Cơ sở hạ tầng là gì? Phân loại cơ sở hạ tầng? Kết cấu hạ tầng là gì? Phân loại kết cấu hạ tầng? Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng?
Cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng là hai thuật ngữ được nghe rất nhiều trong cuộc sống hiện nay. Cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng có đóng vai trò quan trọng trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, Nhà nước cũng luôn cần có chính sách để phát triển kinh tế cũng như đời sống của người dân. Vậy cơ sở hạ tầng là gì? Kết cấu hạ tầng là gì? Cũng như cách phân loại ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Cơ sở hạ tầng là gì?
Cơ sở hạ tầng là thuật ngữ nhằm chỉ những bộ phận kết cấu, nền tảng cơ bản để phát triển đời sống kinh tế – xã hội; được hiểu là những điều kiện về vật chất, kỹ thuật,… được tồn tại trong đời sống xã hội nhằm mục đích để phục vụ mọi hoạt động đời sống cũng như quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của con người.
Cơ sở hạ tầng xét trên nhiều phương diện có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể là:
– Xét về phương diện kinh tế hàng hóa: cơ sở hạ tầng được coi là một loại hàng hóa sử dụng trong công cộng, dùng với mục đích để phục vụ cho lợi ích an toàn trong xã hội.
– Xét về hình thái: cơ sở hạ tầng được thể hiện là những loại tài sản hữu hình, gồm cầu cống, đường xá, các công trình công cộng, hệ thống thủy lợi, lực lượng lao động tri thức và các công trình hạ tầng kỹ thuật,…
– Xét về phương diện đầu tư, cơ sở hạ tầng là sản phẩm và là kết quả của cả một quá trình được đầu tư qua nhiều thế hệ. Đây có thể nói là bộ phận, tài sản có giá trị của đất nước, đáp ứng được mọi yêu cầu phục vụ đời sống kinh tế xã hội của cả một quốc gia.
2. Phân loại cơ sở hạ tầng:
Cách phân loại cơ sở hạ tầng được phân loại dựa trên các tiêu chí sau:
Căn cứ trên lĩnh vực kinh tế – xã hội:
Dựa trên yếu tố này, cơ sở hạ tầng gồm:
– Cơ sở hạ tầng kinh tế: phục vụ quá trình sản xuất tạo ra các sản phẩm cũng như tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông hàng hóa gồm các hệ thống đường xá, sân bay, cầu cống, giao thông vận tải, bến cảng,…
– Cơ sở hạ tầng xã hội: là một trong những bộ phận nhằm mục đích trong công tác bảo vệ và cải tạo môi trường sinh sống như các công trình bảo vệ rừng, biển, hệ thống các công trình như đê điều để giúp phòng chống thiên tai,…
– Cơ sở hạ tầng quốc phòng: là hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật chung dùng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, như hệ thống bảo quản vũ trang, vũ khí,…
Căn cứ trên vùng lãnh thổ – khu vực dân cư:
Nếu theo dựa theo yếu vùng lãnh thổ – khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng được chia thành:
– Cơ sở hạ tầng nông thôn.
– Cơ sở hạ tầng đô thị.
– Cơ sở hạ tầng đồng bằng.
– Cơ sở hạ tầng kinh tế biển.
– Cơ sở hạ tầng tại các vùng đồng bằng và trung du miền núi.
Căn cứ theo cấp quản lý:
Cơ sở hạ tầng dựa theo cấp quản lý được phân chia thành:
– Cơ sở hạ tầng do trung ương quản lý: gồm những cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, ví dụ như đường quốc lộ hay các bến cảng, sân bay,…
– Cơ sở hạ tầng do địa phương quản lý: địa phương quản lý được hiểu là tỉnh/huyện/xã quản lý những cơ sở hạ tầng có quy mô vừa và nhỏ, ví dụ như cầu đường xóm, huyện; văn hóa; giáo dục; kênh rạch;…
Căn cứ dựa trên theo tính chất – đặc điểm:
– Cơ sở hạ tầng mang hình thái phi vật chất: bao gồm những hệ thống thủ tục hành chính, an ninh trật tự, hệ thống thiết chế xã hội,…
– Cơ sở hạ tầng mang hình thái vật chất: bao gồm các công trình hiện hữu như kênh rạch, các công trình giao thông, cơ sở quốc phòng an ninh, hệ thống điện đường,…
3. Kết cấu hạ tầng là gì?
Kết cấu hạ tầng được hiểu là hệ thống các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc trong hoạt động kinh tế – xã hội, có chức năng phục vụ trực tiếp cho đời sống nhân dân hay quá trình sản xuất kinh doanh.
Kết cấu hạ tầng có một vai trò quan trọng đặc biệt, là nền tảng giúp cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Hiểu đơn giản kinh tế càng được phát triển với những trình độ cao thì yêu cầu về kết cấu hạ tầng ngày càng cao.
Đặc trưng cơ bản của kết cấu hạ tầng là mang tính thống nhất và đồng bộ, ở mỗi bộ phận đều có sự liên kế hài hòa, đồng nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoạt động có hiệu quả. Quy mô của kết cấu hạ tầng sẽ lớn và được bố trí khắp trên phạm vi của cả nước.
4. Phân loại kết cấu hạ tầng:
Kết cấu hạ tầng được phân chia căn cứ trên nhiều yếu tố như sau:
Dựa theo lĩnh vực:
Kết cấu hạ tầng bao gồm:
– Kết cấu hạ tầng kỹ thuật: là hệ thống các đường giao thông vận tải, ví dụ như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không,…
– Kết cấu hạ tầng xã hội: ví dụ đó là cơ sở giáo dục như hệ thống trường học; hệ thống bệnh viện, khoa học,…
Dựa theo phân ngành kinh tế:
Kết cấu hạ tầng theo phân ngành kinh tế sẽ được chia thành kết cấu hạ tầng nông nghiệp; công nghiệp; dịch vụ; bưu chính viễn thông; giáo dục; y tế;…
Dựa theo khu vực dân cư, vùng lãnh thổ:
Kết cấu hạ tầng phân chia theo khu vực, vùng lãnh thổ bao gồm như kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, các vùng trung du miền núi, vùng đồng bằng, vùng biển,…
Dựa theo tính chất, đặc điểm:
– Kết cấu hạ tầng phi vật chất: là các hệ thống quản lý xã hội, cơ chế hoạt động, thủ tục hành chính, an ninh trật tự – xã hội,…
– Kết cấu hạ tầng vật chất: gồm các hệ thống như điện nước, cầu cống, hệ thống giao thông, an ninh quốc phòng, y tế,…
Dựa theo cấp quản lý:
– Kết cấu hạ tầng do cấp trung ương quản lý: cấp trung ương sẽ quản lý những cơ sở hạ tầng có quy mô lớn như hệ thống đường sắt, sân bay, đường quốc lộ,…
– Kết cấu hạ tầng do địa phương quản lý: thuộc quản lý của cấp quận/huyện/xã/ấp/thôn quản lý như hệ thống kênh rạch, giáo dục tại địa phương, y tế,…
5. Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng:
Hiện nay có thể thấy cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Cụ thể là:
Cơ sở hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội và là nền tảng, nền móng cho sự phát triển.
Sự tác động qua lại của cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng thể hiện ở việc: nếu hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cao, phát triển đồng bộ thì kéo theo kinh tế phát triển vượt bậc, kinh tế tăng trưởng, nâng cao hiệu quả nền kinh tế – xã hội và đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề trong xã hội.
Ngược lại, nếu cơ sở hạ tầng với kết cấu hạ tầng không đồng bộ, kém phát triển thì đương nhiên nền kinh tế sẽ bị trì trệ, không thể phát triển mạnh mẽ, vượt bậc.
Cơ sở hạ tầng hay kết cấu hạ tầng quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong thực tế. Và một khi kinh tế phát triển sẽ giúp đưa nền kinh tế thoát khỏi sự dậm chân tại chỗ, từ đó Ngân sách Nhà nước tăng và phát triển.
Tiếp theo, cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng phát triển, đồng bộ sẽ tạo ra sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Bởi từ đó, nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời và phát triển, và đặc biệt hiện nay nhiều ngành nghề liên quan đến dịch vụ, lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển, mở rộng,…
Việc đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng còn tạo nên sự đồng bộ giữa các vùng với nhau trên một đất nước. Thực tế có thể thấy vùng đô thị và nông thôn có sự chênh lệch việc phát triển kinh tế, trình độ văn hóa rất lớn, cốt lõi ở việc cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng tại vùng nông thôn kém hơn vùng đô thị, không có sự đồng bộ cũng như không có sự đầu tư, nâng cao. Và chính vì sự không đồng đều giữa các vùng đã tạo nên sự mất cân đối trong kinh tế của cả nước.
Nhà nước nên cần tập trung vào việc phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Bởi đây là cơ sở để giúp cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài được phát triển. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kết cấu hạ tầng phát triển còn tạo điều kiện để giải quyết được việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.