Các nguyên lý cơ bản của kinh tế học là gì? Nội dung 10 nguyên lý cơ bản kinh tế học? Trình bày và phân tích các nguyên lý kinh tế học?
Dù chúng ta đang nhắc đến nền kinh tế như thế nào thì bản chất của nền kinh tế cũng chỉ là một nhóm người tác động qua lại với nhau trong quá trình sinh tồn của họ. Bởi vì hoạt động của nền kinh tế phản ánh hành vi của các cá nhân tạo thành nền kinh tế, nên chúng ta khởi đầu nghiên cứu kinh tế học bằng các nguyên lý về cách thức ra quyết định cá nhân.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các nguyên lý cơ bản của kinh tế học là gì?
- 2 2. Nội dung 10 nguyên lý cơ bản kinh tế học:
- 2.1 Nguyên lý 1: Con người phải đối mặt với sự đánh đổi:
- 2.2 Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là cái mà bạn từ bỏ để có được nó:
- 2.3 Nguyên lý 3: Con người duy lý suy nghĩ tại điểm cận biên:
- 2.4 Nguyên lý 4: Con người phản ứng với các kích thích:
- 2.5 Nguyên lý 5 : Thương mại có thể làm cho mọi người đều được lợi:
- 2.6 Nguyên lý 6 : Thị trường thường là một phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế:
- 2.7 Nguyên lý 7 : Đôi khi chính phủ có thể cải thiện được kết cục thị trường:
- 2.8 Nguyên lý 8 : Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nước đó:
- 2.9 Nguyên lý 9 : Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền:
- 2.10 Nguyên lý 10: Xã hội đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp:
1. Các nguyên lý cơ bản của kinh tế học là gì?
Kinh tế học là nghiên cứu về cách xã hội quản lý các nguồn lực khan hiếm của nó hoặc nghiên cứu về cách xã hội đáp ứng nhu cầu và mong muốn không giới hạn của mình với các nguồn lực hạn chế của nó.
Các nguyên lý cơ bản của kinh tế học là các quy luật tổng quát, ý tưởng khởi đầu về kinh tế học để giải thích cho câu hỏi: Con người ra quyết định như thế nào? Các nguyên lý cơ bản của kinh tế học được thể hiện trong cuốn “Những nguyên lý của kinh tế học”, do nhà kinh tế học Mankiw- giáo sư tại Đại học Havard biên soạn.
2. Nội dung 10 nguyên lý cơ bản kinh tế học:
Nguyên lý 1: Con người phải đối mặt với sự đánh đổi:
Nguyên lý này có thể hiểu tóm gọn trong câu: “Không có một bữa ăn trưa nào là miễn phí”. Muốn có được một thứ mà mình ưa thích, điều chúng ta cần làm là thường phải từ bỏ một thứ khác mà mình thích. Do đó, ra quyết định đòi hỏi phải đánh đổi mục tiêu này để đạt được một mục tiêu khác.
Chúng ta hãy xem xét tình huống một cô sinh viên phải quyết định phân bổ thời gian của cô. Cô có thể dùng toàn bộ thời gian để nghiên cứu toán học, dùng toàn bộ thời gian để nghiên cứu sinh học, hoặc phân chia thời gian giữa hai môn học đó. Đối với mỗi giờ học môn này, cô phải từ bỏ một giờ học môn kia. Đối với mỗi giờ học, cô phải từ bỏ một giờ mà lẽ ra cô có thể ngủ trưa, đạp xe, xem TV hoặc đi làm thêm. Hoặc hãy xem xét cách thức ra quyết định chi tiêu thu nhập của gia đình của các bậc cha mẹ. Họ có thể mua thực phẩm, quần áo hay quyết định đưa cả nhà đi nghỉ. Họ cũng có thể tiết kiệm một phần thu nhập cho lúc về già hay cho con cái vào học đại học. Khi quyết định chi tiêu thêm một đô la cho một trong những hàng hóa trên, họ có ít đi một đô la để chi cho các hàng hóa khác. Khi con người tập hợp nhau lại thành xã hội, họ đối mặt với nhiều loại đánh đổi.
Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là cái mà bạn từ bỏ để có được nó:
Vì con người đối mặt với sự đánh đổi như đa phân tích ở nguyên lý 1, nên ra quyết định đòi hỏi phải so sánh chi phí và ích lợi của các đường lối hành động khác nhau. Song trong nhiều trường hợp, chi phí của một hành động nào đó không phải lúc nào cũng rõ ràng như biểu hiện ban đầu của chúng. Chẳng hạn, chúng ta xem xét quyết định liệu có nên đi học đại học. Ích lợi là làm giàu thêm kiến thức và có được những cơ hội làm việc tốt hơn trong cả cuộc đời. Nhưng chi phí của nó là gì? Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể bị thuyết phục cộng số tiền chi tiêu cho học phí, sách vở, nhà ở lại với nhau. Nhưng tổng số tiền này không thực sự biểu hiện những gì bạn từ bỏ để theo học một năm ở trường đại học. Câu trả lời trên có vấn đề vì nó bao gồm cả một số thứ không thực sự là chi phí của việc học đại học.
Nguyên lý 3: Con người duy lý suy nghĩ tại điểm cận biên:
Các quyết định của ban trong cuộc sống rất ít khi minh bạch, mà thường ở trạng thái mù mờ. Khi đến giờ ăn tối, vấn đề bạn phải đối mặt không phải là sẽ “thực như hổ” hay “thực như miêu”, mà là có nên ăn thêm một chút khoai tây nghiền hay không. Khi kỳ thi đến, vấn đề không phải là bỏ mặc bài vở hoặc học 24 giờ một ngày, mà là nên học thêm một giờ nữa hay dừng lại xem ti vi. Các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ những thay đổi cận biên để chỉ những điều chỉnh gia tăng nhỏ so với kế hoạch hành động hiện tại. Bạn hãy luôn luôn nhớ rằng “cận biên” có nghĩa là “bên cạnh” và bởi vậy thay đổi cận biên là những điều chỉnh ở vùng lân cận của cái mà bạn đang làm. Trong nhiều tình huống, mọi người đưa ra được quyết định tốt nhất nhờ suy nghĩ tại điểm cận biên.
Nguyên lý 4: Con người phản ứng với các kích thích:
Ví dụ khi giá táo tăng, mọi người quyết định ăn nhiều lê hơn và ít táo hơn, vì chi phí của việc mua táo cao hơn. Đồng thời, người trồng táo quyết định thuê thêm công nhân và thu hoạch nhiều táo hơn vì lợi nhuận thu được từ việc bán táo cũng cao hơn. Như chúng ta sẽ thấy, tác động của giá cả lên hành vi của người mua và người bán trên thị trường – trong trường hợp này là thị trường táo – có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu phương thức vận hành của nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách công cộng không bao giờ được quên các kích thích, vì nhiều chính sách làm thay đổi ích lợi hoặc chi phí mà mọi người phải đối mặt và bởi vậy làm thay đổi hành vi của họ.
Nguyên lý 5 : Thương mại có thể làm cho mọi người đều được lợi:
Thương mại cho phép mỗi người chuyên môn hóa vào một lĩnh vực mà mình làm tốt nhất, cho dù đó là trồng trọt, may mặc hay xây nhà. Thông qua hoạt động thương mại với những người khác, con người có thể mua được những hàng hóa và dịch vụ đa dạng hơn với chi phí thấp hơn. Cũng như các gia đình, các nước được lợi từ khả năng trao đổi với các nước khác. Thương mại cho phép các nước chuyên môn hóa vào lĩnh vực mà họ làm tốt nhất và thưởng thức nhiều hàng hóa và dịch vụ phong phú hơn. Người Nhật, cũng như người Pháp, người Ai Cập và người Brazil là những bạn hàng của chúng ta trong nền kinh tế thế giới, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh của chúng ta.
Nguyên lý 6 : Thị trường thường là một phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế:
Trong nền kinh tế thị trường, quyết định của các nhà làm kế hoạch trung ương được thay thế bằng quyết định của hàng triệu doanh nghiệp và hộ gia đình. Các doanh nghiệp quyết định thuê ai và sản xuất cái gì. Các hộ gia đình quyết định làm việc cho doanh nghiệp nào và mua cái gì bằng thu nhập của mình. Các doanh nghiệp và hộ gia đình tương tác với nhau trên thị trường, nơi mà giá cả và ích lợi riêng định hướng cho các quyết định của họ. Mới nghe qua thì thành công của các nền kinh tế thị trường thật khó hiểu. Xét cho cùng thì trong nền kinh tế thị trường, không ai phụng sự cho phúc lợi của toàn xã hội. Thị trường tự do bao gồm nhiều người mua và người bán vô số hàng hóa và dịch vụ khác nhau, và tất cả mọi người quan tâm trước hết đến phúc lợi riêng của họ. Song cho dù ra quyết định có tính chất phân tán và những người quyết định chỉ quan tâm tới ích lợi riêng của mình, nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ thành công lạ thường trong việc tổ chức hoạt động kinh tế theo hướng thúc đẩy phúc lợi kinh tế chung.
Nguyên lý 7 : Đôi khi chính phủ có thể cải thiện được kết cục thị trường:
Thị trường chỉ hoạt động nếu như quyền sở hữu được tôn trọng. Một nông dân sẽ không trồng lúa nếu như anh ta nghĩ rằng mùa màng sẽ bị đánh cắp, một nhà hàng sẽ không phục vụ trừ khi được đảm bảo rằng khách hàng sẽ trả tiền trước khi rời quán. Tất cả chúng ta đều dựa vào công an và tòa án do chính phủ cung cấp để thực thi quyền của chúng ta đối với những thứ do chúng ta tạo ra. Một lý do khác cần đến chính phủ là mặc dù thị trường thường là một phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế, nhưng quy tắc cũng có vài ngoại lệ quan trọng. Có hai nguyên nhân chủ yếu để chính phủ can thiệp vào nền kinh tế là: thúc đẩy hiệu quả và sự công bằng. Nghĩa là hầu hết các chính sách đều hoặc nhằm vào mục tiêu làm cho chiếc bánh kinh tế lớn lên, hoặc làm thay đổi cách thức phân chia chiếc bánh đó. Bàn tay vô hình thường dẫn dắt thị trường phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả. Song vì các nguyên nhân khác nhau, đôi khi bàn tay vô hình không hoạt động.
Nguyên lý 8 : Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nước đó:
Khác biệt về mức sống có nguyên nhân ở sự khác nhau về năng suất lao động của các quốc gia – tức số lượng hàng hóa được làm ra trong một giờ lao động của một công nhân. Ở những quốc gia người lao động sản xuất được lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn trong một đơn vị thời gian, hầu hết người dân được hưởng mức sống cao; còn ở các quốc gia có năng suất kém hơn, hầu hết người dân phải chịu cuộc sống đạm bạc. Tương tự, tốc độ tăng năng suất của một quốc gia quyết định tốc độ tăng thu nhập bình quân của quốc gia đó. Mối quan hệ cơ bản giữa năng suất và mức sống khá đơn giản, nhưng có những hàm ý sâu rộng. Nếu năng suất là nhân tố thiết yếu quyết định mức sống, thì những lý do khác phải đóng vai trò thứ yếu.
Nguyên lý 9 : Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền:
Vào tháng 1 năm 1921, giá một tờ nhật báo ở Đức là 0,3 mác. Chưa đầy hai năm sau, vào tháng 11 năm 1922 cũng tờ báo ấy giá 70.000.000 mác. Giá của tất cả các mặt hàng khác trong nền kinh tế cũng tăng với tốc độ tương tự. Đây là một trong những ví dụ ngoạn mục nhất lịch sử về lạm phát- tức sự gia tăng của mức giá chung trong nền kinh tế. Mặc dù nước Mỹ chưa từng trải qua cuộc lạm phát nào tương tự như ở Đức vào những năm 1920, nhưng đôi khi lạm phát cũng là một vấn đề kinh tế. Ví dụ trong những năm 1970, mức giá chung tăng gấp hơn hai lần và tổng thống Gerald Ford đã gọi lạm phát là “kẻ thù số một của công chúng”. Ngược lại, lạm phát trong những năm 1990 chỉ khoảng 3% một năm; với tỷ lệ này, giá cả phải mất hơn hai mươi năm để tăng gấp đôi. Vì lạm phát cao gây nhiều tổn thất cho xã hội, nên giữ cho lạm phát ở mức thấp là một mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên toàn thế giới.
Nguyên lý 10: Xã hội đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp:
Nếu dễ dàng lý giải lạm phát như vậy, thì tại sao đôi khi các nhà hoạch định chính sách vẫn gặp rắc rối trong việc chèo lái con thuyền nền kinh tế. Một lý do là người ta nghĩ rằng việc cắt giảm lạm phát thường gây ra tình trạng gia tăng tạm thời của thất nghiệp. Đường minh họa cho sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp được gọi là đường Phillips, để ghi công tên nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu mối quan hệ này. Đường Phillips vẫn còn là một đề tài gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế, nhưng hiện nay hầu hết các nhà kinh tế đều chấp nhận ý kiến cho rằng có sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp. Điều đó chỉ hàm ý rằng trong khoảng thời gian một hay hai năm, nhiều chính sách kinh tế đẩy lạm phát và thất nghiệp đi theo những hướng trái ngược nhau. Bất kể thất nghiệp và lạm phát ban đầu ở mức cao (như đầu những năm 1980) hay thấp (như cuối thập kỷ 1990) hay nằm ở đâu đó giữa hai thái cực đó, thì các nhà chính sách vẫn phải đối mặt với sự đánh đổi này.