"Những cánh buồm" là một tác phẩm hay và đặc sắc của tác giả Hoàng Trung Thông với hình ảnh xuyên suốt là cánh buồm và những lời đối thoại đan xen của hai cha con, qua đó góp phần thể hiện những hoài bão của tuổi trẻ, đồng thời là lời động viên, khích lệ con người ngày một cố gắng vươn lên những điều tốt đẹp phía trước.
Mục lục bài viết
1. Tác giả và tác phẩm “Những cánh buồm”:
1.1. Đôi nét về tác giả Hoàng Trung Thông:
Tiểu sử: Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh ngày 05/05/1925 và mất năm 1993 tại thành phố Hà Nội. Ông sinh ra ở xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều tác phẩm và chức vụ quan trọng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt, ông hoạt động ở Liên khu IV, sau đó chuyển công tác ra Hội văn nghệ Trung ương. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ, Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, Viện trưởng Viện Văn học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn học, Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam các khóa I, và II. Có thể nói, Hoàng Trung Thông là một nhà thơ thuộc lớp những nhà thơ xuất hiện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954. Trong những năm kháng chiến chông Mỹ cứu nước, ông vẫn tiếp tục sáng tác và xuất bản nhiều bài thơ hay.
Sự nghiệp văn học: Những tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Trung thông có thể kể đến: Bài thơ “Quê hương chiến đấu” (xuất bản năm1055), Bài thơ “Đường chúng ta đi” (xuất bản năm 1960), Bài thơ “Những cánh buồm” (năm 1964), Bài thơ “Đầu sóng” (năm 1968), Bài thơ “Trong gió lửa” (xuất bản năm 1971), Bài thơ “Như đi trong mơ” (xuất bản năm 1977), Bài thơ “Chiến công tuốt thơ” (xuất bản năm 1983), Bút ký “Những ngày thu ở Liên Xô” ( xuất bản năm 1983), Phê bình tiểu luận “Đường mới của văn học chúng ta” (xuất bản năm 1961), Tác phẩm phê bình tiểu luận “Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống” (xuất bản năm 1979).
Phong cách: Thơ ca của Hoàng Trung Thông góp phần giúp cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, giúp thanh lọc tâm hồn trong sạch hơn ở mỗi độc giả , có sức mạnh đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người.
1.2. Tác phẩm “Những cánh buồm”:
– Tác phẩm “Những cánh buồm” được in trong tập Những cánh buồm, NXB Văn học, Hà Nội, 1964 với thể loại thơ tự do.
– Bố cục: Tác phẩm “Những cánh buồm” được chia thành ba đoạn
+ Đoạn một (Từ đầu … đến “vui phơi phới”): Hình ảnh cha và con.
+ Đoạn hai (Tiếp theo … đến “để con đi”): Cuộc trò chuyện giữa cha và con.
+ Đoạn cuối ( Đoạn còn lại): Những dòng suy ngẫm của cha về ước mơ con.
– Giá trị của tác phẩm: Tác giả Hoàng Trung Thông đã sử dụng rất thành công thể thơ tự do kết hợp cùng với những biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ,… giúp tác phẩm trở nên sinh động và hấp dẫn, qua đó bài thơ “Những cánh buồm” đã nêu lên những cảm xúc, ước mơ của hai cha con với một khao khát muốn được đi khám phá những vùng đất xa xôi. Ước muốn mãnh liệt này được thể hiện qua cuộc nói chuyện khi hai cha con cùng nhau đi dạo trên bờ biển.
2. Dàn ý nêu cảm nhận của em về bài thơ “Những cánh buồm”:
a. Mở Bài: Trình bày khái quát về tác giả Hoàng Trung Thông và tác phẩm “Những cánh buồm”.
b. Thân Bài:
* Hình ảnh hai bố con đi dạo biển:
– Khung cảnh: Sau 1 đêm mưa. Hai bố con đi dạo ở khu vực bãi biển với những tia nắng chói chang, với biển xanh rì rào, với bãi cát vàng mịn trải dài.
“Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong.“
– Hình ảnh hai cha con hiện lên với dáng cha dài rộng, bóng con tròn vành vạnh.
“Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch”
* Đoạn đối thoại giữa cha và con:
– Những thắc mắc của người con trai:
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
+ Lời nói trực tiếp: tiếng người con gọi cha “Cha ơi” tràn đầy tình cảm yêu thương, trìu mến, gắn bó, quấn quýt.
+ Tác giả đã sử dụng điệp từ “thấy” cùng với biện pháp đối lập: “thấy”…, “ko thấy” …
→ Qua đó thể hiện tính cách vốn có của trẻ con là sự tò mò, ham hiểu biết, ham học hỏi, muốn mày mò về những gì diễn ra trong cuộc sống xung quanh.
– Lời đáp của cha:
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
+ Lời nói chi tiết: Bố nói cho con biết về những gì diễn ra xung quanh trong cuộc sống, về những điều lí thú ở phía trước, ở tương lai, đó là nơi con sẽ đến, sẽ được trải qua- những điều mà bố chưa từng được trải qua.
=> Qua những lời thơ trên thể hiện niềm vui lúc được cùng con đi dạo, qua đó làm nổi bật tình cha con quấn quýt, yêu thương,…..
– Con trai:
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
=> Lời nói thể hiện niềm khát khao được khám phá thế giới rộng lớn, bao la, mênh mông của người con trai.
⇒ Lời chân thành của đứa con làm người cha bồi hồi cảm động. Lời của con hay cũng chính là tiếng lòng của cha khi bằng tuổi con, khi còn là một cậu bé.
* Miêu tả hình ảnh cánh buồm:
– Trong các tác phẩm nghệ thuật chân chính, hình ảnh cánh buồm mang nhiều ý nghĩa:
+ Hình ảnh cánh buồm là biểu tượng của những ước mong, những hoài bão,những lí tưởng,….. Đây là cánh buồm của con thuyền chở những ước mong của con người cập bến bờ tương lai.
+ Cánh buồm còn là biểu tượng của ý thức, của ý chí luôn luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức, đương đầu với mọi sóng gió để vươn đến thành công, vươn đến tương lai tốt đẹp.
c. Kết bài:
– Khái quát lại toàn bộ nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
3. Đoạn văn cảm nhận bài thơ “Những cánh buồm” hay nhất:
“Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông là một tác phẩm giàu chất suy tư, trầm lắng với hình ảnh xuyên suốt bài thơ là hình ảnh hai cha con với những hoài bão trong sáng làm xúc động lòng người.
Những cánh buồm- Đây là những hình ảnh xuyên suốt bài thơ với dụng ý nghệ thuật của tác giả là thể hiện ước mơ được bay xa của nhà thơ.Hình ảnh hai cha con giữa thiên nhiên, chan hòa màu sắc rực rỡ:
“Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch”
Dưới bầu trời bát ngát hoà cùng đại dương sâu thẳm, hai cha con bước đi trên cát. Đây là một hình ảnh chan chứa một hơi ấm lan truyền chan hòa. Trên phông nền cảnh biển, hình bóng hai cha con nổi bật hẳn với sự bé nhỏ của con người trước khung cảnh thiên nhiên bao la. Hình ảnh đối lập độc đáo với hình bóng lênh khênh của cha bên cái bóng tròn chắc nịch thể hiện được sự khác biệt giữa hai thế hệ cha con đang trên cùng một hướng đi phía trước.
Đại dương vốn đã đẹp, đã chứa chan huyền diệu thì sau trận mưa, đại dương lại càng đẹp càng trong, cũng như hai cha con trong bóng chân dài và gầy để cho con sự chắc nịch khỏe khoắn. Đây là quy luật của tạo hóa. Những gì là ước mơ của cha ngày trước thì ngày sau người con lại tiếp tục đưa ước mơ ấy bay cao bay xa. Cha là người chỉ đường dẫn lỗi cho con đi vào một thế giới màu hồng của một chân trời trong tương lai rộng mở phía trước.
Con càng háo hức, náo nức bao nhiều thì cha lại càng muốn được là người đưa ước mơ con được bay cao, bay xa, bay đến những chân trời mới tươi đẹp hơn, rộng mở hơn. Những lời tâm sự từ tận đáy lòng của cha như một nguồn sức mạnh giúp con có thêm động lực, thêm hi vọng vào những ước mơ của mình và có động lực để vượt qua mọi gian khó, thử thách của cuộc đời. Con muốn ước mơ được khám phá cuộc đời hay đó cũng chính là những ước muốn táo bạo của người con có thể khám phá một trong những cánh buồm đầy ước mơ của trẻ thơ. Con muốn được đi xa, muốn được đi khắp nơi, muốn được xông pha trên biển cả, muốn được hoà mình vào bầu trời, muốn được thả hồn theo những ước mơ. Tác giả Hoàng Trung Thông đã thật tinh tế khi thể hiện một cách đặc sắc về khát vọng sống đang cháy bổng trong người con, trong người cha hay nói bao quát hơn là trong mỗi con người.
Bài thơ “Những cánh buồm” không chỉ đặc sắc với những hình ảnh tượng thơ độc đáo cùng nhịp thơ vừa trầm vừa lắng, vừa bay bổng mà còn đặc biệt nhờ những dòng cảm xúc dàn trải, dào dạt của tác giả gửi gắm qua mỗi lời thơ. Đó là tầm cao của ước mơ, của khát vọng được chinh phục, được khám phá thiên nhiên, được làm chủ nó. “Những cánh buồm” đã gieo vào lòng thế hệ trẻ những ước mơ bay bổng, là lời thúc giục mỗi chúng ta hãy không ngừng tìm tòi, không ngừng học hỏi và không ngừng khám phá để có thể vươn tới chiếm lĩnh chinh phục thế giới vũ trụ, vươn tới tầm cao của thời đại.
Hoàng Trung Thông đã tinh tế trên từng lời thơ, để lại niềm xúc động dào dạt lòng người. Ông đã thổi một hơi gió vào cánh buồm của tuổi thơ và mở ra một tương lai của lớp trẻ sẽ căng phồng, sẽ bay cao, sẽ vượt xa trong chân trời mới đang rộng mở phía trước- một chân trời tươi đẹp, nhiều điều bổ ích, lí thú hơn đang chờ đón trong tương lai.