bản chất, giáo dục là quá trình truyền đạt và tiếp thu những kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ loài người.
Về hoạt động, giáo dục là quá trình tác động đến các đối tượng giáo dục để hình thành cho họ những phẩm chất nhân cách.
Về mặt phạm vi, khái niệm giáo dục bao hàm nhiều cấp độ khác nhau:
+ Ở cấp độ rộng nhất, giáo dục được hiểu đó là quá trình xã hội hoá con người. Quá trình xã hội hoá con người là quá trình hình thành nhân cách dưới ảnh hưởng của tác động chủ quan và khách quan, có ý thức và không có ý thức của cuộc sống, của hoàn cảnh xã hội đối với các cá nhân.
+ Ở cấp độ thứ hai, giáo dục có thể hiểu là giáo dục xã hội. Đó là hoạt động có mục đích của xã hội, với nhiều lực lượng giáo dục, tác động có hệ thống, có kế hoạch đến con người để hình thành cho họ những phẩm chất nhân cách.
+ Ở cấp độ thứ ba, giáo dục được hiểu là quá trình sư phạm. Quá trình sư phạm là quá trình tác động có kế hoạch, có nội dung và bằng phương pháp khoa học của các nhà sư phạm trong nhà trường tới học sinh nhằm giúp học sinh nhận thức, phát triển trí tuệ và hình thành những phẩm chất nhân cách. Ở cấp độ này, giáo dục bao gồm: Quá trình dạy học và quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp.
+ Ở cấp độ thứ tư, Giáo dục được hiểu là quá trình bồi dưỡng để hình thành những phẩm chất đạo đức cụ thể, thông qua việc tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu.
4. Tính chất của giáo dục:
Giáo dục có 5 tính chất sau đây :
– Giáo dục là một hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người. Giáo dục xuất hiện, phát triển gắn bó cùng loài người. Ở đâu có con người, ở đó có giáo dục – giáo dục mang tính phổ biến. Khi nào còn loài người lúc đó còn giáo dục – giáo dục mang tính vĩnh hằng.
– Giáo dục là một hình thái ý thức xã hội, là hiện tượng văn minh của xã hội loài người.
Về bản chất, giáo dục là sự truyền đạt và tiếp thu kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ loài người;
Về mục đích, giáo dục là sự định hướng của thế hệ trước cho thế hệ sau;
Về phương thức, giáo dục là cơ hội giúp mỗi cá nhân đạt tới hạnh phúc và là cơ sở đảm bảo cho sự kế thừa, tiếp nối và phát triển những thành quả văn hoá của xã hội loài nguời.
– Giáo dục là hiện tượng có tính lịch sử: Giáo dục ra đời theo nhu cầu của lịch sử xã hội, một mặt nó phản ánh trình độ phát triển của lịch sử, bị qui định bởi trình độ phát triển của lịch sử, mặt khác nó lại tác động tích cực vào sự phát triển của lịch sử.
– Giáo dục có tính giai cấp: Trong xã hội có giai cấp, giáo dục được sử dụng như công cụ của giai cấp cầm quyền nhằm duy trì quyền lợi của mình thông qua mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục.
– Giáo dục có tính dân tộc: Mỗi quốc gia đều có một truyền thống lịch sử, có nền văn hoá riêng, cho nên giáo dục ở mỗi nước cũng có những nét độc đáo, những sắc thái đặc trưng. Tính dân tộc của giáo dục được thể hiện trong mục đích nội dung, phương pháp và sản phẩm giáo dục của mình.
Từ việc phân tích các tính chất cơ bản nêu trên, ta có thể rút ra kết luận :
Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt, bản chất của giáo dục là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ loài người, nhờ có giáo dục mà các thế hệ nối tiếp nhau phát triển, tinh hoa văn hoá nhân loại và dân tộc được kế thừa, bổ sung và trên cơ sở đó mà xã hội loài người không ngừng tiến lên.
5. Mục đích của giáo dục:
Đối với từng quá trình phát triển xã hội, mục đích của giáo dục sẽ thay đổi và tương ứng theo từng giai đoạn khác nhau. Mục tiêu giáo dục được chia ra làm 3 loại cơ bản. Đó là:
+ Mục tiêu giáo dục tiếp cận với truyền thống
Đây là quá trình con người được giảng dạy về các kiến thức, kỹ năng và các thói quen giúp hình thành một mẫu người đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được về yêu cầu của xã hội. Mục tiêu này hiện nay đang được nước ta hướng tới.
+ Mục tiêu giáo dục tiếp cận cá nhân
Mục tiêu này thường được áp dụng ở Mỹ và một số nước phương Tây giai đoạn năm 1970 – 1980. Mục tiêu này sẽ giúp tạo điều kiện cho con người tự do phát triển, tuy nhiên nhược điểm của nó là quá tự do và buông thả.
+ Mục tiêu giáo dục truyền thống – cá nhân
Mục tiêu này sẽ kết hợp giữa truyền thống và cá nhân. Hiện nay, mục tiêu giáo dục truyền thống – cá nhân đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Nó giúp hạn chế các nhược điểm và phát huy ưu điểm đồng thời của mục tiêu truyền thống và mục tiêu cá nhân.
Tóm lại có thể thấy mục đích của giáo dục là cung cấp, trang bị về các kiến thức và kỹ năng. Đồng thời rèn luyện đạo đức, nhân cách và lối sống của con người giúp mọi người có thể hòa nhập vào với cộng đồng của mình.
6. Vai trò của giáo dục:
6.1. Giáo dục kiến thức và kỹ năng:
Vai trò của giáo dục và đào tạo đối với con người được thể hiện thông qua việc trang bị hệ thống kiến thức và kỹ năng cần thiết cho mỗi cá nhân. Từ đó, con người nâng cao trình độ, tăng hiệu quả lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội. Dưới đây là những vai trò của giáo dục trong việc đào tạo kiến thức và kỹ năng cho con người, bao gồm:
+ Giáo dục mang lại trình độ học vấn
Đối với mỗi cá nhân, giáo dục mang lại trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng. Nhờ có giáo dục, con người kế thừa, phát huy những tri thức đã có, tìm tòi những kiến thức mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ sự phát triển chung.
+ Nâng cao chất lượng cuộc sống
Vai trò của giáo dục và đào tạo nằm ở việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để con người sản xuất hàng hóa, tạo ra của cải xã hội. Giáo dục góp phần gia tăng năng suất lao động của mỗi cá nhân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
+ Tăng kỹ năng lao động
Qua hoạt động giáo dục, kỹ năng lao động của con người ngày càng được nâng cao. Tăng kỹ năng lao động kết hợp tăng năng suất sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
+ Giúp con người hòa nhập vào cộng đồng
Giáo dục góp phần thay đổi bộ mặt xã hội, hàn gắn vết thương, xóa bỏ những rào cản tồn tại giữa người với người. Thông qua những hoạt động của cá nhân và tập thể, các mối quan hệ xã hội, giáo dục giúp con người hòa nhập vào cộng đồng.
+ Giúp con người thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội
Ý nghĩa của giáo dục đối với con người được thể hiện ở sự chủ động trước những thay đổi của môi trường xung quanh. Giáo dục giúp mỗi cá nhân có khả năng giải quyết các vấn đề, có đủ kiến thức để thích nghi tốt nhất với điều kiện tự nhiên và xã hội.
6.2. Rèn luyện đạo đức và nhân cách con người:
Giáo dục là một quá trình lâu dài, một hiện tượng xã hội đặc biệt, lấy con người làm trung tâm. Vai trò của giáo dục đối với con người không chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức và kỹ năng, quan trọng hơn, giáo dục hướng tới rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách. Vai trò của giáo dục trong rèn luyện đạo đức và nhân cách con người Vai trò của giáo dục trong rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách con người được thể hiện rõ nét như sau:
+ Giáo dục giúp con người rèn luyện đạo đức
Giáo dục mang trong mình sứ mệnh rõ ràng và mục tiêu cao cả là dạy làm người, rèn luyện đạo đức. Giáo dục lên án cái xấu, hướng mỗi cá nhân tới chân – thiện – mỹ, có thái độ và hành vi ứng xử chuẩn mực.
+ Giáo dục giúp con người hoàn thiện nhân cách
Vai trò của giáo dục đào tạo là định hướng, dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Một nền giáo dục tiên tiến, đi trước dẫn đường cho nhân cách, điều chỉnh các yếu tố nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhân cách theo hướng tích cực.