Cục Bản quyền tác giả có tên tiếng anh là Copyright office of Vietnam, là tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Sự ra đời của Cục Bản quyền tác giả có thể được coi là tất yếu trong sự phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở nước ta ngày càng coi trọng hơn tới các giá trị "vô hình". Vậy Cục Bản quyền tác giả là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức?
Mục lục bài viết
1. Cục Bản quyền tác giả là gì?
Định nghĩa về Cục Bản quyền tác giả được ghi nhận dưới góc độ là vị trí, chức năng của Cục Bản quyền tác giả theo quy định tại Điều 1 Quyết định 3954, theo đó: “Cục Bản quyền tác giả là tổ chức thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.” Cách giải thích này cho thấy, Cục Bản quyền tác giả là tổ chức độc lập chịu sự quản lý của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, do đó, bên cạnh chịu trách nhiệm trước pháp luật, Cục Bản quyền còn phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bản quyền tác giả:
Để chủ động trong quá trình thực hiện chức năng của mình, pháp luật ghi nhận và trao cho Cục Bản quyền tác giả những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, theo đó, tại Điều 2, Quyết định 3954 quy định 19 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết dưới đây, tác giả chỉ phân tích một số nhiệm vụ, quyền hạn điển hình.
– Trình Bộ trưởng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, cơ chế, chính sách, kế hoạch về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa; dự thảo phương án đàm phán các Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế, chương trình hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, công nghiệp văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đây là nhiệm vụ phổ biến và điển hình của các tổ chức chuyên môn trực thuộc Bộ, việc trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thường do Cục Bản quyền chủ trì thực hiện dự thảo. Nội dung các dự thảo các văn bản, chiến lược, cơ chế,..phải liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa- đây cũng là lĩnh vực hoạt động chính duy nhất của Cục Bản quyền. Nhiệm vụ này được ghi nhận vừa phù hợp với thông lệ của pháp luật Việt Nam, vừa khai thác được tính chuyên môn của Cục Bản quyền.
– Trình Bộ trưởng quy định về việc phát triển công nghiệp văn hóa; cung cấp, hợp tác, đặt hàng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
Trước hết, cần hiểu về Công nghiệp văn hóa – theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT – Công nghiệp văn hóa “là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.” Việc trình Bộ trưởng quy định về việc phát triển công nghiệp văn hóa là điều cũng phù hợp với lĩnh vực hoạt động hay chức năng của Cục Bản quyền tác giả. Các hoạt động cung cấp, hợp tác, đặt hàng…chỉ phát sinh sau khi được phê duyệt.
– Tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển công nghiệp văn hóa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan.
Các giải thích ở trên chỉ mang nội dung về công nghiệp văn hóa, việc phát triển và đề ra các biện pháp phát triển đồng thời tổ chức thực hiện là hoạt động khá phức tạp và khá đa dạng, Cục Bản quyền phải thực sự quan tâm và thực hiện một cách triệt để các biện pháp, đó cũng là cách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
– Quản lý quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ quan trọng để tránh trường hợp cá nhân, tổ chức khác sử dụng các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình thuộc Nhà nước, gây thiệt hại đến uy tín của Nhà nước, cũng như có thể dẫn đến khả năng trục lợi vô căn cứ của cá nhân, tổ chức khác, lúc này, Nhà nước cũng được xem như có quyền tác giả, quyền liên quan mà Cục Bản quyền tác giả có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ nó.
– Xây dựng và quản lý bộ máy về quyền tác giả, quyền liên quan, về công nghiệp văn hóa; tổ chức bồi dưỡng cán bộ về quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển công nghiệp văn hóa.
Đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo rằng tổ chức được hoạt động ổn định, phát triển, có đầy đủ chuyên môn, năng lực để thực hiện chức năng của mình. Quá trình bồi dưỡng cán bộ có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, thời gian, địa điểm khác nhau, tùy thuộc vào quyết định của Cục.
– Hướng dẫn nghiệp vụ bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Đây là nhiệm vụ, quyền hạn xuất phát từ tính chuyên môn của Cục Bản quyền tác giả, các cá nhân làm việc trong Cục bản quyền là những người có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm hoạt động dày dặn, việc hướng dẫn nghiệp vụ có thể được thực hiện thông qua các bài viết, các công văn, các buổi tập huấn,…
– Quản lý các hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Các tổ chức đại diện tập thể là chủ thể đặc biệt, sẽ có sự phức tạp hơn so với các cá nhân, do đó, việc quản lý các hoạt động là điều cần thiết và hợp lý, phù hợp với chức năng của Cục.
– Quản lý hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan, hoạt động đại diện, tư vấn dịch vụ về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Giám định là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn cao và chỉ được thực hiện nếu như được pháp luật trao quyền, kết quả giám định là căn cứ để chứng minh rất nhiều các yếu tố, đặc biệt là giải quyết tranh chấp.
– Cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Đây là quyền hạn chỉ có Cục Bản quyền tác giả mới được thực hiện. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan mặc dù không phải là chứng thư pháp lý bắt buộc để làm phát sinh quyền, nhưng là văn bản có ý nghĩa trong sự ghi nhận của nhà nước và càng làm chắc chắn thêm chứng nhận quyền cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm.
– Phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa.
Đây là nhiệm vụ cũng khá quan trọng, tuy nhiên cục bản quyền chỉ mang tính phối hợp tổ chức, không phải là đơn vị chủ trì, điều này cũng dễ hiểu bởi đây là tổ chức hoạt động sâu rộng, quản lý mang tính lớn, các hoạt động giáo dục tuyên truyền có thể được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức khác thấp hơn.
3. Cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả:
Điều 3 Quyết định 3954 quy định về cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả như sau:
– Cục trưởng, các Phó Cục trưởng. Hiện nay, Cục bản quyền có 1 Cục trưởng là Ông Lê Hồng Phong và 2 Phó Cục trưởng: Phạm Thị Kim Oanh; Trịnh Tuấn Thành
– Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
+ Văn phòng Cục;
+ Phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan;
+ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan;
+ Phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế;
+ Phòng Quản lý công nghiệp văn hóa;
+ Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh;
+ Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Đà Nẵng.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Cục; có trách nhiệm quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể của các phòng, tổ chức trực thuộc; sắp xếp, bố trí công chức theo cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ; xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục.
Với một cơ cấu tổ chức như vậy, Cục Bản quyền tác giả đã, đang và sẽ trở thành tổ chức thực hiện tốt chức năng của mình, hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn một cách trọn vẹn nhất, đáp ứng được yêu cầu và trách nhiệm đã được nhà nước và cá nhân, tổ chức trong xã hội tin tưởng giao phó.