Tính đa dạng của kế toán tồn tại ngay trên mỗi quốc gia. Những thay đổi lớn trong thực tiễn kinh doanh từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đã làm các nhu cầu về quốc tế hoá công tác kế toán và kiểm toán. Chuẩn mực kế toán quốc tế là gì? Nội dung và vai trò
Mục lục bài viết
1. Chuẩn mực kế toán quốc tế là gì?
Chuẩn mực kế toán (accounting standards) là những quy định do tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu và ban hành để làm cơ sở cho việc lập và giải thích các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính.
Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế là hệ thống chuẩn mực đề cập đến những vấn đề mang tính nền tảng, khuôn mẫu, những nguyên tắc, phương pháp có tính chất cơ bản được chấp thuận rộng rãi trên toàn thế giới.
Cơ quan đầu tiên xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế chính là Ủy Ban chuẩn mực kế toán quốc tế (“IASC”). Đây là một tổ chức độc lập thành lập vào năm 1973, bao gồm đại diện của 13 nước thành viên trực thuộc Liên đoàn kế toán quốc tế (“IFAC”), đại diện của 03 tập đoàn kinh tế lớn và một số quan sát viên độc lập đến từ Ủy Ban Châu Âu, Trung Quốc, Ủy Ban chứng khoán quốc tế (IOSCO), Ủy Ban chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ.
Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế được ban hành và quản lý bởi Ủy Ban sáng lập chuẩn mực kế toán quốc tế. Các chuẩn mực kế toán quốc tế (IASs) vẫn được kế thừa các chuẩn mực kế toán quốc tế do IASC ban hành trước đây và Ủy Ban sáng lập chuẩn mực kế toán quốc tế tiếp tục xây dựng, ban hành và phát triển các chuẩn mực kế toán mới với tên gọi là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRSs.
2. Nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế:
Hiện nay, trên thế giới đã ban hành và công bố 38 chuẩn mực kế toán có liên quan nhiều khía cạnh khác nhau trong kế toán. Mỗi chuẩn mực có một nội dung cụ thể, do vậy, việc đưa ra nội dung về chuẩn mực kế toán quốc tế trong bài viết này chỉ lựa chọn một trong các chuẩn mực đó. Cụ thể: IAS 01 – Trình bày các báo cáo tài chính
a. Mục đích:
Mục đích của chuẩn mực là đưa ra cơ sở cho việc trình bày những báo cáo tài chính cho mục đích chung nhằm đảm bảo tính so sánh của các báo cáo tài chính của một đơn vị giữa các thời kì và so sánh được với báo cáo tài chính của các đơn vị khác. IAS 1 đưa ra những qui định chung và trách nhiệm cho việc lập các báo cáo tài chính, hướng dẫn về kết cấu của các báo cáo tài chính và những yêu cầu tối thiểu về nội dung trong các báo cáo tài chính.
b. Phạm vi áp dụng.
– Chuẩn mực này được áp dụng đối với tất cả các báo cáo tài chính cho mục đích chung được lập trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính.
– Các chuẩn mực cụ thể qui định cho việc ghi nhận, đo lường và trình bày đối với các giao dịch cụ thể.
– Chuẩn mực này không áp dụng đối với kết cấu và nội dung của báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm tắt được trình bày theo qui định của IAS 34.
– Chuẩn mực này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm những doanh nghiệp trình bày báo cáo tài chính hợp nhất và những doanh nghiệp trình bày báo cáo tài chính riêng theo định nghĩa của IAS 27.
c. Các thuật ngữ cơ bản
– Báo cáo tài chính cho mục đích chung: là báo cáo tài chính được trình bày nhằm mục đích đáp ứng như cầu của những người sử dụng không có quyền yêu cầu doanh nghiệp trình bày báo cáo tài chính để đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của họ
– Chủ sở hữu (owners): là những người nắm giữ các công cụ được phân loại là công cụ vốn.
– Thu nhập tổng hợp khác (other comprehensive income): bao gồm những khoản mục thu nhập và chi phí không được ghi nhận là lãi hoặc lỗ theo qui định của các chuẩn mực kế toán khác.
d. Báo cáo tài chính.
– Mục đích của báo cáo tài chính: báo cáo tài chính phản ánh theo một thứ tự khoa học tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp những thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, các luồng tiền của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu hữu ích cho số đông người sử dụng trong việc ra các quyết định kinh tế.
– Để đạt được mục đích này báo cáo tài chính phải cung cấp các thông tin sau: Tài sản; Nợ phải trả; Vốn chủ sở hữu; Thu nhập và chi phí, bao gồm các khoản lãi và lỗ; Khoản đóng góp bởi và phân phối cho chủ sở hữu; Các luồng tiền.
– Hệ thống báo cáo tài chính: Một bộ báo cáo tài chính đầy đủ bao gồm các báo cáo sau:
+ Báo cáo về tình hình tài chính tại ngày kết thúc kì báo cáo
+ Báo cáo về thu nhập tổng hợp trong kì báo cáo
+ Báo cáo về sự thay đổi vốn chủ sở hữu trong kì báo cáo
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kì báo cáo
+ Phần ghi chú cho các báo cáo tài chính, bao gồm tóm tát về các chính sách kế toán và thông tin chi tiết, và
+ Báo cáo về tình tình tài chính tại ngày bắt đầu của kì kế toán đầu tiên có thể so sánh được khi doanh nghiệp áp dụng hồi tố các chính sách kế toán hoặc hồi tố đánh giá lại các khoản mục trong báo cáo tài chính hoặc phân loại lại các khoản mục trong báo cáo tài chính.
– Những đặc điểm chung:
+ Trình bày trung thực và tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế: báo cáo tài chính phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, các luồng tiền lưu chuyển của doanh nghiệp dựa trên cơ sở tuân thủ các qui định của chuẩn mực kế toán quốc tế.
+ Hoạt động liên tục: Khi lập và trình bày báo cáo tài chính, người đứng đầu doanh nghiệp phải đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính phải được lập dựa trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, trừ khi doanh nghiệp có ý định cũng như buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể qui mô hoạt động của mình .
– Hoạt động liên tục:
+ Khi đánh giá nếu doanh nghiệp có những điều không chắc chắn hoặc nghi ngờ về sự hoạt động liên tục của doanh nghiệp thì cần được nêu rõ. Nếu báo cáo tài chính không được lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục thì các sự kiện này phải được nêu rõ cùng với cơ sở lập báo cáo tài chính.
+ Để đánh giá khả năng hoạt đông liên tục, người đứng đầu doanh nghiệp phải xem xét mọi thông tin có thể dự đoán được tối thiểu trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.
….
Thực tế, nội dung chuẩn mực kế toán (IAS 01) là rất cụ thể và chi tiết, do vậy việc cung cấp một phần nội dung trên đây chỉ mang tính chất truyền tải một phần kiến thức để người đọc có thể nắm bắt được cơ bản “ý” mà Ủy Ban sáng lập chuẩn mực kế toán quốc tế muốn truyền đạt
3. Vai trò của chuẩn mực kế toán quốc tế:
Chuẩn mực kế toán quốc tế là một tập hợp các thông lệ được thiết lập bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB). Các thông lệ này được thiết kế để giúp các doanh nghiệp trên toàn thế giới so sánh báo cáo tài chính và dữ liệu đơn giản hơn. Điều này cũng giúp tạo ra sự minh bạch và tin cậy trong quy trình kế toán, đặc biệt là đối với đầu tư và thương mại toàn cầu.
Có một chuẩn mực kế toán quốc tế cũng giúp giảm bớt áp lực tuân thủ và có thể giảm đáng kể chi phí xung quanh việc báo cáo. Đặc biệt, các công ty có hoạt động quốc tế và các công ty con ở các quốc gia khác nhau có thể hợp lý hóa việc báo cáo và thực hành.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là IAS đã được thay thế bằng các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) mới hơn.
Việc ban hành và tuân thủ chuẩn mực kế toán thì người lập (preparer) và người sử dụng (user) báo cáo tài chính mới hiểu được các thông tin phản ánh trên báo cáo. Chuẩn mức kế toán là nền tảng để thực hiện chức năng của kế toán tài chính (financial accounting) là báo cáo tình hình tài chính (financial reporting). Và phương tiện quan trọng dùng để báo cáo tình hình tài chính chính là các báo cáo tài chính (Financial statements)
Như vậy, không có chuẩn mực kế toán thì các mục tiêu của báo cáo tài chính dưới đây sẽ không đạt được:
+ Cung cấp thông tin hữu ích để làm quyết định về đầu tư và tín dụng.
+ Cung cấp thông tin hữu ích để đánh giá luồng tiền tương lai.
+ Cung cấp thông tin về tài sản và nguồn vốn củ a doanh nghiệp, gọi chung là tình hình tài chính (financial position) của doanh nghiệp. Nói cách khác, nhờ có chuẩn mực kế toán các thông tin. trình bày trên báo cáo tài chính trở nên thiết thực (relevant), tin cậy được (reliable) và có thể so sánh được (comparable).
+ Thông tin có thiết thực thì người sử dụng mới có thể đưa ra quyết định.
+ Thông tin có tin cậy thì người đọc mới thấy an tâm.
+ Thông tin có so sánh được thì người sử dụng mới có thể lựa chọn.