Chứng khoán và thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay đang trở thành một trong lĩnh vực đầy hứa hẹn tại Việt Nam cũng như tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc các chủ thể nắm rõ những kiến thức cũng như cách đầu tư vào chứng khoán là điều hết sức cần thiết. Chứng khoán vô danh là gì? Công cụ rửa tiền xuyên quốc gia?
Mục lục bài viết
1. Chứng khoán là gì?
Ta hiểu về chứng khoán như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì:
“Chứng khoán là tài sản và liệt kê các loại chứng khoán bao gồm:
– Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
– Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
– Chứng khoán phái sinh;
– Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Có thể thấy, theo quy định được nêu tại Luật chứng khoán chỉ liệt kê các loại chứng khoán chứ không khái niệm về chứng khoán một cách rõ ràng, do đó khi tiếp cận về chứng khoán thì chúng ta có thể tiếp cận các khái niệm của từng loại chứng khoán được liệt kê từ khoản 2 đến khoản 9 của Điều 4 Luật chứng khoán 2019.
Chứng khoán từ khái niệm nêu trên được biết đến thực chất chính là một bằng chứng xác nhận sự sở hữu hợp pháp của các chủ thể là những người sở hữu đó với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành.
Cụ thể, một cổ phần đại diện cho quyền sở hữu hợp pháp của một doanh nghiệp. Các tập đoàn sẽ phát hành cổ phiếu (cổ phiếu thông thường và cổ phiếu ưu đãi). Cổ phiếu khi được hoán đổi cho nhau thì sẽ được gọi là chứng khoán. Như vậy, ta nhận thấy, khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán nghĩa là các chủ thể đang mua quyền sở hữu một hay nhiều doanh nghiệp.
Hiện nay thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang có sự phát triển rõ rệt, điều này được biểu hiện thông qua việc số lượng các công ty chứng khoán thành lập ngày một nhiều, số lượng nhà đầu tư chứng khoán ngày một gia tăng với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục thuật hiện đại phục vụ cho sự phát triển của chứng khoản. Tuy nhiên, việc tham gia vào chứng khoán cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, vì vậy nhà đầu tư cần có những kiến thức pháp lý cơ bản về chứng khoán để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) có thể được thể hiện dưới dạng một chứng từ cụ thể hoặc bằng một bản ghi điện tử. Dưới dạng chứng từ, chứng khoán được chia thành hai loại cụ thể đó chính là: chứng khoán vô danh và chứng khoán đích danh.
2. Chứng khoán vô danh là gì?
Như phân tích nêu trên, dưới dạng chứng từ, chứng khoán được chia thành hai loại: chứng khoán vô danh và chứng khoán đích danh.
Chứng khoán vô danh được biết đến cơ bản chính là loại chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của người phát hành, thay vào đó mọi quyền lợi của chứng khoán vô danh sẽ được thanh toán cho người cầm giữ, sở hữu nó. Bất cứ ai nắm giữ chứng khoán cũng có thể trở thành chủ sở hữu của nó, chính vì vậy loại chứng khoán này được coi là chứng khoán vô danh.
Chứng khoán vô danh thực chất cũng sẽ có thể được giao dịch dưới hình thức mua bán trao tay mà không cần ký hậu, đăng ký quyền sở hữu với người phát hành, do đó việc sở hữu về mặt vật lý có thể coi là chứng cứ duy nhất của quyền sở hữu chứng khoán. Kiểu chứng khoán này có ưu điểm là mua bán dễ dàng, nhanh gọn. Tuy nhiên cũng bởi vì do đặc trưng về sở hữu vật lý nên chủ thể là người cầm giữ chứng khoán loại này sẽ luôn phải chịu rủi ro đánh mất, đánh rơi tờ chứng khoán. Một ví dụ của chứng khoán vô danh là trái phiếu thanh toán trái tức bằng cuống phiếu. Mỗi khi đến hạn thanh toán trái tức người cầm chứng khoán lại xé tờ cuống phiếu để đổi lấy trái tức, người phát hành không có nghĩa vụ nhắc nhở người nắm giữ trái phiếu loại này về việc thanh toán trái tức.
Ngược lại với chứng khoán vô danh là chứng khoán đích danh (registered security), đây là loại chứng khoán mà tên người chủ sở hữu của nó được đăng ký trong sổ sách của người phát hành. Do đặc trưng này nên chứng khoán đích danh thông thường sẽ có sự an toàn hơn đối với người cầm giữ, dù có mất tờ chứng khoán cũng không sợ mất quyền sở hữu.
Ngày nay, hầu hết các loại chứng khoán phát hành trên thị trường là chứng khoán đích danh. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc quản lý, trao đổi chuyển nhượng cũng được thực hiện khá dễ dàng.
Chứng khoán vô danh trong tiếng Anh là: bearer security.
3. Công cụ rửa tiền xuyên quốc gia:
Thị trường chứng khoán luôn được xem là một lĩnh vực vô cùng phức tạp tại bất kỳ quốc gia nào, cũng chính bởi vì nguyên nhân đó mà tội phạm rửa tiền xuyên biên giới không chỉ nhằm đến thị trường chứng khoá như là phương tiện để rửa tiền mà còn để tạo ra những tài sản bất chính.
Vì vậy, giới chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, việc tìm kiếm dấu hiệu của hành vi rửa tiền xuyên biên giới trong lĩnh vực này chỉ có thể thực hiện được bằng việc quan sát quá trình mà tội phạm rửa tiền có thể can thiệp để tạo ra công cụ rửa tiền xuyên biên giới.
Có thể nói, hoạt động rửa tiền đang là vấn đề được đặt ra tại nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc trưng của một nền kinh tế chủ yếu sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thì Việt Nam cũng có thể trở thành địa điểm thu hút tội phạm rửa tiền xuyên biên giới, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngay khi mới ra đời đã trở thành một kênh huy động vốn sôi động, thu hút lượng tiền đầu tư lớn từ công chúng. Do tính phức tạp và tinh vi trong các giao dịch chứng khoán khiến việc lần theo dấu vết của dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng rất khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng, có thể khái quát một số công cụ được tội phạm sử dụng nhằm mục đích chính đó là để rửa tiền trên thị trường chứng khoán thông qua các giao dịch xuyên biên giới.
Chứng khoán vô danh là loại chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của tổ chức phát hành, thay vào đó bất cứ ai nắm giữ chứng khoán vô danh cũng đều có thể trở thành chủ sở hữu hưởng lợi của nó. Do vậy, tội phạm rửa tiền xuyên biên giới có thể sử dụng chứng khoán vô danh bởi lẽ loại hình này cho phép che dấu danh tính người sở hữu hưởng lợi.
Bên cạnh đó, việc thành lập các công ty “ma”, hay còn gọi là các công ty bình phong cũng được bọn tội phạm rửa tiền sử dụng đến như một công cụ phục vụ cho riêng bọn chúng. Chúng thường lập công ty “ma” nhằm mục đích không phải để kinh doanh mà để tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục hành chính, thuế, lợi dụng các kẽ hở về pháp luật đối với việc sở hữu tài sản và đăng ký các tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền. Dấu hiệu có thể thấy là hành vi cấu kết với nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để thực hiện “chuyển giá”, đánh chìm giá trị tài sản trong nước để trốn thuế hoặc mua thâu tóm.
Đồng thời bọn chúng thường rửa tiền thông qua các quỹ tín thác, các tài khoản mượn danh và tài khoản đa mục đích hoặc sử dụng các công ty vỏ bọc được thành lập một cách hợp pháp làm lá chắn cho các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chuyển giao tài sản phức tạp, thông qua đó đưa tiền có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính của một nước. Đặc biệt, việc sử dụng các quỹ đầu tư có “hộ chiếu” của một nước cũng được coi là “thiên đường thuế”, nơi mà những quy định về lập quỹ, về nguồn gốc của tiền đầu tư không được chặt chẽ, để đầu tư vào các thị trường chứng khoán mới nổi là thủ đoạn mà tội phạm rửa tiền xuyên biên giới có thể thực hiện.
Ngoài ra,các sản phẩm chứng khoán phái sinh, hoặc các giao dịch tài chính phức tạp khác cũng được các chủ thể là những tội phạm rửa tiền quan tâm tới. Bởi vì tính chất phức tạp trong giao dịch, các sản phẩm này thường được sử dụng để che dấu nguồn gốc của dòng tiền một cách đắc lực.
Và một công cụ nữa cũng thường được tội phạm rửa tiền sử dụng, đó chính là kinh doanh các cổ phiếu có tính thanh khoản thấp hoặc gần như không có giao dịch. Các bên tham gia giao dịch đồng ý mua, bán chứng khoán có tính thanh khoản thấp với một mức giá thấp giả tạo, sau đó chủ thể là người bán ban đầu hoặc người cùng cộng tác sẽ mua lại chứng khoán đó với mức giá cao hơn đáng kể so với mức giá ban đầu.