Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là gì? Đặc điểm của sản phẩm thủ công mỹ nghệ? Giá trị nhân văn của sản phẩm thủ công mỹ nghệ?
Ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó thủ công mỹ nghệ là bộ phận quan trọng đã hình thành và tồn tại trong suốt quá trình phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thể hiện giá trị văn hóa của dân tộc, là biểu tượng đẹp đẽ tồn tại gắn liền với đất nước.
Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là gì?
Theo ông Trần Văn Kinh, “hàng thủ công là loại sản phẩm nghệ thuật, kết tinh từ những thành tựu kỹ thuật – công nghệ truyền thống, phương pháp thủ công tinh xảo, với đầu óc sáng tạo nghệ thuật“. Cách giải thích này sau đó cũng được áp dụng phổ biến và xem đó như một cách giải thích đúng nhất về hàng thủ công mỹ nghệ.
Mô hình của ông Trần Văn Kinh được biểu diễn như sau: Phương pháp thủ công tính xảo + Sự sáng tạo nghệ thuật – > Hàng thủ công mỹ nghệ
2. Đặc điểm của sản phẩm thủ công mỹ nghệ:
Không giống như những nhóm hàng hóa khác, hàng thủ công mỹ nghệ có những đặc điểm riêng của mình đó là sự khác biệt trong mục đích tiêu dùng sản phẩm thủ công mỹ nghệ:
– Thứ nhất, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có xu hướng tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu vừa dùng lại vừa chơi. Nghĩa là, người tiêu dùng quan tâm cả đến mặt thẩm mỹ lẫn lợi ích sử dụng của sản phẩm. Tính chất mỹ thuật của loại sản phẩm này được tạo nên bởi hình dáng sản phẩm, những đường nét và họa tiết trên mặt sản phẩm. Còn tính chất sử dụng được người tiêu dùng lựa chọn căn cứ vào công dụng, kích cỡ, hình dáng của sản phẩm. Với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các thế hệ thợ thủ công đã tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đậm nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ.
– Thứ hai, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiên về tính nghệ thuật, hơn nữa người tiêu dùng coi trọng tính thẩm mỹ của sản phẩm này hơn: 1 chiếc giỏ tre treo trên tường hay 1 pho tượng gốm Phật bày trong tủ… tất cả tăng vẻ sang trọng, lịch sự và nghệ thuật của căn phòng, ngôi nhà, khách sạn.Vậy là, sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành vật trang trí nội thất hay thú chơi sưu tập của một số người vốn yêu thích các sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Tại sao người tiêu dùng lại đề cao tính thẩm mỹ của nghành hàng này vậy? Lí do là chính các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm chất văn hóa. Nó thường biểu đạt phong cảnh sinh hoạt, con người, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội truyền thống, quan niệm về tự nhiên…Những nét chấm phá nghệ thuật trên tranh sơn mài, khảm trai, tranh lụa…đã thể hiện đất nước con người và tâm hồn tình cảm Việt Nam.
– Thứ ba, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để dùng nhiều hơn chơi. Việc các sản phẩm làm ra ngoài việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài còn để tiêu dùng trong nước. Bộ ấm chén, bát đĩa, bình đựng rượu, rổ, bàn ghế, lụa…thể hiện rõ công dụng của nó hàng ngày. Vậy là, sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải chỉ để ngắm, thưởng thức mà còn đi sâu vào đời thường. Với nguyên liệu như mây, tre,…có ở trong nước, sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tập trung ở các làng nghề, sản xuất theo lối truyền thống, quy trình sản xuất đơn giản, chi phí sản xuất thấp, giá thành không quá cao so với thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, các mặt hàng như gốm sứ, đồ gỗ, hàng mây tre đan, hàng thổ cẩm…luôn song hành trong cuộc sống cùng con người.
Chính yếu tố nghệ thuật, văn hóa vật thể là một đặc thù hết sức quan trọng của hàng thủ công mỹ nghệ. Sự kết hợp giữa phương pháp thủ công tinh xảo và sự sáng tạo nghệ thuật của nghệ nhân và thợ thủ công để tạo ra hàng thủ công mỹ nghệ đã kéo theo những đặc thù khác trong sự phát triển của ngành nghề thủ công mỹ nghệ và được xem như những tiêu chí của ngành nghề này:
– Tính riêng, đơn chiếc mạnh hơn tính đồng loạt.
– Chiều sâu nhiều hơn chiều rộng, mang tính trường phái, giữ bí quyết trong sáng tạo hơn là sự phổ cập, phổ biến rộng rãi.
– Đầy chất trí tuệ, tri thức tích tụ lâu đời.
– Sử dụng hàng thủ công đồng thời thưởng thức nó nữa (thưởng tức nghệ thuật và tư tưởng, trí tuệ).
3. Giá trị nhân văn của sản phẩm thủ công mỹ nghệ:
Việt Nam là một quốc gia có lịch sử và truyền thống phát triển lâu đời. Trên mảnh đất này đã hình thành, bảo tồn và phát triển hàng ngàn làng nghề. Sự hình thành và phát triển của làng nghề Việt Nam luôn gắn liền với sự phát triển của nền văn hoá và văn minh vùng châu thổ Bắc Bộ. Sự xuất hiện của nghề thủ công gắn liền với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Đây là hình thức lao động của người nông dân trong thời gian nông nhàn, tận dụng các đồ vật sẵn có để tạo nên các sản phẩm thủ công phục vụ cho đời sống như là những công cụ, những sản phẩm hữu dụng khác.
Lịch sử phát triển của các làng nghề truyền thống luôn gắn liền với lịch sử phát triển văn hoá của dân tộc, nó là nhân tố tạo nên nền văn hoá ấy đồng thời là sự biểu hiện tập trung nhất bản sắc của dân tộc.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nó được tạo nên bởi bàn tay tài hoa và trí óc sáng tạo của người thợ thủ công. Vì vậy mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nét đặc sắc của dân tộc, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi làng nghề và mang mỗi dấu ấn của mỗi thời kỳ. Tìm hiểu lịch sử của mỗi làng nghề ta thấy kỹ thuật chế tác ra các sản phẩm có từ rất xa xưa và được bảo tồn đến ngày nay. Kỹ thuật đúc đồng và hợp kim đồng thau đã có từ thời văn hoá Đông Sơn – một nền văn hoá với những thành tựu rực rỡ, đặc biệt là trống đồng Ngọc Lũ gắn liền với lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Cho đến sau này nghề đúc đồng vẫn để lại những dấu ấn lịch sử. Mới đây nhất ta thấy có tượng phật mới đúc được đặt ở chùa Non Nước cao và nặng nhất Đông Nam Á.
Ngày nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với tính độc đáo và độ tinh xảo của nó vẫn có ý nghĩa rất lớn với nhu cầu đời sống của con người. Những sản phẩm này là sự kết tinh, sự bảo tồn các giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc, là sự bảo lưu những văn hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này sang đời khác tạo nên những thế hệ nghệ nhân tài ba với những sản phẩm độc đáo mang bản sắc riêng. Chính vì vậy xuất khẩu thủ công mỹ nghệ không những góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của dân tộc Việt nam mà còn có nhằm quảng bá chúng trên khắp thế giới.
Những giá trị mà sản phẩm thủ công mỹ nghệ mạng lại không chỉ là giá trị nhân văn mà còn là giá trị kinh tế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của việt Nam ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm, tạo tiền đề cho xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn là một nét hấp dẫn rất quan trọng và ấn tượng đối với khách du lịch nhất khách du lịch văn hoá ,các sản phẩm càng đa dạng phong phú càng có tác dụng thu hút mạnh mẽ du khách tới tham quan, qua đó các dịch vụ về du lịch phát triển đồng thời hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng được các nước bạn biết đến nhiều hơn, đây chính là một biểu hiện của hình thức xuất khẩu tại chỗ. Ngược lại, nếu du lịch phát triển, có nhiều khách du lịch đến tham quan tại các làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được biết đến nhiều hơn, được quảng bá nhiều hơn, đó cũng là một hình thức khuếch trương giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, từ đó ta có thể mở rộng quan hệ kinh doanh và có thể tăng kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ.
Có thể nói xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ đóng vai trò xúc tác hỗ trợ phát triển kinh tế mà nó còn cùng với hoạt động nhập khẩu như là yếu tố bên trong trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ nền kinh tế như: vốn , kỹ thuật, lao động, thị trường tiêu thụ…Đối với nước ta, hướng mạnh về xuất khẩu hàng là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế đối ngoại.
Sau khi xem xét hiện trạng hàng thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam , ta thấy nghề truyền thống Việt Nam đang từng bước phát triển cùng với công cuộc đổi mới nền kinh tế của đất nước. Các làng nghề phục hồi và phát triển đã góp phần không nhỏ vào GDP ở địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…Song, vẫn còn nhiều khó khăn về vốn, trình độ công nghệ- kỹ thuật, sự ô nhiễm môi trường, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất và sự quan tâm của cơ quan Nhà nước với sự phát triển của làng nghề còn chưa thích đáng.