Hiện nay hiện tượng cổ phiếu bị làm giá bởi đội lái là những nhà đầu tư kinh nghiệm có nhiều quan hệ trên thị trường trong tay có nhiều vốn(tiền mặt) hay cổ phiếu liên kết lại với nhau để làm giá chứng khoán . Cùng bài viết tìm hiểu cổ phiếu bị làm giá là gì? Nhận biết cổ phiếu bị lái thao túng?
Mục lục bài viết
1. Cổ phiếu bị làm giá là gì?
Đội lái là những nhà đầu tư kinh nghiệm có nhiều quan hệ trên thị trường trong tay có nhiều vốn(tiền mặt) hay cổ phiếu liên kết lại với nhau để làm giá chứng khoán, “đội lái” còn liên kết với các môi giới chứng khoán, công ty niêm yết để thực hiện việc đánh lên hay dìm giá cổ phiếu .
“Đội lái” là tiếng lóng dành cho nhóm các nhà đầu tư có vốn chuyên câu kết, thông đồng với nhau để cùng đánh lên hoặc dìm giá cổ phiếu (tạo sóng) nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá.
Thao túng thị trường chứng khoán thường xuất hiện ở những thị trường sơ khai, mới hình thành khi mà tâm lý đám đông còn chi phối xu thế đầu tư, đồng thời hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng, chặt chẽ để quản lý.
Một nhóm các nhà đầu tư thường lợi dụng điều đó để thông đồng liên kết với nhau, tập trung vào một số mã cổ phiếu nhất định, tạo ra cung cầu ảo (tự mua tự bán) để thu hút các nhà đầu tư khác trên thị trường cùng tham gia mua bán mã cổ phiếu đó. Những lần tạo ra giá lên, giá xuống được gọi là sóng chứng khoán. Khi giá cổ phiếu lên cao, họ sẽ bán tháo để thu lợi nhuận.
Cổ phiếu bị làm giá tiếng Anh là ” Stock coupons are priced”.
2. Nhận biết cổ phiếu bị lái thao túng:
Sau đây là những kinh nghiệm có thể giúp nhà đầu tư tránh được những cổ phiếu có khả năng bị Wash Trade. Xin nói thêm, không phải những doanh nghiệp nào có những dấu hiệu sắp nói bên dưới đều sẽ bị làm giá. Đây chỉ là những dấu hiệu giúp cho nhà đầu tư cân nhắc thêm, còn việc lựa chọn cổ phiếu vẫn phải dựa trên những yếu tố khác nữa.
Dấu hiệu 1: Doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông lớn là cá nhân
Để có thể mua bán sang tay như kiểu Wash Trade, đòi hỏi phải nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn của doanh nghiệp. Những cổ đông cá nhân có phần góp vốn lớn trong công ty sẽ có đủ lực để thao túng cung cầu thị trường. Do đó, cái đội lái muốn tham gia hành vi làm giá sẽ liên hệ với những cổ đông của công ty.
Doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông lớn là doanh nghiệp sẽ khó bị thao túng hơn. Điều này thì ai cũng biết rồi…
Do đó, khi phân tích và lựa chọn cổ phiếu để mua, nhất thiết phải xem cơ cấu cổ đông như thế nào.
Dấu hiệu 2: Doanh nghiệp có tài sản cố định thấp
Theo lẽ thường thì thì doanh nghiệp nếu chuyên tâm làm ăn, không dính dáng gì đến chuyện làm giá cổ phiếu sẽ có tài sản cố định cao.
Các cổ đông doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc tăng giá cổ phiếu bền vững qua doanh thu và lợi nhuận, do đó họ sẽ không bắt tay với các đội lái để thao túng giá cổ phiếu.
Tài sản cố định cao là dấu hiệu cho thấy công ty thật sự đầu tư để kinh doanh sản xuất, do đó khả năng bị làm giá sẽ ít hơn rất nhiều so với công ty có tài sản cố định thấp.
Những công ty có tài sản cố định thấp thường nằm trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, và dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư. Do đó, khi lựa chọn những công ty loại này, nhà đầu tư phải hết sức chú ý.
Quy luật thứ nhất liên quan ngành nghề của những CP có nguy cơ bị làm giá. Đó là những ngành… “khó hiểu”, chẳng hạn như: khoáng sản, dược, y tế… Những ngành này có tính đặc thù cao, chỉ những người làm trong ngành (vốn cũng không nhiều) mới hiểu. Thí dụ như các công ty khoáng sản hay khoe trữ lượng của các khu mỏ, nhưng điều đó ít ai kiểm chứng được. Trong khi một công ty thực phẩm công bố sản phẩm của mình có mặt ở các hệ thống phân phối nào thì NĐT có thể kiểm chứng rất dễ dàng.
Bà Trần Hương Mỹ, quản lý khối phân tích Công ty chứng khoán (CTCK) HSC cho biết, khoảng một thập kỷ trước, khi lập mô hình định giá cho CP Vinamilk (VNM), để khách quan, bà đã phải mất nhiều ngày đi khảo sát TT, từ siêu thị, đến chợ… Còn việc có thể định giá, hay quan sát được nhóm khoáng sản gần như ngoài tầm với vì những điều kiện khách quan. Đó cũng là lý do, khoáng sản được xem như nhóm CP “lầy” nhất trên sàn với một loạt những vi phạm cả trong nội bộ DN lẫn các hoạt động thao túng giá bên ngoài.
Quy luật thứ hai là quy mô của nhóm CP bị làm giá thường chỉ ở nhóm tầm trung (mid cap) hoặc nhỏ (penny). Nhưng ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3 của CTCK Phú Hưng cũng làm rõ thêm vấn đề: Nhóm CP có nguy cơ, hoặc đã bị làm giá đa phần đều xếp vào loại hàng “móc cống”, tức là nhóm CP vừa có giá thấp, chỉ tầm 5.000 đồng/CP đổ xuống, thậm chí có những vi phạm liên quan đến minh bạch, công bố thông tin. Đối với NĐT thông thường, cứ cho rằng nhóm này không có hoạt động làm giá thì cũng đã nên tránh xa, huống gì đây lại là món mồi béo bở của đầu cơ. Lý do thì cũng khá đơn giản, các hoạt động làm giá, mà thường chủ yếu là cá nhân thì khả năng khó có tiền lớn, vài chục tỷ đồng thì tất nhiên chỉ có thể làm giá CP có vốn hóa vài trăm tỷ đồng là hết mức.
Quy luật thứ ba liên quan thanh khoản, vốn dĩ là một yếu tố được tích lũy dài hạn, nên chuyện đột biến trong ngắn hạn tất yếu phải bị nghi ngờ. Thông thường, những CP bị làm giá hay có hiện tượng thanh khoản èo uột bỗng dưng tăng mạnh. Tất nhiên, không phải CP nào có hiện tượng này cũng đồng nghĩa với việc bị làm giá, vì có thể một tổ chức nào đó mua vào với khối lượng lớn thanh khoản cũng có sự đột biến, chuyện đó rất bình thường. Nhưng khi thấy thanh khoản đột biến, NĐT nói theo quy luật của thẩm định là “phải biết nghi ngờ”. Trong trường hợp nếu DN không phát ra tín hiệu gì về hoạt động tích cực, hoặc thông tin chỉ là tin đồn, hay công bố mập mờ thì nguy cơ làm giá sẽ hiển hiện.
Tất nhiên còn rất nhiều dấu hiệu khác để nhận biết CP làm giá. Nhìn chung, tất cả các NĐT đều được trang bị kiến thức để nhận diện, họ chỉ tạm “quên” khi muốn lãi nhanh với dòng CP làm giá mà thôi.
3. Những chiêu trò làm giá chứng khoán của đội lái:
Cách thức làm giá của “đội lái” được đơn giản hóa như sau:
Phân chia nhau tìm kiếm các mã cổ phiếu hội tụ đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi” với các yếu tố đánh giá như: giá thấp, thông tin hỗ trợ không minh bạch, hoạt động trong ngành tương đối hấp dẫn, số lượng niêm yết và khối lượng giao dịch chưa cao. Đặc biệt, cổ phiếu niêm yết phải tập trung, ít bị chia tách.
Sau đó, tạo ra “nhân hòa” bằng cách tạo ra cung cầu ảo đối với mã cổ phiếu đó. Thông thường “đội lái” sẽ tìm cách thỏa thuận ngầm với ban lãnh đạo công ty phát hành, và các cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu với các yêu cầu để “đội lái” thực hiện phương án tạo sóng giả. Ban lãnh đạo được yêu cầu đưa ra các thông tin đúng thời điểm có lợi cho phương án làm giá, trong khi cổ đông lớn được yêu cầu không xả hàng vào thời điểm đẩy giá lên và phối hợp tham gia đẩy giá chứng khoán. Một vài môi giới chứng khoán tại các công ty chứng khoán uy tín cũng được đưa vào đường dây này với nhiệm vụ tung các tin đồn, tư vấn hoặc đưa ra các dự báo có lợi theo kịch bản của “đội lái”. Sự kết hợp của các nhân tố này diễn ra cực kỳ bí mật, đảm bảo không có thông tin rò rỉ ra ngoài. Chính vì vậy, cũng chỉ một số người nhất định trong “đội lái” mới được biết và thực hiện các giao dịch ngầm này.
4. Quy trình làm giá chứng khoán của đội lái:
Sau khi đã chuẩn bị đủ các yếu tố cần thiết, “đội lái” bắt đầu tạo sóng.
Đầu tiên, thực hiện các biện pháp để dìm giá xuống: Yêu cầu ban lãnh đạo công ty chuyển nhượng một số lượng cổ phiếu nhất định để làm mồi nhử. Có thể sử dụng lượng cổ phiếu được chuyển nhượng đem bán ra thị trường để dìm giá xuống thấp hơn hoặc thực hiện chiến thuật gom mua vào một ít tạo cầu ảo rồi bắt đầu dìm giá… Khi giá ở mức thích hợp bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Tập trung dìm giá cổ phiếu để gom hàng. “Đội lái” sẽ tăng cung hoặc gom cổ phiếu tùy theo thị trường nhằm chỉ cho giá đi ngang lình xình trong khu vực nhất định. Giá và khối lượng cổ phiếu cứ như vậy một thời gian khá dài đến khi đội lái tạm gom đủ hàng sẽ bắt đầu giai đoạn 3.
Giai đoạn 3: Tập trung đẩy giá lên: “đội lái” sẽ cài người của mình lên các diễn đàn thậm chí liên kết với doanh nghiệp đưa các tin tốt (báo cáo lợi nhuận,kết quả kinh doanh tốt, chiếm lĩnh được thị trường…) về cổ phiếu mình đang làm giá để hút nhà đầu tư chú ý và có động thái mua vào giúp tăng cầu giảm cung.
Do “đội lái” đã nắm giữ được lượng cổ phiếu khá lớn từ khi mua gom ở vùng giá thấp nên lượng cung trên sàn sẽ không còn nhiều, kết hợp thêm các “thông tin tốt” đã được tung ra và động thái đặt mua cổ phiếu với số lượng lớn với giá cao liên tục đẩy giá lên trần sẽ khiến các nhà đầu tư khác đổ tiền vào mua theo. Đến khi đạt trần sẽ duy trì dư mua trần bằng cách tiếp tục đổ lệnh lớn để tạo cảm giác nhưng thực chất là cầu ảo vì biết đặt lệnh cũng không khớp. Nhiều nhà đầu tư khác thấy cổ phiếu mình lên trần sẽ xả hàng (nhưng sẽ không nhiều) hoặc tiếp tục nắm giữ nên tầm 2 ngày sau là đã hết hàng để bán.
Giai đoạn cuối cùng: xả hàng! Tâm lý nhà đầu tư là muốn mua sớm để tránh T+3 và do vậy rất muốn gom được được hàng khi nhìn thấy cổ phiếu đang “hot”. Muốn như vậy phải đặt lệnh sớm với giá trần, khi đó các “đội lái” lại bắt đầu xả dần cổ phiếu mình nắm giữ cho những người này. Cứ rải dần ra để xả khi nào đến ngày then chốt. Vào ngày then chốt thì có 2 kịch bản xảy ra: sau nhiều phiên tăng giá thì không giữ được giá dư mua trần từ đầu phiên mà chỉ còn tăng nhưng không đạt trần. Đây là tín hiệu không lành, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ lập tức bán ra ngay nhưng vẫn chậm thua đội lái một nhịp và kết thúc ngày hôm đó giá sẽ rớt thảm ở mức sàn hoặc gần sàn. Kịch bản khác, dư mua giá trần rất lớn nhưng sau đó hủy lệnh và bắt đầu xả tràn lan bất chấp giá đặt bán đưa cổ phiếu về giá sàn và dư bán không ai mua.
Kết quả, “đội lái”, các cổ đông lớn hay cả nhóm lãnh đạo công ty sẽ kịp thời xả hàng và kiếm bộn tiền. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ do ăn theo nên thường vào sóng chậm nhịp, rút ra muộn hơn hoặc không kịp rút ra và mắc kẹt với lượng cổ phiếu bán không ai mua. Lợi nhuận “đội lái” kiếm được có thể lên tới 20-30% trong một tuần. Chính vì lợi nhuận “khủng” như vậy, nhiều biện pháp quản lý đã được đặt ra nhưng vẫn không làm chùn tay “đội lái”.