Báo cáo tài chính là một hoạt động quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi cá nhân hay tổ chức. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thực chất được coi như một cuốn phim quay chậm phản ánh kết quả hoạt động của một doanh nghiệp trong một thời kì. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng về bản chất được hiểu là báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong đó mỗi khoản mục được biểu thị bằng phần trăm giá trị của doanh thu. Thuật ngữ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng vẫn còn khá xa lạ với nhiều người.
Mục lục bài viết
1. Báo cáo tài chính:
Định nghĩa báo cáo tài chính:
Báo cáo tài chính trong tiếng Anh gọi là Financial Statements. Báo cáo tài chính được sử dụng nhằm để phản ánh tổng hợp các số liệu tài chính quan trọng của doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định.
Hay có thể hiểu như sau: Báo cáo tài chính là hệ thống các bảng biểu, mô tả thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp.
Phân loại báo cáo tài chính:
Theo chế độ tài chính hiện hành, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm các loại báo cáo sau đây:
– Bảng cân đối kế toán.
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Một số lưu ý khi sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp:
Sau khi nghiên cứu nội dung của hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau đây khi sử dụng báo cáo tài chính:
– Thứ nhất: Báo cáo tài chính chỉ phản ánh những dữ kiện tài chính, chưa phản ánh một cách đầy đủ các nguồn lực mà doanh nghiệp sử dụng.
Ví dụ cụ thể như Bảng cân đối kế toán mới chỉ phản ánh nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp sử dụng để tạo ra kết quả hoạt động kinh doanh, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp còn được tạo ra bởi các nguồn lực như trình độ đội ngũ lao động, vị trí địa lí thuận lợi, thương hiệu…
– Thứ hai: Số liệu trên báo cáo tài chính mới chỉ phản ánh cụ thể theo giá gốc, không phản ánh theo giá thị trường. Trong khi đa số mọi quyết định quản trị lại tùy thuộc vào giá trị trường để làm căn cứ.
Ví dụ cụ thể như doanh nghiệp muốn bán một số tài sản để lấy tiền trả nợ thì số tài sản trên Bảng cân đối kế toán lại được phản ánh theo giá trị gốc, trong khi giá thị trường hiện hành mới là giá trị có thể sử dụng để đảm bảo cho nhu cầu thanh toán.
– Thứ ba: Các nhà quản lí có thể tác động vào những con số trên bản báo cáo tài chính nhằm để có thể đạt được một mục đích nào đó.
Ví dụ cụ thể như các chủ thể là nhà quản lí muốn thay đổi kết quả hoạt động kinh doanh có thể thay đổi phương pháp khấu hao tài sản cố định, thay đổi phương pháp tính giá vốn hàng bán, thay đổi mức trích lập dự phòng…
– Thứ tư: Lạm phát có thể ảnh hưởng đến giá trị thực của tài sản và hiệu quả công ty.
Khi một công ty muốn đạt được tỉ suất lợi nhuận cao cũng chưa hoàn toàn là làm tăng giá trị của chủ sở hữu, điều đó còn tùy thuộc vào mức độ trượt giá do lạm phát như thế nào. Nếu lạm phát cao thì cho dù có đạt được lợi nhuận cũng có thể cho chủ sở hữu bị tổn thất giá trị tài sản. Vì vậy, con số trên báo cáo tài chính cần lưu ý là chưa tính đến ảnh hưởng của lạm phát.
Kết luận:
Dựa vào các phân tích được nêu trên và sau khi nghiên cứu hệ thống báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, chúng ta cần chú ý rằng, mỗi một báo cáo tài chính sẽ đều có một tác dụng nhất định. Nhưng bởi vì mục tiêu của tài chính là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, nên mối quan tâm lớn nhất đối với nhà quản trị tài chính là hiểu và xác định được dòng tiền thực tế chứ không phải là lợi nhuận kế toán, vì mọi quyết định tài chính đều dựa trên dòng tiền sau thuế.
Chính vì vậy, để các chủ thể có thể đưa ra quyết định tài chính hiệu quả thì nhà quản trị tài chính cần thiết phải điều chỉnh, sắp xếp lại báo cáo tài chính phù hợp để xác định được dòng tiền có liên quan đến việc phân tích, đánh giá và ra quyết định tài chính.
2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Định nghĩa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong tiếng Anh gọi là Profit and Loss Statement, viết tắt là P&L. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh còn được biết đến với tên gọi là Income Statement.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh một cách tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh trong một kì kế toán.
Đặc trưng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Số liệu trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã cung cấp những thông tin tổng hợp nhất về kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong kì và các số liệu này cũng đã chỉ ra rằng, các hoạt động đó đem lại lợi nhuận hay bị lỗ, bên cạnh đó, thông qua báo cáo nó còn phản ánh tình hình sử dụng các tiềm năng về vốn, lao động, kĩ thuật và kinh nghiệm quản lí, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ý nghĩa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là loại báo cáo tài chính được các chủ thể liên quan đến doanh nghiệp rất quan tâm, vì nó cung cấp các số liệu về kết quả hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp đã thực hiện trong một kì. Đối với các chủ thể là nhà quản trị tài chính thì các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh còn được sử dụng như một bản hướng dẫn để dự tính xem doanh nghiệp sẽ hoạt động ra sao trong tương lai.
Kết cấu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh tình hình lãi, lỗ trong các kì. Các chỉ tiêu trên báo cáo được sắp xếp để phản ánh phương trình:
Doanh thu – Chi phí = Lợi nhuận
– Theo chế độ kế toán hiện hành, hoạt động của một doanh nghiệp được chia thành hoạt động kinh doanh và hoạt động khác, trong đó hoạt động kinh doanh bao gồm hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính.
– Nguyên tắc lập báo cáo kết quả kinh doanh là phải phản ánh được từng loại doanh thu (doanh thu hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác) và các chi phí đã bỏ ra để đạt được doanh thu đó. Phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí bỏ ra là lợi nhuận.
Nội dung báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
– Doanh thu thuần từ bán hàng = Doanh thu bán hàng – Các khoản giảm trừ doanh thu.
Trong đó:
Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, giá trị hàng bán bị trả lại và các khoản thuế gián thu được tính trong giá bán.
– Giá vốn hàng bán là tổng các chi phí sản xuất của số sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ trong kì. Giá vốn hàng bán được kế toán xác định theo một trong các phương pháp: nhập trước xuất trước, nhập sau xuất trước, bình quân gia quyền …
– Đối với chỉ tiêu lợi nhuận, do mỗi doanh nghiệp có một cơ cấu nguồn vốn có thể khác nhau, thuế suất có thể khác nhau, lượng tài sản sử dụng cho hoạt động kinh doanh khác nhau, nên để đảm bảo việc so sánh và đánh giá tình hình tài chính, nhà quản trị tài chính có thể xác định chỉ tiêu lợi nhuận như sau:
+ Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) = Doanh thu thuần bán hàng – Giá vốn bán hàng – Chi phí bán hàng – Chi phí quản lí doanh nghiệp.
Hoặc EBIT = Doanh thu thuần – Tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh
+ Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh = EBIT – Lãi vay vốn phải trả trong kì.
+ Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế x (1 – thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp)
Hạn chế của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Lợi nhuận được hiểu là một bút toán và chịu ảnh hưởng lớn của quyết định lựa chọn chính sách kế toán của doanh nghiệp. Các nhà quản lí thông thường sẽ can thiệp một cách có mục đích vào việc xác định lợi nhuận và có thể làm sai lệch con số này. Hoạt động này được gọi là quản trị lợi nhuận. Tuy nhiên, quan trị lợi nhuận không tạo ra thêm giá trị của dòng tiền. Chính bởi vì vậy mà các chủ thể là nhà phân tích cần kết hợp với phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ để đánh giá chất lượng của lợi nhuận.
3. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng:
Khái niệm báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng:
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng được hiểu cơ bản là báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong đó mỗi khoản mục được biểu thị bằng phần trăm giá trị của doanh thu.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng sẽ giúp phân tích và so sánh hiệu suất của một công ty trong nhiều giai đoạn với các số liệu bán hàng khác nhau. Sau đó, các tỉ trọng được so sánh với các đối thủ cạnh tranh để xác định hiệu quả hoạt động so với ngành.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng trong tiếng Anh là gì?
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng trong tiếng Anh là Common Size Income Statement.
Nội dung báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng:
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng giúp dễ dàng nhìn thấy những yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của công ty. Đồng thời, nó cũng giúp làm nổi bật các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty. Người dùng báo cáo tài chính có thể dễ dàng so sánh hiệu suất tài chính với các công ty cùng ngành.
Báo cáo tài chính theo tỉ trọng sẽ giúp các chủ thể là nhà đầu tư phát hiện ra các xu hướng mà báo cáo tài chính chuẩn (standard financial statement) có thể không phát hiện ra. Vì thực chất các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo tỉ trọng đã giúp làm nổi bật bất kì xu hướng nào theo thời gian, cho dù những xu hướng đó là tích cực hay tiêu cực.
Những thay đổi lớn về tỉ lệ phần trăm trên doanh thu so với các loại chi phí khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định có thể là dấu hiệu cho thấy mô hình kinh doanh, hiệu suất bán hàng hoặc chi phí sản xuất đang thay đổi.
Phân tích báo cáo tài chính theo tỉ trọng cũng có thể được áp dụng cho bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.