Bức xạ của mặt trời là một thứ tác nhân có thể gây tổn hại cho sức khỏe của con người, bức xạ của mặt trời có thể làm cho làn da của con người bị tổn thương nếu tiếp xúc với cường độ cao và tiếp xúc lâu dài. Việc đánh giá chỉ số UV giúp chúng ta biết cách phòng tránh bức xạ này.
Mục lục bài viết
1. Chỉ số UV là gì?
Tia UV hay còn gọi là tia cực tím, tia tử ngoại là một dạng tia điện tử có phần lớn trong ánh sáng mặt trời. Ở cường độ thích hợp, tia UV mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên nếu như tiếp xúc ở cường độ quá cao, tia cực tím lại là một trong những nguy cơ tiềm tàng rủi ro đối với sức khỏe của con người. Tia UV là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Phổ của tia cực tím có thể chia ra thành 2 vùng tia: vùng tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 – 200nm) và vùng tử ngoại xạ hay còn gọi là vùng tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 – 10nm).
Khi quan tâm đến ảnh hưởng của tia UV đến sức khỏe con người và môi trường, tia tử ngoại được chia ra làm 3 loại: tia UVA (bước sóng từ 380 – 315nm) còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen, tia UVB (bước sóng 315 – 280 nm) còn được gọi là sóng trung, tia UVC (bước sóng ngắn hơn 280nm) còn gọi là sóng ngắn hay sóng có tính tiệt trùng.
Phần lớn tia UV đến từ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra tia UV còn có nguồn gốc từ nhân tạo như từ đèn hàn hồ quang, đèn hơi thủy ngân, bóng đèn khử trùng UV… được con người tạo ra và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống hiện nay
Trong tiếng anh chỉ số UV có tên gọi là Ultraviolet.
2. Các loại chỉ số UV:
Chỉ số UV được thu thập từ Global Solar UV Index, nằm trong khoảng từ 1 đến 11+. Con số này dự đoán mức độ tiếp xúc với tia UV với làn da.
Bạn có thể theo dõi chỉ số UV thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chỉ số UV ở mức 1 là con số thấp nhất. 11+ là chỉ số bức xạ UV ở mức rất cao, có thể gây cháy nắng.
Chỉ số UV dao động trong ngày, đạt đỉnh điểm vào buổi trưa và giảm dần khi vào chiều. Một cách khác để theo dõi mức xạ mặt trời là nhìn vào bóng của bạn. Nếu bóng của bạn ngắn đi, có nghĩa là bức xạ UV đang ở mức cao.
Thấp (1-2): Chỉ số này cho thấy bức xạ ánh nắng mặt trời ở mức thấp, ít gây hại đến sức khỏe của con người khi tiếp xúc. Da khi tiếp xúc với chỉ số UV từ 1-2 ít có nguy cơ cháy nắng, ngay cả đối với những làn da nhạy cảm. Tuy nhiên vẫn có thể gây ra tình trạng bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 60 phút trở lên mà không có đồ bảo vệ da. Chỉ số này thường rơi vào những buổi sáng sớm hoặc những ngày mát mẻ nhiều may.
Trung bình (3-5): Chỉ số UV ở mức trung bình mặc dù nguy cơ gây tổn hại da thấp nhưng bạn vẫn nên có biện pháp chống nắng đúng cách vào khung giờ có chỉ số UV từ 3-5. Dù là con số ở mức trung bình nhưng vẫn có tác động trực tiếp lên da, da sẽ bị tổn thương nếu tiếp xúc với bức xạ từ 40 phút trở lên mà không có quần áo che chắn, bảo vệ.
Cao (6-7): Lượng bức xạ mặt trời ở mức khá cao có khả năng gây bỏng da sau 30 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không có đồ bảo hộ. Khung giờ mạnh nhất của chỉ số UV ở cường độ cao là từ 10h cho đến 16h trong ngày, bạn nên hạn chế ra ngoài vào thời gian này, đây là thời điểm da dễ cháy nắng nếu tiếp xúc quá lâu ngoài trời mà không có bất kì biện pháp chống nắng thích hợp. Nếu bạn thật sự cần ra ngoài thì bạn cần phải sử dụng các biện pháp thích hợp tránh ánh nắng mặt trời như là đồ bảo hộ, kem dưỡng da,…
Rất cao (8-10): Tình trạng cháy nắng rất dễ xảy ra. Da sẽ bị tổn thương nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 25 phút trở lên mà không có đồ bảo hộ, mặt sẽ bị rối loạn thị giác nếu phơi nắng liên tục 6 giờ trở lên không đeo kính.
Cực cao (11+): Da có thể cháy nắng chỉ trong vài phút dưới ánh nắng mặt trời. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng hết sức có thể. Chỉ số UV 11+ là rất nguy hiểm không chỉ với làn da mà còn ảnh hưởng đến võng mạc. Thời gian tiếp xúc có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe từ 10 phút trở lên mà không có đồ bảo hộ. Tốt nhất bạn nên ở nhà nếu chỉ số UV ở mức độ này.
Lưu ý: Các bề mặt như cát, tuyết hay bất kì bề mặt phản sáng nào đều hấp thu gấp đôi lượng bức xạ mặt trời.
3. Tác hại của tia UV:
3.1. Gây ung thư:
Tia UV là một trong các nguyên nhân có thể gây ung thư đối với con người khi tiếp xúc với môi trường bức xạ quá nhiều, vì khi tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời con người có khả năng gây ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và khối u ác tính. Theo nghiên cứu có đến 90% người bệnh ung thư da là do bức xạ UV.
3.2. Gây cháy nắng:
Cháy nắng là tình trạng vết bỏng xảy ra khi các tế bào da bị tổn thương, tình trạng này là do da hấp thụ năng lượng từ tia UV. Khi đó, máu sẽ chảy thêm vào vùng da bị tổn thương để chữa lành. Đó là lý do tại sao da của bạn chuyển sang màu đỏ khi bị cháy nắng.Lưu ý bạn không nên chủ quan, tình trạng này có thể trở nên bỏng rát nghiêm trọng. Thậm chí, tác hại của tia UV còn gây ra những hậu quả về lâu dài cho làn da như tạo nếp nhăn và ung thư da, thông qua sự tác động trực tiếp tới DNA của da.
3.3. Gây tổn thương hệ thống miễn dịch:
Khi tiếp xúc quá nhiều với bức xạ UV có tác dụng ức chế gây hại cho hệ miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu ở người trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này lặp đi lặp lại quá nhiều với bức xạ UV có thể gây ra tổn thương trầm trọng hơn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
3.4. Gây tổn thương mắt:
Khi tiếp xúc lâu dài với tia cực tím hoặc cường độ cao của tia cực tím sẽ làm hỏng các mô, gây “bỏng” trên bề mặt mắt, được gọi là tuyết mù (snow blindness) hoặc viêm giác mạc ánh nắng.
Đây có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tổn thương mắt như đục thủy tinh thể (nếu không được điều trị sẽ gây mù lòa), mộng thịt và mộng mỡ mắt.
3.5. Gây lão hóa da:
Tia cực tím có khả năng phá hủy collagen và mô liên kết bên dưới lớp trên cùng của da, gây ra nếp nhăn, đốm màu nâu và mất độ đàn hồi tự nhiên của da.
Sự khác biệt giữa tone màu da, nếp nhăn hoặc sắc tố ở mặt dưới và mặt trên ở cùng một cánh tay cho thấy tác động của ánh nắng mặt trời lên da. Một làn da rám cháy nắng trông có thể ổn trong hiện tại, nhưng về sau làn da sẽ sớm nhăn nheo, có thể gây ung thư da.
4. Cách phòng tránh tia UV:
4.1. Bôi kem chống nắng:
Đây là cách thức bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia UV phổ biến nhất được mọi người áp dụng hiện nay.
Trong kem chống nắng thường có các nhân tố bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời SPF), có khả năng chống lại tia UV. Những loại kem có chỉ số SPF càng cao thì thời gian bảo vệ càng lâu hơn.
Tuy nhiên, khi dùng kem chống nắng thì bạn nên lựa chọn những loại kem phù hợp với làn da của mình để chống dị ứng. Bên cạnh đó cần chú ý bôi kem chống nắng khoảng 20 – 30 phút trước khi ra ngoài trời và sau mỗi 30 – 60 phút, chúng ta thoa lại một lần nếu cơ thể ra nhiều mồ hôi, hoạt động mạnh.
4.2. Sử dụng viên uống chống nắng:
Viên uống chống nắng là một sản phẩm hiện đại có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, ánh nắng mặt trời được rất nhiều người lựa chọn, nhất là với những người thường xuyên hoạt động ngoài trời.
Cơ chế hoạt động của viên uống chống nắng là cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa mạnh từ bên trong, ngược lại so với việc bảo vệ từ bên ngoài như kem chống nắng. Nhờ đó mà ưu điểm của nó là có thời gian bảo vệ được lâu hơn.
Khi sử dụng viên uống chống nắng thì bạn nên uống trước 30 phút đến 1 giờ và lặp lại sau mỗi 6 giờ. Chú ý là bạn nên xem kỹ những thành phần của thuốc để tránh có những hoạt chất gây kích ứng cho cơ thể.
4.3. Mặc trang phục chống nắng khi ra ngoài:
Mặc trang phục chống nắng như quần áo chống nắng chuyên dụng, kính chống tia UV có thể giúp bảo vệ bạn khỏi tác hại của tia UV rất tốt.
Các bạn nên trang bị đầy đủ những vật dụng như: mũ rộng vành, khẩu trang áo khoác dài tay, quần dài. Đặc biệt là cần có kính để bảo vệ mắt khỏi những tổn thương do ánh nắng mặt trời gây nên.
Lưu ý là bạn nên chọn những trang phục có vải dày, màu sáng sẽ giúp bảo vệ da tốt hơn và kính chống nắng nên có kích thước lớn, che được toàn bộ vùng mắt.
4.4. Hạn chế tiếp xúc với tia UV, ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm:
Ở một số khung giờ nhất định trong ngày, bức xạ UV sẽ ở mức cao nhất và gây ra nhiều tác hại đối với cơ thể nên bạn cần chú ý hạn chế sự tiếp xúc này.
Thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất là từ 10h – 16h trong ngày. Vào thời điểm này bạn nên hạn chế đi ra ngoài trời là tốt nhất.
Nếu có việc bắt buộc phải di chuyển thì hãy bôi kem chống nắng, mặc trang phục che chắn đầy đủ, sử dụng ô để tạo bóng râm… để hạn chế tia UV.
4.5. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học:
Để tăng sức đầy kháng cho cơ thể bạn hãy lựa chọn các loại thực phẩm như: cà chua, trà xanh, dầu oliu, ớt chuông, bông cải xanh, cá hồi… trong thực đơn của mình. Vì đây là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lão hóa, ung thư da… do ảnh hưởng của tia UV cực kỳ tốt.
Lưu ý là bạn nên chọn những thực phẩm tươi sạch và có cách chế biến chính xác để giữ lại được nguồn vitamin, khoáng chất đầy đủ nhất để bổ sung cho cơ thể.