Hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay chúng ta thấy rằng các yếu tố về văn hóa cũng nên được phát huy, cụ thể các giá trị về văn hóa được nhà nước ta thực hiện thông qua các chính sách pháp luật về văn hóa. Cùng tìm hiểu về chính sách văn hóa.
Mục lục bài viết
1. Chính sách văn hóa là gì?
Văn hóa là điểm điển hình mà tất cả quốc gia đều có và gìn giữ những nét riêng đó, mội quốc gia có các chính sách văn hóa (của nhà nước) đây được hiểu là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các mục tiêu, các giải pháp và các công cụ mà nhà nước sử dụng để tác động lên lĩnh vực văn hóa nhằm bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Chính sách văn hóa là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển kinh tế – xã hội nói chung và có một ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực về con người để phát triển đất nước.
Mục của chính sách văn hóa là trạng thái mong đợi, cần có của nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa trong các chặng đường phát triển của đất nước.
2. Nguyên tắc của chính sách văn hóa:
So với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, tinh tế, liên quan trực tiếp đến quá trình sáng tạo của cá nhân và cộng đồng. Cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức về văn hóa, đặc biệt là nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và việc xây dựng, hình thành nhân cách con người, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng dần được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn và nhu cầu, đòi hỏi của người dân, có thể kể đến một số đạo luật tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa như:
Chính sách, pháp luật về di sản văn hóa: Di sản văn hóa là tài sản vô giá do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo trong quá trình dựng nước và giữ nước; là sợi dây gắn kết cộng đồng dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; là nền tảng để hun đúc nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc, là một nguồn lực cho phát triển.
Ý thức rõ về tầm quan trọng của di sản văn hóa, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trước những tác động của nhân tố chủ quan và khách quan, văn bản đầu tiên mang tính pháp lý về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa là Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa về việc bảo tồn cổ tích trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Trong đó tại điều thứ tư, Sắc lệnh quy định: “Cấm phá hủy những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiểu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính sách tôn giao hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.
Các nguyên tắc xây dựng và thực hiện chính sách văn hoá là các quan điểm cơ bản ràng buộc mà nhà nước phải tuân thủ khi thực hiện các mục tiêu của chính sách đặt ra. Ở nước ta bao gồm:
– Giữa chính trị – kinh tế – văn hoá phải có sự gắn kết hữu cơ trong đời sống xã hội và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
– Phải đảm bảo dân chủ, tự do, văn minh, công bằng xã hội cho mọi sự sáng tạo của công dân; phải phát hiện được và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đồng thời phải có cơ chế phát hiện và loại bỏ kẻ xấu ra khỏi guồng máy điều hành xã hội.
– Phải bảo tồn và phát huy được truyền thống văn hoá dân tộc trong sự đa dạng và thống nhất của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nước ngoài.
– Nâng cao tính chiến đấu của các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Chống lại các tư tưởng, lối sống, văn hoá thù địch, phản động để bảo tồn dân tộc, bảo tồn đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển của nhân loại.
– Phải xã hội hoá việc phát triển văn hoá; đồng thời khắc phục hạn chế các mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường và sự phát triển hội nhập quốc tế.
3. Vai trò của chính sách văn hóa:
+ Văn hóa góp phần ổn định xã hội, vì nó là cái đã có từ lâu đời, đi sâu vào nhận thức của mỗi người dân nên mọi hành vi của con người đều phải chịu sự điều chỉnh bởi một phong tục và khuôn khổ đạo đức của dân tộc.
+ Văn hóa đã góp phần cải thiện các mối quan hệ trong xã hội, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho con người cả về vật chất và tinh thần.
+ Văn hóa được chia thành văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, mang lại lợi ích tinh thần và vật chất cho con người, từ đó tạo nên những nét đẹp truyền thống mang đậm dấu ấn của dân tộc.
+ Văn hóa là một trong những văn kiện minh chứng cho lịch sử vẻ vang và hùng mạnh của dân tộc. Vì văn hóa được phát triển trong một quá trình hình thành lâu dài, chứa đựng bao thăng trầm của cả một đất nước nên thông qua những nét văn hóa đó, thế hệ sau mới cảm nhận được truyền thống văn hóa của ông cha ta để lại.
+ Văn hóa thực hiện chức năng giao tiếp, biểu đạt là nhịp cầu nối con người với con người, nối thế hệ trước với thế hệ sau.
+ Văn hóa còn có chức năng giáo dục, giúp thế hệ sau hiểu biết về lịch sử dân tộc, đảm bảo cho sự bảo tồn và phát triển.
+ Văn hóa góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Bởi văn hóa thể hiện vẻ đẹp độc đáo của một quốc gia, là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch quốc tế đến tham quan và khám phá văn hóa của quốc gia đó.
4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng pháp luật về văn hóa:
Một là, Chúng ta cần phải tích cực nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật văn hóa trong việc đảm bảo quyền con người trong tiếp cận thụ hưởng những giá trị, thành quả của văn hóa. Cơ chế, chính sách pháp luật không chỉ đảm bảo trật tự, an toàn, phát triển lĩnh vực văn hóa mà còn góp phần hình thành tư tưởng, phẩm chất, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của mỗi người, giúp mỗi cá nhân có điều kiện phát triển một cách toàn diện. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của chính sách pháp luật sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ứng xử và thực hành văn hóa theo những chuẩn mực, quy tắc, điều lệ nhất định, tạo nếp sống văn minh, khoa học, tiến bộ.
Hai là, Bên cạnh nâng cao nhận thức thì chúng ta cần phải nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị văn hóa trong việc dự báo tình hình, xu hướng phát triển của văn hóa trong tương lai. Đồng thời đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thâm nhập vào đời sống văn hóa, nhất là văn hóa vùng miền, tộc người để tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách phát triển văn hóa một cách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và xu thế phát triển văn hóa của các nước trên thế giới.
Như vậy để đạt được mục đích đó, mỗi cán bộ văn hóa cần không ngừng trau dồi kiến thức cơ bản về văn hóa, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ra sức học tập, tiếp thu kinh nghiệm quản lý, điều hành và ban hành chính sách quản lý văn hóa của các nước tiên tiến.
Ba là, Ngoài hai yếu tố như trên thì việc xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về văn hóa phải dựa trên nguyên tắc khách quan, công bằng, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách để phục vụ lợi ích của một nhóm người, một tổ chức nhất định. Các điều khoản của chính sách pháp luật phải ngắn gọn, câu chữ tường minh, giản dị, dễ hiểu, dễ vận dụng và dễ triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng các văn bản về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa cần theo hướng tăng nặng khung hình phạt về hành chính, tài chính, hình sự, để giáo dục, răn đe, tránh sự nể nang, né tránh, ngại va chạm trong xử lý các tình huống, vấn đề văn hóa phức tạp.