Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là gì? Đặc trưng cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội?
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội có vai trò vô cùng quan trọng đối với một quốc gia, một vùng lãnh thổ. Có chiến lược ta mới xác định được mục tiêu, phương hướng phát triển và dựa trên chiến lược ta mới lập được quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội một cách chuẩn xác nhất. Bởi quy trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội là một quy trình được xây dựng dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học, không phải ý chí chủ quan của con người.
Mục lục bài viết
1. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội là gì?
“Chiến lược” là chuỗi hành động có kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ theo thời gian trên cơ sở sử dụng nguồn lực hữu hạn một cách hợp lý nhằm đạt được mục tiêu dài hạn cho tổ chức trong môi trường biến động không ngừng.
Chiến lược có vai trò vô cùng quan trọng trong quản trị mọi tổ chức. Bởi chiến lược chính là con đường, là kim chỉ nam dẫn đến cánh cửa của thành công với mục tiêu dài hạn mà mọi tổ chức quyết tâm đạt được. Chiến lược giúp cho tổ chức xác định rõ được mục tiêu, hướng đi của mình trong tương lai; nắm bắt, tận dụng được cơ hội của mình đồng thời có biện pháp chủ động đối phó với những nguy cơ, những mối đe dọa ở môi trường bên ngoài tổ chức; giúp nâng cao hiệu quả sử dụng mọi nguồn lực bên trong của tổ chức, tránh những điểm yếu, đảm bảo tổ chức hoạt động liên tục; cuối cùng, chiến lược giúp cho tổ chức ra được những quyết định sáng suốt nhất, phù hợp nhất dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức.
Để đưa ra được khái niệm Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chúng ta phải hiểu phát triển kinh tế là gì, phát triển xã hội bao gồm những gì và tổng thể của phát triển kinh tế – xã hội, từ đó chúng ta mới rõ được chiến lược phát triển kinh tế – xã hội là gì và tại sao lại phải có chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
– Phát triển kinh tế là một quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời gian nhất định. Phát triển kinh tế bao hàm các sự tăng trưởng kinh tế tức là tăng về quy mô sản lượng, sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế và sự tiến bộ về xã hội.
– Phát triển xã hội là quá trình phát triển con người xã hội, con người cộng đồng, con người trong sự liên hiệp tự do và bình đẳng về quyền và cơ hội; là làm cho con người được sống trong những điều kiện ngày càng đầy đủ về vật chất và tinh thần trong một môi trường tự nhiên và xã hội trong sạch, lành mạnh, an toàn; làm cho con người có đủ sức khỏe, tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để sống, lao động và hoàn thiện mình, xứng đáng là Con người, trong các quá trình lịch sử của một quốc gia dân tộc và của toàn nhân loại
Như vậy, phát triển kinh tế – xã hội được hiểu là sự đi lên của nền kinh tế và xã hội; lấy tăng trưởng kinh tế làm cơ sở để cải thiện chất lượng cuộc sống. Vậy để có được một nền kinh tế – xã hội phát triển, chúng ta phải có chiến lược cụ thể, đúng đắn.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội là một bộ phận của chính sách kinh tế xã hội nhằm xác định mục tiêu cơ bản, lâu dài phù hợp với nhiệm vụ trước mắt của sự phát triển và các phương tiện, biện pháp để thực hiện mục tiêu đó. Chiến lược phát triển quyết định phương hướng lâu dài, dự kiến nhiều năm của nền kinh tế và dự định giải quyết nhiệm vụ kinh tế xã hội trong phạm vi quy mô lớn.
Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội không phải là kế hoạch phát triển dài hạn hoặc trung hạn, càng không thể là kế hoạch phát triển ngắn hạn. Do đó tính cụ thể, tính lượng hóa của nó không nhiều, vừa đủ đảm bảo cơ sở khoa học của các chủ trương và đường lối phát triển dài hạn và mang tầm chiến lược của đất nước.
2. Đặc trưng cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội:
Chiến lược phát triển kinh tế- xã có các đặc tính cơ bản sau:
– Tính đảng và tính dân tộc: phải thể hiện được quan điểm chủ đạo của đảng cầm quyền, đáp ứng được lý tưởng, hy vọng cao đẹp của nhân dân và thể hiện đậm nét tính dân tộc.
– Tính hệ thống: chiến lược phát triển kinh tế- xã hội cần có tính hệ thống và đã mang tính hệ thống thì nó phải mang tính ổn định tương đối. Trên nguyên tắc hệ thống, chiến lược phát triển đề cập đến những vấn đề toàn cục, những vấn đề có ý nghĩa điểm huyệt, có sức gây công phá lớn đối với sự phát triển của toàn bộ hệ thống. Tính hệ thống cần thể hiện yêu cầu tiên tiến của các phân hệ cấu thành cũng như của cả hệ thống.
– Tính bao quát: thể hiện bao quát tất cả những vấn đề cơ bản về kinh tế xã hội của đất nước; nó đề cập những vấn đề lớn, vừa tổng thể vừa cụ thể về phát triển kinh tế – xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của quốc gia (có tính đến) có tính tới bối cảnh quốc tế; vừa bao quát những vấn đề dài hạn vừa đề cập thỏa đáng những vấn đề ngắn hạn có tính quyết định.
Biểu hiện ở tính hiện đại, tính liên kết, không chỉ và không quá bó hẹp bởi ranh giới hành chính. Những thành tựu của nhân loại phải được phát huy, những thất bại của thế giới phải được rút kinh nghiệm và tránh.
– Nội dung chính của chiến lược phát triển là cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, xuất khẩu và nhập khẩu và vấn đề chuyên môn hóa.
+ Đối với các nước đang phát triển nông nghiệp giữa một vai trò quan trọng trong sự phát triển. Nông nghiệp phải được phát triển trước làm cơ sở nền tảng cho phát triển công nghiệp. Huy động thặng dư của nông nghiệp để công nghiệp hóa. Phải đẩy mạnh chiến lược cách mạng xanh, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thúc đẩy sự phát triển. Phải giải quyết mối quan hệ cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp. Tạo nên sự hỗ trợ nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp trong tiến trình phát triển.
+ Do thực tế về tình hình chính tri, xã hội và kinh tế các nước đang phát triển. Đối với xuất nhập khẩu chiến lược phát triển cần xác định rõ. Mặc dù chiến lược sản xuất hàng hóa xuất khẩu có khẩu hiệu hơn và giúp cho sự tăng trưởng kinh tế cho quốc gia hơn chiến lược sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu. Song trong giai đoạn đầu cần phải thực hiện chiến lược sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu để ổn định nền kinh tế, tích lũy vốn, từng bước tiến tới chiến lược sản xuất hàng hóa xuất khẩu như vậy mới đưa quốc gia phát triển một cách cơ bản và vững chắc.
+ Trong quá trình phát triển vốn cho sản xuất, tài nguyên thiên nhiên và vốn con người cần thiết như một cặp song mã. Trong đó vốn con người là vô cùng quan trọng vì mọi hoạt động kinh tế xã hội đều phải thông qua con người, vốn con người có cao mới khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển, cho nên chiến lược phát triển đặc biệt phải đặc biệt chú ý đến chiến lược con người.
+ Phải xác định rõ vai trò thúc đẩy sản xuất, điều tiết thị trường. Phải thấy được tính hai mặt thúc đẩy và hạn chế của thị trường. Chiến lược phát triển phải đề ra được các giải pháp hạn chế những mặt trái gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của nền kinh tế thị trường.
Đến nay Việt Nam đã qua các thời kỳ xây dựng chiến lược: chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020.
Về nhận thức: Các nhà hoạch định chính sách và quản lý đều khẳng định vai trò to lớn của chiến lược; đều thấy rằng cần phải có chiến lược để căn cứ điều hành và lãnh đạo quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Các tư duy có tính chiến lược đã có những tác dụng nhất định trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi ngành, mỗi địa phương.
Về nội dung: đã xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm, trong đó đưa ra được tầm nhìn, phác họa định hướng phát triển, đề xuất những giải pháp lớn, từ đó thấy được bức tranh chung phát triển đất nước, các vùng và ngành trong thời kỳ triển vọng. Như “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội việt nam giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020” là chiến lược có mục tiêu rõ ràng; thực hiện chiến lược này, đất nước Việt Nam đã hội nhập và phát triển mạnh mẽ, thu được những thành tựu vượt bậc; Bản chiến lược đã làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và các chính sách lớn.
Về mặt tổ chức nghiên cứu chiến lược: đã có ý thức thu hút sự đóng góp, lấy ý kiến của đông đảo các nhà khoa học trong nước, các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và đại bộ phận nhân dân trong cả nước qua các thông tin đại chúng; Có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ.