Khi thành lập doanh nghiệp, các chủ thể thành lập doanh nghiệp phải chi trả những khoản tiền nhất định cho việc thành lập đó. Những khoản tiền phải chi trả đó được gọi là chi phí thành lập doanh nghiệp. Các chi phí này chính là những chi phí bắt buộc mà chủ thể thành lập doanh nghiệp phải chi trả.
Mục lục bài viết
1. Chi phí thành lập doanh nghiệp là gì?
Chi phí được hiểu là một khoản tiền được trích ra, chi ra để dùng cho một hoạt động nhất định.
Theo Khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.” Từ quy định này chúng ta thấy rõ được khái niệm của doanh nghiệp. Sự hình thành của các doanh nghiệp là tất yếu khách quan của nền kinh tế. Từ ý tưởng thành lập doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh cần tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được thành lập hợp pháp doanh nghiệp.
Thành lập doanh nghiệp là hoạt động khởi tạo doanh nghiệp của chủ đầu tư bao gồm các hoạt động đầu tiên tạo cơ sở vật chất cần thiết để doanh nghiệp có thể tiến hành được hoạt động kinh doanh của mình và thủ tục pháp lý cần thiết để khai sinh hợp pháp ra doanh nghiệp đó.
Như vậy, có thể hiểu chi phí thành lập doanh nghiệp là những khoản tiền mà chủ thể thành lập doanh nghiệp cần phải chi trả khi tiến hành các hoạt động thành lập doanh nghiệp.
Tính toán chi phí khởi động cung cấp cho người thành lập doanh nghiệp cái nhìn tổng quát về các chi phí để khởi động và cấp vốn cho doanh nghiệp. Họ cần bao nhiêu cho các chi phí một lần, chẳng hạn như đồ đạc? Điều đó cho thấy họ cần bao nhiêu vốn để mở cửa kinh doanh.
Việc hiểu các chi phí định kỳ hoặc liên tục, chẳng hạn như tiền lương và giá vốn hàng bán (COG), giúp những cá nhân đó phân tích nhu cầu dòng tiền của mình, vì vậy cá nhân cần biết doanh thu kinh doanh mà họ cần ít nhất là bao nhiêu để hòa vốn. Điều này cũng giúp người thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc dành ra đủ tiền — ví dụ, chi phí liên tục trị giá trong sáu tháng — vì vậy họ không phụ thuộc nhiều vào doanh thu kinh doanh ngay lập tức hoặc ít nhất là cho đến khi bạn vượt qua giai đoạn đầu.
Dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp một số khoản chi phí cần phải chi trả khi tiến hành thành lập doanh nghiệp.
2. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp:
Điều 32 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Từ quy định này có thể thấy nghĩa vụ nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp là một nghĩa vụ bắt buộc khi tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc quy định về nghĩa vụ nộp lệ phí chính là để chi trả cho các cơ quan nhà nước khi tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan có thẩm quyền thu lệ phí đó chính là Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với các trường hợp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử thì các chủ thể thành lập doanh nghiệp được miễn phí, lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi khi đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng giúp cho việc giảm sự tham gia của các cán bộ trong cơ quan nhà nước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, từ đó giảm các chi phí liên quan.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 47/2019/TT- BTC quy định thì lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp (cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/ lần.
3. Các khoản phí cung cấp thông tin doanh nghiệp:
Theo quy định tại Điều 32 của Luật doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.
Mức phí công bố thông tin doanh nghiệp theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, bao gồm những mục như sau:
– Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh với mức phí 50.000 đồng/bản;
– Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp với mức phí 40.000 đồng/bản;
– Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp với mức phí 150.000 đồng/báo cáo
– Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp với mức phí 100.000 đồng/lần
– Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên với mức phí 4.500.000 đồng/tháng.