Điểm tín dụng là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng số, trong giai đoạn phát triển cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 . Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về điểm tín dụng là gì? Vai trò và cách nâng cao điểm tín dụng.
Mục lục bài viết
1. Điểm tín dụng là gì?
– Điểm tín dụng là một con số thể hiện lịch sử tín dụng của một cá nhân nào đó theo tiêu chuẩn và quy tắc xếp hạng quốc tế dựa trên việc phân tích hồ sơ tín dụng của một cá nhân nào đó và số điểm này được CIC (trung tâm thông tin tín dụng) quản lý, trung tâm này trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Nói cách khác, điểm tín dụng là điểm số mà thông qua đó các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng thương mại có thể đánh giá được sự uy tín của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ và các hình thức cho vay mà tổ chức đó cung cấp.
– Có thể thấy, điểm tín dụng càng cao thì uy tín của cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng các dịch vụ và các hình thức cho vay càng lớn. Như vậy, khi điểm tín dụng càng cao thì uy tín của cá nhân trong mắt càng tổ chức tài chính, thương mại, ngân hàng càng lớn. Điều này giúp cho việc đi vay của mỗi người trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngược lại điểm số của cá nhân thấp thì các tổ chức cho vay sẽ hạn chế tiếp nhận hồ sơ của họ (bởi nó cho thấy uy tín của hàng trong việc thanh toán mua bán cũng như các khoản vay không cao).
– Thực tế, bất kỳ tổ chức thương mại dịch vụ nào cũng muốn khách hàng bên mình đảm bảo được ngân sách thanh toán, tức trả tiền đúng hạn, thanh toán đầy đủ số tiền. Điểm tín dụng giúp các tổ chức này đánh giá được tiềm lực khách hàng, uy tín của họ trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Từ đó, đưa ra phương hướng nhận định khách hàng, tạo điều kiện hỗ trợ cho vay hoặc hạn chế dịch vụ vay của họ.
2. Vai trò của điểm tín dụng:
Điểm tín dụng là một con số thể hiện lịch sử tín dụng của một cá nhân. Nó có những vai trò cụ thể sau đây:
– Điểm tín dụng đóng vai trò như một công cụ giúp cho các tổ chức cho vay tiêu dùng có thể đánh giá được mức độ uy tín của khách hàng trước khi quyết định có cho khách hàng đó vay hay không. Như đã phân tích, khi một khách hàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán, điểm tín dụng của họ sẽ cao. Điều này minh chứng cho khả năng tài chính của họ, cũng như uy tín trong việc thực hiện thanh toán các khoản mua bán, cũng như khoản vay nợ.
Ví dụ: Chị Lý Thị M, 34 tuổi, là giám đốc của Công ty TNHH Minh Giang. Đầu năm ……, do tình hình kinh tế khó khăn, chị đã ra ngân hàng B để thực hiện vay tiền. Phía bên ngân hàng đã tiến hành kiểm tra thẻ tín dụng của chị. Điểm chị M tích lũy được trong thẻ tín dụng ở mức cao. Điều này cho thấy chị M luôn đảm bảo thanh toán đúng hạn các khoản vay đúng hạn. Ngân hàng B thấy rằng uy tín của chị M rất cao, do đó đã cho chị vay khoản tiền 5 tỷ đồng. Như vậy, trong tình huống này, phía bên ngân hàng dựa vào điểm tín dụng để xem xét, xác minh tính uy tín của chủ thể, từ đó ra quyết định cho vay hay không.
– Điểm tín dụng cũng được xem như là một yếu tố đo lường khả năng vay vốn của một khách hàng nào đó. Từ đó, nó cũng quyết định đến hạn mức vay tối đa mà ngân hàng có thể giải ngân khi khách hàng có nhu cầu vay vốn. Nếu cá nhân có điểm tín dụng thấp hơn hạn mức cho vay, thì bên phái ngân hàng sẽ không thể giải ngân để các đối tượng này vay khoản tiền như mong muốn.
– Điểm tín dụng ảnh hưởng đến những lần vay tiếp theo của khách hàng nếu điểm tín dụng của khách hàng thấp hơn số điểm tối thiểu mà một ngân hàng cho phép. Giả sử, trong lần vay trước đó, khách hàng vay tiền bên phía ngân hàng. Tuy nhiên, cá nhân này lại chậm trả. Điều này khiến mức điểm tín dụng của cá nhân xuống mức thấp. Tại lần vay sau, ngân hàng đó sẽ xem xét tính uy tín của khách hàng đó, để xem có thể cho họ vay tiếp hay không.
Có thể thấy, điểm tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cá nhân trong việc thực hiện các khoản vay, đối với tổ chức cho vay trong việc xác định khả năng thanh toán của khách hàng. Nó được xem là thước đo đánh giá khả năng hoàn trả nợ, uy tín của cá nhân khi thực hiên thanh toán cũng như vay nợ. Thông qua điểm tín dụng, cá nhân có thể dựa vào uy tín của mình để vay khoản tiền có giá trị nhất định. Về phía bên cho vay, sẽ đảm bảo được quyền lợi của mình cũng như sự an toàn của khoản vay khi cho cá nhân vay tiền.
3. Cách nâng cao điểm tín dụng:
Điểm tín dụng thấp hay cao ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh toán cũng như vay nợ của cá nhân. Để nâng cao điểm tín dụng, cá nhân có thể áp dụng các cách thức sau:
– Thứ nhất, luôn đảm bảo thanh toán các khoản phải trả đúng hạn: Việc thanh toán chậm hoặc quên thanh toán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cá nhân. Vậy nên, khi vay nợ hay thanh toán bất kỳ khoản tiền nào, cá nhân cần đảm bảo xem kỹ giấy báo thanh toán để biết thời hạn thanh toán. Phí chậm thanh toán và lãi phạt phát sinh sẽ làm tăng thêm áp lực thanh toán dư nợ. Cùng với đó, lịch sử chậm thanh toán sẽ khiến điểm tín dụng ở mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cá nhân. Khi tạo cho bản thân thói quen thanh toán đúng hạn, cá nhân đã góp phần nâng cao điểm số tín dụng.
– Thứ hai, cá nhân phải thực hiện thanh toán bớt nợ và hạn chế làm phát sinh nợ mới: Uy tín của cá nhân trong mắt các ngân hàng phần lớn dựa vào khoảng cách giữa số tiền nợ ghi nhận trên thẻ tín dụng và tổng hạn mức tín dụng xa. Do đó, càng rút ngắn số tiền nợ, thì khoảng cách đó càng rộng và điểm tín nhiệm của cá nhân càng cao. Ví dụ, mỗi tháng cá nhân thanh toán hết số dư nợ trên giấy báo nợ thì họ đã tận dụng được khoản vay không lãi suất từ ngân hàng phát hành thẻ.
– Thứ ba, chỉ sử dụng số lượng thẻ tín dụng cần thiết: Thực tế, có rất người cho rằng việc sử dụng nhiều thẻ tín dụng sẽ mang lại lợi ích cao cho họ, khi họ có thể tích lũy số điểm cao ở từng thẻ. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Khi tiến hành mở mức tín dụng mới, điểm tín nhiệm của cá nhân có thể bị giảm, nhất là khi lịch sử giao dịch tín dụng của cá nhân đó chưa đủ lâu và chưa phải là khách hàng chưa có lịch sử tín dụng thuận lợi. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thẻ tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng khó quản lý.
– Thứ tư, không nên đăng ký nhiều tín dụng một lúc: Hiện nay có rất nhiều lời chào mời mở thẻ tín dụng. Những lời chào mời đó rất có tính thuyết phục. Do đó, mọi người thường bị ảnh hưởng và bị thuyết phục. Việc đăng ký thêm một thẻ tín dụng cũng không phải là vấn đề, nhưng nếu cá nhân đăng ký thêm nhiều thẻ mới cùng một lúc sẽ khiến cho chủ nợ thấy rằng họ đang rất cần tín dụng, từ đó thấy được rủi ro khi cho các cá nhân này vay.
– Thứ năm, chỉ vay khi thực sự cần thiết và không đi vay hộ người khác: Rất nhiều người mắc phải sai lầm này do đi vay giúp người quen, bạn bè. Tuy nhiên khi cá nhân thực hiện đi vay hộ người khác thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm với khoản vay đó về mặt pháp luật. Khi khoản vay bị trễ hạn thì khả năng cao số điểm tín dụng của cá nhân sẽ không được cao như ý muốn. Do đó, cá nhân nên hạn chế các khoản vay không cần thiết để có thể cải thiện điểm tín dụng của mình được cao hơn. Bởi suy cho cùng, điểm tín dụng là căn cứ để tổ chức cho vay xem xét tính uy tín của cá nhân, để từ đó quyết định cho vay hay không (Tức ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân trong việc thực hiện, thanh toán các khoản vay).
Việc tuân thủ theo các nguyên tắc nêu trên, cá nhân có thể đảm bảo việc nâng cao số điển trong thẻ tín dụng của mình. Từ đó, vai trò của điểm tín dụng sẽ được phát huy đến mức tối đa nhất.