Đô thị hóa là gì, quá trình đô thị hóa và hình thức đô thị hóa như thế nào? Các đặc điểm và ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của đô thị hóa đến với đời sống con người, sự phát triển xã hội, kinh tế của một quốc gia, khu vực và toàn thế giới.
Mục lục bài viết
1. Đô thị hóa là gì?
Đô thị hóa là một phần tất yếu của cuộc sống. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á với ước tính cứ mỗi năm sẽ có thêm 1 đến 1,3 triệu dân trong đô thị. Sự tăng trưởng vượt bậc có ảnh hưởng tích cực cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Đô thị hóa là một quá trình mở rộng của đô thị tính theo tỉ lệ phần trăm giữa diện tích hoặc số dân đô thị trên tổng diện tích, hay số dân của một khu vực hoặc theo từng vùng. Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng đô thị hóa cũng có thể được tính theo tỉ lệ gia tăng của 2 yếu tố theo thời gian là:
– Tốc độ đô thị hóa tính bằng tỉ lệ phần trăm giữa diện tích trên tổng diện tích của một khu vực.
– Mức độ đô thị hóa tính bằng tỉ lệ phần trăm giữa số dân trên tổng số dân của một khu vực.
Đô thị hóa còn được hiểu là quá trình phát triển rộng về lối sống thành thị thể hiện qua các mặt: chất lượng cuộc sống, mật độ dân số,…
Quá trình đô thị hóa là quá trình diễn ra đồng thời giữa việc tăng mật độ dân số, thương mại hoặc các hoạt động khác theo thời gian trong cùng một khu vực nhất định. Quá trình này được thể hiện bởi các biểu hiện sau:
Thứ nhất, lượng dân số gia tăng hiện có. Thông thường những nơi vùng nông thôn sẽ có tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên cao hơn khu vực thành phố.
Thứ hai, dân số ở nông thôn có xu hướng di chuyển đến các khu vực thành phố, góp phần thúc đẩy cho quá trình đô thị hóa (gia tăng dân số tại khu vực đô thị).
Thứ ba, lối sống thành thị trở lên phổ biến. Giá trị cuộc sống được nâng cao, trang thiết bị, cơ sở vật chất đa dạng, hiện đại, nhà cao tầng xuất hiện nhiều, dịch vụ giải trí, giáo dục, y tế được nâng cao, xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao thu hút nguồn lao động nông thôn đến thành thị làm việc.
Nhờ sự phát triển cuộc sống xã hội tại nơi phồn hoa đô thị đã thu hút được lực lượng đông đảo người dân trốn nông thôn di cư đến. Điều đó ngày càng thúc đẩy phát triển cả về diện tích, dân số tại các khu đô thị. Dù số lượng dân sinh ra không cao, xong với sự di chuyển của người dân từ nông thôn lên thành thị đã ngày càng củng cố, hỗ trợ thúc đẩy quá trình đô thị hóa với tốc độ cao nhất.
Hiện nay, với quá trình đô thị hóa trên đã tạo ra 3 hình thức đô thị hóa chính bao gồm:
Đô thị hóa nông thôn với quá trình phát triển và xây dựng nông thôn theo lối sống thành thị bằng hình thức nhà cửa (nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên), phong cách sinh hoạt (đẩy mạnh nhu cầu giải trí, hoàn chỉnh nhu cầu giáo dục và y tế). Hình thức này là hình thức đô thị có độ tăng trưởng theo xu hướng bền vững và có tính quy luật.
Đô thị hóa ngoại vi là quá trình phát triẻn mạnh các khu vực ngoài thành của các thành phố do ảnh hưởng của cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, các nhân tố tạo ra các cụm đô thị, liên đô thị,… Nhờ đó góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn.
Đô thị hóa tự phát là trường hợp phát triển thành phố theo quá trình gia tăng dân số quá mức và tỉ lệ di dân từ nông thôn đến thành thị dẫn đến tình trạng thất nghiệp, giảm sút chất lượng cuộc sống.
2. Đặc điểm của đô thị hóa:
Đô thị hóa có đặc điểm gì? Đặc điểm của đô thị hóa được thể hiện qua 3 yếu tổ chính là sự gia tăng dân số, mở rộng lãnh thổ và lối sống đô thị phổ biến. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về số dân gia tăng, thực tế cho thấy đô thị hóa làm cho tỉ lệ dân số gia tăng, đặc biệt gia tăng cao tại các khu vực thành phố lớn. Tỉ lệ này có thể thay đổi theo mốc thời gian nhất định.
Ví dụ: Theo các con số thống kê, thời điểm thế kỷ XIX, dân số ở các khu vực thành thị ước đạt chỉ 30 triệu dân. Con số này chỉ chiếm 3% tỉ lệ dân số phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, sau quá trình đô thị hóa thúc đẩy công cuộc di dân từ những vùng nông thôn đến các khu vực thành phố lớn để sinh sống và phát triển kinh tế, con số này đã dần tăng lên đáng kể. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, con số ấy đã gia tăng lên đến khoảng 5,5 % cho đến 16% dân cư toàn cầu tại thời điểm đó. Và đến thời điểm hiện tại, con số ấy đã đạt 56,2% tại thời điểm năm 2020.
Từ ví dụ có thể thấy tỉ lệ dân số gia tăng cũng đóng góp rất lớn cho quá trình đô thị hóa toàn cầu.
Thứ hai, đô thị hóa cũng giúp thúc đẩy mở rộng lãnh thổ. Khi dân số quá đông, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao lối sống đô thị tại các khu vực lân cận là điều thiết yếu. Đặc điểm của đô thị hóa là mở rộng lãnh thổ chính là việc đô thị hóa các khu vực lân cận các thành phố lớn để hình thành lên những khu đô thị, liên khu đô thị để đáp ứng nhu cẩu của xã hội hiện đại.
Ví dụ: Thành phố Hà Nội ngày càng mở rộng diện tích, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, cắt ghép một phần các tỉnh liên cận vào trở thành Hà Nội. Do tốc độ đô thị hóa thủ đô cao, hiện nay diện tích Hà Nội ngày càng được củng cố và mở rộng.
– Thứ ba, đặc điểm nổi trội thứ ba của đô thị hóa chính là lối sống đô thị phổ biến. Lối sống đô thị phổ biến được biểu hiện rõ nét qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội đang được cải thiện chất lượng từng ngày. Lối sống ấy ngày càng lan sâu, lan rộng ra khắp các khu vực lân cận, các khu vực tập trung đông người tạo lên các khu đô thị, liên khu đô thị. Nó góp phần thúc đẩy sự phát triển của đô thị hóa trong thời điểm hiện tại và tương lai. Biểu hiện nằm ở các khu vực giải trí được đầu tư xây dựng, phát triển và ngày càng nâng cao. Hệ thống giáo dục, y tế, trường học, bệnh viện cũng ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Nhiều khu vực trường học công đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường học tư với đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại ra đời, các bệnh viện, nhà khám, nhà thuốc cũng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội của con người. Hệ thống cầu đường được nâng cấp, cung cấp thêm các loại tàu điện ngầm, tàu cao tốc,… để nâng cao hệ thống giao thông đô thị, tiện lợi cho việc di chuyển của người dân.
Từ những đặc điểm trên có thể thấy, quá trình đô thị hóa đang dần có những biến chuyển tác động đến cuộc sống xã hội của con người. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đồng thời cũng có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia, một cộng đồng và thậm chí là toàn cầu.
3. Những ảnh hưởng của đô thị hóa đến đời sống của con người:
Đô thị hóa có những ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân, đến sự phát triển của xã hội? Đô thị hóa có ảnh hưởng như thế nào đến một quốc gia, một khu vực hay thậm chí là toàn cầu? Đô thị hóa có nhiều ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển xã hội, đời sống con người và đất nước, thế giới. Xong chính nó cũng mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực mà chúng ta cần phải biết để có những cách khắc phục hiệu quả. Dưới đây sẽ là các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực mà đô thị hóa mang lại:
3.1. Ảnh hưởng tích cực:
Phải khẳng định rằng, đô thị hóa có những ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển của xã hội, đất nước và đời sống con người. Đô thị hóa tạo những ảnh hưởng tích cực như:
– Thứ nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực, của quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung. Cuộc sống đô thị hóa thu hút hàng trăm ngàn người ở các khu vực nông thôn đổ về tạo nguồn lao động dồi dào giúp thúc đẩy tăng trường kinh tế rất cao. Ví dụ, tại Việt Nam, Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố có quy mô lớn nhất cả nước cũng là 2 thành phố đóng góp cho nền kinh tế nước nhà cao nhất.
– Thứ hai, thay đổi về phân bố dân cư, mật độ dân cư sẽ dàn đều về các vùng khu đô thị.
– Thứ ba, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nguồn thu mới cho người dân
– Thứ tư, tạo thị trường tiêu thụ và sản xuất đa dạng
– Thứ năm, thu hút nhiều người lao động có tay nghề, thu hút đầu tư từ nước ngoài.
– Thứ sáu, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao đời sống hiện đại của người dân.
3.2. Ảnh hưởng tiêu cực:
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực mà đô thị hóa mang lại, nó cũng chứa nhiều ảnh hưởng tiêu cực mà chúng ta cần biết:
– Thứ nhất, việc kéo người lao động lên thành thị sẽ là một ảnh hưởng lớn làm thiếu hụt nguồn lao động tại nông thôn.
– Thứ hai, tạo áp lực về việc quá tải và bùng nổ dân số dẫn đến tăng tỉ lệ thất nghiệp tại một số thành phố lớn.
– Thứ ba, gây ô nhiễm môi trường sống nặng nề bởi sự gia tăng dân số quá tải.
– Thứ tư, kéo theo đó là những tệ nạn xã hội gia tăng, đe dọa an ninh xã hội, phân hóa giàu nghèo rõ rệt.
Trên đây là các thông tin về đô thị hóa giúp bạn hiểu rõ hơn về đô thị hóa là gì, quá trình đô thị hóa, các đặc điểm của đô thị hóa cũng như những tác động tích cực và tiêu cực mà đô thị hóa mang lại, bạn có thể tham khảo.