Ô nhiễm môi trường đang trở thành mối quan tâm của toàn cầu và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tác động tiêu cực đến môi trường đang tạo nên sự chú ý ngày càng tăng. Chi phí môi trường liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đang tăng lên bởi sự gia tăng của quy định môi trường và nhu cầu xã hội cho sự phát triển bền vững.
Mục lục bài viết
1. Chi phí môi trường trong doanh nghiệp sản xuất là gì?
Theo Ủy ban phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, Chi phí môi trường có thể hiểu là các chi phí gắn với thiệt hại môi trường và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Chi phí này bao gồm chi phí ngăn ngừa, tiêu hủy, lập kế hoạch, kiếm soát, cải thiện hoạt động, bảo dưỡng, khắc phục những thiệt hại có thể phát sinh từ phía doanh nghiệp và ảnh hưởng đến chính phủ và cộng đồng. (UNDSD, 2001, tr.11).
Theo quan điểm truyền thống, EC được coi như là chi phí bảo vệ môi trường và công nghệ môi trường cuối đường ống, chẳng hạn như các chi phí liên quan làm sạch các địa điểm sau khi sản xuất, chi phí xử lý nước thải (ICAA, 2003). Chính sách quản lý môi trường tập trung vào các chi phí xử lý môi trường và công nghệ cuối đường ống có thể tạo ra lợi nhuận trong ngăn hạn, nhưng điều này sẽ là tổn kém trong dài hạn vì nó sẽ làm gia lăng chi phí chất thải do sử dụng các nguồn lực không hiệu quả. Một quan điểm rộng hơn cho thấy EC bao gồm các chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến việc sử dụng vật liệu và năng lượng, cộng thêm chi phí xử lý có liên quan, bảo hiểm trách nhiệm môi trường và chi phí quản lý môi trường bao gồm cả chi phí tuân thủ và phí cấp giấy phép, khoản tiền phạt (Betianu & Briciu, 2010; Schaltegger & Wagner, 2005; Schaltegger & Burritt, 2000).
2. Đặc điểm chi phí môi trường trong doanh nghiệp sản xuất:
Chi phí môi trường là những chi phí liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm môi trường, tuân thủ quy định luật bảo vệ môi trường, các hoạt động ngăn ngừa tác động môi trường tiêu cực, các biện pháp để đạt được mục tiêu môi trường. Nó bao gồm chi phí phát sinh của hoạt động giảm chất thải, tái chế chất thải, xử lý và quản lý ô nhiễm, hoạt động bảo vệ môi trường, chi phí bồi thường thiệt hại môi trường và xã hội. Đặc điểm của EC đó là EC có xu hướng tăng lên; tính bất cân xứng (không phải tất cả sản phẩm và quá trình sản xuất đều gánh chịu EC như nhau) và tính phân tán (EC xuất hiện trong rất nhiều hoạt động).
Mặc dù được định nghĩa nhiều cách khác nhau nhưng các khái niệm về chi phí môi trường đều thừa nhận chi phí môi trường là chi phí phát sinh từ hoạt động bảo vệ môi trường do các tác động tới môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí môi trường có một số đặc điểm đáng chú ý sau:
– Chi phí môi trường có nguồn gốc từ quá trình tương tác giữa doanh nghiệp với môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh vì thế nó tồn tại ở mọi khâu trong suốt chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
– Chi phí môi trường gắn với việc khắc phục và phòng ngừa các thiệt hại môi trường hiện tại và tương lai có thể xảy ra do tác động của sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tới môi trường do đó các chi phí này có tính ngẫu nhiên cao.
– Chi phí môi trường bao gồm cả chi phí bắt buộc và tự nguyện. Nó có thể tăng hoặc giảm thông qua nỗ lực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Khái niệm và đặc điểm chi phí môi trường là cơ sở để nhận dạng chi phí môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khái niệm chi phí môi trường nào được thừa nhận một cách thống nhất. USEPA (1995) cho rằng “Chi phí môi trường được định nghĩa thế nào tùy thuộc vào ý định sử dụng thông tin về chi phí của công ty (sử dụng thông tin để phân bổ chi phí hay phục vụ việc lập dự toán ngân sách, thiết kế sản phẩm một quá trình hay các quyết định khác) cũng như phụ thuộc vào mức độ và phạm vi của việc ứng dụng các thông tin đó”. Vì thế chi phí môi trường cũng được nhận dạng theo nhiều cách thức khác nhau.
Chi phí môi trường được nhận dạng theo hình thức biểu biện gồm hai loại là chi phí hiện hữu và chi phí không hiện hữu. Chi phí hiện hữu bao gồm các chi phí trực tiếp liên quan đến cải tiến thay thế công nghệ và qui trình sản xuất, chi phí làm sạch và chi phí loại bỏ, xả thải, chi phí để có giấy phép hoạt động, các khoản phạt môi trường, phí lệ phí môi trường theo yêu cầu của pháp luật. Chi phí không hiện hữu bao gồm các chi phí liên quan chặt chẽ tới các yêu cầu về cơ sở vật chất nhằm giám sát các vấn đề môi trường. Các chi phí này thường nằm trong chi phí hành chính, chi phí tư vấn pháp lý, đào tạo nhân viên cùng với những tổn thất về hình ảnh và danh tiếng nếu doanh nghiệp gây ra các tổn hại về môi trường.
3. Nội dung về chi phí môi trường trong doanh nghiệp sản xuất:
Khi nhắc đến nội dung về chi phí môi trường trong doanh nghiệp sản xuất thì cách phân loại là yếu tố trọng tâm quyết định đến các yếu tố quản trị, kế toán liên quan đến chi phí môi trường, theo đó, dựa vào dòng vật liệu và năng lượng, chi phí môi trường được phân loại như sau:
– Chi phí xử lý chất thải: Đây là loại chi phí đầu tiên liên quan đến môi trường, bao gồm các chi phí xử lý chất thải, là những đầu ra không phải là sản phẩm của DN như nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn …Các chi phí liên quan gồm:
+ Khấu hao các thiết bị có liên quan: bao gồm các thiết bị xử lý như máy ép rác, container thu gom rác thải, thiết bị lọc chất ô nhiễm, thiết bị xử lý nước thải …
+ Bảo dưỡng, nhiên liệu vận hành, dịch vụ: chi phí hàng năm cho những vật liệu vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra … đối với các thiết bị và đầu tư liên quan đến môi trường để đảm bảo nó được vận hành liên tục và ổn định.
+ Chi phí nhân viên: chi phí nhân công cho thời gian xử lý rác thải, nước thải, khí thải … và chi phí nhân công cho những hoạt động quản lý môi trường nói chung ở mọi nơi trong quy trình sản xuất. Ví dụ, nhân công ở phòng thu gom rác thải, nhân công trong quy trình kiểm soát ô nhiễm trong sản xuất…
+ Các loại phí và thuế: gồm phí chôn lấp chất thải, thu gom, phân loại, tiêu hủy chất thải, lệ phí liên quan đến nước thải ô nhiễm, sử dụng nước ngâm, ô nhiễm không khí, sử dụng chất phá hủy tầng ozon, khai thác tài nguyên …Các loại thuế như thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế đất nông nghiệp lâu dài hay tạm thời …
+ Tiền phạt và bồi thường thiệt hại: khi DN không tuân thủ các quy định được nêu theo quy định của luât pháp thì phải chi trả các khoản tiền phạt như phạt tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nếu có … Đối với các vi phạm nghĩa vụ từ việc kết thúc hợp đồng, vi phạm hợp đồng … thì phải trả tiền thiệt hại gây ra cho các đối tượng bị tác động do ô nhiễm của DN gây nên.
+ Bảo hiểm cho trách nhiệm môi trường: DN có thể tham gia đóng bảo hiểm để phòng tránh các rủi ro về trách nhiệm pháp lý, khắc phục những thiệt hại thông thường đối với người, cơ sở vât chất, đa dạng sinh học gây ra bởi những hoạt động nguy hiểm hoặc nguy hiểm tiềm tàng.
+ Dự phòng chi phí làm sạch, sửa chữa: mục đích của khoản dự phòng là tính toán và dự trù trước những chi phí phát sinh trong các hoạt động của DN có liên quan đến môi trường (ví dụ: rò rỉ hóa chất …)
– Chi phí ngăn ngừa và quản lý ô nhiễm môi trường gồm: Các chi phí để ngăn ngừa ô nhiễm và quản lý môi trường ( lập kế hoạch, hệ thống, thiết bị, truyền thông và các hoạt động quản lý khác) như chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ quản lý môi trường (tư vấn, đào tạo, kiểm toán, truyền thông), chi phí nhân công cho các hoạt động quản lý môi trường nói chung, chi phí nghiên cứu và phát triển các dự án về môi trường, các khoản chi tăng thêm do công nghệ sản xuất sạch hơn, các chi phí khác.
– Chi phí của đầu ra không phải sản phẩm gồm: chi phí mua vật liệu cho việc sản xuất các đầu ra không phải sản phẩm như: nguyên liệu, bao bì, vật liệu phụ, năng lượng, nước và chi phí chế biến nằm trong các đầu ra không phải sản phẩm gồm chi phí khấu hao, nhân công, dịch vụ mua ngoài…
Chất thải gồm chất thải rắn, khí thải, nước thải hay gọi chung là đầu ra phi sản phẩm, là kết quả của quá trình sản xuất không hiệu quả. Nguyên liệu, vật liệu là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất sản phẩm nhưng không phải toàn bộ chi phí nguyên vật liệu được chuyển thành giá trị thành phẩm mà nó sẽ bị thất thoát một phần lãng phí và tạo thành chất thải. Chi phí nguyên vật liệu trong chất thải chiếm tỷ trọng lớn trong tổng CPMT của DN thường chiếm từ 40- 90%. Ngoài ra còn có chi phí lao động và các chi phí sản xuất chung khác như chi phí khấu hao máy móc, chi phí vật liệu dùng chung cho nhu cầu phân xưởng, chi phí điện nước và các chi phí dịch vụ mua ngoài… của đầu ra không phải sản phẩm