Đền thờ Cô bé Minh Lương là chốn linh thiêng nổi tiếng ở vùng đất Tuyên Quang. Dưới đây là bài viết tham khảo về Cô bé Minh Lương là ai? Sự tích, đền thờ Cô Bé Minh Lương?
Mục lục bài viết
1. Cô bé Minh Lương là ai?
Cô Bé Minh Lương là một vị thánh cô trong hệ thống thờ cúng Thần linh Tứ Phủ, nằm trong hàng Cô Bé Bản Đền.
Ai về đất Tuyên Quang cũng đều ghé thăm ngôi đền thờ cô bé Minh Lương và thắp nhang, xin tài lộc bình an. Theo câu chuyện dân gian kể lại: Thời kì nhà Trần (khoảng thế kỷ 15), ở vùng đất Tống Minh Lương, thuộc địa phận xã Lăng Quán hiện nay có hai vợ chồng nọ (người chồng dân tộc Dao, người vợ dân tộc Mường) tuy tuổi đã cao mà chưa có con. Mỗi ngày, hai vợ chồng già chăm chỉ đi xúc tôm để mang ra chợ bán để kiếm sống qua ngày. Đến một hôm, người chồng thấy người hơi mệt nên đã ở nhà, còn người vợ vẫn đi xúc tép như thường, nhưng lạ là bữa nay, xúc mãi mà vẫn chả được chút gì, chỉ vớt được hai quả trứng kì lạ.
Bực mình quá, người vợ xuôi theo hạ nguồn rồi ngược lại theo thượng nguồn con suối nhưng kết quả bà vẫn chỉ vớt được hai quả trứng lúc trước. Cuối cùng, người vợ đành ngậm ngùi mang hai quả trứng về nhà, rồi thả vô chum nước đặt dưới chân cầu thang của nhà.
Ít lâu sau, người vợ mang bầu và sinh ra là một cô bé bụ bẫm, và rất kháu khỉnh, vợ chồng già liền đặt tên là Minh Lương. Cùng lúc đó hai quả trứng lạ đã nở ra thành hai con rắn. Từ đó Cô bé Minh Lương cùng lớn lên và vui chơi cùng hai con rắn. Đến một buổi chiều vợ chồng già sau khi đi làm về kinh hãi khi nhìn hai con rắn đang quấn chết cô con gái của mình. Đang sẵn con dao tựa trên tay, người chồng rút dao vừa chém vừa tức giận nói với hai con rắn: “Mày hại con tao à?”. Hai con rắn nhìn thấy thế sợ hãi và bỏ chạy. Ông lão còn đuổi theo chúng và nói rằng: “Cụt đi treo mang, khoang đi treo Đông”. Thấy cảnh con gái bị rắn quấn chết tức thảm thương, hai vợ chồng già xót thương cô bé vô cùng vì thế họ không nỡ chôn cắt nên đặt cô bé xuống thềm ở nhà. Sáng ngày hôm sau họ đã thấy mối đắp đắp thành mộ cho cô bé. Dân làng thấy việc lạ cho rằng cô bé đã hóa thần nên lập miếu thờ cô bé Minh Lương.
Những năm sau khi ngôi làng bị giặc Cờ Đen đến quấy nhiễu, gây loạn, cô bé Minh Lương hiện linh và giúp quan quân triều đình, chỉ đường cho họ thoát khỏi vùng Lạc sâu trong rừng ngập, và sau đó dũng mãnh đập tan quân giặc Cờ Đen. Sau này, cô bé Minh Lương còn hiển linh và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng giúp họ thoát khỏi nhiều bạo bệnh nguy hiểm.
2. Đền thờ Cô Bé Minh Lương:
Đền thờ Cô Bé Minh Lương nằm trên địa phận xã Lăng Quán (huyện Yên Sơn), nơi này cách thị xã Tuyên Quang tầm khoảng 11 km dọc theo đường Tuyên Quang đến Hà Giang. Ở trên khu vực tỉnh Tuyên Quang còn có đền thờ Cô Bé Mỏ Than, và đền thờ Cô Bé Cây xanh. Theo người dân địa phương cho biết Cô Bé Minh Lương chính là hóa thân của Cô Bé Thượng Ngàn.
Ngôi đền Thờ Cô đã trải qua nhiều lần sửa chửa, trùng tu, hiện nay đã khá khang trang và bề thế. Trong đền thờ bao gồm các ban như: Ban thờ cô bé Minh Lương, thờ Phật và thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương. Trên sân đền còn có lầu cậu, lầu cô, chân nhang bản mệnh, quan sơn thần, ban thờ của Mẫu Cửu Trùng Thiên. Bên cạnh đền thờ được bao bọc bởi nhiều hàng cây xanh. Trước cửa đền thờ Cô bé có hai cây vạn tuế, được biết có một cây trong đó mọc tám nhánh và có nhánh phụ nhìn như bàn tay vái thiên. Theo ngươi dân ở đây khẳng định tuổi thọ của cây thiên tuế này có thể lên đến hơn 500 năm, và cây là độc nhất vô nhị. Một điều thú vị xung quang ngôi đền nữa là: Người dân địa phương không ai được sử dụng, tạo dựng nhà cửa xung quanh gò đồi. Chính vì thế mới có câu thơ nói rằng: “Đền cô trên một quả đồi, gió lùa hiu gió mây lững lờ”.
3. Lễ hội Đền thờ Cô Bé Minh Lương diễn ra vào thời gian nào?
Lễ chính ở đền thờ Cô bé Minh Lương vào những ngày 10 tháng giêng, mùng 4 tháng tư, ngày 24 tháng 6, ngày mùng 10 tháng Chạp theo âm lịch hàng năm. Lễ hội Đền thờ Cô bé Minh Lương được biết là nghi lễ linh thiêng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thu hút hàng ngàn du khách trong những ngày đầu năm âm lịch.
4. Đi lễ Cô Bé Minh Lương nên chú ý gì?
Hãy cùng “bỏ túi” những lưu ý hữu ích dưới đây khi có dịp ghé thăm đền thờ Minh Lương ở Tuyên Quang nhé:
– Nếu muốn ngắm khung cảnh thanh tịnh của đền thì nên đi vào ngày thường, vì vào dịp Tết chùa rất đông du khách thập phương.
– Thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của đền là vào buổi tối. Lúc này, toàn bộ khuôn viên chùa được trang trí bằng ánh đèn lung linh, huyền ảo.
– Chú ý ăn mặc kín đáo, gọn gàng khi vào chùa.
– Không nói chuyện, cười đùa trong chùa.
– Du khách không được trèo lên tượng để chụp ảnh và không tự ý bẻ cành cây trong khuôn viên chùa.
– Chỉ nên chuẩn bị mâm cỗ chay, không nên chuẩn bị cỗ mặn.
5. Bản văn chầu Cô Bé Minh Lương:
Minh nhật nguyệt soi đường chính đạo
Lương càn khôn xét kẻ ngay gian
Nhớ xưa Lăng Quán – Tuyên Quang
Minh Lương lại có Cô Ngàn Tiên Y
Diệu thánh dược thần kì đẩu số
Đóa phù dung vừa độ tốt tươi
Nên trang sắc nước hương trời
Đã trong hiếu kính, lại ngoài cần chuyên
Đôi thung huyên ngày thường nâng giấc
Ví so bằng vàng ngọc nết na
Tảo tần nội trợ tề gia
Lên non hái thuốc về nhà luyện đan
Bầu thánh dược tiên hoàn cứu thế
Đất Tuyên Quang già trẻ đội ơn
Công Người như núi như non
Trọn đời giữ tấm lòng son vì đời
Ai hay nhẽ sao dời vật đổi
Lánh bụi hồng về cõi hư không
Đồi cao còn dấu tiên dung
Nhân dân kỷ niệm nhớ công lập đền
Tiên Cô Bé trấn miền Bắc Địa
Xã Minh Lương hòa khí xuân phong
Núi Dùm điệp điệp trùng trùng
Suối trong uốn khúc đồi thông rườm rà
Đêm thanh vắng hiện ra bẻ lái
Mảng nứa xanh vượt suối tay chèo
Sông Lô nước chảy lưng đèo
Mảng Cô xuôi ngược sớm chiều lênh đênh
Kim quy tướng hiện hình chầu phục
Cá bạc vàng suối ngọc long lanh
Minh Lương cảnh trí hữu tình
Tiên Cô bẻ lái lênh đênh trước đền
Mảng chở khách hữu duyên hữu phúc
Mảng chở người trong lúc gian nan
Mảng Cô chở thuốc trên ngàn
Mảng Cô cứu kẻ cơ hàn tai ương
Mảng chở khách lên đường chính đạo
Mảng chở người cảm mạo phong sương
Rau măng, cháo bẹ, cơm lam
Độ người phá núi, khai mương, bắc cầu
Vai nặng trĩu gánh bầu tiên dược
Túi Hoa Đà, Biển Thước linh đan
Thảnh thơi gió núi mây ngàn
Minh Lương chính trực, cương thường, hiếu trung
Giận những kẻ thoát vòng bội nghĩa
Giận những loài tà quỷ yêu ma
Thương người hiếu kính mẹ cha
Thương người vì nước, vì nhà, vì dân
Niềm son sắt kiệm cần liêm chính
Điểm tô cho nước Việt dài lâu
Lời Cô ghi nhớ làm đầu
Nhớ lời mà sửa cho nhau tốt lành
Tiên Cô Bé anh linh giáng thế
Nhớ lời Cô đuốc tuệ sáng soi
Dù cho vận đổi sao dời
Lời Cô vẫn tỏ muôn đời chẳng phai
Gương Cô để cho đời soi mãi
Chữ “Minh Lương” chói lọi trời đông
Cô về trắc giáng đền trung
Khuông trì đệ tử tăng long thọ trường.
6. Một số đền thờ khác:
Đầu xuân mới, các đền chùa Tuyên Quang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Không khí nhộn nhịp được ghi nhận tại các đền, chùa trên toàn tỉnh, với các đoàn xe của các hãng lữ hành từ tỉnh Hải Dương, Hà Nội, thành phố Hải Phòng đưa khách về Tuyên Quang du xuân. Sức hấp dẫn của du lịch tâm linh Tuyên Quang là hệ thống các đền thờ Mẫu tạo thành các tour, tuyến gắn với các loại hình du lịch như lễ hội, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu phát triển mạnh tại thành phố với hệ thống các đền thờ Mẫu. Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các vùng ngoại thành có 30 điểm di tích tâm linh, trong đó có 14 điện thờ Mẫu. Ngoài đền thờ cô Minh Lương, Tuyên Quang còn là nơi tập trung nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như đền Ỷ La, đền Hạ, đền Cấm, đền Kiếp Bạc, đền Thượng ở thành phố Tuyên Quang Ngoài ra còn có một số di tích nổi tiếng ở các huyện khác như đền Bắc Mục, đền Thác Cái, đền Thác Cái ở Hàm Yên, đền Bách Thần (Chiêm Hóa), đền Pác, Đền Tà ở (Na Hang).
Trên đây là toàn bộ thần tích cùng bản văn về Cô bé Thượng Ngàn ở Tuyên Quang với tên gọi khác là Cô Bé Minh Lương được sưu tầm và biên soạn.