Hiện nay nền kinh tế phát triển và được đặt trọng tâm phát triển công nghiệp để thay thế những hàng hóa nhập khẩu. Chiến lược này nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, dùng các hàng rào thuế quan để nâng đỡ các ngành sản xuất non trẻ trong nước.
Mục lục bài viết
1. Chiến lược thay thế là gì?
Thay thế nhập khẩu (import substitution) là chiến lược mà các nước đang phát triển theo đuổi để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế và có liên quan đến tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Thông qua việc hạn chế hay loại trừ hàng nhập khẩu cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước bằng hạn ngạch, thuế quan và các công cụ khác, các nước đang phát triển tìm cách tạo dựng ngành công nghiệp chế biến, ban đầu là để cung ứng cho thị trường trong nước, sau đó chuyển sang xuất khẩu.
Chiến lược thay thế nhập khẩu Tiếng Anh là ” Import substitution”.
2. Chiến lược thay thế nhập khẩu:
Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu đã được hầu hết các nước công nghiệp phát triển thực hiện trong thế kỉ 19. Trong những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỉ 20 thì sản xuất thay thế nhập khẩu trở thành chiến lược phát triển kinh tế chủ đạo của các nước đang phát triển.
Chiến lược của chính phủ là đẩy mạnh việc thay thế một số hàng nhập khẩu nông nghiệp hoặc công nghiệp để khuyến khích sản xuất địa phương để tiêu thụ nội địa, hơn là sản xuất cho thị trường xuất khẩu. Thay thế nhập khẩu có nghĩa là tạo việc làm, giảm nhu cầu ngoại hối, kích thích sự đổi mới, và làm cho đất nước tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng như thực phẩm, quốc phòng và công nghệ tiên tiến.
2.1. Nội dung của chiến lược:
– Nhà nước lập kế hoạch xác định số lượng và chủng loại hàng hóa phải nhập khẩu trong một năm.
– Lập phương án để tổ chức sản xuất đáp ứng đại bộ phận nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa.
– Đảm bảo cho các nhà sản xuất trong nước có thể làm chủ được công nghệ sản xuất hoặc các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp công nghệ, vốn và quản lí hướng vào việc cung cấp cho thị trường nội địa là chính.
– Lập các hàng rào bảo hộ để hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
2.2. Ưu điểm của chiến lược:
– Áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu đã đem lại sự mở mang nhất định cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
– Mở rộng phân công lao động trong nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
– Quá trình đô thị hóa bắt đầu tăng, bước đầu hình thành các chủ doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh.
– Do thực hiện chính sách bảo hộ nên nền kinh tế trong nước tránh được sự ảnh hưởng xấu từ thị trường thế giới.
2.3. Nhược điểm của chiến lược:
– Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu thực chất nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước là chính, chú trọng nhiều đến tự cấp của thị trường nội địa, ngoại thương không được coi trọng, hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào khai thác tiềm năng của đất nước cho phát triển kinh tế.
– Các nước đang phát triển trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, nền kinh tế thiếu thốn đủ thứ, tổng cầu vượt quá tổng cung, thường thông qua nhập khẩu để cân bằng.
Xu hướng này không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Nếu hạn chế quá mức nhập khẩu, thực hiện chính sách bảo hộ không phù hợp sẽ giảm tốc độ phát triển kinh tế.
– Chiến lược này làm giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Do chính sách bảo hộ của Nhà nước, nên khi gặp khó khăn thì phản ứng tự nhiên của các nhà sản xuất kinh doanh là quay sang Chính phủ để trông chờ bảo hộ.
Do đó, đáng lẽ bảo hộ giảm dần theo thời gian thì các nhà sản xuất kinh doanh lại trông chờ bảo hộ tăng lên. Điều đó làm cho doanh nghiệp ỷ lại vào nhà nước, không năng động, hiệu quả kinh doanh thấp.
– Thực thi chiến lược này nảy sinh nhiều tiêu cực, bảo hộ bằng thuế dẫn đến tình trạng trốn lậu thuế, hối lộ đội ngũ thuế quan. Bảo hộ bằng hạn ngạch thì dẫn đến tình trạng hối lộ các quan chức phụ trách hạn ngạch nhập khẩu.
– Chiến lược thay thế nhập khẩu còn hạn chế xu hướng công nghiệp hóa của đất nước.
– Chiến lược này làm gia tăng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển. Do được bảo hộ, nên các sản phẩm sản xuất trong nước không có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường quốc tế, trong khi vẫn phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên, nhiên vật liệu từ nước ngoài làm cho tình trạng nhập siêu của các nước này ngày càng gia tăng.
Các quốc gia khi giàu lên đều tăng tỉ trọng công nghiệp và giảm tỉ trọng nông nghiệp. Vấn đề là tìm con đường tốt nhất để xây dựng một khu vực công nghiệp có thể tự mình tăng trưởng bền vững? Có hai chiến lược. Thứ nhất là bảo hộ bằng thuế quan, hạn ngạch và cấm nhập khẩu. Ý tưởng ở đây là nâng giá sản phẩm để các doanh nghiệp nội địa có thể học cách trở nên hiệu quả. Về nguyên tắc, bảo hộ sẽ phải giảm dần để người tiêu dùng các sản phẩm này không mãi mãi phải chịu giá cao. Thực ra, khi một ngành đã quen được bảo hộ thì sẽ rất khó chuyển sang cuộc sống không có nó. Một công ty được bảo hộ đạt lợi nhuận cao bằng cách thuyết phục các quan chức chính phủ hay chính trị gia rằng công ty phải được bảo hộ hơn nữa, trong khi chẳng dành nhiều nỗ lực để giảm giá thành hay cải thiện sản phẩm. Đôi khi một chính phủ mạnh tay và buộc doanh nghiệp phải trở nên cạnh tranh, nhưng điều này rất hiếm. Thông thường, một khi công nghiệp hóa bắt đầu với giá thành cao thì sẽ tiếp tục như vậy.
3. Phương pháp luận của chiến lược thay thế nhập khẩu:
Trước hết cố gắng tự sản xuất để đáp ứng đại bộ phận nhu cầu về hang hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa. Đảm bảo cho các nhà sản xuất trong nước có thể làm chủ được kỹ thuật sản xuất hoặc các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp công nghệ vốn và quản lý hướng vào việc cung cấp cho thị trường nội địa là chính. Cuối cùng lập hang rào bảo hộ để hổ trợ cho sản xuất trong nước có lãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong những ngành công nghiệp là mục tiêu phát triển. Các biện pháp thực hiện thay thế nhập khẩu thường là thuế quan bảo hộ, hạn ngạch nhập khẩu và tỷ giá cao quá mức. Những lập luận ủng hộ đường lối công nghiệp hóa sản xuất thay thế nhập khẩu:
+ Độc lập kinh tế: thực tế lịch sử ở các nước Mỹ Latinh đã trải qua thời kỳ bất ổn định do phụ thuộc kinh tế vào nước ngoài thời kỳ thập niên 1930 và 1940.
+ Thoát khỏi vị thế làm nước cung cấp nguyên liệu, nông sản: giả thuyết Prebisch_Singer đề cập tới hiệu ứng giá cánh kéo theo đó giá hàng nông sản ngày càng rẻ và giá hàng chế tạo ngày càng đắt tương đối.
+ Học tập thông qua thực tiễn: gây dựng kinh nghiệm kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước thông qua môi trường cạnh tranh không quá khắt nghiệt khi không có hàng nhập khẩu.
+ Sự cần thiết phải đạt được tính kinh tế nhờ qui mô: tính kinh tế nhờ qui mô được cho là cần thiết cho phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa. Dành thị trường trong nước chỉ cho doanh nghiệp trong nước tin rằng sẽ giúp đạt được tính kinh tế nhờ qui mô.
+ Các mối liên kết ngành: các ngành thay thế nhập khẩu phát triển có thể tạo cơ hội cho các ngành khác cung cấp đầu vào cho chúng hay sử dụng đầu ra của chúng phát triển theo.
Áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu đã đem lại sự mở mang nhất định các cơ sở sản xuất, giải quyết công ăn việc làm. Quá trình đô thị hóa bắt đầu. Bước đầu hình thành các chủ doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh. Nhưng lịch sử cho thấy rằng: Nếu dừng lại ở giai đoạn chiến lược thay thế nhập khẩu sẽ vấp phải những trở ngại rất lớn:
+ Chiến lược sản xuất hàng nội địa thay thế hàng xuất khẩu thực chất nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước là chính, chú trọng nhiều đến tỷ lệ trợ cấp của thị trường nội địa. Với chiến lược như vậy, ngoại thương không được coi trọng, coi nhẹ ảnh hưởng tích cực của kinh tế thế giới đối với sự phát triển kinh tế trong nước. Và điều đó tất nhiên sẽ hạn chế việc khai thác tiềm năng của đất nước trong việc phát triển ngoại thương và các quan hệ kinh tế đối ngoại khác.
+ Kinh tế của các nước đang phát triển trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa là nền kinh tế thiếu thốn đủ thứ, tổng cầu vượt quá tổng cung thường thông qua nhập khẩu để cân bằng. Xu hướng này không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Nếu hạn chế quá mức nhập khẩu, thực hiện chính sách bảo hộ không thích hợp sẽ làm giảm tốc độ phát triển kinh tế.
+ Cán cân thương mại ngày càng thiếu hụt. Nạn thiếu ngoại tệ là trở ngại cho việc mở cửa với bên ngoài và phát triển kinh tế.
+ Thực hiện sản xuất thay thế nhập khẩu tuy có tiết kiệm được ngoại tệ khi hạn chế nhập khẩu nhiều nguyên liệu và bán thành phẩm hơn để tăng cường cung ững cho sản xuất trong nước. Đồng thời, sản xuất thay thế hàng nhập khẩu còn hạn chế việc phát triển các ngành sản xuất hàng xuất khẩu và sản phẩm thu ngoại tệ, do đó không phải là kế sách lâu dài để bù vào chỗ thiếu hụt trong cán cân thương mại.
+ Thực hiện chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu nói chung được bảo hộ bằng thuế quan, tăng cường các biện pháp hành chính và phối hợp hành chính. Điều đó làm cho các doanh nghiệp không năng động, thiếu cơ hội tìm kiếm ưu thế cạnh tranh quốc tế. Do đó giá thành cao, chất lượng thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
+ Hàng rào mậu dịch có thể áp dụng với cả nhập khẩu các đầu vào cần thiết cho sản xuất hàng xuất khẩu dẫn đến sự yếu kém của khu vực xuất khẩu. Đến lượt nó, xuất khẩu yếu kém khiến cho khu vực thay thế nhập khẩu không có ngoại tệ để nhập khẩu máy móc sản xuất. Và những vấn đề khác như méo mó trong phân bổ nguồn lực, tệ tham nhũng gắn với nạn cấp phép nhập khẩu.
Bức tranh trên đây đã được các nhà kinh tế cũng như nhiều người làm chính sách đang phát triển lưu ý tới và tìm con đường phát triển khác thay thế. Tuy nhiên, không phải chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu là nguyên nhân về tình hình đáng thất vọng về công nghiệp ở nhiều nước. Đúng hơn là những mất cân đối trong chính sách thay thế nhập khẩu có ảnh hưởng sang các chính sách đi cùng với nó và thúc đẩy nó. Một hình thức thay thế nhập khẩu ít giáo điều hơn được hỗ trợ bởi những chính sách giá cả ôn hòa hướng vào thị trường hơn có thể sẽ là phương thức phát triển thành công.