Mục lục bài viết
1. Điện toán đám mây là gì?
Điện toán đám mây là một khái niệm mới xuất hiện trong công nghệ thông tin thời gian gần đây, khái niệm này rất vẫn mới mẻ với mọi người. Điện toán đám mây (có tên tiếng anh là Cloud Computing) là một giải pháp cung cấp công nghệ thông tin như một loại dịch vụ. Giải pháp điện toán này dựa vào Internet, tại đây cung cấp tài nguyên chia sẻ. Người dùng có thể truy cập nguồn tài nguyên điện toán dùng chung thông qua mạng Internet một cách dễ dàng và nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Với mô hình này, người dùng sẽ được tiếp cận với các nguồn tài nguyên công nghệ, năng lượng điện toán, dữ liệu đến từ những nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Sự ra đời của mạng xã hội Facebook, sàn thương mại điện tử Amazon, Lazada,… càng chứng tỏ được tầm quan trọng của ĐTĐM đối hầu hết các lĩnh vực liên quan tới mạng Internet. Các website đến từ các tập đoàn lớn như Google hay Microsoft cũng đang sử dụng điện toán đám mây. Các ứng dụng chương trình của nó như Google Drive, Google Doc, Gmail, Dropbox, OneDrive, iCloud,… đều phải dựa trên Cloud Computing. Khi đăng ký và sử dụng,chúng ta có thể lưu trữ các tài khoản, tài liệu của mình và truy cập vào sử dụng bất cứ lúc nào miễn có kết nối Internet.
2. Đặc điểm của điện toán đám mây:
2.1. Tính tự đáp ứng theo nhu cầu:
Dịch vụ mà điện toán đám mây cung cấp cho người dùng là bao gồm tất cả các yếu tố cần thiết khi sử dụng dữ liệu số (mạng, server, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ). Từ đó người dùng có thể thoải mái thiết lập, sử dụng và huỷ bỏ một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không cần sự can thiệp của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.
2.2. Truy cập mọi lúc, mọi nơi:
Để truy cập vào các tài khoản điện toán đám mây, chỉ cần một yêu cầu duy nhất và đơn giản nhất là thiết bị kết nối được với Internet. Chúng ta có thể sử dụng làm việc ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời gian nào và bạn cũng có thể work from home mà không bắt buộc phải tới văn phòng, hay phải truy cập vào hệ thống máy tính của công ty mới có thể làm được.
2.3. Khả năng co giãn nhanh chóng:
Khả năng này có tính linh động mở rộng hoặc thu nhỏ hệ thống tùy theo nhu cầu của người sử dụng một cách nhanh chóng. Khi nhu cầu tăng, hệ thống sẽ tự động mở rộng bằng cách thêm tài nguyên vào. Khi nhu cầu giảm, hệ thống sẽ tự động giảm bớt tài nguyên. Khả năng co giãn giúp cho nhà cung cấp sử dụng tài nguyên hiệu quả, tận dụng triệt để tài nguyên từ đó phục vụ được nhiều khách hàng.
2.4. Chi trả theo thực dùng:
Nhiều dịch vụ điện toán đám mây sử dụng mô hình điện toán theo nhu cầu, mô hình tương tự với cách các tiện ích theo nhu cầu truyền thống như tiêu thụ điện. Bên cạnh đó một số khác tiếp thị dựa vào tiền đóng trước. Điện toán đám mây cho phép giới hạn dung lượng lưu trữ, băng thông, tài nguyên máy tính và số lượng người dùng kích hoạt theo tháng.
Ngoài ra, điện toán đám mây còn cung cấp một số các đặc điểm như Độ tin cậy, hiệu suất, khả năng chịu đựng,…
3. Phân loại điện toán đám mây:
3.1. Phân loại theo mô hình cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây:
Ba mô hình cung cấp của Cloud Computing bao gồm Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ IaaS, Nền tảng dưới dạng dịch vụ PaaS và Phần mềm dưới dạng dịch vụ SaaS. Mỗi loại sẽ có những đặc điểm đặc trưng như sau:
+ Infrastructure as a Service (IaaS)
IaaS chuyên cung cấp các tính năng cơ bản nhất như mạng, máy tính ảo, không gian lưu trữ dữ liệu, CPU, RAM, HDD/SSD,… Khi sử dụng dịch vụ này, người dùng đã có một máy chủ ảo trên không gian đám mây để làm việc. Họ không cần phải quan tâm tới các khía cạnh khác như máy chủ nằm ở trung tâm dữ liệu nào, sử dụng mạng viễn thông nào,…
+ Platform as a Service (PaaS)
PaaS cho phép người dùng lựa chọn các phần mềm mong muốn, triển khai và sử dụng mà không cần quan tâm tới việc cập nhật các phiên bản mới, RAM, CPU,…
+ Software as a Service (SaaS)
SaaA cho phép người dùng đăng nhập và sử dụng phần mềm mà không am hiểu về các yếu tố kỹ thuật, cài đặt,…
3.2. Phân loại theo cách thức triển khai điện toán đám mây:
+ Public Cloud- Đám mây công cộng
Public Cloud là một nền tảng sử dụng mô hình điện toán đám mây tiêu chuẩn để giúp các nguồn tài nguyên có thể sử dụng và và điều khiển được từ xa. Public Cloud là hạ tầng ĐTĐM được dùng cho tất cả các khách hàng trên hạ tầng dùng chung của nhà cung cấp. Public Cloud phù hợp với quy mô vừa và nhỏ và dữ liệu không yêu cầu bảo mật ở mức cao.
+ Private Cloud- Đám mây riêng
Private Cloud là các dịch vụ được cung cấp thông qua mạng Internet hoặc mạng nội bộ được các thành viên trong nội bộ đó sử dụng, mang tính riêng tư. Phục vụ cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng máy chủ ảo đám mây riêng, không chia sẻ với người ngoài. Mô hình này phù hợp với những doanh nghiệp lớn vì họ có nhu cầu sử dụng máy chủ nhiều và muốn đảm bảo tính bảo mật cao.
+ Hybrid Cloud- Đám mây lai
Đây là loại hình kết hợp giữa hai nền tảng public cloud và private cloud, cho phép người dùng lựa chọn cùng lúc các dịch vụ của 2 để phù hợp với từng nhu cầu của mình. Vì kết hợp của hai nền tảng nên Hybird Cloud thừa hưởng những ưu điểm của các nền tảng đó, khắc phục được những rủi ro hay gặp phải.
+ Community Cloud- Cộng đồng đám mây
Đây là một mô hình điện toán đám mây cung cấp giải pháp cho một số lượng hạn chế của các cá nhân/tổ chức quản lý. Phục vụ nhu cầu chia sẻ hạ tầng và dữ liệu ra bên ngoài, nhằm mục đích chia sẻ thông tin nhanh chóng.
4. Ứng dụng của điện toán đám mây:
4.1. Lưu trữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu:
Điện toán đám mây cung cấp cho người dùng khả năng lưu trữ dữ liệu, người dùng có thể lưu trữ một dữ liệu lớn, thậm chí là vô hạn. Bởi hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đều có trung tâm dữ liệu lớn chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động bảo trì, vận hành của hệ thống. Người dùng có thể truy cập và chỉnh sửa một cách dễ dàng từ mọi nơi và mọi thiết bị có kết nối Internet. Nhờ vậy, mà nhân viên của doanh nghiệp có thể thực hiện các công việc từ xa một cách dễ dàng bởi vì hệ thống điện toán đám mây sử dụng tài nguyên thông qua kết nối Internet. Việc chia sẻ và cập nhật những thay đổi trong các dữ liệu, kế hoạch chung đơn giản hơn rất nhiều so với phương thức làm việc truyền thống như: gửi từng file một, cập nhật so sánh từng file thay đổi.
4.2. Phân tích dữ liệu lớn:
Một ứng dụng khác của điện toán đám mây là khả năng phân tích dữ liệu lớn cụ thể là IAAS (cơ sở hạ tầng) trong đám mây chung, PAAS (nền tảng) trong đám mây riêng, SAAS (dịch vụ) trong đám mây lai. Với một dữ liệu lớn như vậy đối các cơ sở hạ tầng truyền thống cần nhiều thời gian, thiết bị và nhân lực để có thể tổng hợp. Đây có thể là dữ liệu về khách hàng, xu hướng thị trường, hiệu suất bán hàng của doanh nghiệp và hơn thế nữa. Việc sử dụng ứng dụng của điện toán đám mấy trong phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp cho doanh nhiệp tiết kiện tiền bạc và thời gian.
4.3. Sao lưu và khôi phục dữ liệu:
Trước khi có điện toán đám mây, chúng ta thường sao lưu dữ liệu trên ổ cứng HDD hoặc SDD. Nếu như các ổ cứng này hư hỏng hoặc bị mất thì vấn đề gặp phải chính là mất dữ liệu mà không thể khôi phục được. Dữ liệu sao lưu theo cách này cũng dễ bị nhiễm vi-rút, dễ bị thất lạc và gây hại cho doanh nghiệp.
Vì vậy, sao lưu và lưu trữ dựa trên điện toán đám mây là một giải pháp khắc phục cho những rủi ro trên. Việc này rất dễ thực hiện và cung cấp bảo mật dữ liệu tự động và thường xuyên hơn, tối đa cho doanh nghiệp. Một số dịch vụ điện toán đám mây cho phép người dùng lên lịch sao lưu, và có thể mã hóa các bản sao lưu để tránh sự cố tấn công hacker xảy ra.
4.4. Lưu trữ trang web:
Công nghệ điện toán đám mây giúp ích rất lớn cho doanh nghiệp trong việc lưu trữ trang web hiệu quả, để đáp ứng sự tăng trưởng liên tục của doanh nghiệp. Lưu trữ trang web trên nền tảng đám mây cung cấp cho doanh nghiệp khả năng mở rộng. Trong trường hợp trang web có vấn đề, doanh nghiệp chỉ cần chuyển sang máy chủ có sẵn gần nhất.
Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ thanh toán theo nhu cầu thực tế sử dụng, nhưng vẫn luôn đảm bảo hệ thống an ninh được xuyên suốt và trọn vẹn.
4.5. Ngăn chặn mã độc và Virus
Người sử dụng phần mềm chống virus bằng công nghệ điện toán đám mây có thể kết nối với phần mềm Anti-Virus của nhà cung cấp. Với công nghệ điện toán đám mây chỉ cần quan tâm ứng dụng diệt virus của nhà cung cấp có tính năng gì, mức độ hỗ trợ và cách dùng mà không cần quan tâm nhiều đến yếu tố nền tảng. Ứng dụng này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đáng kể.
4.6. Thử nghiệm và phát triển sản phẩm /dịch vụ:
Trước đây, phát triển một ứng dụng hoặc phần mềm nội bộ là quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng phức tạp và đắt tiền. Vì các yêu cầu phức tạp trong cài đặt, cấu hình phần cứng và phần mềm.
Với điện toán đám mây, người dùng được cung cấp nhiều công cụ tích hợp và phân phối liên tục với chi phí rẻ hơn. Điều này giúp cho việc thử nghiệm và phát triển phần mềm nhanh hơn, ít phức tạp hơn và rẻ hơn. Vì vậy, doanh nghiệp có thể mở rộng và test sản phẩm của mình trên một môi trường ảo, kiểm tra tính năng, bảo mật và tốc độ của các yếu tố. Đảm bảo các sản phẩm phát hành ra thị trường đều đồng loạt tốt như nhau.
4.7. Ứng dụng quản lý doanh nghiệp:
Thông qua điện toán đám mây, người dùng có thể quản lý dễ dàng, theo dõi sát sao hơn, nắm bắt được tiến độ làm việc của nhân viên.Ví dụ điển hình là sử dụng các ứng dụng quản lý kinh doanh như Hoạch định Tài nguyên Doanh nghiệp (ERP) hoặc Quản lý Quan hệ Khách hàng (CRM),…
Các ứng dụng này được triển khai bằng cách sử dụng phần mềm như một dịch vụ (SaaS), tiết kiệm rất nhiều giấy in, mực, máy tính, camera,…cho doanh nghiệp.