“Đối tượng được cấp phép”, “đặc điểm và các loại cấp phép” đang là các cụm từ được tìm kiếm rất nhiều trên các trang web trong thời gian gần đây. Không phải ngẫu nhiên các cụm từ này được tìm kiếm nhiều như vậy, có thể thấy việc hiểu về đối được được cấp phép, các loại cấp phép và vấn đề vấn đề pháp lý xoay quanh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Mục lục bài viết
1. Đối tượng được cấp phép là gì?
Trong tiếng anh đối tượng được cấp phép được gọi là licensee.
Về khái niệm của đối tượng được cấp phép, đối tượng được cấp phép được hiểu là bất kỳ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đã được một chủ thể khác cấp phép phù hợp với các quy định pháp luật. Mục đích của việc cấp phép là nhằm cho phép các chủ thể được cấp phép tham gia vào một hoạt động nào đó. Cấp phép có thể được thể hiện dưới dạng văn bản một cách rõ ràng hoặc ý ngầm hiểu là đã được cấp phép.
2. Đặc điểm và các loại cấp phép:
2.1. Đối tượng được cấp phép có những đặc điểm gì?
Để được cấp phép, đối tượng được cấp phép phải chi trả hoàn toàn các chi phí phục vụ cho việc cấp phép. Khoản chi phí này được gọi là phí cấp phép. Doanh thu cấp phép được hình thành khi đối tượng được cấp phép thực hiện việc thanh toán khoản phí cấp phép, phí cấp phép được xác định dựa trên kết quả của thỏa thuận liên quan.Khi đã được cấp phép, đối tượng được cấp phép được hiểu là đã nhận sự cho phép một cách hợp pháp từ phía chủ thể liển quan, khi chủ thể đó đang giữ quyền hạn nhất định, quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát.
Doanh thu cấp phép là nguồn thu kiếm được của một cá nhân, tổ chức từ việc cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng tài sản liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ thuộc bản quyền của mình hoặc đã được cấp bằng sáng chế của cá nhân, tổ chức nhận nguồn thu.Tài sản trí tuệ được cấp phép của cá nhân, tổ chức được một chủ thể khác sử dụng, thì chủ thể sử dụng đó phải trả một khoản tiền gọi là phí cấp phép cho cá nhân, tổ chức tạo ra sản phẩm đã được cấp phép khi chủ thể đó đang sử dụng chúng.
Trong đặc điểm của đối tượng được cấp phép có nhắc đến thỏa thuận kinh doanh, thỏa thuận kinh doanh được hiểu là sự đồng nhất về ý kiến quan điểm của các bên trong kinh doanh, có thể là đồng nhất hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, đồng nghĩa với việc không có bất cứ quan điểm đối lập nào từ các bên, theo đó các bên thống nhất với nhau rằng các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sẽ được tự nguyện thực hiện bằng ý kiến chung trước đó, vì lợi ích của các bên. Các bên có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác nhau như: thỏa thuận miệng, thỏa thuận bằng văn bản,… Theo đó, hợp đồng cũng được coi là một dạng của thỏa thuận kinh doanh.
2.2. Các loại cấp phép hiện nay:
Trong kinh doanh, người ta thường phân loại cấp phép để việc quản lý, kiểm soát trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, cấp phép thường được phân loại thành: cấp phép chính phủ, cấp phép thương hiệu, cấp phép ngụ ý và nhượng quyền.
Giấy phép chính phủ
Thông qua giấy phép chính phủ, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương có thể giám sát và quản lý các chủ thể kinh doanh một cách dễ dàng, khoa học và theo cơ chế nhất định.
Một ví dụ điển hình về giấy phép chính phủ đó là Giấy phép bán lẻ rượu, thông qua loại giấy phép này, chính quyền địa phương triển khai, đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật của địa phương mình, liên quan đến các loại đồ uống có cồn, theo đó, bằng việc quản lý và giám sát việc bán rượu, địa phương sẽ nhận được nguồn doanh thu bổ sung liên quan đến hoạt động này.
Để được cấp giấy phép bán lẻ rượu, Theo Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1/11/2017) thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP, quy định thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh rượu, chủ thể kinh doanh sẽ phải thực hiện theo những bước sau:
– Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
– Đối với cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, Giấy phép phân phối rượu và Giấy phép bán buôn rượu:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày, làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
– Đối với cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Giấy phép ngụ ý
Ngay từ cái tên của loại giấy phép này đã cho thấy sự không rõ ràng về hình thức thể hiện chúng, nó không được thể hiện hiện dưới hình thức rõ nét theo quy định của pháp luật mà ngược lại đó là một môi quan hệ mơ hồ. Để người đọc dễ hình dung, chúng tôi xin đưa ra một ví dụ điển hình sau: Khi một tòa nhà đang cháy, lính cứu hỏa sẽ phải lao vào tòa nhà để dập tắt đám cháy, kể cả khi chủ sở hữu của tòa nhà đó không có mặt để phê duyệt hành vi này, khi đó sự cho phép này sẽ được coi là một dạng của giấy phép ngụ ý. Trong kinh doanh cũng vậy, khi xét đến khái niệm của loại giấy phép này, ta sẽ xét đến việc đối tượng cấp phép sẽ được bên cấp phép ngầm cho phép sử dụng tài sản nhất định.
Nhượng quyền
“Nhượng quyền” là thuật ngữ phổ biến được nhắc đến trong nhượng quyền thương mại, theo đó, bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận quyền sử dụng một tài sản nhất định của mình thông qua việc cấp quyền cho bên nhận quyền. Bằng thỏa thuận nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền sẽ được cấp độc quyền đối với tài sản của bên nhượng quyền trong một khu vực nhất định. Ví dụ: Bên nhận quyền được cấp quyền sử dụng: nhãn hiệu, chuỗi cung ứng hoặc tài sản trí tuệ khác từ bên nhượng quyền.
Cấp phép thương hiệu
Cấp phép thương hiệu là việc người cấp phép cho phép một chủ thể khác được quyền sử dụng logo, nhãn hiệu thuộc sở hữu và sản xuất riêng của mình. Đối với cấp phép thương hiệu, người được cấp phép sẽ có quyền sử dụng logo và nhãn hiệu của người cấp phép. Một số lưu ý cho bên sở hữu đối tượng được cấp phép thương hiệu:
Tên thương mại: Theo Điều 77 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 quy định về Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại:“Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.” Theo đó, các đối tượng thuộc Điều luật này sẽ không được bảo hội với danh nghĩa tên thương mại. Còn đối với các chủ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh như bên sở hữu đối tượng được cấp phép nêu trên, trong quá trình sử dụng thương hiệu là tên thương mại, để sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp mà không cần đăng ký, bảo hộ với cơ quan có thẩm quyền thì tên thương mại đó phải có khả năng phân biệt giữa chủ thể kinh doanh có tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh có tên thương mại khác trong cùng một khu vực kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh. Theo đó, để được sở hữu độc quyền đối với tên thương mại (ví dụ: tên cửa hàng), đồng thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm của các chủ thể, đối tượng khác thì bên sở hữu tên thương mại cần đảm bảo rằng tên cửa hàng không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của người khác; tên thương mại mà người khác đã sử dụng từ trước đó trong cùng khu vực và lĩnh vực kinh doanh; hoặc chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng. Lưu ý, các đối tượng này không thuộc những trường hợp quy định tại điều 77 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009, 2019.
3. Một số lưu ý cho bên sở hữu đối tượng được cấp phép thương hiệu:
Logo, slogan và nhãn hiệu: Để logo và nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định pháp luật, chủ sở hữu phải thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ thường được đặt tên như sau: tên sản phẩm + Logo của sản phẩm đó. Pháp luật hiện hành không có quy định chi tiết về bảo hộ slogan, vì thế, có nhiều ý kiến được đưa ra bàn luận liên quan đến vấn đề nên hay không nên bảo hộ đối với slogan. Mặc dù vậy hiện nay, để bảo hộ quyền lợi cho chủ sở hữu của chúng, slogan thường được bảo hộ như một nhãn hiệu theo quy đinh của pháp luật. Khi chủ sở hữu có nhu cầu muốn được bảo hộ cả nhãn hiệu, logo và slogan thông qua hình thức đăng ký nhãn hiệu một lần thì chủ sở hưu có thể thiết kế các mẫu nhãn hiệu có đủ các phần là: Phần hình và phần chữ, lưu ý là cần thể hiện một cách đầy đủ các thành phần này. Ngoài ra, để được pháp luật bảo hộ, được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ thì các đối tượng này cần đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện về bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định pháp luật.