Bà Chúa Xứ Châu Đốc là một trong những vị thần nổi tiếng được thờ phụng trên mảnh đất An Giang. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn: Sự tích Bà Chúa Xứ Châu Đốc? Miếu Bà Chúa Xứ ở đâu và diễn ra vào ngày nào? Văn khấn tại Đền Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc? Lễ vật dâng Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc gồm những gì? Cách xin lộc, xin xăm miếu bà chúa Xứ Châu Đốc? Chia sẻ kinh nghiệm khi đi Chùa Bà Chúa Xứ?
Mục lục bài viết
1. Sự tích Bà Chúa Xứ Châu Đốc:
Theo tương truyền, sự tích về bà Chúa Xứ được truyền với nhiều sự tích khác nhau:
Sự tích về bà Chúa Xứ thứ nhất:
Trên núi Sam ngày xưa, có một bệ tượng hình vuông làm bằng đá sa thạch, vào những năm đầu thế kỷ XIX, giặc Xiêm thường xuyên sang khu vực này để quấy nhiễu. Trong một lần lên núi và bắt gặp tượng Bà, lũ giặc liền có ý định cậy tượng ra khỏi bệ đá để đem xuống núi, nhưng kỳ lạ thay tượng trở nên nặng vô cùng, và không cách nào khiêng được mặc dù có bao nhiêu lính tráng khỏe mạnh.
Trong lúc bực bội, một quân lính giặc Xiêm đã dùng một khúc gỗ phang vào tượng làm sứt một miếng ở cánh tay. Ngay lập tức, hắn hộc máu chết tại chỗ.
Kể từ đó, dân làng nơi đây lên núi thấy tượng Bà bèn cùng nhau khiêng tượng về lập miếu thờ. Tuy nhiên, cũng như lần trước, bức tượng trở nên nặng vô cùng, bao nhiêu trai tráng trong làng góp sức nhưng cũng không khiến cho bức tượng xê dịch được.
Bỗng nhiên, một phụ nữ lên đồng, tự xưng là Bà Chúa Xứ phán rằng, muốn thỉnh Bà xuống thì cần phải có 40 cô gái đồng trinh tắm rửa sạch sẽ mới đến thỉnh dâng. Dân làng nơi đây tin lời và làm theo, quả thật bức tượng linh nghiệm. Tuy nhiên, khi người ta khiêng tượng đến chân núi Sam thì bức tượng trở nên nặng trịch, không thể khiêng tiếp được nữa, do vậy, dân làng liền cho lập đền thờ ở khu vực này.
Sự tích về bà Chúa Xứ thứ hai:
Tương truyền lại rằng, cách đây gần 200 năm, có một cô gái trong làng Vĩnh Tế bỗng lên đồng, tự xưng là Bà Chúa Xứ về núi Sam để cứu dân độ thế.Bà còn báo mộng rằng, bức tượng Bà đang ngự trên núi, cần dân làng lên núi thỉnh về để thờ phụng. Dân làng nơi đây liền phái 40 chàng thanh niên lực lưỡng lên núi để khiêng tượng, nhưng cũng không thể xê dịch bức tượng nửa bước. Lúc đó, cô gái lại lên đồng và phán rằng, chỉ cần 9 cô gái đồng trinh là có thể khiêng được. Quả thật linh nghiệm; bức tượng được khiêng khỏi nơi đây, nhưng khi đến chân núi Sam, dây khiêng tượng bị đứt, do vậy, dân làng hiểu ý Bà mà cho lập miếu thờ Bà ở đây.
Sự tích về bà Chúa Xứ thứ ba:
Theo một số tương truyền cho rằng, dưới thời Thoại Ngọc Hầu trấn thủ Châu Đốc, đeo ấn bảo hộ Cao Miên, vợ ông (tức là bà Châu Thị Tế) vốn thương chồng, ngày đêm cầu nguyện cho ông bình an trở về, nếu được thì sẽ lập chùa thờ Phật để báo ân phù hộ. Sau khi Thoại Ngọc Hầu trở về, vì cảm kích trước tấm lòng của vợ nên đã sai quân lính sang tây Trấn Thành chở cốt Phật về lập chùa để thờ, đặt tên là chùa Tây An. Chùa xây xong, ông lo ngại những tin đồn ác ý rằng xây chùa để thờ Phật nên đưa pho tượng ra ngoài chùa, lập miếu thờ để tránh phiền phức.
Sự tích về bà Chúa Xứ thứ tư:
Câu chuyện kể về việc một thiếu phụ Cao Miên đi tìm chồng, đến chân núi vì quá mệt mỏi nên đã ngồi nghỉ, sau đó bà đã ngồi chờ lâu đến mức hóa đá ở chân núi này. Sau đó, linh hồn bà nhập vào cốt đồng để nói về quá khứ và tương lai và giúp đỡ những người hiền và trừng phạt những người xấu. Dân làng nơi đây liền lập miếu thờ và gọi là Bà Chúa Xứ.
2. Văn khấn tại Đền Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc:
Khi đến viếng bà, các tín chủ có thể sử dụng bài khấn sau:
“Hương tử con lễ bạc thành tâm, cúi đầu thành tâm kính lễ Bà Chúa Xứ
Cúi xin được phù hộ độ trì. Hương tử con là: ……………………………………………..
Ngụ tại:……………………………………………………………………………………..
Ngày hôm nay là Ngày…………..Tháng……………….Năm
Con sắm sửa kim ngân, hương hoa, lễ vật chí thiết một lòng thành tâm dâng lễ, sám hối cầu xin phù hộ cho hương tử con được gia quyến bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, bách sự cầu được như ý,…….(gia chủ muốn điều gì thì cầu xin bà chúa xứ điều đó).
Hương tử con lễ bạc tâm thành, cúi đầu thành tâm kính lễ bà chúa xứ, cúi xin được phù hộ độ trì”.
3. Lễ vật dâng Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc gồm những gì?
Thông thường, lễ vật trong mâm cúng Bà Chúa Xứ núi Sam thường khá đơn giản, các tín chủ có thể tham khảo gợi ý dưới đây:
+ Mâm trái cây ngũ quả
+ Bánh kẹo, trầu cau tươi
+ Xôi chè, bánh bao
+ Hương, hoa tươi
+ Hũ gạo, hũ muối
+ Trà, rượu trắng
+ Đèn cầy
+ Heo quay nguyên con (1 con)
Tùy vào điều kiện kinh tế mà việc chuẩn bị lễ vật ít nhiều cũng có sự khác nhau, Tuy nhiên, người viếng thăm cần thành tâm để cầu nguyện, Bà sẽ che chở và phù hộ.
4. Miếu Bà Chúa Xứ ở đâu và diễn ra vào ngày nào?
Miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc tọa lạc ở chân núi Sam, thuộc phường núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay.
Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trong khoảng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó ngày vía chính là ngày 25 âm lịch.
Các lễ chính gồm: Lễ “tắm Bà” diễn ra vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch.
5. Cách xin lộc, xin xăm miếu bà chúa Xứ Châu Đốc:
Gần như người đến lễ viếng thăm bà chúa xứ Châu Đốc đều xin về một bao lì xì về và đó được xem là bao lì xì lộc, mang lại nhiều suôn sẻ cho gia chủ chiếm hữu. Theo đó, khi đã sở hữu “bao lì xì” may mắn này, chúng ta cần sử dụng lộc này của bà chúa xứ Châu Đốc đúng cách như sau :
+ Khi rước lộc về nhà, gia chủ cần thực hiện bước thỉnh lộc Bà Chúa Xứ lên một cái đĩa. Sau đó, để 4 ly nước suối kế bên và lần lượt cầm lên từng ly để cầu khấn với mục đích để cung nghinh Bà về cư gia. Sau khi thỉnh cầu xong với mỗi ly nước, gia chủ mang chúng đem đổ ra 1 góc nhà, 4 ly tương đương với 4 góc nhà.
+ Sau đó gia chủ sẽ đặt gói lộc của bà chúa xứ lên bàn thờ ở Mẹ Quan Âm và lưu ý không nên đặt ở bàn thờ Ông địa, bởi trong quan niệm thờ cúng, tâm linh, điều này có ý nghĩa khinh thường, thiếu tôn trọng đối với bà chúa xứ Châu Đốc.
+ Đặc biệt, khi đã đặt lộc lên bàn thờ Quan Âm, gia chủ phải thực hiện đúng theo phong tục chín ngày thay nước và ba ngày thay trầu cau tươi một lần, không được để quá số ngày theo quy định này.
+ Cùng với đó, gia chủ cần thường xuyên khấn bái Bà Chúa xứ vào những ngày rằng, đầu tháng để cầu xin sự phù hộ độ trì, che chở cho chính gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình.
+ Nếu muốn hóa lộc của bà chúa xứ Châu Đốc đã thỉnh, gia chủ nên chọn hóa vào ngày 23 âm lịch.
6. Chia sẻ kinh nghiệm khi đi Chùa Bà Chúa Xứ:
– Lễ vật: Lễ vật cúng bà được đông đảo tín chủ sử dụng khi đi hành hương là heo quay, từ đó xảy ra dịch vụ cho thuê heo quay mướn. Du khách đến đây, có thể thuê heo quay được tính bằng cân, sau khi cúng vái xong thì chú heo quay ấy sẽ trở về vòng quay cho thuê người tiếp theo…như vậy, liệu như thế bạn chứng tỏ lòng thành của mình hay chỉ là góp phần cho nạn cò heo quay lộng hành? Do vậy, nếu bạn có điều kiện để mang heo quay từ nhà thì tốt nhất là không mua hoặc thuê heo quay tại chùa.
Nếu không kịp chuẩn bị nhanh và đồ lễ từ nhà trước khi đến đây, thì trên đường đi thì nên vào các cửa hàng lớn xung quanh chùa và hỏi kỹ giá cả trước khi mua. Không nên mua nhang đèn từ những người bán lẻ xung quanh nơi đây đi theo chèo kéo, mời mọc du khách vì giá sẽ rất đắt hơn.
– Hiện tượng Lộc “trời cho”: Khi bạn đang thành khẩn cúng bái, bỗng một người lạ đến đưa bạn một túi nhỏ chứa đủ thứ những vật cúng hoặc một tờ giấy 500 đồng được xếp theo đủ kiểu dúi vào tay, túi áo…, ngay lập tức, bạn hãy trả lại hoặc bỏ mà đi vào chùa nếu như bạn không muốn bị dính vào cảnh người dúi túi lộc đó cho bạn đi theo xin tiền “trả lễ”. Tuy là nói “tùy hỷ”, nhưng nếu bạn trả lộc ít hoặc không trả thì bạn sẽ nhận lại ngay những lời lẽ thô tục.
– Giữ chặt ví tiền: Tháng giêng, miếu Bà Chúa Xứ lúc nào cũng đông khách hành hương, do vậy, khi vào khu vực chính điện của miếu, bạn phải hết sức cẩn thận với ví tiền của mình. Khi đi chùa, các tín chủ không nên mang theo nhiều tiền mặt, nếu để trong túi xách thì phải cài chặt và quay túi xách ra phía trước để tránh bị mất cắp.
– Chen lấn: Không thể tránh khỏi khi mà hàng trăm ngàn người đổ về chùa Bà Chúa xứ cùng lúc, đây là cơ hội của bọn móc túi rinh tiền, điện thoại, nữ trang của bạn. Do đó khi đã viếng bà những ngày này tuyệt đối không nên mang nữ trang trên người, điện thoại và ví tiền nên bỏ vào túi quần có dây kéo cẩn thận và khó luồng tay vào được, để tránh hiện tượng bị rơi hoặc bị móc túi.