Công thức tính cán cân thương mại? Nguyên nhân gây thâm hụt cán cân thương mại bao gồm: Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Cán cân thương mại là một trong những vấn đề cơ bản của nền kinh tế vĩ mô, là một bộ phận cấu thành của cán cân thanh toán và được phản ánh cụ thể trong cán cân vãng lai. Tình trạng cán cân thương mại phản ánh mức độ an toàn hay bất ổn của một nền kinh tế. Vì vậy, nhà nước cực kỳ chú trọng đến cán cân thương mại, trong đó tìm kiếm ra một công thức để tính toán về nó. Một thực trạng có thể diễn ra đó là thâm hụt cán cân thương mại, mà việc tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến điều đó là cần thiết, nhằm tìm kiếm các giải pháp khắc phục tối ưu nhất.
Cán cân thương mại là một khái niệm trong kinh tế, dùng để phản ánh một khoản mục trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thương mại biểu thị giá trị chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của một nước hay một vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý, năm hay một số năm).
Mục lục bài viết
1. Công thức tính cán cân thương mại:
Cán cân thương mại = giá trị xuất khẩu – giá trị nhập khẩu.
Trong đó:
– Giá trị hàng hóa xuất khẩu là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được bán cho người mua ở các nước khác.
– Giá trị hàng nhập khẩu là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được mua từ người bán ở các quốc gia khác.
Xuất khẩu là hàng hoá hoặc dịch vụ được sản xuất trong nước và bán cho người nước ngoài. Điều đó bao gồm một chiếc quần jean mà bạn gửi cho một người bạn ở nước ngoài. Nó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một công ty chuyển trụ sở chính sang văn phòng nước ngoài. Nếu người nước ngoài trả tiền cho nó, thì đó là hàng xuất khẩu.
2. Nguyên nhân gây thâm hụt cán cân thương mại:
Trong cán cân thương mại, các khoản ghi nợ bao gồm nhập khẩu, trợ cấp cho nước ngoài, tiêu dùng và đầu tư của nước đó ở nước ngoài; các khoản ghi có bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của nước ngoài tại nước đó. Khi mức chênh lệch giữa tổng các khoản ghi có và ghi nợ đúng bằng 0, cán cân thương mại cân bằng. Khi mức chênh lệch lớn hơn 0 thì cán cân thương mại có thặng dư. Ngược lại, khi mức chênh lệch nhỏ hơn 0, cán cân thương mại thâm hụt.
Đối với phần lớn các quốc gia thì cán cân thương mại là phần quan trọng nhất và cũng là bộ phận chính cấu thành nên cán cân vãng lai. Do đó, thâm hụt cán cân thương mại thường dẫn tới thâm hụt cán cân vãng lai, đe dọa tới cán cân tổng thể hoặc tăng gánh nặng nợ nước ngoài, dễ bùng phát khủng hoảng cán cân vãng lai, nguy hại tới an ninh tài chính quốc gia. Khi thâm hụt thương mại của một nước trở nên trầm trọng, Chính phủ nước đó sẽ phải đối mặt với thách thức tăng lượng dự trữ ngoại tệ hay tín dụng để giải quyết vấn đề cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Đồng thời, vẫn phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm khôi phục lòng tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thâm hụt cán cân thương mại không phải luôn là vấn đề đáng lo ngại. Trong thời kì tăng trường, các nước nhập khẩu nhiều hơn, tạo nên sự cạnh tranh về giá, từ đó kiềm chế lạm phát và vẫn có thể cung cấp hàng hóa vượt khả năng của nền kinh tế mà không cần tăng giá nhiều. Vì vậy, thâm hụt cán cân thương mại có tác dụng tích cực (ngược lại với trong thời kì khủng hoảng).
Nguyên nhân gây ra thâm hụt cán cân thương mại ở Việt Nam bao gồm:
2.1. Nguyên nhân khách quan:
– Chịu ảnh hưởng nhiều vào nguồn vốn và công nghệ, nguyên liệu của nước ngoài do trình độ phát triển công nghệ, kỹ thuật… của nền kinh tế còn hạn chế, năng lực chế tạo máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất trong nước còn lạc hậu, chưa đủ đáp ứng quy mô tăng trưởng của nền kinh tế. Việc nhập khẩu tăng trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là yêu cầu khách quan và cũng là nguyên nhân gây thâm hụt cán cân thương mại.
– Chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển kinh tế trong nước. Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn và được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, dòng vốn FDI tăng thường kéo theo sự gia tăng của kim ngạch nhập khẩu, ảnh hưởng tới nỗ lực cân bằng cán cân thương mại trong ngắn hạn. Ngoài ra, khi vốn đầu tư trực tiếp vào dưới dạng ngoại tệ tăng lên sẽ làm thay đổi tương quan cung cầu ngoại tệ. Nếu chính phủ không can thiệp có thể dẫn đến khuynh hướng nội tệ lên giá. Điều này gây bất lợi cho xuất khẩu. Cuối cùng, xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng khiến thâm hụt cán cân thương mại gia tăng.
– Bị ảnh hưởng xấu từ xu hướng “giá cánh kéo” do đặc điểm cơ cấu ngành hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, giá hàng công nghiệp thường giảm ít hơn giá hàng nông sản, thậm chí giá một số hàng công nghiệp vẫn tăng hoặc không đổi trong khi giá hàng nông sản hạ (tuyệt đối hay tương đối). Do đó, giữa hai loại sản phẩm hình thành một mức chênh lệch giá. Ngược lại mức so sánh chênh lệch giữa giá hàng công nghiệp với giá hàng nông sản khi giá tăng, vì tính co giãn của giá sản phẩm nông nghiệp ít nên giá cũng không tăng nhanh như sản phẩm công nghiệp. Nông dân thường buộc phải mua hàng công nghiệp (vật tư phân bón phục vụ nông nghiệp) với giá tương đối cao và bán nông sản với giá tương đối thấp. Vì vậy, chênh lệch giữa giá hàng công nghiệp và giá nông sản có xu hướng ngày càng mở rộng, với cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của nước ta hiện nay, điều này khiến cho thâm hụt thương mại gia tăng. Ngoài ra, những năm gần đây giá cả diễn biến thất thường nên hiện tượng cánh kéo không chỉ xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác.
2.2. Nguyên nhân chủ quan:
– Việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm. Do nước ta phần lớn xuất khẩu thô hoặc ở dạng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, cần nhiều nguyên liệu và các sản phẩm trung gian để sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa đáp ứng được nên tất yếu phải nhập khẩu những mặt hàng này từ nước ngoài. Đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ chưa đúng mức dẫn đến sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục phải phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
– Hiệu quả các biện pháp điều hành của chính phủ chưa cao. Hiệu quả điều hành trực tiếp của chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: cơ cấu nền kinh tế và năng lực thực thi của các bộ phận điều hành nhưng cả hai đều đang trong giai đoạn chuyển đổi và vấp phải những hạn chế lớn.
– Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu của nước ta chưa đủ mạnh. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, lãi suất vay vốn cao, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gặp khó khăn, kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán tắc nghẽn, nhu cầu tiêu dùng và thị trường thu hẹp,… đã khiến phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình cảnh sản xuất đình trệ, khó khăn trong thanh toán và tín dụng. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh chưa cao và những điểm yếu cần khắc phục của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là năng lực quản lý hạn chế, không có chiến lược và tầm nhìn kinh doanh, đầu tư kém hiệu quả và thiếu cẩn trọng, hàm lượng giá trị gia tăng nhỏ bé.
– Lĩnh vực nhập khẩu hồi phục nhanh hơn xuất khẩu. Nhờ sự hỗ trợ của những gói giải cứu từ chính phủ, các lĩnh vực sản xuất chính chịu sự tác động mạnh từ suy thoái đã tạm thời phục hồi nhưng tốc độ phục hồi trong lĩnh vực nhập khẩu lại nhanh hơn xuất khẩu. Do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu khiến giá hàng hoá, vật tư, máy móc, thiết bị giảm mạnh nên các doanh nghiệp trong nước đã tranh thủ cơ hội để gia tăng lượng hàng nhập về với giá rẻ. Điều này sẽ khiến khối lượng nhập khẩu ở một số mặt hàng tăng cao, nhất là ở nhóm hàng máy móc, thiết bị.