Đối với các dự án và công trình trong lĩnh vực xây dựng luôn yêu cầu một nguồn chi phí lớn để nhằm phục vụ cho việc mua trang thiết bị, nguyên vật liệu và thuê nhân công nhằm hoàn thiện công trình trước khi tiến hành hoạt động xây dựng các nhà đầu tư đã có các tính toán cân đo đong đếm chi phí cần thiết để hoàn thành dự án. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (CIP) là gì? Cách hạch toán?
Mục lục bài viết
1. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang là gì?
Khi chưa đi vào nghiên cứu về chi phí xây dựng dở dang ta có thể dễ dàng nhận thấy cụm từ này đang ám chỉ đến một nguồn lực tài chính nhất định và cần thiết đối với một dự án hay một công trình nào đó còn dang dở, chưa hoàn thiện. Để có thể hoàn thành các dự án, công trình này cần có một nguồn lực tài chính được hoạch định từ trước được gọi là chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang là một tài khoản sổ cái tổng hợp ghi chi phí để xây dựng một tài sản cố định. Đây có thể là một trong những tài khoản tài sản cố định lớn nhất, với số lượng chi phí thường liên quan đến tài sản được xây dựng. Tài khoản có số dư nợ tự nhiên và được báo cáo trong mục hàng tài sản, nhà máy và thiết bị trên bảng cân đối kế toán; hay theo một cách dễ hiểu hơn thì chi phí xây dựng cơ bản dở dang là toàn bộ chi phí cần thiết để dùng trong hoạt động xây dựng mới hoặc mở rộng, sửa chữa hay cải tạo, đổi mới trang bị kỹ thuật sử dụng trong các công trình xây dựng dự án.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, hệ thống định mức, chỉ tiêu về kinh tế – kỹ thuật và các chiến lược, chính sách của Chính phủ và nhà nước; đồng thời phải phù hợp với những yếu tố khách quan của thị trường trong từng thời kỳ và được thực hiện theo quy chế về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm:
– Chi phí xây dựng bao gồm: Chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng
– Chi phí thiết bị: là các chi phí dùng để mua sắm trang thiết bị sử dụng trong các công trường trong quá trình xây dựng các dự còn án dang dở. Bên cạnh đó đây còn là những chi phí phục vụ cho việc đào đạo nguồn nhân lực cần thiết cho việc vận hành các trang thiết bị được mua sắm.
– Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bao gồm: Các chi phí bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định của pháp luật; các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí về sử dụng đất và thuê đất trong thời gian xây dựng dự án (nếu có); chi phí di dời, hoàn trả phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng (nếu có) và các chi phí liên quan khác
– Chi phí quản lí dự án là một số tiền nhất định mà các nhà đầu tư phải bỏ ra từ khâu tổ chức cho đến khi hoàn thiện dự án. Chi phí quản lý dự án bao gồm các chi phí về thiết kế dự án, chi phí về tổ chức thực hiện dự án. Ngoài ra còn có chi phí lên kế hoạch những đường đi nước bước trong dự án và cả chi phí kiểm soát thực hiện.
– Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng và chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc, điều kiện và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quản lý thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.
– Chi phí khác.
Trong tiếng Anh chi phí xây dựng cơ bản dở dang có tên gọi là Cost of construction in progress.
2. Cách hạch toán trong xây dựng cơ bản dở dang:
2.1. Nguyên tắc kế toán trong xây dựng cơ bản dở dang:
Nguyên tắc kế toán xây dựng cơ bản dở dang được quy định chi tiết và cụ thể tại Điều 46 Thông tư 200/2014/TT-BTC. Cụ thể:
Thứ nhất, Chỉ dùng ở đơn vị không thành lập ban quản lý dự án để phản ánh chi phí thực hiện các dự án đầu tư XDCB (bao gồm chi phí mua sắm mới TSCĐ, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình) và tình hình quyết toán dự án đầu tư XDCB ở các doanh nghiệp có tiến hành công tác mua sắm TSCĐ, đầu tư XDCB, sửa chữa lớn TSCĐ. Công tác đầu tư XDCB và sửa chữa lớn TSCĐ của doanh nghiệp có thể được thực hiện theo phương thức giao thầu hoặc tự làm.
Thứ hai, Chi phí thực hiện các dự án đầu tư XDCB là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình. Chi phí đầu tư XDCB được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật và các chế độ chính sách của Nhà nước, đồng thời phải phù hợp những yếu tố khách quan của thị trường trong từng thời kỳ và được thực hiện theo quy chế về quản lý đầu tư XDCB.
Thứ ba, Khi đầu tư XDCB các chi phí xây lắp, chi phí thiết bị thường tính trực tiếp cho từng công trình; Các chi phí quản lý dự án và chi phí khác thường được chi chung. Chủ đầu tư phải tiến hành tính toán, phân bổ chi phí quản lý dự án và chi phí khác cho từng công trình theo nguyên tắc:
– Nếu xác định được riêng các chi phí quản lý dự án và chi phí khác liên quan trực tiếp đến từng công trình thì tính trực tiếp cho công trình đó;
– Các chi phí quản lý dự án và chi phí khác chi chung có liên quan đến nhiều công trình mà không tính trực tiếp được cho từng công trình thì đơn vị được quyền phân bổ theo những tiêu thức phù hợp nhất với từng công trình.
Thứ tư, Trường hợp dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng quyết toán dự án chưa được duyệt thì doanh nghiệp ghi tăng nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính (giá tạm tính phải căn cứ vào chi phí thực tế đã bỏ ra để có được TSCĐ) để trích khấu hao, nhưng sau đó phải điều chỉnh theo giá quyết toán được phê duyệt.
Thứ năm, Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường được hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Đối với các TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải sửa chữa, bảo trì, duy tu định kỳ, kế toán được trích lập dự phòng phải trả và tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh để có nguồn trang trải khi việc sửa chữa, bảo trì phát sinh.
Thứ sáu, Chủ đầu tư xây dựng bất động sản sử dụng tài khoản này để tập hợp chi phí xây dựng TSCĐ hoặc bất động sản đầu tư. Trường hợp bất động sản xây dựng sử dụng cho nhiều mục đích (làm văn phòng, cho thuê hoặc để bán, ví dụ như tòa nhà chung cư hỗn hợp) thì kế toán vẫn tập hợp chi phí phát sinh liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng trên TK 241. Khi công trình, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kế toán căn cứ cách thức sử dụng tài sản trong thực tế để kết chuyển chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với bản chất của từng loại tài sản.
Thứ bảy, Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ quá trình đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo nguyên tắc: Đối với chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động và Đối với chênh lệch tỷ giá liên quan đến hoạt động đầu tư XDCB khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động (kể cả việc đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng).
Thứ tám. Trường hợp dự án đầu tư bị hủy bỏ, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý và thu hồi các chi phí đã phát sinh của dự án. Phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư thực tế phát sinh và số thu từ việc thanh lý được ghi nhận vào chi phí khác hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân để thu hồi.
2.2. Tài khoản 241 – Xây dựng cơ bản dở dang, có 3 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 2411 – Mua sắm TSCĐ: Phản ánh chi phí mua sắm TSCĐ và tình hình quyết toán chi phí mua sắm TSCĐ trong trường hợp phải qua lắp đặt, chạy thử trước khi đưa vào sử dụng (kể cả mua TSCĐ mới hoặc đã qua sử dụng). Nếu mua sắm TSCĐ về phải đầu tư, trang bị thêm mới sử dụng được thì mọi chi phí mua sắm, trang bị thêm cũng được phản ánh vào tài khoản này.
– Tài khoản 2412 – Xây dựng cơ bản: Phản ánh chi phí đầu tư XDCB và tình hình quyết toán vốn đầu tư XDCB. Tài khoản này được mở chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình (theo từng đối tượng tài sản hình thành qua đầu tư) và ở mỗi đối tượng tài sản phải theo dõi chi tiết từng nội dung chi phí đầu tư XDCB.
– Tài khoản 2413 – Sửa chữa lớn TSCĐ: Phản ánh chi phí sửa chữa lớn TSCĐ và tình hình quyết toán chi phí sửa chữa lớn TSCĐ. Trường hợp sửa chữa thường xuyên TSCĐ thì không hạch toán vào tài khoản này mà tính thẳng vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
2.3. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 241 – Xây dựng cơ bản dở dang:
Bên Nợ:
– Chi phí đầu tư XDCB, mua sắm, sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh (TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình);
– Chi phí cải tạo, nâng cấp TSCĐ;
– Chi phí mua sắm bất động sản đầu tư (trường hợp cần có giai đoạn đầu tư xây dựng);
– Chi phí đầu tư XDCB bất động sản đầu tư;
– Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ, bất động sản đầu tư.
Bên Có:
– Giá trị TSCĐ hình thành qua đầu tư XDCB, mua sắm đã hoàn thành đưa vào sử dụng;
– Giá trị công trình bị loại bỏ và các khoản chi phí duyệt bỏ khác kết chuyển khi quyết toán được duyệt;
– Giá trị công trình sửa chữa lớn TSCĐ hoàn thành, kết chuyển khi quyết toán được duyệt;
– Giá trị bất động sản đầu tư hình thành qua đầu tư XDCB đã hoàn thành;
– Kết chuyển chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ, bất động sản đầu tư vào các tài khoản có liên quan.
Số dư Nợ:
– Chi phí dự án đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn TSCĐ dở dang;
– Giá trị công trình xây dựng và sửa chữa lớn TSCĐ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng hoặc quyết toán chưa được duyệt;
– Giá trị bất động sản đầu tư đang đầu tư xây dựng dở dang.
Cơ sở pháp lý: Thông tư 200/2014/NĐ – CP Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp