Ánh trăng của Nguyễn Duy là một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị và hiền hậu. Bên cạnh đó, tác giả cũng muốn nhắc nhở về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lối sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Mời các bạn tham khảo bài viết Bài thơ Ánh trăng (In trong tập Ánh trăng) của Nguyễn Duy
Mục lục bài viết
1. Đôi nét về tác giả Nguyễn Duy :
* Tiểu sử
– Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở làng Quảng Xá, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.
– Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam.
– Năm 1966, Nguyễn Duy gia nhập quân đội, vào binh chủng Thông tin, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường.
– Sau năm 1975, ông chuyển vào làm báo Văn nghệ giải phóng.
– Từ năm 1977, Nguyễn Duy đại diện thường trú báo Văn nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
– Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
– Ông còn được trao giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972 – 1973.
– Ông trở thành gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước và tiếp tục bền bỉ sáng tác.
* Sự nghiệp văn học
– Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa.
– Một số tác phẩm: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1978), Đãi cát tìm vàng (1987), Đường xa (1989), Quà tặng (1990)…
2. Đôi nét về Bài thơ Ánh trăng:
2.1. Tìm hiểu chung:
* Hoàn cảnh sáng tác
– Nguyễn Duy viết bài thơ “Ánh trăng” vào năm 1978, sau khi hòa bình được lập lại được 3 năm.
– Bài thơ được in trong tập thơ “Ánh trăng” – tập thơ đạt giải A của Hội nhà Văn Việt Nam năm 1984.
* Bố cục (3 phần)
– Hai khổ đầu: Vầng trăng trong quá khứ.
– Hai khổ tiếp: Vầng trăng trong hiện tại.
– Hai khổ cuối: Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.
2.2. Tìm hiểu chi tiết:
* Vầng trăng trong quá khứ
– Hồi nhỏ sống với đồng, với sông, với bể -> Điệp từ “với” được lặp lại ba lần càng tô đậm thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên, với những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ.
– “Hồi chiến tranh ở rừng” – những năm tháng gian khổ, ác liệt thời chiến tranh,“vầng trăng thành tri kỉ” – trăng là người bạn thân thiết, tri âm tri kỉ, là đồng chí cùng chia sẻ những vui buồn trong chiến trận với người lính – nhà thơ.
-> Hành quân giữa đêm, trên những nẻo đường chông gai ra mặt trận, những phiên gác giữa rừng khuya lạnh lẽo, những tối nằm yên giấc dưới màn trời đen đặc, người lính đều có vầng trăng bên cạnh.
– “không…quên…vầng trăng tình nghĩa” -> thể hiện tình cảm thắm thiết với vầng trăng.
=>Vầng trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành,cả trong hạnh phúc và gian lao. Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình.
* Vầng trăng trong hiện tại
– Hoàn cảnh sống: đất nước hòa bình.
-> Hoàn cảnh sống thay đổi: xa rời cuộc sống giản dị của quá khứ, con người được sống sung túc trong “ánh điện cửa gương” – cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại,xa rời thiên nhiên.
– “Vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”:
+ Vầng trăng bây giờ đối với người lính năm xưa giờ chỉ là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào đó.
+ Biện pháp nhân hóa, so sánh-> “Vầng trăng tình nghĩa” trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ”, vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa, nhưng con người đã quên trăng, hờ hững, lạnh nhạt, dửng dưng đến vô tình. Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay biết.
-> Rõ ràng, khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm.Nói chuyện quên nhớ ấy, nhà thơ đã phản ánh một sự thực trong xã hội thời hiện đại.
– Con người gặp lại vầng trăng trong một tình huống bất ngờ:
+ Tình huống: mất điện, phòng tối om.
+ “Vội bật tung”: vội vàng, khẩn trương -> bắt gặp vầng trăng.
-> Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài. Chính cái khoảnh khắc bất ngờ ấy đã tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc của nhà thơ.
* Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng
– Từ “mặt” được dùng với nghĩa gốc và nghĩa chuyển – mặt trăng, mặt người – trăng và người cùng đối diện đàm tâm.
– Với tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” người đọc cảm nhận sự lặng im, thành kính và trong phút chốc cảm xúc dâng trào khi gặp lại vầng trăng: “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”,cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.
– Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng – biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng,những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm.
-> Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.
– Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu.
– Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.
* Giá trị nội dung
– Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.
– Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
* Giá trị nghệ thuật
– Thể thơ 5 chữ, phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với trữ tình.
– Giọng thơ mang tính tự bạch, chân thành sâu sắc.
– Hình ảnh vầng trăng – “ánh trăng” mang nhiều tầng ý nghĩa.
3. Dàn ý phân tích Bài thơ Ánh trăng:
* Mở bài
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Duy, bài thơ Ánh trăng.
* Thân bài
Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ và hiện tại
– Khổ 1 và 2: Ánh trăng trong quá khứ
+ “Hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh”: dấu mốc thời gian.
+ Phép liệt kê tăng cấp: “đồng”, “sông”, “bể” – không gian mở rộng từ quê hương đến đất nước.
+ “vầng trăng thành tri kỉ”: khi đất nước có chiến tranh, trong những năm tháng gian khổ phải ở nơi rừng núi, ánh trăng đã trở thành người bạn gắn bó.
+ Hình ảnh “trần trụi với thiên nhiên”, “hồn nhiên như cây cỏ” : gợi lối sống đơn giản, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên.
+ Từ “ngỡ”: nghĩ vậy, tưởng vậy mà kết quả lại không được như vậy.
+ “Cái vầng trăng tình nghĩa”: hình ảnh nhân hóa, khẳng định mối quan hệ gắn bó khăng khít.
– Khổ 3: Ánh trăng ở hiện tại
+ “Hồi về thành phố”: khi chiến tranh kết thúc, người lính từ giã núi rừng để trở về thành phố hiện đại.
+ “quen ánh điện cửa gương” chỉ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, hiện đại.
+ Hình ảnh so sánh: “vầng trăng đi qua ngõ/như người dưng qua đường” – sự lãng quên, bội bạc của con người.
Tình huống gặp lại vầng trăng
– Tình huống bất ngờ: từ “thình lình”, “đột ngột” – mất điện khiến “phòng buyn-đinh tối om”.
– Hành động của nhân vật trữ tình: “vội bật tung cửa sổ” – khẩn trương, mạnh mẽ tìm nguồn ánh sáng.
– Ánh trăng tròn bỗng nhiên xuất hiện: khiến con người bỗng cảm thấy bàng hoàng, xúc động.
Cảm xúc và suy ngẫm của nhà thơ
– Tư thế đối mặt “ngửa mặt lên nhìn mặt”: trực tiếp đối mặt
– Cảm xúc khi đối mặt với vầng trăng:
+ Có cái gì rưng rưng: sự xúc động, nghẹn ngào
+ Như là đồng là bể/như là sống là rừng: nhớ lại kỉ niệm của những năm tháng chiến tranh, bên đồng đội, bên vầng trăng.
– “Trăng cứ tròn vành vạch”: hình ảnh tả thực miêu tả độ tròn đầy của ánh trăng, hình ảnh biểu tượng thể hiện tình nghĩa trọn vẹn, thủy chung của thiên nhiên.
– Hình ảnh nhân hóa “kể chi người vô tình/ánh trăng im phăng phắc”: thái độ bao dung trước sự vô tình của con người.
– Câu thơ cuối “đủ cho ta giật mình”: sự thức tỉnh của con người.
* Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Ánh trăng”.