Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu sống của con người ngày càng nâng cao. Điều này dẫn đến những áp lực mà ta phải đối diện cũng ngày càng lớn, đặc biệt là áp lực công việc. Vậy áp lực công việc là gì? Các cách để vượt qua áp lực công việc?
Mục lục bài viết
1. Áp lực công việc là gì?
1.1. Khái niệm áp lực công việc:
– Áp lực công việc được hiểu là những căng thẳng, lo lắng mà mỗi cá nhân gặp phải trong quá trình làm việc. Hay nói cách khác, áp lực công việc là trạng thái bản thân cảm giác mệt mỏi, bế tắc, chán chường, không còn cảm giác thích thú làm bất cứ điều gì, không còn động lực để hoàn thành công việc của mình.
– Hiện nay, số lượng người rơi vào tình trạng áp lực công việc ngày càng nhiều. Tỷ lệ người rơi vào tình trạng khủng hoảng này khá cao. Gánh lo công việc trên vai họ vô cùng lớn. Và những người này không tìm ra cách thức thoát khỏi tình trạng áp lực trong công việc.
– Áp lực công việc có thể hiểu ở những phương diện sau:
+ Áp lực về bản chất của công việc: Có những công việc mà đặc thù của nó mang tính tỉ mẩn, chuẩn xác cao, yêu cầu người làm phải hoàn thiện nó đến độ chuẩn xác gần như tối đa. Điều này được xem là áp lực đối với người làm. Nếu làm sai, đời sống của họ trực tiếp bị ảnh hưởng (trừ lương, mất việc làm…)
+ Áp lực về số lượng công việc mà cá nhân phải hoàn thành: Có những người đi làm luôn trong trạng thái chạy đua với thời gian để đưa ra số lượng kết quả tốt nhất cho người sử dụng lao động. Số lượng công việc quá tải. Điều này khiến con người cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Đặc biệt là nỗi lo không đạt được chỉ tiêu công việc.
+ Áp lực về tiêu chí mà lãnh đạo đề ra đối với người lao động: thực tế có rất nhiều người đi làm rơi vào trạng thái căng thẳng, sợ hãi khi tiếp xúc với lãnh đạo của mình. Bởi lãnh đạo nơi làm việc đưa ra những quy tắc khắt khe về công việc, cứng nhắc, nghiêm khắc với người lao động. Cách hành xử, tính cách của cấp trên là một trong lý do khiến người lao động bị áp lực khi làm việc.
+ Áp lực về đồng nghiệp: Trong bất kỳ công việc nào, cá nhân cũng luôn phải tiếp xúc, hoạt động với nhiều cá thể khác. Không phải lúc nào họ cũng tìm được cho mình những đồng nghiệp thuận tình, thuận lý, chung quan điểm với họ. Bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, đồng nghiệp khó tính,..là những vấn đề chủ yếu diễn ra trong môi trường làm việc, nó khiến cá nhân cảm thấy nặng nề, chán chường, dần dẫn đến tình trạng áp lực.
+ Áp lực của người sử dụng lao động, người lãnh đạo: đối với những người này, áp lực của họ cũng vô cùng lớn, ví dụ như áp lực về các vấn đề quản lý nhân sự, giám sát quá trình vận hành, nhu cầu phúc lợi của người lao động, quản lý tài chính,…
Đây được xem là những phương diện chủ yếu của áp lực công việc. Những phương diện này là những vấn đề quen thuộc, mà đa số cá nhân bước vào môi trường làm việc bất kỳ đều gặp phải.
Những người bị áp lực công việc thường có những biểu hiện như: Lo lắng, bồn chồn, dễ nóng nảy, thường xuyên thấy mệt mỏi, khó tập trung, mất ngủ,…
1.2. Nguyên nhân của áp lực công việc:
Tương ứng với những phương diện thể hiện đã được phân tích ở phần trên, áp lực công việc có những nguyên nhân chủ yếu sau:
– Trách nhiệm công việc cao: Khi đảm nhận bất kỳ công việc gì, bạn luôn phải đối mặt với những áp lực. Tuy nhiên, áp lực mà bạn phải chịu còn phụ thuộc vào vị trí của bạn là cao hay thấp. Nếu bạn có vụ cao, trách nhiệm của bạn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ví dụ: Anh A là trưởng phòng marketing của công ty tài chính. Trách nhiệm của anh lớn hơn rất nhiều so với những nhân viên phòng ban khác. Do đó, áp lực công việc của anh sẽ nhiều và lớn hơn nhiều cá nhân khác.
– Môi trường làm việc kém: Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến việc căng thẳng trong công việc. Ví dụ: những vị trí nghề nghiệp thường phải tiếp xúc với các tác nhân nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao, đồng nghiệp gây khó khăn,… sẽ dẫn đến việc cá nhân cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và sợ đi làm.
– Khối lượng công việc cao: Việc mỗi ngày phải đối diện với một núi công việc không biết bao giờ mới có thể hoàn thiện khiến bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, thậm chí là kiệt quệ sức lực.
1.3. Tác hại của áp lực công việc:
– Sức khỏe giảm sút.
– Luôn trong trạng thái căng thẳng, không thể vui vẻ để tận hưởng cuộc sống thường nhật.
– Lo lắng, căng thẳng lâu ngày rất dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi cá nhân và người thân xung quanh họ.
2. Các cách vượt qua áp lực công việc:
Áp lực công việc, nghe tưởng chừng bình thường, nhưng lâu dần, nó mang đến những hệ lụy, hậu quả khôn lường cho con người. Vì vậy, mỗi cá nhân cần tìm cho mình những cách thức để vượt qua áp lực công việc để sống vui, sống khỏe.
Dưới đây là một số cách vượt qua áp lực công việc:
– Lên một lịch trình làm việc khoa học:
Một trong những lý do khiến ta rơi vào trạng thái áp lực trong công việc là không biết bố trí và phân bổ thời gian tương ứng với tầm quan trọng của từng công việc, khiến ta bị ngợp trong đống công việc cần được giải quyết và hoàn thành. Vì vậy, để hóa giải, cá nhân cần phải lên một lịch trình làm việc, sắp xếp công việc, thời gian hợp lý. Sau khi sắp xếp lịch trình xong, bạn chỉ cần thực hiện tuần tự các công việc theo lịch trình là được. Điều này giảm thiểu đáng kể những căng thẳng và trạng thái rối trong tâm lý của con người trước công việc.
– Luôn dành một khoảng thời gian nhất định để thư giãn và nghỉ ngơi:
Rất nhiều người bị ám ảnh với công việc. Vì quá lo lắng đến việc hoàn thành tốt công việc được hay không, họ không cho bản thân được nghỉ ngơi. Ta luôn nghĩ dành trọn thời gian cho công việc thì sẽ đạt hiệu suất việc làm tốt nhất, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy; điều này chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, tâm trạng ngày càng thêm lo lắng hơn mà thôi. Vì vậy, bạn cần phải hòa hợp được hai yếu tố: Làm và Nghỉ. Phải biết đặt lệnh dừng cho hoạt động làm việc. Có như vậy, cơ thể mới được nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Đặc biệt, không đẩy bản thân vào tình trạng lo lắng, áp lực quá độ.
– Thay đổi không gian làm việc:
Khi bạn gặp phải áp lực trong công việc thì bất kể điều gì cũng có thể gây cho bạn sự khó chịu. Vì vậy nếu có thể hãy thay đổi không gian và môi trường làm việc. Hãy tìm kiếm một không gian mà ở đó bạn không bị làm phiền in và tạo cảm hứng cho bạn.
– Đơn giản hóa mọi vấn đề:
Rất nhiều người luôn suy nghĩ, làm nghiêm trọng hóa mọi vấn đề mà họ gặp phải. Ví dụ: Tài liệu ghi thiếu thông tin, sếp quở trách, đồng nghiệp nói xấu,… Việc suy nghĩ nhạy cảm, làm phức tạp hóa vấn đề khiến bản thân bạn luôn trong tình trạng bồn chồn, lo lắng, mệt mỏi. Vấn đề càng kéo dài, áp lực càng lên cao. Vì vậy, hãy cố gắng đơn giản hóa mọi chuyện. Làm sai, làm thiếu thì bổ sung; bị khiển trách thì thoải mái đón nhận và cố gắng thay đổi. Điều quan trọng là ta ngừng lo lắng về những vấn đề xấu đã, đang và có thể xảy ra. Đơn giản mọi chuyện và hướng đến những điều tích cực nhất.
– Nâng cao sức khỏe của bản thân:
Một trong những biểu hiện của áp lực công việc đó là căng thẳng mệt mỏi. Như vậy cách để vượt qua áp lực công việc đó là hãy liên tục rèn luyện nâng cao sức khỏe bản thân. Khi bạn có sức khỏe tốt bạn sẽ có năng lượng dồi dào để giải quyết công việc một cách tốt nhất. Kể cả trong tình huống khó khăn, nền tảng sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn sẽ giúp bạn sáng suốt lựa chọn và giải quyết vấn đề. Vậy nên, hãy tập thói quen dành ra một chút thời gian để rèn luyện sức khỏe. Chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ cũng là cách để giúp bạn có một sức khỏe tốt. Khi gặp phải những công việc khó khăn và áp lực hãy bổ sung thêm vitamin, và thực phẩm giàu năng lượng. Việc này sẽ giúp bạn tăng năng lực xử lý của não bộ. Hơn hết, nâng cao sức khỏe chính là đang chăm chút, thể hiện tình yêu với chính mình. Chỉ khi yêu chính mình, bạn mới có năng lượng tìm cách bảo vệ bản thân khỏi những áp lực, mệt mỏi.
– Từ bỏ công việc không phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân:
Mọi khó khăn, áp lực trong công việc đều có thể giải quyết nếu bạn có nền tảng tiên quyết, đó là tình yêu với công việc đó. Nếu không yêu thích công việc của mình, gắng gượng với công việc không phù hợp với bản thân, bạn sẽ ngày càng rơi vào khủng hoảng, lo lắng, căng thẳng, không có cách nào thoát ra. Vậy nên, từ bỏ công việc không phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân cũng là một trong những cách hiệu quả để bạn bảo vệ mình khỏi những áp lực công việc.
Áp lực công việc là điều mà ta không thể tránh khỏi khi bước vào môi trường lao động. Tuy nhiên, điều chỉnh những áp lực đó, để nó không hủy hoại cuộc đời mình lại là ý chí của mỗi người. Xác định được những áp lực mà bản thân gặp phải, thấy được tác hại của áp lực công việc gây ra, mỗi người cần đưa ra cho mình những biện pháp, cách thức để khắc phục những tác hại đó.