Công nghiệp là ngành sản xuất ra khối lượng của cải vật chất rất lớn cho xã hội, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Để hiểu hơn vai trò và đặc điểm của ngành công nghiệp, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số kiến thức cơ bản. Các bạn cùng đón đọc nhé.
Mục lục bài viết
1. Công nghiệp là gì?
1.1. Khái niệm:
Công nghiệp không chỉ được biết là một bộ phận của nền kinh tế mà còn là lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất mà sản phẩm được “chế tạo, chế biến, chế tác, chế phẩm” cho nhu cầu tiêu dùng hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh tiếp theo cho cuộc sống loài người trong sinh hoạt. Đây là hoạt động kinh tế, sản xuất quy mô lớn, được sự hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ của các tiến bộ về công nghệ, khoa học và kỹ thuật.
1.2. Phân loại:
Chính vì hoạt động công nghiệp là vô cùng đa dạng nên có rất nhiều cách phân loại công nghiệp, như là:
– Theo mức độ thâm dụng vốn và tập trung lao động: Công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ
– Theo sản phẩm và ngành nghề: công nghiệp dầu khí, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt, công nghiệp năng lượng,…
– Theo phân cấp quản lý: công nghiệp địa phương, công nghiệp trung ương.
Ở Việt Nam, công nghiệp bao gồm:
– Khai thác khoáng sản, than, đá và dầu khí
– Chế biến, chế tạo (kể cả chế biến thực phẩm, gỗ)
– Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước.
– May mặc, đồ dụng gia đình
– Chế biến, sản xuất các hóa chất cần thiết
2. Đặc điểm của công nghiệp:
a) Sản xuất công nghiệp bao gồm hai giai đoạn
– Giai đoạn 1: Tác động vào đối tượng lao động ⟶ Nguyên liệu.
– Giai đoạn 2: Chế biến nguyên liệu ⟶ Tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng.
– Cả hai giai đoạn đều gắn liền với sử dụng máy móc và áp dụng công nghệ.
b) Sản xuất công nghiệp có tính chất tập trung cao độ
– Đòi hỏi nhiều kĩ thuật và lao động trên một diện tích nhất định để tạo ra khối lượng sản phẩm.
– Có mức độ tập trung hóa.
c) Sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều ngành phức tạp, được phân công tỉ mỉ,chuyên môn hóa và có sự hợp tác hóa rất cao, phối hợp giữa nhiều ngành để tạo ra sản phẩm cuối cùng
– Dựa vào tính chất tác động vào đối tượng lao động: công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến.
– Dựa vào công dụng kinh tế của sản phẩm: công nghiệp nặng (nhóm A) và công nghiệp nhẹ (nhóm B).
+ Công nghiệp nặng (nhóm A): sản phẩm phục vụ cho sản xuất.
+ Công nghiệp nhẹ (nhóm B): sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và đời sống của con người.
Ngoài ra công nghiệp còn một số đặc điểm như:
– Đòi hỏi tiêu thụ nguyên liệu đầu vào lớn nên lượng chất thải ra môi trường nhiều.
– Có tính linh động cao về mặt phân bố theo không gian.
– Nền công nghiệp hiện đại gắn liền với tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.
3. Vai trò chủ đạo của công nghiệp:
Công nghiệp là ngành đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, có tác dụng toàn động toàn diện đến sản xuất và đời sống xã hội. Cụ thể:
– Cung cấp tư liệu sản xuất cho toàn bộ nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
– Cung cấp một lượng hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư.
– Công nghiệp còn góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm biến đổi không gian kinh tế và đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng kinh tế.
4. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp:
4.1. Các nhân tố bên trong:
– Vị trí địa lí: ảnh hưởng tới việc phân bố các cơ sở sản xuất, việc lựa chọn các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ cấu ngành công nghiệp cũng như mức độ thuận lợi để thu hút các yếu tố bên ngoài (vốn, thị trường, công nghệ,…).
– Nhân tố tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
+ Khoáng sản: là nguyên, nhiên liệu quan trọng cho phát triển công nghiệp; trữ lượng, chất lượng và chủng loại khoáng sản trên lãnh thổ sẽ chi phối sự phân bố, quy mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp.
+ Nguồn thủy năng sông suối là điều kiện để phát triển công nghiệp thủy điện.
+ Tài nguyên đất, khí hậu, nước, rừng và biển tác động đến sản xuất nông nghiệp từ đó mà ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm.
– Nhân tố kinh tế – xã hội:
+ Dân cư – lao động: vừa tác động đến thị trường tiêu thụ sản phẩm vừa đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp.
+ Trình độ khoa học công nghệ: giúp cho ngành công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hình thành những ngành công nghiệp mới, thay đổi sự phân bố công nghiệp.
+ Nguồn vốn và thị trường tạo điều kiện để ngành công nghiệp thay đổi cả về quy mô và cơ cấu, tạo đòn bẩy cho sự phát triển.
+ Chính sách công nghiệp ảnh hưởng tới hướng phát triển, tốc độ phát triển, các hình thức tổ chức lãnh thổ,…của ngành công nghiệp.
– Cơ cở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển công nghiệp.
– Đường lối chính sách rõ ràng với những định hướng, chỉ đạo chiến lược phát triển.
=> Nhân tố quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp.
4.2. Các nhân tố bên ngoài:
Các nhân tố bên ngoài gồm vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ, thị trường từ bên ngoài lãnh thổ,…tạo thành sức mạnh, điều kiện để phát triển và phân bố các ngành công nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn phát triển ban đầu.
5. Bài tập Địa lý 10:
Bài 1: Tại sao tỉ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế?
Vì trình độ phát triển công nhiệp của một nước biểu thị trình độ phát triển và vững mạnh của nền kinh tế nước đó. Ví dụ, ở những nước có nền kinh tế phát triển, tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ thường chiếm trên 95% GDP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp…Trong khi đó, phần lớn các nước đang phát triển, tỉ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm từ 40 – 50% như Ê –ti –ô –pi 52%, Ghi –nê –bit –xao 64%…
Bài 2: Em hãy cho biết sự khác biệt của sản xuất công nghiệp so với đặc điểm của sản xuất nông nghiệp?
– Đặc điểm sản xuất công nghiệp:
+ Sản xuất công nghiệp bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn tác động và giai đoạn chế biến các nguyên liệu đó thành tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng.
+ Sản xuất công nghiệp có tính chất tập trung cao độ
+ Sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều ngành phức tạp, được phân công tỉ mỉ và có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
– Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp:
+ Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế.
+ Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các cây trồng, vật nuôi.
+ Sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ
+ Sản cuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
+ Trong nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa.
Bài 3: Hãy chứng minh vai trò chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân
Công nghiệp là ngành tạo ra khối lượng sản phẩm rất lớn cho xã hội. Tất cả các thiết bị máy móc trong các ngành kinh tế (nông nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc, dịch vụ, xây dựng, cho bản thân công nghiệp…), các công cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình…đều do ngành công nghiệp cung cấp.
Công nghiệp góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở trên thế giới, và nhất là ở Việt Nam thường cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung. Thời kì 2002 -2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới (GDP) là 3,3%/năm, riêng công nghiệp đạt 3,6%/năm, còn ở Việt Nam tương ứng là 7,0%/năm và 12,4%/năm.
Bài 4: Theo em, trong điều kiện hiện nay, nhân tố nào đóng vai trò quan trọng đối với sự phân bố công nghiệp.
Nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phân bố công nghiệp là vị trí địa lí.
Trong điều kiện hiện nay, vị trí địa lí có tác động rất lớn đến việc lựa chọn các nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở trên thế giới và ở Việt Nam.
Ví dụ, khi xem xét 97 địa điểm mà các ngành công nghiệp và các địa phương lựa chọn để xây dựng khu công nghiệp ở nước ta thì cả 97 địa điểm đều có vị trí địa lí thuận lợi (gần cảng, gần sân bay, quốc lộ…). Cụ thể hơn, khu chế xuất Tân Thuận, một trong những khu chế xuất lớn nhất ở thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam, với diện tích 300ha, nằm ở quận 7, cách trung tâm thành phố 4km, sát cảng Bến Nghé và cảng Contennơ lớn nhất thành phố HCM, phía Nam khu chế xuất là trung tâm độ thị mới Nam Sài Gòn, các sân bay Tân Sơn Nhất 13km, gần tỉnh lộ 15 thông thương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…