Như chúng ta đã biết thì thời đại công nghệ số đang phát triển khá mạnh mẽ và thúc đẩy tất cả các lĩnh vực phát triển. Theo đó cần có sự chuyển đổi số đặc biệt là với các doanh nghiệp để thúc đẩy công nghệ phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra những giá trị và dịch vụ phục vụ cho cuộc sống. Vậy chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động của một doanh nghiệp, ngành hoặc hệ sinh thái thông qua việc tích hợp thông minh của công nghệ, quy trình và năng lực ở tất cả các cấp và chức năng theo giai đoạn và chiến lược. Chuyển đổi số thúc đẩy các công nghệ để tạo ra giá trị và dịch vụ mới cho các bên liên quan khác nhau (khách hàng theo nghĩa rộng nhất có thể), đổi mới và có được khả năng thích ứng nhanh chóng với các hoàn cảnh thay đổi.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp. Tận dụng khoa học công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp các giá trị mới cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp; từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Dễ nhận biết nhất là doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí vận hành, tăng hiệu suất lao động; tiếp cận và đáp ứng khách hàng tốt hơn và lãnh đạo ra quyết định kịp thời, chính xác hơn khi chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Nhiều quan điểm cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp chỉ liên quan đến chuyển đổi về mặt công nghệ. Có nghĩa là khi một doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng các công nghệ vào quy trình thì đã được xem là chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, trọng tâm của chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ mà còn ở các yếu tố khác như: con người, tư duy lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp; …
Chuyển đổi số tiếng Anh là “digital conversion”.
2. Chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp:
Chuyển đổi số doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua việc tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.
2.1. Sáng tạo phá hủy là gì?
Vòng xoáy sáng tạo liên tục hình thành các phát kiến mới và nghiền nát những cái cũ trên đường đi của nó. Nền công nghiệp ô tô ra đời dẫn đến sự tiêu vong của thế giới đã từng bị chiếm lĩnh bởi những chiếc xe ngựa. Sự ra đời của máy tính cá nhân là tiếng chuông gióng lên cho sự cáo chung của những chiếc máy tính cồng kềnh, khổng lồ và thô kệch. Sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số đã đưa máy ảnh phim một thời ngự trị trên đỉnh cao thế giới trong phần lớn thế kỷ 20 vào bảo tàng lịch sử của những phát minh vĩ đại của nhân loại. Phát kiến về công nghệ nghe nhạc mới với trung tâm là điện thoại và iPod đã tiễn đưa người khổng lồ Walkman của Sony và công nghệ đĩa CD đi vào dĩ vãng. Đó là những sáng tạo phá hủy.
2.2. Triển khai ERP đã phải là chuyển đổi số chưa?
ERP là tin học hóa các quy trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục đích làm cho hoạt động của doanh nghiệp trôi chảy, nhịp nhàng. Có thể hình dung ERP giống như hệ thần kinh thực vật, điều khiển các cơ quan trong cơ thể một cách tự động, phản ứng lại với các thay đổi bên ngoài theo các phản xạ vô điều kiện, được lập trình sẵn từ trước.
Chuyển đổi số là tập trung vào đổi mới tổng thể, tăng cường khả năng thích ứng, tập trung nhiều hơn vào việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu, tri thức hữu ích cho tất cả các cấp ra quyết định, dựa trên dữ liệu. Có thể hình dung chuyển đổi số giống với hệ thần kinh trung ương, giúp doanh nghiệp trở nên thông minh, có khả năng sáng tạo, thích nghi nhanh chóng và hiệu quả với các thay đổi.
Có thể nói chuyển đổi số là mức độ phát triển cao hơn. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở các nước phát triển, đã triển khai ERP từ lâu, nay chuyển đổi số sẽ tập trung vào tích hợp dữ liệu và phân tích kinh doanh nhiều hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chưa có ERP, do đó, quá trình chuyển đổi số bao hàm cả việc tự động hóa quy trình bằng ERP.
2.3. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số theo hướng nào?
Hợp tác xã nông nghiệp thu hoạch ca cao, bán ca cao bao nhiêu năm qua nhưng luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức và biến động thị trường. Rồi một ngày, có 2 chàng thanh niên cũng vẫn là những nguyên liệu đó đã làm nên một câu chuyện khác. Họ lựa chọn kỹ lưỡng nguyên liệu ca cao tốt nhất, để làm nên những thanh sô-cô-la hảo hạng nhất. Nhưng họ không bán sô-cô-la, mà họ bán một thứ quà tặng sang trọng. Giấy gói thanh sô-cô-la được lựa chọn từ chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam. Họa tiết thêu tay trên lụa được thiết kế bằng công nghệ số hiện đại. Họ không bán hàng ở thị trường Việt Nam trước mà họ chọn thị trường châu Âu và Mỹ trước. Doanh nghiệp của họ chỉ khoảng 10 người nhưng doanh thu hàng triệu đô. Đó chính là một doanh nghiệp vừa và nhỏ có tên gọi là Marou Chocolate đặt trụ sở tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy và nhận thức. Tương tự như trên, một xưởng gỗ có thể tự đặt câu hỏi là mình vẫn đóng và bán đồ gỗ như bao nhiêu năm qua hay mình sẽ bán thiết kế đồ gỗ nội thất theo nhu cầu của khách hàng, cho phép khách hàng được tham gia có ý kiến đối với đồ gỗ của họ theo cách họ muốn, được nhìn trực quan phiên bản số 3D trước khi quyết định lựa chọn? Doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần đổi mới nhận thức và đưa ra bài toán. Công nghệ số sẽ giúp giải quyết.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi số nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng các nền tảng. Chẳng hạn, 1Office, một nền tảng quản trị doanh nghiệp tổng thể của Việt Nam cho phép một doanh nghiệp khác sử dụng mọi dịch vụ, từ quản trị nhân sự, kế toán, đến bán hàng, kê khai thuế một cách nhanh chóng, không cần phải đầu tư, không cần có nhân lực kỹ thuật để vận hành, với chi phí theo đầu người chỉ vào khoảng 30.000 đồng /1 người /1 tháng. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ có 10 người chỉ phải trả 300.000 đồng/1 tháng, nếu thấy hiệu quả thì dùng tiếp, không hiệu quả thì thôi.
3. Vai trò của công nghệ đối với công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp:
Cũng trong giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống báo cáo quản trị hoàn chỉnh; liên kết các dữ liệu từ bán hàng, tồn kho, đến kế toán, nhân sự…
Ở giai đoạn chuyển đổi số cuối cùng, các hệ thống kinh doanh và quan trị được tích hợp đồng bộ với nhau, thông tin chia sẻ xuyên suốt giữa các phòng ban và theo thời gian thực. Lúc này, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào các sáng kiến đổi mới để tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp và là động lực để bứt phá, đuổi kịp các doanh nghiệp lớn hơn trên thị trường.
Trọng tâm của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nằm ở việc chuyển đổi về con người, chiến lược, mô hình hoạt động và quy trình thực hiện. Trong đó, không thể không có yếu tố công nghệ, bởi đây là nguồn phát mọi sự thay đổi và đổi mới. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp nên chuẩn bị cho mình nguồn nhân lực và vật lực vững chắc, sẵn sàng cùng với việc lựa chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và xu hướng phát triển.