Quy định chung về kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Có nên thi học sinh giỏi quốc gia không? Được ưu tiên những gì? Mục đích của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Hiện nay, trong quá trình đào tạo chương trình học, việc tổ chức và chọn học sinh giỏi quốc gia là vấn đề được rất nhiều học sinh, nhà trường quan tâm. Bộ giáo dục ra văn bản hợp nhất 22/VBHN-BGDĐT năm 2014 về quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Vậy có nên thi học sinh giỏi quốc gia hay không và học sinh được ưu tiên những gì? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về kỳ thi học sinh giỏi quốc gia:
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông là kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia dành cho đối tượng là các học sinh bậc trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi, thời gian thường được tổ chức vào tháng 12 hàng năm.
1.1. Đối tượng thi và điều kiện dự thi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia:
– Đối tượng thí sinh là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, hạnh kiểm xếp loại khá trở lên và học lực từ khá trở lên theo kết quả cuối học kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
Số lượng thí sinh đảm bảo đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (ngoại trừ đơn vị dự thi là thành phố Hà Nội) tối đa là 06 thí sinh. Trường hợp đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp ngay trước năm tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.
Còn riêng đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Trường hợp nếu như đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp ngay trước năm tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.
– Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và mỗi đại học, học viện, trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên được đăng ký là một đơn vị dự thi.
– Mỗi thí sinh chỉ được tham dự một môn thi.
1.2. Quy định về môn thi và bài thi:
– Chỉ tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đối với môn thi phải có ít nhất 05 đơn vị đăng ký dự thi.
– Đối với môn Tin học sẽ áp dụng hình thức thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính. Còn các môn khác sẽ áp dụng hình thức thi viết. Đặc biệt sẽ có hình thức thi thực hành đối với môn thi là Vật lí, Hóa học, Sinh học; môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói.
Thời gian làm bài thi các môn được quy định sẽ có hai buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và môn Ngoại ngữ; các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí sẽ có một buổi thi; đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thể có thêm một (01) buổi thi thực hành.
Riêng đối với môn Tin học, thời gian làm bài thi viết và thi thực hành là 180 phút. Đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và buổi thi nói đối với các môn Ngoại ngữ, thời gian bài thi thực hành sẽ theo Hướng dẫn tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (gọi tắt là Hướng dẫn tổ chức thi) hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Nội dung thi đảm bảo nằm trong phạm vi của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trường trung học phổ thông chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn.
– Lịch thi sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn định trong Kế hoạch thời gian năm học.
– Địa điểm tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ tổ chức tại đơn vị dự thi.
1.3. Đăng ký tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia:
Hồ sơ của thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bao gồm:
– Bảng danh sách thí sinh dự thi.
– Quyết định của Thủ trưởng đơn vị dự thi về việc thành lập các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (kèm theo danh sách học sinh của mỗi đội tuyển).
– Trường hợp kỳ thi được tổ chức trước khi kết thúc Học kỳ I của năm học thì nộp học bạ chính của cấp học. Đối với trường hợp kỳ thi được tổ chức ngay sau khi kết thúc Học kỳ I của năm học thì nộp Phiếu báo xếp loại hạnh kiểm và học lực của học kỳ liền kề với kỳ thi của từng thí sinh, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường.
– Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh hợp lệ của thí sinh.
– Thẻ dự thi: đảm bảo tiêu chuẩn dán ảnh màu cỡ 04cm x 06cm của thí sinh, được chụp theo kiểu ảnh Giấy chứng minh nhân dân trước kỳ thi không quá 01 năm và đóng dấu của đơn vị.
Thẻ dự thi do Thủ trưởng đơn vị dự thi cấp Thẻ dự thi cho thí sinh thuộc đơn vị mình. Thời gian cấp Thẻ dự thi đảm bảo phải hoàn thành trước ít nhất là 10 ngày.
2. Có nên thi học sinh giỏi quốc gia không? Được ưu tiên những gì?
Việc có nên thi học sinh giỏi quốc gia hay không sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố từ phía học sinh.
Thứ nhất, trước khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh phải xem xét, đánh giá năng lực của bản thân ở mức độ nào, có theo được lộ trình học đến cuối cùng hay không. Bởi kiến thức để tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ rất nặng và chuyên sâu. Thời gian học cũng sẽ rất dày, gần như là chiếm trọn toàn bộ thời gian của cá nhân.
Thứ hai, để theo đuổi học đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, mỗi học sinh phải xác định được cho mình một mục tiêu rõ ràng và vững chắc. Bởi chỉ khi có mục tiêu, học sinh mới có động lực để học và trau dồi, rèn luyện bản thân, tìm tòi kiến thức mới trong quá trình học. Có như vậy, kết quả thi mới tốt.
Thứ ba, việc thi học sinh giỏi quốc gia cũng mang lại những lợi ích nhất định cho mỗi học sinh:
– Trước hết, đó là sự tự hào từ chính bản thân các em, sự tự hào của bố mẹ và gia đình. Bởi để có được tên trong danh sách đi thi kỳ thi quốc gia, các em phải trải qua quá trình học tập và cạnh tranh, thi qua các cấp bậc từ huyện lên tỉnh mới được chọn vào kỳ thi.
– Tiếp theo, khi tham dự kỳ thi quốc gia và đạt được giải, các em sẽ có những sự ưu tiên khi bước chân vào cánh của Đại học. Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ giáo dục và đào tạo, những thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào Đại học. Đối với giải khuyến khích sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Tuy nhiên, bên cạnh những “quả ngọt’ của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thì cũng rất nhiều cái mất từ kỳ thi đó đối với học sinh. Cụ thể, việc tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, các em sẽ chỉ tập trung vào môn học mà mình thi, tức là sẽ dốc toàn tâm toàn lực vào môn đó, và bỏ bên những môn khác để thi Đại học. Đối với những học sinh không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thứ nhất tâm lý sẽ bị sốc và dường như bị sụp đổ bởi các em đã đặt quá nhiều tâm sức và sự cố gắng vào trong kỳ thi. Thứ hai, việc học lệch khi chỉ học môn môn và bỏ bê các môn còn lại sẽ khiến các em học sinh bị hổng kiến thức đối với các môn cơ bản trong các khối để tham dự thi đại học. Do vậy, rất khó khăn cho các em trong việc bù đắp lại lỗ hổng kiến thức sau một thời gian dài khi tham dự kỳ thi Trung học phổ thông.
Từ những phân tích trên, có thể thấy kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bên cạnh cái được cũng sẽ có cái mất. Cốt lõi ở việc mỗi học sinh phải nhìn nhận và đánh giá năng lực bản thân ở đâu để có những quyết định đúng đắn cho quá trình học tập cho mình.
3. Mục đích của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:
– Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia mục đích ban đầu cốt lõi là nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Đồng thời cũng góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục.
Mục tiêu lớn hơn nữa là cơ hội để phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
– Việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia về nguyên tắc sẽ phải đảm bảo yêu cầu an toàn, nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng.