Đền Bạch Mã có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Mời các bạn theo dõi bàn viết dưới đây để hiểu rõ hơn về ngôi đền này nhé.
Mục lục bài viết
1. Đền Bạch Mã ở đâu?
Đền Bạch Mã trước kia thuộc địa dư phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, phía Đông kinh thành Thăng Long, bên bờ sông Hồng, cạnh cửa sông Tô Lịch. Nay, Đền Bạch Mã tọa lạc tại địa chỉ là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
2. Đền Bạch Mã thờ ai?
Nơi đây thờ duy nhất một vị thần là Thần Long Đỗ (có nghĩa là “rốn rồng”) – Bạch Mã Đại vương, là vị Thành hoàng đất Thăng Long. Trong lịch sử nước Việt, thân thế của thần Long Đỗ chưa được làm rõ. Có nhiều huyền thoại, truyền thuyết, sử tích kỳ thú về vị thần này trong đó được dân gian truyền tụng nhiều nhất là việc phá trấn yểm của Cao Biền- một nhà phong thủy, được ghi chép, lưu giữ lại trong những cuốn sách như Việt điện u linh, Báo cực truyện và Giao châu kí.
Thần tích Cao Biền
Trong cuốn “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên thế kỷ XIV ghi lại rất rõ ràng về nguồn gốc và thời điểm xây dựng đền thờ thần Long Đỗ Câu chuyện này gắn liền với Cao Biền, một viên quan Bắc triều được phái tới đô hộ nước ta ở giai đoạn cuối thời kỳ Bắc thuộc. Do thời điểm lúc bấy giờ triều Đường ở phương Bắc đã đi vào thời kỳ mục ruỗng, suy yếu ở mức độ trầm trọng nên việc duy trì sự cai trị đối với nhân dân ta gặp nhiều khó khăn, quân thần Đường Hàm Thông gắng sức xây lên hình ảnh một Cao Biền đầy tài phép, đưa sang nước ta, trấn yểm mọi bề để long mạch triều Đường không bị xâm hại.
Theo đó, năm 866, Cao Biền khi ấy đã đắp xong thành Đại La bèn ra cửa Đông dạo chơi. Bỗng đâu gió nổi, mây mù, một người cao lớn mặc một chiếc áo gấm cưỡi rồng ẩn hiện trong màn xương. Nhìn thấy hiện tượng này Cao Biền sợ hãi, ngay lập tức nảy sinh ý định lập bùa trấn yểm. Đêm đó, Cao Biền nằm mộng thấy vị thần cao lớn ấy hiện ra khoan thai nói: “Ta là tinh anh ở Long Đỗ. Nghe tin ông đắp thành nên đến chơi. Việc gì phải trấn yểm?”. Tỉnh dậy, Cao Biền bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống đất để trấn yểm.
Tức thì, một trận cuồng phong nổi lên, vàng, đồng và bùa của Cao Biền bị tàn phá thành đống tro bụi. Chứng kiến cảnh này Cao Biền hoảng hồn, rồi lập tức cho người lập đền thờ thần Long Đỗ. Quả nhiên, sau đó ít lâu Cao Biền bị triệu về cố quốc và phải chết tức tưởi.
Dân gian cho rằng Ngài đã từng hiện lên phá nát đàn trấn yểm của Cao Biền khiến Cao Biền phải thở than và trở về Bắc quốc. Từ đó, các thứ sử, thái thú khi đắp thành, trị nhậm vùng Long Đỗ đều phải cầu khấn, xin phép ngài. Thần hiệu của thần thời Lý phong là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Đến thời nhà Trần gia phong là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Kết quả kết hợp Thần và Phật trong thờ tự để làm nên tên gọi Bạch Mã linh.
Chuyện Thần hiển linh giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long
Theo ghi chép trong cuốn Việt sử giai thoại của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến Đại La, đổi tên là Thăng Long để tiện việc phòng bị chống, ông bắt tay ngay vào việc đắp luỹ xây thành. Tuy nhiên, nhiều lần đắp thành lên đều bị sụp đổ. Vua Lý Thái Tổ bèn tới đền thờ thần Long Đỗ cầu đảo, xin được phù trợ bởi dân gian coi Thần Long Đỗ là thần cai quản chốn Đại La . Đêm đó, Nhà Vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng, cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Vua lần theo vết chân ngựa bước từ hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững, không bị lún sụt nữa. Cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ, ông bèn ban sắc phong Thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương, đồng thời cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ thành Bạch Mã linh từ (hay còn gọi là đền thiêng Ngựa Trắng).
Những sử tích khác về vị thần này.
Đến đời Lý Thái Tông, Vua muốn dựng đền ra một chỗ khác để mở phố chợ về Cửa Đông, hàng quán chen chúc, rất huyên náo. Song lại nghĩ rằng một ngôi đền cổ không nên dời đi, bèn sửa sang lại đền liền với các nhà, hàng quán ngoài phố, riêng để một ngôi nhà bên trong làm nơi thờ thần. Đêm đến, thần hiển linh nổi trận gió bắc rất to, các nhà xung quanh, liền kề đền đều đổ, duy chỉ đền thờ thần là nguyên vẹn. Vua Thái Tông lấy làm lạ hỏi. Sau khi biết được những việc hiển linh của thần từ trước, Nhà vua thấy đền linh thiêng, là nơi có thể dựa vào để bảo vệ dân, giữ nước, mừng nói: “Đó thật là vị thần coi việc nhân gian”, xuống chiếu cho sửa lễ tế đền và đặt lệ mỗi năm cứ đầu mùa xuân lại đến làm lễ cầu phúc cho dân an hưởng thái bình, đất nước vững bền, thịnh trị. Ông cũng sắc phong thần là Quảng Lợi vương.
Thậm chí Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải cũng đã từng làm thơ tỏ ý kinh ngạc, nói về vấn đề này là sự trường tồn cùng thời gian của đền Bạch Mã. “Lửa bốc ba lần không cháy đến/Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng!”. Theo đó, dù xung quanh đền đã phải hứng chịu tới 3 cuộc hỏa hoạn lớn nhưng đền đều… vô can.
Ngoài ra, trải qua thảm mưa bom rơi sau cuộc kháng chiến dân tộc, ngôi đền Bạch Mã vẫn uy nghi, vững chãi, dù mọi thứ xung quanh đền đều bị tàn phá.
Có thể thấy, khí phách linh diệu của tinh thần dân tộc mấy nghìn năm được thể hiện qua những lần Thần núi Long Ðỗ – Bạch Mã che đỡ cho oai phong đất Rồng chống lại các thế lực hắc ám, mưu toan, bảo hộ cho nhân dân Thăng Long được an cư lạc nghiệp.
3. Đôi nét đặc sắc về đền Bạch Mã:
Đầu tiên, nhân dân ta đến Đền Bạch Mã vì xem đây là một điểm đến linh thiêng để cầu may mắn, bình an cho gia đình và đất nước.
Ngoài ra, đây chính là một chứng tích quan trọng một thời về của đất nước về lịch sử, một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu Thăng Long-Hà Nội về nhiều mặt: nghệ thuật, văn hóa và triết học. Đền Bạch Mã hiện nay đã được nhà nước công nhận trong xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986 nhằm mục tích tôn vinh một địa danh thờ cúng, thiêng liêng giữa lòng thủ đô Hà Nội tấp nập.
Kiến trúc nghệ thuật
Kiến trúc ngôi đền mang nhiều phong cách của thế kỷ 19 với cấu trúc theo chiều dọc, khép kín, bao gồm: Nghi Môn, Phương Đình (sân trước), Đại Bái (đình ngoài), Thiên hương, cung cấm (nơi thờ tượng thần Bạch Mã) và nhà hội đồng.
Vẻ đẹp nổi bật cổ kính phía trong đền là những cột gỗ lim và các mái đỡ tạo thành thế “giá chiêng chồng rường con nhị” và “hệ cùng 3 phương” giúp cho ngôi đền có sự vững chãi theo năm tháng, trở thành nét đặc sắc trong kiến trúc đền chùa Việt Nam. Đồng thời, trở thành nơi thể hiện những nét trạm trổ hoa văn hết sức tinh xảo, bắt mắt, khỏe khoắn các hình vẽ cổ của người xưa.
Một điểm thú vị nữa là, gần như không còn đền chùa nào giữ được huyệt thông âm như Đền Bạch Mã. Giếng đặt ở phía bên phải đền, mà theo quan điểm tả dương hữu âm, và giếng huyệt chính là âm.
Hiện vật
Hiện nay đền còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng, … Tham quan đền ta thấy rằng đền vẫn còn lưu giữ được 15 tấm bia đá tạc lại những lần tu sửa đền, quy định của chúa Trịnh trong miễn thuế, sưu dịch để trông nom đền, thể lệ đóng góp, ăn uống,…; đồ thờ tự quý hiếm cùng các sắc phong của nhiều vị vua triều Lê, Tây Sơn hay triều Nguyễn; 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã, ngoài ra còn nhiều hiện vật có giá trị khác như Cỗ Long ngai có khắc chữ ghi tên vị thần được thờ cúng chính tại Đền này, ở đây là “Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch Mã Đại vương”, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”.
Cảnh quan
Nằm giữa phố Hàng Buồm, giữa những mái ngói lô xô rêu phong phủ mờ, Đền Bạch Mã trở thành một điểm nhấn đẹp đẽ trong bức tranh phố cổ Hà Nội.
4. Kinh nghiệm đi lễ Đền Bạch Mã:
4.1. Thời gian thích hợp đến Đền Bạch Mã:
Người dân ta thường đến Đền Bạch Mã nhiều nhất vào ngày Lễ hội Đền Bạch Mã, được tổ chức vào ngày 13/2 âm lịch để suy tôn thần Long Đỗ với nhiều hoạt động mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” hết sức nhân văn của dân tộc. Lễ hội mang nghi thức cung đình, diễn ra đầu năm đem không khí vui tươi, phấn khởi, tinh thần lạc quan để cầu mong một năm may mắn và bình an cho cả năm.
Ngoài ra,vào các ngày rằm của tháng, hoặc mùng 1 âm lịch, hay vào dịp đầu năm mới người dân thường đến Đền Bạch Mã để khấn vái. Ngày thường cũng có thể đến lễ. Đền Bạch Mã đón khách từ 8 giờ – 11 giờ sáng và 14 giờ – 20 giờ tối các ngày trong tuần, trừ thứ hai. Riêng giao thừa đền mở hết đêm
Giá vé: Tự do
4.2. Phương tiện và đường đi đến đền Bạch Mã:
Vì nằm trong nội thành Hà Nội nên rất đường đến rất dễ dàng.
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn cần đi đến đường Nguyễn Thái Học, đến Cửa Nam rẽ vào phố Phùng Hưng rồi đi tiếp tới phố Hàng Buồm và tìm địa chỉ số 76 là sẽ tới được đền Bạch Mã. Hoặc từ hồ Hoàn Kiếm, bạn theo đường Lê Thái Tổ đi về hướng phố Hàng Trống. Sau đó, rẽ trái tại phố Hàng Khay, sau đó là đường Đinh Tiên Hoàng. Đi qua bùng binh, tiếp tục đi theo phố Hàng Đào đến khi gặp phố Hàng Buồm thì rẽ phải.
Nếu di chuyển bằng phương tiện công cộng: Nếu đi bằng xe buýt, bạn có thể chọn một trong số các tuyến số: 01, 14CT, 18, 22A, 34, 18, 43 có điểm dừng gần Đền Bạch Mã.
4.3. Lưu ý khi vào lễ Đền Bạch Mã:
- Sau khi dâng lễ, thắp hương, bạn có thể đọc văn khấn trước các ban thờ, hoặc chỉ cần đặt văn khấn lên một cái đĩa nhỏ, rồi đặt vào mâm lễ dâng cúng. Khi thực hiện lễ hóa vàng thì phải hóa văn khấn trước. Tiếp đó, trong khi đợi hết một tuần nhang thì bạn có thể đi tham quan khuôn viên Đền Bạch Mã.
- Khi đến tham quan đền Bạch Mã, bạn phải đi theo thứ tự: Tam Quan, Phương Đình (sân trước), Đại Bái (đình ngoài), Thiêu Hương, Cung cấm (nơi thờ tượng thần Bạch Mã).
- Không nên dâng đặt lễ mặn ở Tiền Đường (nơi thờ tự chính của ngôi).
- Có thể chuẩn bị tiền giấy âm phủ và hương. Không đặt tiền giọt dầu vào tay các bức tượng thần trong đền mà hãy để vào hòm công đức.
- Hạ lễ từ ban ngoài cùng vào đến ban chính.
- Không nên đi trước mặt người đang thành tâm khấn vái, muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
- Làm lễ cần tịnh tâm, giữ gìn trật tự và sự tôn nghiêm nhất định trong đền.