Đông Nam Á là khu vực nằm ở phía Đông Nam châu Á, có vị trí địa lý án ngữ tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Trong lịch sử, Đông Nam Á bị các quốc gia thực dân phương Tây và phát xít Nhật đô hộ. Tuy nhiên sau khi đấu tranh giành lại độc lập thì Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ. Vậy đặc điểm kinh tế các nước Đông Nam Á như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm kinh tế các nước Đông Nam Á:
1.1. Nền kinh tế của các nước Đông Nam Á phát triển khá nhanh, song chưa vững chắc:
– Nửa đầu thế kỉ XX, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa, kinh tế lạc hậu, tập trung vào sản xuất lương thực.
– Ngày nay, việc sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu vẫn chiếm vị trí đáng kể trong kinh tế nhiều nước Đông Nam Á.
– Nhờ nguồn tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài… kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng nhanh, nhiều thời kì cao hơn nhiều mức trung bình thế giới.
– Song, nền kinh tế châu Á song chưa ổn định, gặp phải các thời kì suy thoái kinh tế: năm 1997 – 1998 cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan ra các nước trong khu vực và kéo theo sự suy giảm kinh tế của nhiều nước.
– Việc bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình phát triển kinh tế.
1.2. Cơ cấu kinh tế đang có những thay đổi:
– Quá trình công nghiệp hóa làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng:
+ Giảm tỉ trọng nông nghiệp.
+ Tăng tỉ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, trong đó đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
* Nông nghiệp:
– Cây lương thực: cây chính là lúa, phân bố ở đồng bằng châu thổ, ven biển.
– Cây công nghiệp nhiệt đới rất đa dạng, giá trị cao, phân bố trên các cao nguyên màu mỡ.
* Công nghiệp:
– Phổ biến các ngành: luyện kim, chế tạo máy, hóa chất, lọc dầu, thực phẩm…
– Phân bố: các trung tâm công nghiệp gần biển thuận tiện trao đổi hàng hóa.
2. Đông Nam Á đang là điểm sáng về phát triển kinh tế trên thế giới:
Dựa trên báo cáo dự báo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, trong khi các nền kinh tế tiên tiến sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024, thì các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều. IMF dự báo mức tăng trưởng 5,9% ở Philippines, 5% ở Indonesia, 4,7% ở Việt Nam, 2,7% ở Thái Lan và 4% ở Malaysia. Do đó, Đông Nam Á vẫn được đánh giá là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới năm 2024.
Cụ thể, tại Singapore được dự báo sẽ thoát khỏi tình trạng trì trệ mà nước này phải gánh chịu trong năm 2023, và tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn vào năm 2024. Chính phủ dự báo mức tăng trưởng của nước này vào năm 2024 sẽ đạt từ 1 – 3%, nhờ kỳ vọng vào nhu cầu điện tử toàn cầu sẽ phục hồi – một lĩnh vực then chốt của Singapore. Thư ký thường trực của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Gabriel Lim cho biết, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ chậm lại hơn nữa do các điều kiện tài chính tiếp tục bị thắt chặt.
Bên cạnh đó, khi Mỹ đưa ra Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS và Khoa học, kèm theo căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc đã mở ra cánh cửa về công nghệ đến các nước Đông Nam Á. Các nhà sản xuất Mỹ đã dần chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, xuất khẩu công nghệ cao đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ, tính theo giá trị xuất khẩu.
3. Câu hỏi trắc nghiệm kèm lời giải:
Câu 1: Đặc điểm nền kinh tế các nước Đông Nam Á nửa đầu thế kỉ XX là:
A. Phát triển khá nhanh, vững chắc.
B. Tốc độ công nghiệp hóa cao.
C. Nền kinh tế lạc hậu.
D. Phát triển toàn diện.
Lời giải:
Nửa đầu thế kỉ XX, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa với nền kinh tế lạc hậu.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 2: Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997 – 1998 bắt đầu từ quốc gia nào?
A. Thái Lan
B. Cam-pu-chia
C. Lào
D. Mi-an-ma
Lời giải:
Những năm 1997 – 1998 cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan ra các nước trong khu vực và kéo theo sự suy giảm kinh tế của nhiều nước.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 3: Các nước Đông Nam Á đang thực hiện quá trình kinh tế nào?
A. Toàn cầu hóa
B. Điện khí hóa
C. Công nghiệp hóa
D. Tự động hóa
Lời giải:
Các nước Đông Nam Á hiện nay đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa đất nước bằng cách phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 4: Ngành kinh tế đang có xu hướng giảm dần tỉ trọng trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á đó là?
A. Nông nghiệp
B. Công nghiệp
C. Xây dựng
D. Dịch vụ
Lời giải:
Hiện nay, thực hiện quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, cơ cấu ngành kinh tế các nước Đông Nam Á có sự thay đổi theo hướng: giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 5: Trong nửa đầu thế kỉ XX, ngành kinh tế không phải là ngành chính ở Đông Nam Á là?
A. Sản xuất lương thực
B. Trồng cây công nghiệp.
C. Khai khoáng
D. Điện tử – tin học
Lời giải:
Trong nửa đầu thế kỉ XX, các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa, cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất lương thực, ngoài ra còn trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản cung cấp nguyên liệu cho các nước đế quốc.
Công nghiệp điện tử – tin học không phải là ngành kịnh tế chính ở các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn này.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 6: Điều kiện không phải là thuận lợi để phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á là?
A. Giàu tài nguyên thiên nhiên
B. Thường xuyên xảy ra thiên tai
C. Nhân công dồi dào
D. Tranh thủ được vốn nước ngoài
Lời giải:
Khu vực Đông Nam Á có khí hậu thời tiết diễn biến thất thường, thường xuyên xảy ra các thiên tai như bão, lũ, hạn hán, nhiều nơi có động đất sóng thần (Phi-lip-pin) ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 7: Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Thái Lan đã không dẫn đến tác động nào sau đây?
A. Hàng hóa xuất khẩu tăng vọt
B. Sản xuất ngưng trệ
C. Mức tăng trưởng giảm
D. Nhiều công nhân thất nghiệp
Lời giải:
Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1997 – 1998 bắt đầu từ Thái Lan sau đó lan ra các nước trong khu vực và kéo theo sự suy giảm kinh tế của nhiều nước, mức tăng trưởng giảm, sản xuất bị đình trệ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.
Cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho hàng hóa xuất khẩu tăng vọt là sai.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 8: Trong phát triển kinh tế, các quốc gia Đông Nam Á cần quan tâm đến vấn đề?
A. Giải quyết nguồn lao động.
B. Tìm kiếm thị trường mới.
C. Khai thác triệt để tài nguyên
D. Bảo vệ môi trường
Lời giải:
Trong quá trình phát triển kinh tế, các quốc gia Đông Nam Á cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường: vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức đã làm cho cảnh quan thiên nhiên bị phá hoại, đe dọa sự phát triển bền vững của khu vực, nhiều cánh rừng bị khai thác kiệt quệ, nguồn nước, không khí bị ô nhiễm nặng bởi các chất phế thải, đặc biệt là các trung tâm công nghiệp.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 9: Quốc gia Đông Nam Á không có thế mạnh trong ngành khai thác hải sản biển tại Đông Nam Á đó là?
A. Lào
B. Thái Lan
C. Singapore
D. Brunei
Lời giải:
Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không tiếp giáp biển, bốn bề được bao bọc bởi lục địa. Do vậy, Lào không có thế mạnh trong ngành khai thác hải sản biển tại Đông Nam Á.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 10: Đâu không phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước Đông Nam Á?
A. Lương thực, thực phẩm.
B. Hàng tiêu dùng (dệt may, gia dày..)
C. Hàng điện tử.
D. Máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại.
Lời giải:
Mặt hàng thiết bị máy móc sản xuất hiện đại là hàng xuất khẩu chủ lực của các nước phát triển có trình độ cao. Các nước Đông Nam Á chủ yếu là các quốc gia đang phát triển, chưa được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất -> chưa đủ trình độ kĩ thuật để sản xuất máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 11: Công nghiệp thực phẩm có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu nhờ
A. nguồn lao động dồi dào, giá rẻ.
B. khoa học kĩ thuật phát triển, nhiều máy móc hiện đại.
C. nguồn nguyên liệu từ nông – lâm – thủy sản dồi dào.
D. thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Lời giải:
Các nước Đông Nam Á có ngành sản xuất nông nghiệp phát triển nhờ có nhiểu lợi thế trong phát triển trồng trọt (cây lương thực, cây công nghiệp), chăn nuôi và đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Đem lại nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm (chế biến sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, chế biến thủy sản).
Đáp án cần chọn là: C
Câu 12: Vấn đề quan trọng nhất trong phát triển bền vững nền kinh tế các nước Đông Nam Á là
A. Áp dụng nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại trong sản xuất.
B. Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
C. Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
D. Thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài.
Lời giải:
Các nước Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và tài nguyên trong quá trình phát triển kinh tế: hoạt động sản xuất không có sự kiểm soát đã gây nên vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước; việc khai thác tài nguyên quá mức cũng làm cạn kiệt nhiều loại tài nguyên quan trọng. Nếu không có biện pháp can thiệp hợp lí, tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên sẽ còn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 13: Nền kinh tế các nước Đông Nam Á phát triển khá nhanh song chưa vững chắc, nguyên nhân chủ yếu không phải do
A. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á.
B. Chưa áp dụng được công nghệ hiện đại trong các ngành sản xuất.
C. Vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
D. Tài nguyên thiên nhiên hạn chế, đặc biệt cho phát triển công nghiệp.
Lời giải:
Các nước Đông Nam Á tiến hành công nghiệp hóa nhưng kinh tế phát triển chưa vững chắc, do:
– Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 -1998 đã làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
– Chưa áp dụng được công nghệ hiện đại trong các ngành sản xuất, còn phụ thuộc vào các nước phát triển. Chưa có chính sách thực sự đúng đắn cho sự phát triển công nghiệp- dịch vụ.
– Việc bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình phát triển kinh tế của nhiều nước đã làm cho cảnh quan thiên nhiên bị phá hoại, đe dọa sự phát triển bền vững của khu vực (ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên,..).
Tài nguyên thiên nhiên của khu vực Đông Nam Á rất đa dạng và giàu có (hải sản, khoáng sản, biển, rừng) đem lại nguồn nguyên liệu cho phát triển các ngành sản xuất. Do vậy nhận xét, do tài nguyên thiên nhiên của khu vực còn hạn chế cho phát triển kinh tế – công nghiệp là không đúng.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 14: Nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho Thái Lan có thể nhanh chóng vươn lên phát triển nhanh so với các nước khác trong khu vực là
A. Tận dụng tối đa nguồn lao động.
B. Tận dụng tốt nguồn đầu tư bên ngoài.
C. Có nguồn tài nguyên phong phú.
D. Không trực tiếp bị các nước đế quốc xâm lược.
Lời giải:
Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng nền kinh tế kém phát triển, lạc hậu đó là do hậu quả bị các nước đế quốc xâm lược, kinh tế chậm phát triển, sau khi giành lại được độc lập thì phải tập trung hàn gắn vết thương xây dựng lại đất nước.
Tuy nhiên, Thái lan trong giai đoạn đó lại không bị các nước đế quốc trực tiếp xâm lược mà chỉ bị phụ thuộc và chính trị. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Thái Lan có thể nhanh chóng vươn lên xây dựng đất nước sau khi giành lại hoàn toàn độc lập, khác với các quốc gia khác phải khôi phục sau chiến tranh.
Điều kiện này là tiền đề quan trọng nhân giúp Thái Lan vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á hiện nay bên cạnh những thuận lợi về tài nguyên và nguồn lao động dồi dào.
Đáp án cần chọn là: D
THAM KHẢO THÊM: