Chầu Năm Suối Lân là vị Thánh Chầu có nhiệm vụ cai quản vùng cửa rừng Suối Lân - Lạng Sơn. Trong nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, Chầu Năm rất ít khi giáng về ngự đồng. Để hiểu rõ hơn về Chầu Năm Suối Lân, hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé!
Mục lục bài viết
1. Chầu Năm Suối Lân là ai?
Chầu Năm Suối Lân là vị thánh Chầu xếp hàng thứ năm thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Chầu, đứng trước Chầu Lục Cung Nương và đứng sau Chầu Đệ Tứ Khâm Sai trong hệ thống thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Tên gọi Chầu Năm Suối Lân có nguồn gốc từ việc Chầu Năm được giao quyền cai quản miền rừng núi tại vùng Suối Lân, Lạng Sơn.
2. Sự tích Chầu Năm:
Theo những gì dân gian kể lại rằng, Chầu Năm là vị Thánh Chầu thứ năm, chầu vốn là người dân tộc Nùng, được hạ sinh dưới thời vua Lê Trung Hưng, Chầu theo lệnh của vua cha mà cai quản miền rừng Suối Lân kế bên cạnh dòng sông Hóa, coi sóc hạt khắp vùng sông Hóa này. Nơi đây, Chầu không chỉ canh giữ chốn sơn lâm mà còn giúp đỡ những người dân nơi đây, Chầu còn dạy nhân dân đi làm ăn, làm nương, làm rẫy và ôm vải. Tấm lòng thương nhân dân của Chầu đã khiến cho những người nhân dân nơi này vô cùng kính phục và yêu mến Chầu. Ngay cả đến cỏ cây, hoa lá, suối rừng nơi đây cũng phải vui mừng dưới từng bước chân của Chầu.
Mặc dù sau này khi Chầu hóa, nhưng Người vẫn luôn hiển linh để giúp đỡ những người dân của bản thu phục được nhiều loài thú dữ, diệt trừ những yêu ma quỷ quái. Cũng được tương truyền rằng vào những đêm thanh vắng, Chầu thường xuyên hiện hình cùng với 12 cô hầu cận bên trên dòng sông Hóa.
Cũng có tài liệu cho rằng, Chầu Năm Suối Lân là công chúa con của vua, chầu vốn dĩ có tính cách yêu thiên nhiên, chốn rừng núi xanh thẳm nên đã xin vua cha lên chốn sơn lâm. Khi chầu đến vùng miền rừng Suối Lân cảnh đẹp hữu tình, nên nàng đã cho dựng am để tu hành tại nơi đây. Sau này khi Chầu hóa, Mẫu Thượng Ngàn đã ban phong cho nàng là Chầu Năm Suối Lân để canh giữ cai quản vùng miền cửa rừng Suối Lân.
3. Đền thờ Chầu Năm Suối Lân:
Chầu Năm Suối Lân được thờ phụng tại Đền Chầu Năm Suối Lân gần cửa rừng Suối Lân nơi mà Chầu Năm linh thiêng đã từng trấn giữ. Ngôi đền tâm linh này thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nơi đây cũng có tên gọi là Đề Suối Lân. Ngôi đền này được coi là nơi thờ chính của Chầu Năm và Cô Năm.
Ngôi đền này khá nhỏ, nhưng rất khang trang, đền chính thờ Chầu Năm Suối Lân, nằm phía bên trái của đền là cung thờ chính của Cô Năm Suối Lân.
Cùng nằm trong vùng đất Hữu Lũng, ngôi đền Chầu năm Suối Lân nằm cách đền thờ Chầu Lục chỉ 4,5 km và cách đền Quan Giám Sát là 3,5 km. Nếu bạn có dịp tới nơi đây, hãy tham quan chiêm ngưỡng tất cả những ngôi đền vô cùng linh thiêng tại nơi này. Nhân dân khi đi qua vùng Lạng Sơn thường vào đền bái yết cửa Chầu Năm và Cô Năm Suối Lân để cầu mong có sức khỏe, bình an, phúc cầu tài, nhờ lộc Chầu mà người dân được chân cứng đá mềm băng qua rừng vượt suối.
Ngày tiệc chính của Chầu Năm Suối Lân được tổ chức vào ngày 20 tháng 5 âm lịch hàng năm. Cho đến ngày nay ngôi đền Chầu Năm Suối Lân tiếp đón rất đông đảo những du khách ở khắp mọi miền tổ quốc hành hương đến ngôi đền để dâng hương, cúng lễ với tấm lòng thành tâm, thành kính.
4. Hầu giá Chầu Năm Suối Lân:
Chầu Năm cai đồng rất ít so với Chầu Lục. Được nhân dân tương truyền rằng, Chầu chỉ thường về ngự trong các ngày tiệc vui chơi hoặc nhập đồng chỉ những thanh đồng sát căn của Chầu Năm. Đôi khi Chầu Bà cũng được người ta thỉnh về chứng toà Sơn Trang. Chầu Năm Suối Lân cũng có nhiều khi chứng cho con nhang, đệ tử mâm trầu trình.
Khi về ngự đồng, Chầu Năm mặc áo màu xanh lam, tuy nhiên do những lý do trùng lặp mà hiện nay, có một số nơi người ta thường dâng Chầu áo màu xanh thiên thanh giống với màu nước của dòng suối Lân trong xanh chảy quanh đền. Khi ngự về đồng, Chầu Năm khai quang sau đó múa chèo.
5. Dâng lễ Chầu Năm Suối Lân:
Ngày lễ Chầu Năm được tổ chức vào ngày 20 tháng 5 âm lịch hàng năm. Diễn ra vào ngày đầu xuân năm mới hoặc ngày lễ tại đền Suối Lân, không chỉ người dân ở Lạng Sơn mà các du khách ở thập phương cũng đổ về nơi đây để chiêm bái, tham quan cửa đền. Một mặt là để bày tỏ lòng biết ơn, thành kính, đối với công lao của Chầu Năm, mặt khác là mong Chầu Bà chứng giám, ban phúc cho lòng thành tâm của các con hương, phù hộ độ trì cho gia đình con cái có sức khỏe, được bình an, gặp may mắn, có được tài, được lộc trong năm mới.
Khi đến đền Chầu Năm Suối Lân, các vị thần “chứng tâm chứ không chứng lễ” nên mọi người thường cố gắng sắm sửa chuẩn bị lễ vật dâng cúng một cách chu đáo, cẩn thận và thành tâm hết mức có thể. Các lễ vật mọi người chuẩn bị thông thường sẽ là một mâm lễ vật chay hoặc mâm lễ vật mặn tùy thuộc tâm của mỗi người, về cơ bản bao gồm: hoa, đĩa trái cây, quả cau, cơi trầu, xôi thịt, giấy tiền, thẻ hương cùng với đó là một cánh sớ trình báo.
6. Bản văn Chầu Năm Suối Lân:
6.1. Bản văn Chầu Năm Suối Lân – mẫu 1:
“Non xứ Lạng sơn lâm hùng vĩ
Đền Suối Lân cảnh trí phong quang
Nhang thơm tấu đến tòa vàng
Chầu Năm Sông Hóa đáo đàn chứng đây
Nhang thành kính tỏ bày một nén
Khói ngạt ngào thấu đến cửu thiên
Chính tòa Sông Hóa Chúa Tiên
Thánh Chầu đệ ngũ giáng đền chứng tâm
Đất Sơn Lâm quyền Chầu cai quản
Khắp thượng ngàn Xứ Lạng Tam Thanh
Suối Lân, Sông Hóa quyền hành
Thổ nùng thổ mán phục tình phải theo
Non đá mèo suối khe vực thẳm
Núi đá vôi rừng cấm vào ra
Nhờ ơn Đệ Ngũ Thánh Bà
Ơn bà bảo hộ gần xa an lòng
Khắp làng bản người nùng người thổ
Độ bốn mùa mưa gió hanh thông
Dạy dân phát rẫy vun trồng
Nếp nương khoai sắn thơm lừng gần xa
Dạy dân bản hái hoa làm thuốc
Gỗ cây rừng, thảo dược kỳ tâm
Ngược xuôi mộ đức mến ân
Chầu Năm sông Hóa Suối Lân thượng ngàn
Ngọc như ý soi đàng dẫn lối
Thuyền từ bi đưa khỏi sông mê
Suối Lân cảnh vật bốn bề
Thuyền từ Sông Hóa chèo về Lạng Sơn
Qua Kiệt Cùng rập rờn sóng nước
Lên Đồng Đăng biên giới Bắc Nam
Có phen chính ngự sơn trang
Bài sai thập nhị tiên nàng tới nơi
Chuông ba tiếng một hồi trống giục
Bộ sơn thần chầu phục đôi bên
Bách hoa chư vị nàng tiên
Hoa lan hoa huệ hoa sen hoa hồng
Hoa sim tím ngập ngừng e lệ
Hoa mận đào hoa quế hoa ban
Trăm hoa trăm sắc vẻ vang
Thanh tân yểu điệu dịu dàng tốt thay
Kim chúng đẳng nhớ ngày kị tiệc
Đôi mươi tròn ngũ nguyệt tháng năm
Tâm thành tấu khúc ca văn
Nguyện xin tiên chúa lai lâm độ trì
Tâm kính lễ tâu quỳ trước án
Nguyện xin Chầu lai giáng từ trung
Ban ân tiếp lộc cho đồng
Khuông phù đệ tử hưng long thọ trường.”
6.2. Bản văn Chầu Năm Suối Lân – mẫu 2:
“Chầu Năm trên động Suối Lân
Xe loan thánh giá đằng vân ngự đồng
Ai lên tới Suối Lân châu thổ,
Thăm cảnh rừng thác đổ suối reo.
Giở trang tích cũ Lê triều,
Suối Lân công chúa mĩ kiều diễm hương.
Nét đoan trang vẻ nhường ngọc tuyết
Đôi mày ngài nửa khuyết vành trăng
Trâm cài soi nước Suối Lân
Gót tiên hài sảo cảnh rừng thênh thang
Hoa đua nở đầy ngàn tay hái
Gùi trên vai nặng trái chín thơm
Rung rinh quảy lẵng đầu non
Xa nghe chim khướu véo von trên cành
Động lá rừng chim oanh gọi bạn
Nhác trông lên cánh nhạn chập chờn
Cuốc kêu gợi cảnh chiều hôm
Tiếng chim gõ kiến nỗi buồn bâng khuâng
Tiếng hổ gầm vang trong hang động
Đàn báo hoa rạo lượn tìm mồi
Hươu nai ngơ ngác trên đồi
Hang sâu thăm thẳm núi đồi sum suê
Con suối nhỏ xuôi về Hữu Lũng
Đàn cá vàng lơ lửng dưới khe
Trăng thanh hổ báo chầu về
Lung linh màu sắc đua khoe trước đền
Con suối nhỏ đôi bên cầu bắc
Sau lưng đền đá chất trập trùng
Phép tiên biến hóa thần thông
Mẫu sai chầu trấn cửa rừng Suối Lân
Chầu thương dân đêm khuya biến hiện
Áo xanh chàm thêu lượn nét hoa
Nửa đêm gà gáy canh tà
Cất cao tiếng hú hiện ra giữa rừng
Hô thần chú bỗng dưng núi chuyển
Các cửa ngàn bặt tiếng muông kêu
Tà ma phách tán hồn xiêu
Những loài ác thú sợ đều ẩn thân
Để cho biết Suối Lân công chúa
Phép Sơn Trang đức tổ ban truyền
Phép tiên lấy lá làm thuyền
Các cô Thổ mán đôi bên cầm chèo
Tiếng nhịp đẩy hò reo bắt cái
Chầu tới đâu cảnh lại thêm tươi
Hoa thơm quả ngọt trên đồi
Ban công thưởng lộc cho người nhất tâm
Chữ rằng Thánh lưu ân
Chầu Bà lưu phúc thiên xuân thọ trường.”