Năng suất lao động và cường độ lao động là những thuật ngữ quen thuộc trong quan hệ pháp luật về lao động. Đây là không chỉ là mối quan tâm chung của Nhà nước mà còn của mỗi người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Vậy cường độ lao động là gì? Giữa cường độ lao động và năng suất lao động khác nhau ra sao?
Mục lục bài viết
1. Cường độ lao động là gì?
Cường độ lao động là đại lượng chỉ mức độ hao phí sức lao động trong một đơn vị thời gian. Nó cho thấy mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động.
Cường độ lao động tăng lên tức là mức hao phí sức cơ bắp, thần kinh trong một đơn vị thời gian tăng lên, mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động tăng lên.
Nếu cường độ lao động tăng lên thì số lượng (hoặc khối lượng) hàng hóa sản xuất ra tăng lên và sức hao phí lao động cũng tăng lên tương ứng, vì vậy giá trị của một đơn vị hàng hóa vẫn không đổi.
Tăng cường độ lao động thực chất cũng như kéo dài thời gian lao động cho nên hao phí lao động trong một đơn vị sản phẩm không đổi.
Cường độ lao động tiếng Anh là: Labor intensity.
2. Năng suất lao động là gì?
Cùng với việc hiểu cường độ lao động là gì? thì năng suất lao động là gì cũng là một khái niệm cần được tìm hiểu trong chủ đề này. Năng suất lao động được định nghĩa là số lượng sản phẩm (hay GDP) tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc.
Khái niệm năng suất lao động phản ánh tính lợi nhuận, tính hiệu quả và giá trị chất lượng và là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội được lượng hóa bằng mức tăng giá trị gia tăng của tất cả nguồn lực.
Có hai loại năng suất lao động đó là năng suất lao động cá biệt và năng suất lao động xã hội. Trên thị trường hàng hóa được trao đổi không phải theo giá trị cá biệt mà là giá trị xã hội. Chính vì vậy, năng suất lao động có ảnh hưởng đến giá trị xã hội của hàng hóa là năng suất lao động xã hội.
3. Phân biệt giữa cường độ lao động và năng suất lao động:
– Năng suất lao động là số lượng sản phẩm đươc người lao động sản xuất ra trong một đơn vị thời gian.
– Cường độ lao động là sự hao phí sức óc(thần kinh), sức bắp thịt của nguòi lao động trong sản xuất trong một đơn vị thời gian hoặc kéo dài thời gian sản xuất, hoặc cả hai cách đó
Giống nhau: tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động thì đều tạo ra nhiều sản phẩm hơn
Khác nhau:
– Tăng năng suất lao động làm cho lượng sản phẩm (hàng hóa) sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, nhưng làm cho giá trị của một đơn vị hàng hóa giảm xuống.
Hơn nữa, tăng năng suất lao động có thể phụ thuộc nhiều vào máy móc, kĩ thuật, do đó, nó gần như là một yếu tố có “sức sản xuất” vô hạn;.
– Còn tăng cường độ lao động, làm cho lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên trong một đơn vị thời gian, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hóa không đổi.
Hơn nữa, tăng cường độ lao động phụ thuộc nhiều vào thể chất và tinh thần của người lao động, do đó, nó là yếu tố của “sức sản xuất” có giới hạn nhất định. Chính vì vậy, tăng năng suất lao động có ý nghĩa tích cực hơn đối với sự phát triển kinh tế.
4. Giải pháp nâng cao năng suất lao động thời đại 4.0:
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, để nâng cao năng suất lao động, một trong những giải pháp nổi bật là tăng cường độ sâu vốn và công nghệ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa – vật lí – công nghệ sinh học, với sự đột phá của Internet và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ đến khối doanh nghiệp. Là quốc gia đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường độ sâu vốn và công nghệ là điểm mấu chốt, tỉ lệ thuận với kết quả năng suất lao động quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn. Rõ ràng, nguồn lực tài chính phải được đầu tư có chiều sâu, dành cho những thiết bị có năng suất cao, đồng thời phải nâng cao trình độ quản lí, thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất trong doanh nghiệp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp rất có tiềm năng, một số doanh nghiệp đã áp dụng số hóa vào sản xuất kinh doanh từ giống, canh tác, thu hoạch, phân phối tiêu dùng… Ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất lao động trong chính các ngành vốn đang sử dụng rất nhiều lao động.
Tiếp cận Nông nghiệp 4.0 là ứng dụng các thành tựu của Công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất – chế biến – tiêu thụ.
Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành hàng không đã áp dụng ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo vào thực tế. Hàng triệu dữ liệu của động cơ máy bay đều có hệ thống phân tích và dự báo về tình hình hoạt động. Các hoạt động khác trong hệ thống như quản lí đặt chỗ, quản lí bán vé… cũng đã áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn (Big Data) để phục vụ khách hàng.
5. Khả năng thực thi nâng cao năng suất lao động thời đại 4.0 và những điều cần lưu ý:
Bên cạnh những tác động tích cực, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt các doanh nghiệp Việt trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn ch
Một thách thức nghiêm trọng là lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam có năng suất lao động không cao và chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Ở từng nhóm ngành cụ thể như các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo… vẫn đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đã xác định một số chiến lược chính trong công tác xây dựng lực lượng lao động để thích ứng và gia tăng lợi nhuận trong thời đại kĩ thuật số bao gồm: Tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp, Đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu, Xác định rõ những nhân viên có kĩ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới, Tăng cường sử dụng công nghệ vận hành từ xa, Đầu tư vào máy học (machine learning) và các công nghệ mới…
Mặt trái khác của Cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể gây ra sự bất bình đẳng, phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải…
Xác định giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời đại 4.0 là tăng cường độ sâu vốn và công nghệ, Chính phủ có thể xem xét và thực hiện những chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóa và đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kĩ thuật số. Đây chính là hướng tiếp cận chủ động đón đầu, tận dụng cơ hội có thể mang lại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cần có chiến lược nâng cao năng suất lao động gắn với tăng cường độ sâu vốn và công nghệ. Doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo kĩ năng thời đại công nghệ số, giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp, trở thành “chìa khóa” cho tăng trưởng năng suất bền vững của công ty.
Để áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 thành công, hướng đến tăng năng suất lao động, đòi hỏi những thay đổi lớn trong thực tiễn tổ chức và cấu trúc doanh nghiệp. Những thay đổi này bao gồm các kiến trúc công nghệ thông tin và quản lí dữ liệu mới, các cách tiếp cận mới đối với việc tuân thủ luật lệ và thuế, các cấu trúc tổ chức mới, và quan trọng nhất là một nền văn hóa dựa trên điện số hóa mới, phải bao gồm phân tích dữ liệu như một năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc cách thức tổ chức lại lao động, trong đó chú trọng kết hợp tương tác giữa người lao động và người máy theo từng công đoạn sản xuất. Với những hoạt động lặp đi lặp lại, doanh nghiệp có thể sử dụng robot giúp tăng năng suất lao động, trong khi với nhiều hoạt động đòi hỏi sự tinh tế khéo léo, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng người lao động.
Trong bối cảnh hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động xã hội chính là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động không chỉ là nhiệm vụ của quốc gia, mà còn là trách nhiệm của từng đơn vị cá thể tham gia hoạt động sản xuất – kinh doanh. Để thúc đẩy chất lượng tăng trưởng năng suất, chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ, sử dụng sức lao động hiệu quả chính là những giải pháp tối ưu trong thời đại 4.0.