Chương trình và dự án phát triển được xem như là một công cụ triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về kinh tế và xã hội. Vậy chương trình và dự án phát triển là gì? Vị trí, chức năng chủ yếu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chương trình và dự án phát triển là gì?
Chương trình và dự án phát triển kinh tế xã hội được xem như là một công cụ triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về kinh tế và xã hội. Trong đó, kế hoạch phát triển được hiểu là “một công cụ quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế quốc dân, nó là sự cụ thể hoá các mục tiêu định hướng của chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ bằng hệ thống các mục tiêu chỉ tiêu và chỉ tiêu biện pháp định hướng và hệ thống các chính sách, cơ chế áp dụng trong thời kỳ kế hoạch.” (Được phân tích cụ thể trong bài viết khác của Luật Dương Gia).
Chương trình và dự án phát triển cụ thể hóa kế hoạch thành các nội dung triển khai hoạt động cụ thể trong đó thể hiện rõ mục tiêu, nguồn lực, tiến độ thực hiện… Như vậy, chỉ khi nào các KH được triển khai thành chương trình, dự án thì các KH đó mới có cơ chế để triển khai thực hiện, mới dự kiến được nhu cầu nguồn lực để từ đó cân đối với khả năng nguồn lực sẵn có và tiến hành ưu tiên hóa nếu các cân đối nguồn lực đó không đảm bảo.
Là một phương pháp kế hoạch hoá được áp dụng nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế phương pháp kế hoạch hoá quản lý theo các chương trình dự án mà trọng tâm là các chương trình quốc gia cũng được áp dụng rộng rãi từ những năm 1992.
2. Phân biệt chương trình phát triển và dự án phát triển:
Để cụ thể hơn có thể hiểu tách biệt giữa chương trình phát triển và dự án phát triển, trong đó:
Về chương trình mục tiêu quốc gia:
Hiện nay chưa có khái niệm học thuật về chương trình mục tiêu cũng như chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình mục tiêu quốc gia ra đời trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức trong các vấn đề an sinh xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục,…; xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống người dân,… Mỗi quốc gia, ở mỗi thời kỳ khác nhau sẽ có những khó khăn, thách thức khác nhau để kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững. Do đó, mỗi nước sẽ có những cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau so cho phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của mỗi nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhưng về cơ bản chương trình mục tiêu quốc gia thường được hiểu là chương trình bao gồm nhiều dự án liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau trong một tổng thể thống nhất nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trong một giai đoạn nhất định.
Dù ở các giai đoạn khác nhau chương trình mục tiêu quốc gia có những cách hiểu khác nhau, nhưng tựu trung lại chương trình mục tiêu quốc gia được hiểu là tập hợp các dự án có liên quan với nhau để thực hiện các mục tiêu cụ thể của một chương trình cụ thể, nhằm giải quyết những vấn đề có tính cấp bách, liên ngành, liên vùng và có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội chung của một đất nước mà chính phủ phải tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo để giải quyết.
Về dự án phát triển:
Các dự án phát triển kinh tế (dự án phát triển) là dự án trực tiếp tạo ra các sản phẩm chiến lược, thúc đẩy sự phát triển kinh tế các ngành, vùng; thúc đẩy quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế hoặc cơ cấu thu nhập của nhiều bộ phận dân cư.
3. Vị trí, chức năng chủ yếu của chương trình và dự án phát triển:
Chương trình và dự án phát triển là cấp độ cuối cùng trong hệ thống kế hoạch hóa của Việt Nam, bên cạnh các cấp độ khác đã được tác giả nói ngay trong phần mở đầu.
Khi nhắc đến chương trình và dự án phát triển thì chức năng cơ bản nhất của nó là “cụ thể hóa” kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề được xác định cần ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của một đất nước. Chương trình, dự án phát triển chính là một phần không thể thiếu trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của một đất nước nhằm cải thiện đời sống xã hội, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp từ trung ương tới địa phương.
Chương trình, dự án phát triển phải gắn với chiến lược phát triển toàn diện của đất nước trong một giai đoạn cụ thể, ảnh hướng sâu rộng đến đời sống người dân. Thông qua đó, những vấn đề cấp bách của các bộ, ngành, địa phương trong nước sẽ được xem xét và giải quyết.
Tại Việt Nam, quy chế quản lý, điều hành thực hiện chương trình và dự án phát triển luôn được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế, và đặc điểm xã hội của từng thời kỳ mà Chương trình triển khai. Để chương trình và dự án phát triển đạt được những mục tiêu đề ra, kinh phí được sử dụng hiệu quả thì việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan chức năng, mà còn cần sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng trong việc thực hiện Chương trình, do các Chương trình này thường liên quan trực tiếp và có sự tham gia của người dân.
Xem xét kỹ hơn đối với vai trò của các dự án phát triển, có thể thấy dự án phát triển là những dự án lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia.
– Dự án phát triển là thực hiện chiến lược phát triển kinh tế quốc gia như chiến lược công nghiệp hóa (phát triển các ngành công nghiệp, khu công nghiệp, đường giao thông); phát triển nông nghiệp và nông thôn (phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn); chiến lược xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu (phát triển các ngành kinh tế có lợi thế so sánh trên thị trường quốc tế); chiến lược giảm đói nghèo, bảo vệ môi trường…
– Khuyến khích xuất khẩu: Nhà nước thường hỗ trợ hoặc thực hiện các dự án xuất khẩu lớn (hoặc hỗ trợ xuất khẩu): Xây dựng các cơ sở chế biến xuất khẩu; Xây dựng các cơ sở nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho xuất khẩu (nghiên cứu và bán các loại giống mới có năng suất cao, nghiên cứu biến đổi gien của cây trồng vật nuôi; nghiên cứu và sản xuất sản phẩm phần mềm…).
– Thay thế nhập khẩu: Phát triển ngành sản xuất thay thế nhập khẩu bằng cách sử dụng tối đa lợi thế của đất nước, giảm chi ngoại tệ, tạo công ăn việc làm…Việc phát triển ngành công nghiệp non trẻ trong giai đoạn đầu phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để cạnh tranh được với các hãng nước ngoài.
– Ngành công nghiệp chiến lược: Tạo nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành kinh tế khác, hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nguyên liệu chiến lược.
– Ngành sản xuất sản phẩm liên quan trực tiếp tới an ninh xã hội và quốc gia, ví dụ điện nguyên tử, hàng không, thủy điện lớn, viển thông, cung cấp nước sạch…
– Dự án phát triển nông thôn: Ngành chế tạo máy, cơ khí để phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đường giao thông, kênh tưới tiêu…
Dự án phát triển nhằm tới 2 mục tiêu: Hiệu quả tài chính và hiệu quả xã hội. Khác với dự án thương mại, dự án phát triển phải thực hiện các mục tiêu xã hội như phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi cơ cấu kinh tế… Chủ đầu tư thường là Nhà nước (hoặc các cơ quan phát triển) nên việc thực hiện đa mục tiêu là tất yếu đối với sự án phát triển. Các mục tiêu trong một số trường hợp lại mâu thuẫn với nhau. Chủ đầu tư vì vậy phải xác định nhóm mục tiêu cơ bản, có tính thống nhất cao.
Do tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế, chương trình và dự án phát triển thường nhận hỗ trợ trưc tiếp từ Nhà nước như được Ngân sách cấp vốn, vay ưu đãi, vay không cần tài sản đảm bảo, được Chính phủ bảo lãnh (miễn phí) khi vay vốn, được đảm bảo vị thế độc quyền trong thời gian nhất định.
Từ sự phân tích ở trên, có thể nhận thấy rằng, vị trí hay chức năng của chương trình và dự án phát triển đều có ý nghĩa sâu sắc trong việc quyết định đến hiệu quả triển khai kế hoạch trên thực tế, giải quyết tất cả những vấn đề cấp bách cho xã hội, đồng thời nhanh chóng tiếp cận và phát hiện được những hạn chế có thể có trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để đưa ra các giải pháp kịp thời. Như vậy, chương trình và dự án phát triển là công cụ truyền tải hữu hiệu nhất kế hoạch phát triển.