Đối tượng vay tín dụng đầu tư của Nhà nước? Điều kiện vay tín dụng đầu tư của Nhà nước? Bản chất vay tín dụng đầu tư của Nhà nước?
Tín dụng là phương thức không thể đối với nền kinh tế hội nhập và phát triển như hiện nay. Đây chính là một hoạt động hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức có cơ hội được đầu tư phát triển, xây dựng kinh tế. Và vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là một phần không thể trong quá trình này. Vậy, đối tượng, điều kiện và bản chất vay tín dụng đầu tư của Nhà nước? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đền này.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Đối tượng vay tín dụng đầu tư của Nhà nước:
Căn cứ theo Điều 5, Nghị định 32/2017/NĐ-CP quy định đối tượng cho vay như sau:
– Đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là khách hàng có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định. Cụ thể:
STT | NGÀNH NGHỀ, LĨNH VỰC | GIỚI HẠN QUY MÔ |
I | KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ – XÃ HỘI | |
1 | Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt. | Nhóm A, B và C |
2 | Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, bệnh viện và các cụm công nghiệp, làng nghề. | Nhóm A, B |
3 | Dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật | Nhóm A, B và C |
4 | Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ, khu chế xuất, khu công nghệ cao. | Nhóm A, B |
5 | Dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng bệnh viện công | Nhóm A, B và C |
II | NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN (Không phân biệt địa bàn đầu tư) | |
1 | Dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy hải sản sử dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ | Nhóm A, B |
2 | Dự án đầu tư nhà máy sản xuất muối công nghiệp. | Nhóm A, B |
3 | Dự án giết mổ gia súc và gia cầm tập trung | Nhóm A, B |
III | CÔNG NGHIỆP | |
1 | Dự án đầu tư sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc cai nghiện, vắc xin thương phẩm và thuốc chữa bệnh HIV/AIDS; sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP. | Nhóm A, B |
2 | Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng: Gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh học, điện sinh khối và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo; Dự án sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích theo quy định của pháp luật. | Nhóm A, B |
3 | Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. | Nhóm A, B và C |
4 | Dự án đầu tư sản xuất phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng. | Nhóm A, B và C |
5 | Dự án đầu tư thuộc danh mục các ngành công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. | Nhóm A, B và C |
6 | Dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn | Nhóm A, B |
7 | Dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch; Dự án đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. | Nhóm A, B và C |
8 | Dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo danh mục công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật hiện hành. | Nhóm A, B |
9 | Dự án đầu tư thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. | Nhóm A, B |
IV | Các dự án đầu tư tổ chức thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang (không bao gồm dự án nhiệt điện, sản xuất xi măng, sắt thép; dự án đầu tư đường bộ, cầu đường bộ, đường sắt và cầu đường sắt). | |
V | Các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ; các dự án cho vay theo Hiệp định của Chính phủ. | Nhóm A, B |
– Trường hợp các dự án nêu trên đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định trên.
2. Điều kiện vay tín dụng đầu tư của Nhà nước:
Căn cứ Điều 6 đối với điều kiện cho vay được quy định khách hàng phải đáp ứng tất cả các điều kiện như sau:
Một, khách hàng phải thuộc các đối tượng được quy định tại mục 1;
Hai, có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
- Năng lực pháp luật là khả năng có quyền, nghĩa vụ pháp lý do nhà nước quy định cho các cá nhân, tổ chức nhất định. Đây được xem là phần tối thiểu trong năng lực chủ thể tham gian bất kỳ mối quan hệ hay giao dịch nào với chủ thể khác. Tuy nhiên đây không phải là thuộc tính tự nhiên có mà do nhà nước quy định cho chủ thể. Đối với cá nhân sẽ có năng lực pháp luật dân sự tức là cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật của pháp nhân đối với tổ chức bao gồm năng lực hành vi và năn lực pháp luật được pháp luật quy định. Khác với năng lực cá nhân năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân phát sinh cùng thời điểm với nhau, ngay tại thời điểm được phép thành lập.
- Thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật được quy định cụ thể và chi tiết tại Luật đầu tư.
Ba, dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay.
Bốn, có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Năm, thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP và quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Khách hàng khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư dự án phải thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Đối với từng dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cụ thể các biện pháp đảm bảo tiền vay theo, quy định của pháp luật. Trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam và khách hàng thực hiện thủ tục đảm bảo tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Sáu, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay.
Bảy, mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay.
Tám, khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.
Như vậy để có thể được Nhà nước cho vay thì cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Đây là quy định bắt buộc do đó các chủ thể cần phải chuẩn bị các điều kiện này để được thực hiện vay vốn.
3. Bản chất vay tín dụng đầu tư của Nhà nước:
Đây là loại tín dụng đầu tư của Nhà nước phục vụ cho các đối tượng có tính chất kinh tế vừa có tính chất xã hội để thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định. Do đó sẽ mang những bản chất sau đây:
Một, tín dụng của Nhà nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đang phát triển, đóng vai trò then chốt, quan trọng trong đời sống. Đây là đòn bẩy đối với nền kinh tế của đất nước hoặc trong khu vực.
Hai, điểm khác biệt của loại hình này khác với so những loại tín dụng khác đó chính là lãi suất cho vay. Lãi suất được tính dựa trên mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu của Ngân hàng phát triển Việt Nam do Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Ba, đồng tiền cho vay và thu hồi nợ chỉ có duy nhất một loại đó chính là đồng Việt Nam. Và đối với các dự án ODA dự án cho vay từ nguồn vốn vay nước ngoài, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được cho vay và thu hồi nợ bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bốn, tín dụng cho vay của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà tín dụng thương mại với mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận không thể giải quyết được do hiệu quả trực tiếp cho các nhà đầu tư không được đảm bảo, do quy mô nguồn vốn quá lớn, thời gian thu hồi kéo dài, các rủi ro tác động cao…Ngoài ra còn mục đích giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước như việc làm, xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ vùng nông thôn, núi, hải đảo…
Đây chính là bản chất vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện nay. Theo nhịp sống và nhu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế, hội nhập thị trường trong tương lai thì bản chất của tín dụng sẽ không dừng lại tại đây mà còn phát sinh nhiều vấn đề liên quan khác nhưng là phần vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hội nhập và phát triển như hiện nay.