Bảo hộ phá sản là gì? Mục đích của bảo hộ phá sản?
Phá sản là là khái niệm không còn xa lại với nhiều người, đây là tình trạng một chủ thể, có thể là cá nhân hay pháp nhân không còn khả năng hoàn thành việc thanh toán những khoản nợ khi đến hạn. Nói một cách dễ hiểu hơn, phá sản là tình trạng của một người bị vỡ nợ không còn bất cứ tài sản nào để trả các khoản nợ đến hạn. Việc giúp các doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh này. Đây cũng là một trong những lý do mà thuật ngữ “bảo hộ phá sản” ra đời. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ hai vấn đề cốt lõi, đó là: “Bảo hộ phá sản là gì?” và “Mục đích của bảo hộ phá sản”.
Mục lục bài viết
1. Bảo hộ phá sản là gì?
Để hiểu được thế nào là “bảo hộ phá sản” trước tiên ta cần hiểu phá sản là gì? Phá sản được hiểu là tình trạng không còn tài sản nào, thông thường đó là: vỡ nợ vì bị thua lỗ trong kinh doanh thất bại; vỡ nợ ở đây là tình trạng bị thất bại, thua lỗ liên tiếp trong kinh doanh, để trả nợ có thể sẽ phải bán hết tài sản mà vẫn chưa đủ. Như vậy, trong cách hiểu này, khái niệm phá sản là để chỉ cho một sự việc đã rồi, sự việc “phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ trả nợ” Về mặt pháp lý, khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 đã đưa ra định nghĩa “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Có thể thấy, khái niệm này đã tiếp cận phá sản dưới góc độ là một quyết định của tòa án chứ không phải là quá trình ban hành ra quyết định đó hay còn gọi là thủ tục phá sản.
Tại Chương 11 của Luật phá sản Hoa Kỳ khái niệm bảo hộ phá sản được nêu rõ, cụ thể nó cho phép một doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán, đang đứng trước tình trạng có nguy cơ phá sản tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để xin Tòa án “Bảo hộ phá sản”. Thuật ngữ này có tên gọi trong tiếng Anh là Bankruptcy Protection, chúng được nhắc đến bởi bảo hộ phá sản giúp doanh nghiệp có thể trì hoãn việc trả nợ khi lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu việc phục hồi thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản, giải quyết được các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Nguồn gốc của cụm từ bảo hộ phá sản phải kể đến là: Vào khoảng những năm 1980, cơn sốt bất động sản bắt đầu rộ lên tại thành phố Houston. Nhưng sau đó lại mất giá nghiêm trọng, điều này đã khiến cho giá nhà đất sụt giảm. Chủ đầu tư đã nộp đơn phá sản theo Chương 11, luật phá sản của Mỹ.Tuy nhiên đến đầu những năm 1990, các chủ nợ vẫn chưa được thanh toán khoản nợ mà nhà thầu đã vay. Ở tòa án, những tài liệu thể hiện chủ đầu tư có kế hoạch chờ đợi thị trường phục hồi. Những trường hợp như vậy đã định hình Chương 11 – phần nhỏ bé nhưng có thể nói là được nhắc đến nhiều nhất của bộ luật phá sản của Hoa Kỳ với khuynh hướng bảo tồn và cứu rỗi các doanh nghiệp hơn là khiến chúng biến mất. Chương 11 cũng bị chỉ trích là một cách để làm giàu cho luật sư và là một phương tiện để con nợ trốn tránh số nợ của mình. Số lượng các trường hợp như ví dụ trên ngày càng tăng sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến các chỉ trích về Chương 11 tăng lên. Một bất cập lâu dài của Chương 11 là con nợ vẫn có quyền sở hữu doanh nghiệp. Một vài người không đồng tình đã cho rằng Chương 11 thể hiện nếu các khoản nợ không khiến ban lãnh đạo cũ bị sa thải, thì đâu là động lực để họ thận trọng và có trách nhiệm hơn với công ty. Quyền quyết định trong trường hợp này đã không còn thuộc về chủ nợ và người đi vay mà đây là câu chuyện giữa những chủ nợ với nhau. Trường hợp thững nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành sẽ xử lý quá trình phá sản của doanh nghiệp, đây không còn là tình trạng hiếm gặp hiện nay.
Như đã biết, doanh nghiệp sẽ có thể trì hoãn việc trả nợ của mình khi lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nếu được bảo hộ. Nếu việc khôi phục thành công thì doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản đồng thời có thể giải quyết được các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh; nếu không thành, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản. Ở Việt Nam, pháp luật phá sản không quy định về vấn đề này như Hoa Kỳ, nhưng có quy định về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh – được cho là gần tương đương với bảo hộ phá sản. Các quy định về thủ tục phục hồi cho phép doanh nghiệp xây dựng các phương án và tiến hành các phương án phục hồi kinh doanh này dưới sự giám sát của Thẩm phán, chủ nợ, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
2. Mục đích của bảo hộ phá sản:
Bảo hộ phá sản được nhắc đến trong pháp luật phá sản của Hoa Kỳ, vấn đê này được đề cập đến nhằm nêu lên cách giải quyết việc một chủ thể đã mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ, đang đứng trước nguy cơ bị phá sản, theo đó việc tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết đối với Tòa án để thực hiện bảo hộ phá sản để giúp cho chủ thể này là việc làm quan trọng, trên cơ sở quyết định của Tòa án có thể trì hoãn việc trả nợ, hoặc có thể phục hồi. Chủ thể xin Tòa án bảo hộ phá sản có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, tùy mỗi quốc gia mà pháp luật của họ có hoặc không quy định tất cả hoặc chỉ một hình thức bảo hộ phá sản nói trên, kẻ cả cách sử dụng thuật ngữ “bảo hộ phá sản” của các quốc gia cũng có sự khác nhau, mặc dù vậy nhưng vẫn có một số điểm khá giống nhau về nội dung và bản chất điều luật.
Vấn đề bảo hộ phá sản dược đề cập đến với mục đích cốt lõi là nhằm hạn chế tối đa việc phá sản hoặc giải thể doanh nghiệp khi mà bản thân họ vẫn có thể khôi phục dù là tỉ lệ không cao, hay trường hợp cá nhân bị phá sản nhưng vẫn còn có thể trả nợ. Giải thể được biết đến là việc chấm dứt sự tồn tại và có mặt của doanh nghiệp khi không có đủ điều kiện và khả năng để tồn tại như một chỉnh thể nữa. Chính vì vậy, việc thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm chấm dứt tư cách pháp nhân liên quan đến các quyền và nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp đối với Cơ quan đăng ký là việc làm hết sức cần thiết, muốn bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp của mình đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ thực hiện.
Quy định về bảo hộ phá sản liên quan đến doanh nghiệp được thể hiện trong pháp luật về phá sản của nhiều nước khác nhau trên phạm vi toàn thế giới. Theo đó, thời hạn bảo hộ phá sản đối với từng quốc gia đều có sự khác nhau đáng kể. Dù vậy, mốc thời gian hay khoảng thời gian được cho là lý tưởng nhất để doanh nghiệp có thể thực hiện việc tái cơ cấu và nhằm khôi phục lại tình trạng kinh doanh của mình về trạng thái bình thường là trong khoảng từ hai đến ba năm theo quy định. Khi hết thời hạn nói trên mà doanh nghiệp có thể thoát khỏi được tình trạng mất khả năng thanh toán như trước đó, thì khi đó việc giải quyết vấn đề phá sản có thể được tạm dừng hoặc chấm dứt hẳn, đồng thời hoạt động bảo hộ lúc này được đánh giá là đã phát huy hiệu quả.
Tại Việt Nam, pháp luật không quy định về phá sản cá nhân cũng như vấn đề bảo hộ phá sản đối với đối tượng này, Mặc dù vậy, Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 đã quy định và nêu lên định nghĩa về doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cụ thể như sau: “Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Từ đây, ta có thể hiểu được phần nào sự mất khả năng thanh toán của cá nhân. Bên cạnh đó, ta có thể nhận thấy rằng Luật Phá sản 2014 không sử dụng khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản” mà lại sử dụng cụm từ “mất khả năng thanh toán”, đây là một trong những điểm khác biệt so với Luật Phá sản 2004. Việc định mất khả năng thanh toán và có nguy cơ cần được bảo hộ phá sản khả năng “không thể thực hiện việc thanh toán” thay thế cho cụm từ “không có khả năng thanh toán” trước đó. Ngoài ra, thời điểm được ở đây được xác định trên cơ sở trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán thay vì “khi chủ nợ yêu cầu”. Đối với các quốc gia khác, đây có thể là trường hợp bảo hộ phá sản nhằm bảo vệ quyên và lợi ích cho các chủ thể liên quan, tất nhiên chúng cũng sẽ được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định.