Dư luận xã hội là gì? Ảnh hưởng của dư luận xã hội. Phân tích những đặc điểm của dư luận xã hội, tính chất của dư luận xã hội và các phương pháp nắm bắt dư luận xã hội.
Dư luận xã hội là hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Dư luận xã hội đã xuất hiện và tồn tại rất lâu trong lịch sử, nó hình thành, tồn tại và phát triển cùng với quá trình vận động, phát triển của bản thân xã hội loài người. Dư luận xã hội không chỉ tác động đến đời sống của mỗi con người mà còn mạnh mẽ đến các quá trình chính trị – xã hội, đến việc lãnh đạo và quản lý xã hội, đặc biệt là ý thức pháp luật. Chính vì vậy, việc xem xét những yếu tố, những tính chất cơ bản của dư luận xã hội, là một vấn đề hết sức quan trọng. Để tìm hiểu sâu hơn về tính chất của dư luận xã hội và tác động của nó, bài viết sau đây sẽ trình bày về: “Phân tích các tính chất cơ bản của dư luận xã hội, cho ví dụ minh họa ở từng tính chất. Tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật”.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm dư luận xã hội:
1.1. Dư luận xã hội là gì?
Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự có liên quan đến lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định và hành động thực tiễn của họ.
1.2. Đối tượng của dư luận xã hội:
Đối tượng của dư luận xã hội không phải là mọi thực tế xã hội nói chung mà chỉ là những vấn đề được cộng đồng xã hội quan tâm tới vì nó có liên quan tới các nhu cầu lợi ích về vật chất hay về tinh thần của họ. Không phải bất cứ một sự kiện, hiện tượng nào cũng trở thành dư luận xã hội mà chỉ có các sự kiện hiện tượng xã hội có tính thời sự, cập nhật trình độ hiểu biết của công chúng, được công chúng quan tâm mới có khả năng trở thành đối tượng của dư luận xã hội.
Dư luận xã hội chỉ nảy sinh khi có những vấn đề có ý nghĩa xã hội đụng chạm đến lợi ích chung của cộng đồng xã hội, có tầm quan trọng và có tính cấp bách, đòi hỏi phải có ý kiến phán xét, đánh giá và đưa ra những phương hướng cụ thể. Đó có thể là vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hay đạo đức.
1.3. Chủ thể của dư luận xã hội:
Chủ thể của dư luận xã hội là cộng đồng người hay nhóm người mang dư luận xã hội. Dư luận xã hội bao gồm mọi luồng ý kiến của đa số cũng như ý kiến của thiểu số. Chủ thể của dư luận xã hội có thể là tập hợp những người thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau, thậm chí đối lập nhau về lợi ích mà nền tảng gắn kết họ lại với nhau lại là những đặc điểm tâm lí, nhận thức chung giữa họ.
1.4. Phân biệt dư luận xã hội với tin đồn:
Tin đồn cũng là một hiện tượng tâm lý xã hội. Nhưng tin đồn khác với dư luận xã hội ở chỗ tin đồn không phải là sản phẩm của tư duy phán xét của các nhân mang nó. Mà tin đồn “chỉ là tin tức về sự việc, sự kiện, hay hiện tượng có thể có thật, có thể không có thật hoặc chỉ có một phần sự thật được lan truyền từ người này sang người khác”.
Tin đồn là dạng thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng về sự trung thực và do đó chủ thể của tin đồn không được rõ ràng. Ngược lại, dư luận xã hội là sản phẩm của tư duy phán xét của cá nhân mang nó. Tin đồn có thể chuyển hóa thành dư luận xã hội khi trên cơ sở của tin đồn người ta đưa ra những phán xét bày tỏ thái độ của mình; khi thông tin được kiểm chứng và các nhóm xã hội có thể được tiếp cận với nguồn thông tin, trao đổi, bày tỏ ý kiến của mình thông qua con đường công khai.
Ví dụ từ tin đồn xã X chính quyềnnhận hối lộ phát triển lên thành dư luận xã hội. Nếu được giải quyết tốt thì kẻ nhận hối lộ bị nghiêm trị, tình hình ổn định và ngược lại nếu giải quyết không tốt sẽ làm tình hình lại càng trở nên phức tạp hơn.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Các tính chất của dư luận xã hội:
2.1. Tính khuynh hướng:
Hình thức thể hiện chính của dư luận xã hội là sự phán xét, đánh giá, thẩm bình, kiến nghị. Khuynh hướng chung trong các ý kiến đánh giá và thái độ của công chúng đối với mỗi sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội bao gồm tán thành, phản đối hay lưỡng lự. Cũng có thể phân chia dư luận xã hội theo các khuynh hướng như tích cực, tiêu cực; tiến bộ hoặc lạc hậu… Ở mỗi khuynh hướng, thái độ tán thành hoặc phản đối lại có thể phân chia theo các mức độ cụ thể như rất tán thành, tán thành, lưỡng lự, phản đối, rất phản đối.
Tính khuynh hướng cũng biểu thị sự thống nhất hay xung đột của dư luận xã hội. Xét theo các mức độ tán thành hoặc phản đối được nêu ở trên, nếu đồ thị phân bố dư luận xã hội có dạng hình chữ U thì biểu thị sự xung đột khi trong xã hội có hai loại quan điểm mâu thuẫn, đối lập nhau về cùng sự vật, hiện tượng. Nếu đồ thị có dạng hình chữ J biểu thị sự thống nhất khi trong xã hội chỉ có một loại quan điểm có tỉ lệ số người ủng hộ cao mà thôi.
Năm 2011, dư luận xã hội xôn xao về vụ án cướp tiệm vàng ở Bắc Giang của tội phạm Lê Văn Luyện và mức án phạt về ba tội danh: giết người, cướp tài sản, chiếm đoạt tài sản nhưng chỉ bị phạt tù 18 năm do Luyện chưa đến tuổi thành niên. Theo Điều 18 “Bộ luật dân sự năm 2015” qui định về Người thành niên, người chưa thành niên thì: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Và Điều 68 Bộ luật hình sự qui định về chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thì: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Trong vụ án này, Lê Văn Luyện sinh ngày 16/10/1993 và ngày gây án là 24/8/2011. Vì vậy, Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi, thuộc trường hợp người chưa thành niên phạm tội. Căn cứ vào điều 69 Bộ luật hình sự thì: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội…” Bản án không mấy bất ngờ bởi nó phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam song cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng bản án còn chưa thỏa đáng bởi giết người phải đền mạng. Lê Văn Luyện giết nhiều người, tội ác man rợ của Luyện phải trả giá bằng mức án cao nhất đó là tử hình. Những người như Luyện phải loại bỏ khỏi xã hội và nếu cứ đà xét xử tuổi vị thành niên phạm tôi đặc biệt nghiêm trọng mà không xử được tử hình hoặc chung thân thì xã hội sẽ còn nhiều kẻ xấu tuổi vị thành niên lợi dụng sự chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước để gây ra những vụ thảm án dã man hơn, có thể sẽ có nhiều cái chết đau thương hơn.
Nhưng bên cạnh đó, phần đông dư luận đồng tình với bản án này bởi nó tuân theo đúng các quy định, nguyên tắc của pháp luật hiện hành. Dư luận xã hội cho rằng Luyện đã giết người, không bị tử hình nhưng cái chết thảm thương của gia đình chủ tiệm vàng sẽ ám ảnh hắn đến cuối đời. Nhưng dù dư luận có phản ứng như thế nào đi chăng nữa thì Tòa án vẫn buộc phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật hình sự và điều quan trọng là Nhà nước đặt ra những giải pháp gì để không có những bản sao của Lê Văn Luyện trong tương lai.
Như vậy, ở vụ việc này, dư luận xã hội có hai khuynh hướng tán thành và phản đối. Đồ thị phân bố dư luận xã hội có dạng chữ U. Sự không thống nhất trong quan điểm, thái độ của dư luận xã hội về vấn đề nay là do tâm lý, hiểu biết xã hội, trình độ học vấn, hiểu biết, kiến thức pháp luật của mỗi người.
2.2. Tính lợi ích:
Để trở thành đối tượng của dư luận xã hội, các sự kiện, hiện tương xã hội đang diễn ra phải được xem xét từ góc độ chúng có mối quan hệ mật thiết với lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau trong xã hội. Tính lợi ích của dư luận xã hội được nhìn nhận trên hai phương diện là lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Lợi ích vật chất được nhận thức rõ nét khi các hiện tượng diễn ra trong xã hội có liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh tế và sự ổn định cuộc sống của đông đảo người dân.
Gần đây một vấn đề được đông đảo dư luận xã hội quan tâm là Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.Do không thống nhất được việc rút quy định xử phạt xe không chính chủ, Bộ Giao thông vận tải vừa đưa cả 2 luồng ý kiến khác nhau vào trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết địnhBan soạn thảo đã đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau.
Theo đó, ý kiến 1 cho rằng: Cần tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định lần này để buộc chủ phương tiện phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện. Tuy nhiên, cần mô tả lại hành vi vi phạm và điều chỉnh lại mức phạt cho phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan. Ý kiến 2: Chưa quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định lần này, vì qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định 71 cho thấy tính khả thi của quy định này chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện (đăng ký lại phương tiện sau khi được mua, cho, tặng, thừa kế) còn chưa thật sự thuận lợi dẫn đến còn tồn đọng một số lượng lớn xe chưa chuyển quyền sở hữu.Qua đây có thể thấy, một vấn đề chính phủ đưa ra có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Các vấn đề khác có thể có những cách đánh giá tương tự do công chúng của dư luận xã hội là những nhóm người khác nhau và họ khác nhau lợi ích vật chất.
Lợi ích tinh thần được đề cập khi các vấn đề, các sự kiện đang diễn ra đụng chạm đến hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán, khuôn mẫu hành vi ứng xử văn hóa của cộng đồng xã hội hoặc của cả dân tộc. Lợi ích là điều kiện cần để thúc đẩy việc tạo ra dư luận xã hội nhưng quan trọng chính là sự nhận thức của các nhóm xã hội về lợi ích của mình và mối quan hệ giữa chúng với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội đang diễn ra.
Bản thân nhận thức về lợi ích là một tiến trình biến đổi và phát triển giữa tính cá nhân và tính xã hội, giữa tính vật chất và tính tinh thần, giữa tính trước mắt và tính lâu dài. Đồng thời, quá trình trao đổi, thảo luận ý kiến để dẫn đến dư luận xã hội là một quá trình giải quyết mâu thuẫn lợi ích. Khi các luồng thông tin ảnh hưởng đến các hành động quan tâm của công chúng, dư luận xã hội sẽ hình thành mạnh mẽ và lan truyền nhanh chóng.
Chẳng hạn hiện nay, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của một số cường quốc trên thế giới như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận thế giới vì nhân loại nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ chiến tranh tiêu diệt loài người.
2.3. Tính lan truyền:
Dư luận xã hội được coi như biểu hiện của hành vi tập thể do đó cơ sở của nó là hiệu ứng phản xạ quay vòng, mà khởi điểm từ cá nhân hay nhóm xã hội nhỏ sẽ gây nên các chuỗi kích thích của các cá nhân khác, nhóm xã hội khác. Để duy trì chuỗi kích thích này luôn cần các nhân tố tác động lên cơ chế hoạt động tâm lý của các cá nhân hay nhóm xã hội. Đối với dư luận xã hội, các nhân tố tác động đó có thể được coi là các thông tin bằng hình ảnh, âm thanh sống động, trực tiếp và có tính thời sự. Dưới tác động của các luồng thông tin này, các nhóm công chúng khác nhau sẽ cùng được lôi cuốn vào quá trình bày tỏ quan tâm của mình thông qua hoạt động trao đổi bàn bạc, tìm kiếm thông tin, cùng chia sẻ trạng hái tâm lý của mình với người xung quanh.
Đầu năm 2012, làn sóng dư luận trong nước không ngừng bàn luận về vụ án cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là vụ án tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vĩnh Quang và UBND huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, bộc lộ những hạn chế trong việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương, thu hút đông đảo dư luận trong nước. Kết quả của vụ án này là 4 chiến sĩ công an huyện và 2 chiến sĩ thuộc ban chỉ huy quân sư huyện Tiên Lãng bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức.
Vụ việc hàm chứa nhiều ý nghĩa chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, kéo theo phản ứng tức thời và sâu sắc của báo chí và người dân, người dân với báo chí. Vụ việc này đã khởi nguồn không chỉ từ những tờ báo in và báo điện tử chuyên về chính trị – xã hội, mà còn lan rộng ra cả nhiều tờ báo chuyên ngành về kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục và nông thôn. Có ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng đã sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói, trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Ông cũng cho rằng “Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm.
Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được và sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai”. Theo ông Vươn cho biết do “không còn con đường nào khác nên buộc phải chống lại. Anh em chúng tôi không muốn gây chết người tại mảnh đất của mình nên đã cảnh báo trước khi xảy ra vụ cưỡng chế”. Còn người dân Tiên Lãng đã không giấu nổi niềm vui. Theo họ, kết luận của Thủ tướng đã “phục hồi” niềm tin của dân vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và sự công bằng đã được trả lại cho những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.
2.4. Tính bền vững tương đối và tính dễ biến đổi:
Dư luận có tính bền vững tương đối lại vừa có tính dễ biến đổi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với những sự kiện, hiện tượng hay quá trình quen thuộc, dư luận xã hội thường rất bền vững. Ví dụ cho tính chất này là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Đã có thời kì, có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này, nhưng đa số đều thống nhất con đường xã hội chủ nghĩa là duy nhất. Một số bộ phận phản động Việt quốc, Việt cách đã tìm cách tuyên truyền, thêm thắt, bịa đặt không tốt để chống phá cách mạng và con đường chủ nghĩa xã hội của ta.
Tuy nhiên, những thông tin không chính xác, phản động đã bị Nhà nước xóa bỏ, khắc phục. Thực tế gần 20 năm đổi mới, những thành tựu về kinh tế, chính trị, khoa học xã hội đã minh chứng một cách rõ nét nhất về sự lựa chọn của nhân dân, của Đảng là đúng đắn và khẳng định đó là một tất yếu khách quan.
Tính biến đổi của dư luận xã hội thường được xem xét trên hai phương diện sau:
Thứ nhất, biến đổi theo không gian và môi trường văn hóa. Hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang tồn tại trong nền văn hóa của cộng đồng người quyết định sự phán xét, đánh giá của dư luận xã hội về các sự kiện, hiện tượng hay quá trình xã hội. Với cùng một sự việc, sự kiện xảy ra, dư luận xã hội ở các cộng đồng người khác nhau lại thể hiện sự phán xét đánh giá khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam, bò được xem là một con vật nuôi, cung cấp sức kéo, lấy sữa, thịt bò là một món ăn được nhiều người ưa thích. Nhưng đối với người Ấn Độ theo đạo Hin đu thì bò là một loài vật thiêng, những tín đồ ăn thịt bò sẽ bị dư luận lên án một cách gay gắt.
Thứ hai, biến đổi theo thời gian: Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều giá trị văn hóa, chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán có thể bị biến đổi ngay trong cùng một nền văn hóa-xã hội dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá của dư luận xã hội. Chẳng hạn như thời phong kiến, chế độ đa thê-người đàn ông cùng lúc có thể có nhiều vợ được dư luận xã hội dễ dàng chấp nhận, nhưng thời đại ngày nay thì không. Hôn nhân hiện đại là chế độ một vợ một chồng, người đàn ông nào cùng lúc có nhiều vợ là vi phạm pháp luật và bị xã hội lên án.
Phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể, dư luận xã hội còn biến đổi theo đối tượng của phán xét, đánh giá khi công chúng phát hiện thêm các mối liên quan giữa đối tượng ban đầu với các sự kiện, hiện tượng, quá trình diễn ra kèm theo nó. Mặt khác, xuất phát từ các phán xét, đánh giá bằng lời, dư luận xã hội có thể chuyển hóa thành các hành động mang tính tự phát hoặc có tổ chức để thể hiện thái độ đồng tình hay phản đối của mình. Chẳng hạn như dư luận cảm thông, đồng cảm với hoàn cảnh của những trẻ em mồ côi, khuyết tật (thể hiện bằng ý kiến), đồng thời, chính người dân đã quyên góp từ thiện (thể hiện bằng hành động) để giúp những trẻ em rơi vào hoàn cảnh này.
Dư luận xã hội về những vấn đề của đời sống xã hội có thể ở trạng thái tiềm ẩn, không bộc lộ bằng lời (dư luận của đa số im lặng). Trong những xã hội thiếu dân chủ, dư luận xã hội đích thực thường tồn tại dưới dạng tiềm ẩn. Trong xã hôi cũng có những dư luận xã hội tiềm ẩn về những sự việc, sự kiện sắp tới chưa xảy ra. Ví dụ trong thời kì phong kiến, tầng nông dân luôn bị áp bức, bóc lột nhưng không ai dám lên tiếng. Người dân đều oán giận, căm ghét giai cấp đại chủ, vua chúa phong kiến nhưng không thể hiện ra ngoài.
2.5. Tính tương đối trong khả năng phản ánh thực tế xã hội của dư luận xã hội:
Sự phản ánh của dư luận xã hội có thể đúng hoặc sai do đó không nên tuyệt đối hóa khả năng nhận thức từ dư luận xã hội. Chân lý của dư luận xã hội không phụ thuộc vào tính chất phổ biến của nó. Không phải lúc nào dư luận của đa số cũng đúng hơn của thiểu số. Cái mới lúc đầu thường chỉ có một số người nhận thấy, do đó dễ bị đa số phản đối. Đối với những vấn đề trừu tượng, phức tạp, dư luận của giới trí thức, của những người có trình độ học vấn cao thường chín chắn hơn so với những người có trình độ học vấn thấp.
Chẳng hạn khi nói về chế độ chính trị ở Việt Nam, một số bộ phận phản động đã tuyên truyền về việc ở Việt Nam chỉ có một chính Đảng lãnh đạo, điều đó sẽ tạo ra sự độc quyền, chuyên chế, hạn chế tính dân chủ. Những dư luận chúng tạo ra làm ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc và đi sai lệch định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhưng một số ít công dân thiếu hiểu biết đã tin vào dư luận do bọn phản cách mạng tạo ra gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, lan truyền những dư luận sai lệch. Như vậy, không phải thông tin nào của dư luận xã hội đều đúng tuyệt đối. Trình độ học vấn, hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội quyết định tính chất tốt xấu, lợi hại của dư luận xã hội.
3. Tác động của dư luận xã hội đối với ý thức xã hội:
Ý thức pháp luật là một hình thái của ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại xã hội từ góc nhìn pháp luật, là toàn bộ các tư tưởng, quan điểm của một giai cấp về bản chất và vai trò của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội. Nhưng trước khi xuất hiện nhà nước, pháp luật và cùng với đó là ý thức pháp luật, những yếu tố tham gia định hướng và điều chỉnh ý thức, hành vi xã hội của con người lại chính là đạo đức, phong tục, tập quán, truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng… đặc biệt là dư luận xã hội. Dựa vào cấu trúc của ý thức pháp luật, ta có thể đứng trên nhiều góc độ khác nhau để phân tích sự tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật. Trong phạm vi bài viết, em xin tập trung phân tích sự tác động của dư luận xã hội đối với hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật.
3.1. Sự tác động của dư luận xã hội đến hệ tư tưởng pháp luật:
Hệ tư tưởng pháp luật là tổng hợp các tư tưởng, quan điểm, quan niệm có tính chất lý luận và khoa học về pháp luật, phản ánh về pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, tự giác dưới dạng các khái niệm, các phạm trù khoa học. Hệ tư tưởng pháp luật phản ánh trình độ nhận thức cao, có văn trong xã hội.
Dư luận xã hội tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và phát triển của hệ tư tưởng pháp luật. Với tư cách một hiện tượng xã hội, dư luận xã hội phản ánh tồn tại xã hội nói chung, đồng thời phản ánh các sự kiện, hiện tượng pháp lí xảy ra trong đời sống xã hội. Sự bàn luận, trao đổi ý kiến giữa các thành viên trong xã hội về các sự kiện, hiện tượng pháp lý đưa tới kết quả là, họ đạt tới sự nhận thức chung, thống nhất trong các phán xét, đánh giá về sự việc, sự kiện pháp lý.
Trên cơ sở của sự phán xét, đánh giá về các sự kiện, hiện tượng pháp luật diễn ra trong đời sống xã hội, dư luận xã hội làm nảy sinh trong nhận thức của mọi người những khái niệm cơ sở, mang tính bề ngoài, ngẫu nhiên và sau đó là những tri thức phản ánh đúng đắn bản chất của các hiện tượng pháp lý. Từ đó hình thành nên các quan niệm, quan điểm, tư tưởng phản ánh những vấn đề có liên quan đến pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, có tính hệ thống trong xã hội. Điều đó nói lên sự tác động mạnh mẽ của dư luận xã hội đối với quá trình hình thành và phát triển của hệ tư tưởng pháp luật.
Dư luận xã hội lan truyền càng rộng thì càng có xu hướng thống nhất về nội dung các phán xét, đánh giá, càng làm cho mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc. Do đó, ảnh hưởng của dư luận xã hội đối với hệ tư tưởng pháp luật còn thể hiện ở chỗ dư luận xã hội tham gia vào việc phổ biến, tuyên truyền trong các tầng lớp xã hội những giá trị pháp luật, các tư tưởng, quan điểm pháp luật.
Hệ tư tưởng pháp luật chính thống của một xã hội nhất định bao giờ cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Do đó, trong mỗi học thuyết, quan điểm pháp lý đều chứa đựng những tư tưởng về quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội và ý chí của một giai cấp nhất định. Chúng nảy sinh, tồn tại phát triển hay bị thủ tiêu đều phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Khi giai cấp thống trị là lực lượng tiến bộ trong xã hội, có lợi ích giai cấp phù hợp với lợi ích cơ bản của các lực lượng xã hội khác thì tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội của hệ tư tưởng pháp luật sẽ thể hiện nổi trội, rõ nét.
Trong điều kiện như vậy, nội dung của các nhận định, đánh giá về những sự kiện, hiện tượng pháp lý mà dư luận xã hội đưa ra sẽ tương ứng và phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật của hệ tư tưởng pháp luật chính thống, nghĩa là ý chí của giai cấp cầm quyền có nhiều nét tương đồng với dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ và tích cực tới sự hình thành, phát triển và phổ biến hệ tư tưởng pháp luật trong xã hội.
Đối với đại đa số quần chúng nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn có tầm quan trọng hàng đầu. Dư luận xã hội đóng vai trò bảo vệ những quyền lợi, các giá trị phổ biến của xã hội, cũng như các giá trị, lợi ích cá nhân chính đáng của con người. Mỗi khi quyền lợi, các giá trị của quốc gia, dân tộc bị xâm hại thì dư luận xã hội lập tức xuất hiện với thái độ lên án, phản đối gay gắt.
Ví dụ về việc tranh chấp chủ quyền biển Đông có nhiều ý kiến tranh luận, bàn bạc về vấn đề này thông qua các website, báo chí, truyền thông. Đa số mọi người đều cho rằng: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, thuộc chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam và được ghi nhận trên bản đồ thế giới. Hiện nay, trên các website, công dân yêu nước đã và đang lập các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc như: “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam” phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc.
Đi từ ý kiến thảo luận, bàn bạc, Việt Nam đã có những hành động cụ thể để thể hiện ý kiến của cộng đồng và vì lợi ích của dân tộc. Trong ví dụ này, nội dung phản ánh các sự kiện, hiện tượng pháp lý của dư luận xã hội phù hợp với hệ tư tưởng pháp luật tiến bộ, đang phổ biến trong xã hội, đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng của đông đảo các lực lượng tiến bộ trong xã hội. Điều đó cho thấy, dư luận xã hội có tác dụng củng cố, bảo vệ tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội của hệ tư tưởng pháp luật.
Như vậy, có thể nói, dư luận xã hội với tư cách một hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội luôn có tác động mạnh mẽ đến hệ tư tưởng pháp luật. Một mặt, thông qua quá trình trao đổi, thảo luận ý kiến giữa các nhóm xã hội về những sự kiện, hiện tượng pháp luật diễn ra trong xã hội, dư luận xã hội góp phần làm nảy sinh các quan điểm, quan niệm, tư tưởng phản ánh những vấn đề có liên quan đến pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, có tính hệ thống trong xã hội. Mặt khác, dư luận xã hội có tác dụng phổ biến, tuyên truyền trong các tầng lớp xã hội những giá trị pháp luật, các tư tưởng, quan điểm pháp luật tiến bộ, nhân văn.
3.2. Sự tác động của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật:
Tâm lý pháp luật hình thành một cách tự phát dưới dạng tình cảm, cảm xúc, tâm trạng của các cá nhân và các nhóm xã hội đối với pháp luật, cũng như những hiện tượng pháp lý diễn ra trong đời sống xã hội. Tâm lý pháp luật chỉ biểu hiện cấp độ nhận thức thông thường dựa trên cơ sở tình cảm pháp luật truyền thống, kinh nghiệm sống, tập quán và tâm lý xã hội.
Tâm lý pháp luật, cũng như những yếu tố tâm lý vốn có của con người là sự phản ánh trực tiếp các sự kiện, hiện tượng bên ngoài có liên quan đến pháp luật. Những sự kiện, hiện tượng pháp luật đó đồng thời cũng là đối tượng phản ánh của dư luận xã hội. Vì vậy, ảnh hưởng của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật được thể hiện trên các phương diện sau.
Một là, dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ tới tình cảm pháp luật. Tình cảm pháp luật là yếu tố cơ bản của tâm lý pháp luật, thường được hình thành một cách tự phát dưới ảnh hưởng của hoạt động giao tiếp hàng ngày của con người với môi trường pháp lý xung quanh. Và, do là yếu tố mang tính tự phát, chịu sự chi phối của phong tục, tập quán, kinh nghiệm sống và nếp sống của con người, nên tình cảm pháp luật có thể được bộc lộ dưới dạng các phản ứng tích cực, cũng như tiêu cực của mỗi người trước những sự kiện, hiện tượng pháp lý diễn ra trong thực tế.
Do vậy, tình cảm pháp luật có thể biểu hiện dưới dạng tích cực, như thái độ phản ứng lại các hành vi vi phạm pháp luật, yêu công lý, đề cao công bằng xã hội, đề cao trách nhiệm pháp lý… cũng có thể biểu hiện dưới dạng tiêu cực, như cổ vũ cho hành vi phạm pháp, chống đối người thi hành .công vụ, làm ngơ trước người bị hại… Tất cả những biểu hiện đó của tình cảm pháp luật đều là đối tượng phán xét, đánh giá của dư luận xã hội.
Trong thực tiễn đời sống pháp luật, trước những diễn biến của một sự kiện hay hiện tượng pháp luật, dư luận xã hội thường nảy sinh và biểu hiện ở hai xu hướng: thứ nhất, khen ngợi, biểu dương tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước các hành vi vi phạm pháp luật, ủng hộ những việc làm phù hợp với quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân, thứ hai, phê phán, lên án các hành vi sai trái, phạm pháp, phạm tội. Về mặt tình cảm, không ai muốn mình trở thành đối tượng phán xét của dư luận xã hội, không ai muốn hứng chịu sức ép của “búa rìu xã hội”.
Do vậy, mỗi cá nhân đều mong muốn có thể kiểm soát, điều chỉnh tình cảm và hành vi của mình sao cho phù hợp với ý chí chung của cộng đồng xã hội. Với ý nghĩa đó, dư luận xã hội tác động mạnh mẽ tới tình cảm pháp luật, góp phần định hướng cho sự hình thành tình cảm pháp luật tích cực, đúng đắn của mỗi công dân.
Hai là, dư luận xã hội tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp. Tâm trạng của con người trước luật pháp là sự thể hiện trạng thái tâm lý của các cá nhân trước các sự kiện, hiện tượng pháp lý diễn ra trong đời sống xã hội thường ngày. Đây là yếu tố rất linh động, dễ thay đổi của tâm lý pháp luật. Do sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố, như điều kiện sống, lao động, sinh hoạt hàng ngày mà tâm trạng của con người thường được thể hiện ra ở các trạng thái đối lập: hưng phấn-ức chế, lạc quan-bi quan, hy vọng-thất vọng, quan tâm-thờ ơ, nhiệt tình-lãnh đạm… trước thực tiễn cuộc sống.
Tuỳ thuộc đang trong tâm trạng hưng phấn, nhiệt tình, người ta dễ có những phản ứng mạnh mẽ, tích cực trước các hành vi vi phạm pháp luật ở nơi công cộng, còn khi không tin tưởng vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, người ta thường thờ ơ trước các sự kiện pháp lý… Những tâm trạng đó được bộc lộ trong nội dung các phán xét, đánh giá của dư luận xã hội và qua đó, dư luận xã hội tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp.
Với tư cách là sự thể hiện ý chí chung của cộng đồng xã hội, dư luận xã hội có thể động viên, khích lệ, khơi gợi niềm tin của các thành viên trong xã hội đối với sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đưa ra những lời khuyên, tư vấn về cách ứng xử trước một thực tiễn pháp luật nhất định.
Dư luận xã hội có thể tác động, làm nảy sinh trong mỗi người tâm trạng xúc động trước hành vi thể hiện ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Đây là một biểu hiện cao của lương tâm con người, hướng con người tới ý muốn noi theo những người có thái độ tự giác chấp hành các nguyên tặc, quy định của pháp luật, tuân theo quy luật hướng thiện. Thông qua việc tạo ra những “khuôn mẫu tư duy”, “khuôn mẫu hành động” cho các thành viên trong xã hội, dư luận xã hội hướng con người theo gương người tết, việc tất trong lĩnh vực chấp hành pháp luật. Điều đó nói lên rằng, dư luận xã hội có ảnh hưởng tích cực tới tâm trạng của con người trước luật pháp.
Ba là, thông qua dư luận xã hội, các cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình trong phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hiện hành. Tâm lý pháp luật không chỉ biểu hiện ở tình cảm pháp luật, tâm trạng của con người trước luật pháp, mà nó còn được biểu hiện ra ở việc các cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình trong môi trường điều chỉnh của pháp luật.
Hành vi pháp luật của con người, trong chừng mực nhất định, chính là sự hiện thân của tình cảm pháp luật và tâm trạng trước luật pháp của họ. Cách thức mà mỗi cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình có thể biểu hiện dưới dạng cảm xúc, như tự hào, phấn khởi hay e ngại, xấu hổ, lo lắng… Những phán xét, đánh giá (khen-chê, biểu dương-lên án…) của dư luận xã hội đối với hành vi của các cá nhân, ở một mức độ nào đó, đều tham gia vào việc điều chỉnh hành vi pháp luật của cá nhân.
Nói cách khác, dư luận xã hội, trong trường hợp này, là “tấm gương” để mỗi cá nhân tự soi mình vào đó mà định hướng, điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân. Sức mạnh đặc trưng của dư luận xã hội khiến cho mỗi cá nhân luôn phải suy nghĩ, xem xét trước khi thực hiện một hành vi pháp luật nào đó: hành vi đó đúng hay sai? phù hợp hay không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành? Nếu thực hiện một hành vi nào đó thì có bị dư luận xã hội lên án hoặc phải chịu sự xử lý theo các nguyên tắc luật định không? Điều đó cho thấy, dư luận xã hội luôn có tác động tới cách thức mà mỗi cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình.
KẾT LUẬN
Qua bài tiểu luận, ta có thể nắm được năm tính chất của dư luận xã hội: tính khuynh hướng, tính lợi ích, tính lan truyền, tính bền vững tương đối và dễ biến đổi, tính tương đối và tác dụng của nó tới lĩnh vực pháp luật để từ đó có cái nhìn khách quan về bản chất của dư luận xã hội. Bởi vậy cần phát huy tối đa các tác dụng tích cực của dư luận xã hội, nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Đồng thời, với tư cách là một phương thức tồn tại đặc biệt của thức xã hội, dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ đến ý thức pháp luật trên cả hai góc độ: hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về dư luận có ý nghĩa lớn về mặt vật chất và tinh thần của con người, là phương tiện quan trọng và mạnh mẽ để nhân dân phát huy quyền làm chủ và tính tích cực của công dân đối với đất nước.