Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo? Những thách thức doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gặp phải?
Ở Việt Nam hiện nay số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo chiếm số lượng khá lớn. Các doanh nghiệp này từ khi xuất hiện cho đến giai đoạn hiện nay có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và của nền kinh tế. Chắc hẳn hiện nay vẫn còn nhiều người chưa biết đến thuật ngữ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Mục lục bài viết
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo:
Ta hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như sau:
Theo quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Do đặc thù về ngành nghề kinh doanh của những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là những ngành nghề mới phát triển, đòi hỏi đầu tư lớn về vốn và chất xám nên nhà nước khuyến khích các chủ thể đầu tư vào lĩnh vực này nhằm phát triển kinh tế đất nước theo hướng hiện đại hóa.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Pháp luật quy định về điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gồm:
– Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
– Các doanh nghiệp đó phải chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
Như vậy, đối tượng được hỗ trợ ở đây thường là những doanh nghiệp mới thành lập, còn non trẻ, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Đây là những chủ thể cần được hỗ trợ về mọi nguồn lực để có thể huy động thêm nguồn vốn, tạo nên uy tín và đứng vững trên thị trường.
Ngoài những chính sách hỗ trợ chung đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nội dung hỗ trợ cụ thể dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này bao gồm:
– Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
– Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.
– Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
– Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.
– Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.
Pháp luật hiện hành còn quy định về việc đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà đầu tư vào doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Như vậy, có thể thấy, nhà nước đặc biệt chú trọng, ưu tiên đối với những chủ thể đầu tư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ, những ngành nghề trẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể kinh doanh thì Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các quy định hướng dẫn về mức ưu đãi, thủ tục hưởng hỗ trợ để các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.
2. Những thách thức doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gặp phải:
Những thách thức doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gặp phải bao gồm:
– Thiết lập ngân sách:
Khi ngân sách được hoạch định một cách kỹ càng, doanh nghiệp cũng sẽ đi đúng hướng và cũng như doanh nghiệp đó có thể đưa ra các quyết định đúng đắn và dễ dàng để có thể tự mình hoàn thành các mục tiêu. Sau khi doanh nghiệpđã hoạch định được ngân sách, bước tiếp theo của doanh nghiệp đó chính là xác định những công việc cụ thể để nhằm có thể giám sát và hoàn thành năng suất theo đúng lộ trình của năm tài chính (khoảng thời gian có độ dài tương đương một năm).
Dù việc thiết lập ngân sách hiện nay đóng vai trò quan trọng như vậy, thế nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thất bại trong việc thiết lập và tận dụng triệt để yếu tố này. Lý do về việc này thì rất nhiều nhưng dù là gì đi nữa thì ngân sách vẫn luôn là một phần quan trọng và không thế thiếu trong kế hoạch kinh doanh và sẽ giúp doanh nghiệp gây ấn tượng với các đối tác ngân hàng.
– Dự báo doanh số bán hàng:
Với bảng dự báo doanh số sát với thực tế, doanh nghiệp cũng sẽ tối ưu hóa đối vớ mức tồn kho và dòng tiền vào mỗi kỳ. Cũng có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc khi thực hiện việc soạn thảo bảng dự báo, chẳng hạn như mức tăng trưởng kinh tế, nhu cầu, cạnh tranh, mùa vụ và kỳ vọng về tỉ trọng quy mô thị trường mà bạn nhắm đến. Các chủ thể cũng nên dựa vào kinh nghiệm và thực tế trước đây để có thể thực hiện việc ước lượng.
Có được mục tiêu rõ ràng, các chủ thể có thể triển khai các nguồn lực như nhân lực bán hàng và chi phí tiếp thị một cách hợp lý để hoàn thành mục tiêu kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thường sẽ yếu trong vấn đề này.
– Dòng tiền:
Dòng tiền có thể được định nghĩa là sự chênh lệch giữa số dư đầu kì và cuối kì.
Dòng tiền dương (dòng tiền mặt của doanh nghiệp thu vào cao hơn chi ra) từ các hoạt động kinh doanh sẽ giúp chi trả chi phí vận hành và chi phí tồn kho, từ đó gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Dòng tiền dương ổn định sẽ giúp tăng khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của môt tài sản (được gọi là thanh khoản) và giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới hay đầu tư vốn để gia tăng lợi nhuận.
Thanh khoản được hiểu cơ bản là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, thế nhưng chúng ta cũng không nên nhầm lẫn giữa thanh khoản với lợi nhuận. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng có thể vận hành mà không có lợi nhuận trong một khoảng thời gian, nhưng các doanh nghiệp này cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thể đáp ứng được các khoản thanh toán quan trọng, thậm chí vỡ nợ.
Có thể nói, khi chi phí phải chi vượt quá lượng tiền mặt sở hữu, đó là lúc dòng tiền của doanh nghiệp đang có vấn đề. Để nhằm mục đích có thể ngăn chặn tình huống này, các chủ thể cần xem xét lại ngân sách, điều chỉnh doanh thu và chi phí (ví như gia tăng các hoạt động bán hàng, trì hoãn thanh toán cho nhà cung cấp, thúc đẩy thu hồi các khoản nợ hay tìm kiếm tổ chức tài chính) để từ đó góp phần bù đắp cho khoản thiếu hụt.
– Công nghệ:
Công nghệ cũng chính là một vấn đề nan giải với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nguyên nhân có thể xuất phát từ quan điểm sai lầm phổ biến: công nghệ khá tốn kém và chỉ dành cho những công ty có quy mô nhất định. Ngày nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn bị mắc kẹt trong quy trình làm việc lỗi thời và nhỏ nhặt. Họ không biết rằng sở hữu công nghệ và giải pháp phù hợp sẽ giúp gia tăng năng suất và giải phóng nguồn lực cho các hoạt động tạo ra doanh thu.
Bí quyết áp dụng công nghệ ở đây chính là nằm ở việc hiểu được điểm yếu thực sự của doanh nghiệp và thực hiện việc lựa chọn giải pháp phù hợp với quy mô kinh doanh. Sẽ tốt hơn cho các doanh nghiệp nếu có sự tư vấn của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính về giải pháp toàn diện và có chọn lọc nhằm mục đích để có thể phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Khi đã xác định được điểm yếu và lựa chọn được phương án, các chủ thể cũng sẽ cần cân nhắc khoản đầu tư này là từ dòng tiền bên trong hay nguồn tài chính bên ngoài.
– Giữ chân nhân viên:
Thu hút và giữ chân nhân tài hiện nay thực sự vẫn luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với sự phát triển của các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ, các nhân viên liên tục tìm kiếm những môi trường, những trải nghiệm làm việc có thể truyền cảm hứng cho bản thân và đem lại những giá trị cao hơn. Các nhân viên thực sự muốn được đào tạo, trải nghiệm và phát triển khả năng của bản thân hơn nữa và công ty nên cố gắng đáp ứng điều đó. Chỉ có vậy họ mới gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.
– Năng suất và quản lý hiệu suất:
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông thường cũng hoạt động với nguồn nhân lực rất hạn chế. Vì thế, tiến hành đào tạo để nhằm giúp nhân viên của doanh nghiệp mình có thể làm việc hiệu quả và tăng hiệu suất trong vai trò tương ứng sẽ giúp doanh nghiệp có thể nâng cao năng suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây chính là hướng đi lâu dài mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nên xem xét.Một quan niệm sai lầm phổ biến khác nữa về vấn đề đào tạo, đó chính là các doanh nghiệp đòi hỏi nhân viên phải tạm ngưng công việc hàng ngày của họ. Thế nhưng, trên thực tế là, tùy vào quy mô của công ty, nhân sự chủ chốt có thể là người huấn luyện và hướng dẫn cho nhân viên của mình.