Các đối tượng lừa đảo qua mạng thông thường sẽ tiếp cận những người nhẹ dạ cả tin hoặc đang túng thiếu để dụ dỗ chuyển tiền. Khi bị lừa đảo qua mạng bạn cần liên lạc qua đường dây nóng nào để được giải quyết?
Mục lục bài viết
1. Đường dây nóng tố cáo lừa đảo qua mạng gọi bằng số nào?
Khi bị lừa đảo qua mạng người dân có thể trực tiếp trình báo tại cơ quan công an cấp huyện nơi mà mình cư trú hoặc liên hệ qua đường dây nóng tố giác tội phạm của Bộ Công an hoặc Công an của các thành phố trực thuộc Trung ương. Dưới đây là thông tin liên lạc qua đường dây nóng của Bộ Công an và Công an của các thành phố trực thuộc Trung ương:
Đường dây nóng tố cáo tội phạm lừa đảo qua mạng của Bộ Công an
– Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tại 2 khu vực:
+ Thành phố Hà Nội: 069.234.2431
+ Thành phố Hồ Chí Minh: 069.3336310
– Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an:
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, an ninh mạng: 069.234.8560
Đường dây nóng tố cáo tội phạm lừa đảo qua mạng của Công an thành phố trực thuộc Trung ương
TP. Hà Nội | 024.3942.2532 069.219.6242 069.219.6254 069.219.6530 069.219.6764 |
TP. Hồ Chí Minh | 069.318.7200 |
Thành phố Đà Nẵng | 069.426.0254 |
Thành phố Hải phòng | 069.278.5874 |
Thành phố Cần Thơ | 069.367.2214 |
2. Mẫu đơn tố cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
ĐƠN TỐ GIÁC
(Về hành vi lừa đảo qua mạng)
Kính gửi: – Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận/ huyện….
– Viện kiểm sát nhân dân quận/huyện…….
Họ và tên:……Sinh ngày:……..
Căn cước công dân số:………
Ngày cấp:……Nơi cấp:….. Công an tỉnh……
Nơi đăng ký thường trú:….
Chỗ ở hiện tại:…….
Số điện thoại:…….
Tôi làm đơn này để tố cáo và đề nghị cơ quan điều tra khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của:
Ông bà:…..Sinh ngày:…..
Căn cước công dân số:………
Ngày cấp:……Nơi cấp:…… Công an tỉnh……
Nơi đăng ký thường trú:….
Chỗ ở hiện tại:…….
Số điện thoại:……..
Vì ông bà đã có hành vi Lừa đảo qua mạng tôi với số tiền là…….
Nội dung sự việc cụ thể như sau:
Vào ngày….. tháng….. năm…..Ông/bà……..Đã liên lạc với tôi qua nền tảng xã hội……Sau quá trình trao đổi đối tượng này đã dụ dỗ tôi chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng……Tôi đã tin tưởng và chuyển số tiền trên cho đối tượng này. Tuy nhiên, sau đó công việc không được giải quyết và tôi cũng không nhận được số tiền hoa hồng giống như đối tượng đã trao đổi trước đó. Hiện tại, tôi liên lạc với đối tượng này thì đối tượng đã chặn liên lạc với tôi.
Từ những sự việc trên, có thể khẳng định ông/bà đã sử dụng nền tảng xã hội…..và dùng thủ đoạn gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của tôi với số tiền là…..
Tôi cho rằng hành vi của ông bà có dấu hiệu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 triệu đồng đến dưới 50.000.000 triệu đồng hoặc dưới 2.000.000 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
…….
Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và gia đình, đồng thời, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến quyền tài sản của công dân, nay tôi đề nghị Quý cơ quan xem xét các vấn đề sau đây:
– Xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử ông/bà … về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Buộc ông/bà … phải trả lại số tiền … (Bằng chữ: …) cho tôi.
Tôi xin cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên.
Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết.
Xin chân thành cảm ơn!
Tài liệu kèm theo:
–
–
……ngày…..tháng…..năm……
NGƯỜI LÀM ĐƠN
3. Khi bị lừa đảo qua mạng xử lý như thế nào?
Đối với những hành vi lừa đảo qua mạng thông thường sẽ rất tinh vi và khó phát hiện. Bởi các đối tượng này sẽ sử dụng những thông tin cá nhân giả để tiếp cận nạn nhân. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh đối tượng của cơ quan chức năng. Vì vậy, để bạn có thể tự mình lấy lại được số tiền lừa đảo đó khả năng rất thấp. Tuy nhiên nạn nhân có thể thông qua các cơ quan chức năng có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm. Vì vậy, nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng cần cung cấp tất cả những thông tin cá nhân mà mình nắm được của đối tượng lừa đảo cho Viện kiểm sát các cấp, cơ quan điều tra,cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp quận, huyện nơi mà mình đang cư trú hoặc liên lạc trực tiếp đến đường dây nóng Cục an ninh mạng để trình báo sự việc.
Khi tố cáo lừa đảo qua mạng tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết người bị hại cần chuẩn bị tất cả những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bao gồm những tài liệu sau đây: Đơn tố giác có trình bày đầy đủ thông tin cá nhân của đối tượng lừa đảo như thông tin về căn cước công dân, số điện thoại, đường link Zalo, Facebook,Telegram, Số tài khoản ngân hàng mà đối tượng này sử dụng làm phương tiện phạm tội. Ngoài ra, bạn cần giữ các biên lai, giao dịch và tiến hành sao kê tổng số tiền đã chuyển cho đối tượng lừa đảo này. Bạn cũng có thể cung cấp ảnh chụp, video các đoạn tin nhắn, file ghi âm điện thoại trao đổi giữa đối tượng này với mình trong đó thể hiện rõ nội dung đối tượng dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.
5. Những thủ đoạn lừa đảo qua mạng nào hay gặp phải?
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển các đối tượng xấu thường xuyên sử dụng nền tảng này làm phương tiện phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản càng phổ biến. Tuy nhiên, người dân có thể dễ dàng nhận biết một số dấu hiệu, thủ đoạn lừa đảo phổ biến của những đối tượng này như sau:
Thứ nhất, các đối tượng này sẽ hack tài khoản Facebook, Zalo, Telegram của người khác và nhắn tin xin vay tiền hoặc báo cần tiền trong tài khoản nhờ người thân hoặc người quen biết chuyển tiền và hứa sẽ trả lại ngay. Bạn cần lưu ý những đối tượng này sẽ tạo lập những tài khoản ngân hàng có tên giống với tên người thân của mình, vì vậy nhiều người sẽ hiểu lầm đây chính là người thân của mình và chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Để ngăn chặn vấn đề này, trước khi chuyển tiền kể cả đối với người thân quen của mình bạn cũng nên xác định chính xác xem có đúng là người thân của mình đang thực sự cần chuyển tiền hay không? Ví dụ gọi điện qua video hoặc gặp mặt trực tiếp. Trong trường hợp sau khi chuyển tiền, bạn mới phát hiện ra là mình bị lừa đảo thì sẽ tiến hành trình báo với cơ quan chức năng để nhanh chóng phong tỏa tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Thứ hai, vay tiền với lãi suất thấp các đối tượng sẽ lợi dụng sự cả tin của những người có nhu cầu vay tiền đề ra những mức lãi suất hấp dẫn. Các nạn nhân vì túng thiếu nên sẳn sàng vay tiền qua app hoặc các tổ chức tín dụng không được cấp phép. Một thủ đoạn thông thường của các đối tượng này sẽ yêu cầu bạn cung cấp tất cả những thông tin cá nhân để làm hồ sơ vay online.Tuy nhiên, sau đó lại báo với người vay tiền là thông tin bạn cung cấp bị sai sót hồ sơ không hợp lệ nên số tiền đang bị treo ở trên hệ thống và chưa thể giải ngân được và sẽ yêu cầu bạn chuyển một số tiền nhất định để chỉnh sửa hồ sơ vay tiền. Tuy nhiên, sau khi bạn chuyển tiền thì số tiền sẽ vẫn không được giải ngân và liên lạc lại với đối tượng này thì sẽ bị chặn. Tương tự, giống như trường hợp trên bạn cũng cần nhanh chóng ra trình báo với cơ quan công an.
Thứ ba, công việc nhẹ lương cao các đối tượng này sẽ lợi dụng thương hiệu của các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, ví dụ như: Shopee, Lazada, Amazon,…yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ rất đơn giản ví dụ tiến hành chọn mặt hàng đặt hàng, chuyển tiền sau đấy sẽ được nhận hoa hồng và hoàn lại số tiền đã đặt hàng. Nhưng sau khi đặt một vài đơn hàng đầu tiên bạn được chuyển tiền hoa hồng như đối tượng lừa đảo hứa hẹn nhưng những lần sau đấy bạn tiến hành đặt hàng, chuyển tiền thì bên lừa đảo sẽ không chuyển lại số tiền hoa hồng cũng như số tiền hàng bạn đã chuyển.
Thứ tư, thông báo bạn trúng thưởng và yêu cầu bạn chuyển một số tiền nhất định để vận chuyển quà tặng, nộp thuế hoặc các chi phí phát sinh khác để được nhận quà. Nhưng sau khi bạn chuyển tiền thì quà cũng không được nhận và số tiền bạn đã nộp để được nhận thưởng cũng sẽ không được trả lại.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Thông tư liên tịch số 01/2017TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.