Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là gì?
Nhìn chung, nội dung và phương pháp là hai khía cạnh quan trọng – bao trùm phần lớn công việc của những người làm giáo dục. Hai yếu tố này sẽ quyết định phần lớn hiệu quả của công tác giáo dục và có tác động không nhỏ tới cả người dạy và người học. Để xây dựng nền tảng lý thuyết vững chắc cho quá trình nghiên cứu việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, trước hết cần làm sáng tỏ nội hàm hai khái niệm: (1) Nội dung giáo dục và (2) Phương pháp giáo dục. Cụ thể:
(1) Nội dung giáo dục: Theo tác giả Trần Thị Tuyết Oanh, khái niệm “Nội dung giáo dục” được hiểu là “hệ thống những tri thức, những chuẩn
mực đạo đức cần giáo dục cho học sinh, những tình cảm, thái độ, hành vi – thói quen trong các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Những nội dung này thường chịu sự chi phối, định hướng của mục đích giáo dục và những quy định mà pháp luật giáo dục mỗi quốc gia đặt ra. Luật Giáo dục Việt Nam hiện hành ghi nhận các yêu cầu đối với nội dung giáo dục đối với từng bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Cụ thể nội dung giáo dục phải đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học”.
(2) Phương pháp giáo dục: Còn được biết đến với những tên gọi khác như phương pháp dạy học, phương pháp giảng dạy, giáo dục học, sư phạm..., phương pháp giáo dục có thể hiểu một cách khái quát là cách thức, biện pháp sử dụng các nguồn lực trong lĩnh vực giáo dục (giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng học tập...) để giáo dục học viên. Phương pháp giáo dục đã xuất hiện tại thời kỳ cộng sản nguyên thủy xa xưa và phát triển rực rỡ cho tới xã hội hiện đại ngày nay. Theo quan điểm của một số chuyên gia, phương pháp giáo dục còn bao gồm những “biện pháp hoạt động phối hợp giữa nhà giáo dục và người được giáo dục chứ không chỉ mang tính đơn thuần một chiều”. Trong quan điểm và triết lý giáo dục của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy được các phẩm chất tích cực của người học (tính tự giác, sáng tạo, khả năng tự học, năng lực hợp tác, thực hành, ý chí tiến bộ).
Hai yếu tố kể trên có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ, tương trợ và bổ khuyết cho nhau. Nếu nội dung là hạt nhân mang tính cốt lõi thì phương pháp là hình thức truyền tải nội dung đó đến các đối tượng giáo dục. Nội dung giáo dục dù chất lượng và phong phú đến đâu mà phương pháp giáo dục lạc hậu, hạn chế thì hiệu quả đạt được sẽ không cao và ngược lại. Do đó, nhà giáo dục không chỉ quan tâm tới “Dạy cái gì?” mà còn phải chú trọng “Dạy như thế nào?” trong quá trình dạy học. Ngoài ra, nội dung và phương pháp giáo dục còn chịu sự tác động của điều kiện kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và các quan hệ xã hội. Sản phẩm của quá trình giáo dục với nội dung và phương pháp giáo dục nhất định thể hiện ở nhân cách, hành vi, thái độ của học sinh.
Tuy nhiên, nội dung và phương pháp giáo dục không phải là hai phạm trù có tính chất bất biến. Ngược lại, chúng không nằm ngoài quy luật vận động, phát triển của mọi sự vật, hiện tượng theo quan điểm khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo từng thời kỳ phát triển và điều kiện cơ sở hạ tầng, nội dung và phương pháp cần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng các mục đích, nhiệm vụ giáo dục. Dẫu mang ý nghĩa chiến lược trong tiến trình phát triển của xã hội, song hiện chưa có một cách hiểu thống nhất nào về khái niệm “đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục”. Nếu “đổi mới giáo dục” là thuật ngữ bao chứa tất cả các thành tố giáo dục (mục đích, chủ thể, nội dung, nhiệm vụ, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, kết quả, khách thể giáo dục) thì khái niệm “đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục” lại có phạm vi nội hàm cụ thể, trọng tâm hơn. Cần nhận thức công tác đổi mới nội dung, phương pháp không đồng nghĩa với việc đổi mới toàn bộ nền giáo dục đương thời mà quá trình này mang tính linh hoạt cao – giải quyết những vấn đề đang gặp phải trong khi vẫn giữ vững và phát huy những điều tốt đẹp đang có.
Như vậy, tác giả đề xuất khái niệm “đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục” là “việc thay đổi hệ thống tri thức, chuẩn mực đạo đức và cách thức, biện pháp trong hoạt động truyền đạt, tiếp thu các tri thức, chuẩn mực đó”. Việc đổi mới phải đảm bảo khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện hữu trong hệ thống giáo dục song song với việc giữ gìn, phát triển các thành tựu đã đạt được lên những tầm cao mới.
Một trong những quy luật phát triển của giáo dục là số lượng người học giảm theo chiều lũy tiến của bậc học. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, không tồn tại trường hợp toàn bộ học sinh đã tốt nghiệp giáo dục phổ thông đều chuyển lên các bậc học cao hơn. Bởi mỗi cá nhân lại có năng lực, sở trường và ý chí riêng trong hướng nghiệp và đòi hỏi của thị trường lao động đối với nhân lực cũng vô cùng đa dạng – không nhất thiết yêu cầu trình độ đại học, cao đẳng. Vì vậy, nội dung và phương pháp giáo dục cần được thiết kế, định hướng theo những lộ trình phù hợp ngay từ những bậc học như trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong phạm vi công trình nghiên cứu này, tác giả tập trung vào công tác đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng tới các đối tượng là học sinh, sinh viên – vốn chiếm tỉ trọng lớn trong khách thể của nền giáo dục nước nhà.
Trong rất nhiều nội dung giáo dục, pháp luật là một bộ phận quan trọng và nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính phủ các quốc gia. Tiêu biểu như Trung Quốc – đất nước quy định việc giáo dục pháp luật trong Hiến pháp (Điều 46), Luật bảo vệ người chưa thành niên (Điều 4, Điều 6, khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 24). Tại Việt Nam, giáo dục pháp luật cũng được thừa nhận là nội dung chính thức trong chương trình đào tạo phổ thông, đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Là một đất nước theo đuổi kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, sinh viên tại Việt Nam cũng đã được định hướng, tổ chức trong các cơ sở giáo dục nhiều năm qua bởi “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Điều này là hợp lý và thiết thực đối với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Từ những tiền đề lý luận chính trị và thực tiễn đào tạo, có thể khái quát khái niệm “nội dung chương trình giáo dục pháp luật” là một quá trình tác động có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho người học trình độ pháp lý nhất định để từ đó hình thành ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Song, thực tế cho thấy pháp luật là một nội dung học thuật có hàm lượng chất xám cao và tương đối khô cứng, khó tiếp thu, vận dụng nếu không được truyền tải một cách sinh động, phù hợp với trình độ, tâm lý và khả năng nắm bắt của từng đối tượng (đặc biệt là học sinh, sinh viên). Do vậy, các phương pháp truyền thống có thể không đảm bảo hoàn thành các mục tiêu giáo dục pháp luật và đặt ra yêu đổi mới.
Từ những nội dung trên, có thể đúc rút kết luận khái quát về định nghĩa “đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên” như sau: Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là thay đổi hệ thống, chuẩn mực tri thức pháp luật và cách thức, biện pháp trong hoạt động truyền đạt, tiếp thu các tri thức, chuẩn mực đó để giúp học sinh, sinh viên chuyển hóa các yêu cầu, chuẩn mực xử sự chung của xã hội thành phẩm chất, hành vi và thói quen đạo đức phù hợp.
2. Đặc điểm của đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên:
Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên mang tính căn bản, toàn diện theo hướng chuyển từ trang bị kiến thức đơn thuần sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học. Nói cách khác, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật không được xã rời thực tiễn mà phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hành, có sự phối | hợp giữa cơ sở giáo dục, gia đình và xã hội.
Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên được xây dựng thành một chỉnh thể xuyên suốt theo định hướng tích hợp cao ở các bậc học dưới và phân hóa ở các bậc học cao hơn. Dạy học tích hợp, theo quan điểm của cơ quan chủ quản trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam, được | hiểu là “đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học như: tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...”. Đây cũng là biện pháp xuất phát từ yêu cầu và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Nghị quyết 29 – NQ/TW). Đối với nội dung giáo dục pháp luật, việc đổi mới có đặc điểm “tinh giản, cơ bản, hiện đại, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn”. Đối với phương pháp giáo dục pháp luật, việc đổi mới có đặc điểm lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, thái độ tích cực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy – học, đa dạng hóa hình thức tổ chức giáo dục...
Cuối cùng, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật gắn liền với kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy pháp luật tại các cơ sở đào tạo. Ngoài những người giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, một số không nhỏ giảng viên chịu trách nhiệm giảng dạy pháp luật không được đào tạo đúng chuyên ngành. Theo một con số thống kê, chỉ có 567 giảng viên (59,2%) được đào tạo đúng chuyên ngành trong số 957 giảng viên pháp luật của 102 trường đại học.