Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt là một tác phẩm đầy cảm xúc và tinh tế, gợi lại những kỷ niệm và suy ngẫm về người bà và tình bà cháu. Dưới đây là các dạng đề bài, bài thi về Bếp lửa lớp 9 ôn thi vào 10. Xin mời các em học sinh cùng tham khảo bài viết sau.
Mục lục bài viết
1. Tổng hợp các đề đọc hiểu bài thơ “Bếp lửa”:
Đề 1:
Cho đoạn thơ sau:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Câu 1: Đoạn thơ trích trong tác phẩm nào? Của ai?
Câu 2: Đoạn thơ là dòng hồi tưởng của nhân vật nào? Về ai?
Câu 3: Trong những câu thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy chỉ ra những biện pháp đó.
Câu 4: Chỉ ra từ láy trong đoạn thơ trên. Những từ láy ấy giúp em hiểu hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới.
Hướng dẫn trả lời:
Câu 1:
Đoạn thơ được trích trong bài thơ “Bếp lửa” của
Câu 2:
Đoạn thơ là dòng hồi tưởng của người cháu nhớ về người bà.
Câu 3:
Trong những câu thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ:
– Điệp ngữ: một bếp lửa – 2 lần
– Ẩn dụ: “Bếp lửa ấp iu nồng đượm” → bếp lửa, ngọn lửa là biểu tượng của tấm lòng bà, tình yêu thương che chở, niềm tin bà truyền cho cháu.
Câu 4:
Các từ láy trong câu thơ trên: “chờn vờn, ấp iu”.
– Từ láy “chờn vờn”: gợi đến hình ảnh ngọn lửa bập bùng xuyên qua làn sương mỏng giăng giăng vào buổi sáng sớm. Đây là hình ảnh thực đã được ghi lại trong tâm trí nhà thơ, giờ đây nó đã trở thành ký ức, đong đầy kỷ niệm đẹp về bếp lửa quê hương.
– Từ láy “ấp iu” trong câu thơ giá trị biểu cảm, gợi đôi bàn tay nhóm lửa khéo léo, cần cù, cẩn thận và cần mẫn của bà “rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen”. Đồng thời, “ấp iu” còn thể hiện sự chăm sóc, yêu thương của người bà dành cho cháu trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Tình yêu thương giữa bà và cháu với hình ảnh chiếc bếp lửa ngày càng “nồng đượm”.
– Với sự góp mặt của hai từ láy “chờn vờn, ấp iu”; đoạn thơ đã diễn tả thành công kỷ niệm về bếp lửa, về tấm lòng bà và tình bà cháu thiêng liêng.
Đề 2:
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu”
Câu 1: Ngữ liệu trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai? Nêu ý nghĩa văn bản.
Câu 2: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong ngữ liệu gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước?
Câu 3: Tác giả dùng cụm từ “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì?
Câu 4: Vì sao đã bao lâu rồi mùi khói của bếp lửa khiến người cháu có cảm giác “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”.
Hướng dẫn trả lời:
Câu 1:
– Đoạn thơ được trích trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
– Ý nghĩa của văn bản: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình cảm bà cháu. Đồng thời, qua đó thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà cũng như đối với gia đình, quê hương và đất nước.
Câu 2:
Câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn mỏi” gợi nhớ về thời điểm năm 1945, năm mà đất nước Việt Nam đã trải qua một nạn đói lịch sử với gần 2 triệu người chết, tập trung từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ.
Câu 3:
Tác giả dùng cụm từ “đói mòn đói mỏi” có tác dụng:
– Về mặt ngữ âm, nó tạo sự nhịp nhàng cho câu thơ
– Về mặt cấu trúc, nó tạo nên sự cân xứng cho từ ngữ
– Về mặt ý nghĩa, nó tạo nên sự nhấn mạnh gây ấn tượng cho người đọc về cảm giác nặng nề, u ám và lê thê của nạn đói trong hồi tưởng của nhân vật trữ tình.
Câu 4:
– Đứa cháu sau bao năm xa cách với bếp lửa và mùi khói nhưng vẫn mang cảm giác “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”:
+ Người cháu luôn xúc động, bồi hồi mỗi khi nhớ về những năm tháng khốn khó của tuổi thơ
+ Cảm thấy kỷ niệm sống dậy, người cháu thương nhớ bà và tình bà cháu dù trải qua thời gian vẫn vẹn nguyên
→ Đây là dòng cảm xúc chân thật và xúc động của người cháu khi nhớ về bà và về tuổi thơ của mình.
Đề 3:
Cho đoạn thơ dưới đây:
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.
Trả lời câu hỏi
Câu 1: Đoạn thơ trên nhắc tới mấy hình ảnh ngọn lửa? Sự khác nhau giữa những ngọn lửa đó là gì?
Câu 2: Hình ảnh người bà hiện lên với những phẩm chất đáng quý nào?
Câu 3: Tại sao trong đoạn thơ, tác giả dùng hình ảnh “ngọn lửa” mà không phải “bếp lửa”? Hình ảnh “ngọn lửa” ở đây có ý nghĩa gì?
Câu 4: Chỉ ra lời dẫn trực tiếp, dựa vào dấu hiệu nào mà em biết?
Câu 5: Lời dặn của người bà trong đoạn thơ trên đã vi phạm phương châm hội thoại nào?
Hướng dẫn trả lời:
Câu 1:
– Ngọn lửa từ bếp lửa của bà nhẹ nhàng, ấm áp và nhẫn nại. Ngọn lửa tượng trưng cho những đức tính quý báu của bà.
+ Những năm tháng kháng chiến gian khổ, ác liệt nhưng bà vẫn luôn “vững lòng” và là chỗ dựa cho con cháu.
+ Bà kiên cường chịu đựng mọi thử thách, thảm họa chiến tranh khốc liệt để làm chỗ dựa vững chắc cho con cái trong những chuyến công tác.
+ Lời dặn dò của bà dành cho cháu giúp chúng ta hình dung được cảm xúc, suy nghĩ và cũng như làm sáng lên những phẩm chất của người mẹ Việt Nam anh hùng.
– Lửa giặc thiêu rụi đi sự sống, phá hủy cuộc sống bình yên “năm giặc đốt làng cháy tàn rụi”
→ Khi ngọn lửa của bọn giặc hủy diệt đi sự sống thì niềm tin yêu của bà được hồi sinh và nhen nhóm mạnh mẽ hơn bao giờ.
Câu 2:
Những phẩm chất đáng quý của bà tỏa sáng cả bài thơ, trong ba câu thơ:
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
– Bà kiên trì nhen nhóm, xây dựng lại những thứ mất mát trong chiến tranh
– Trong lòng bà vẫn luôn chứa đựng ngọn lửa của niềm tin, hi vọng và tình yêu thương. Ngọn lửa của đức tính can trường, vững vàng là ngọn lửa không thể nào bị dập tắt
Câu 3:
Tác giả sử dụng từ “ngọn lửa” để chỉ ra tấm lòng, niềm tin chất chứa bên trong của con người.
– Cả câu thơ cho thấy được tấm lòng của bà luôn ấm áp, yêu thương, bất tận, không gì dập tắt được.
– Từ “ngọn lửa” mang tính biểu tượng.
Câu 4:
Lời dẫn trực tiếp: “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố/ Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
– Dấu hiệu để biết đây là lời dẫn trực tiếp là tác giả sử dụng dấu hai chấm và mở ngoặc kép để mở đầu lời đối thoại.
Câu 5:
Lời dặn của bà không tuân thủ phương châm về chất. Người bà cố ý không tuân thủ phương châm ấy là vì để cho người bố yên tâm công tác chiến đấu ở chiến khu. Bà không muốn bố lại vì lo lắng cho gia đình khi nghe những lời kể của người cháu. Bà lúc nào cũng hi sinh âm thầm cho con cháu, là chỗ dựa cho cả gia đình.
Đề 4:
Đọc kĩ phần văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Câu 1: Nêu nội dung của đoạn thơ trên
Câu 2: Em hiểu từ “lận đận” trong câu thơ trên như thế nào? Trong bài thơ, hai lần tác giả dùng cụm từ “biết mấy nắng mưa” để nói về cuộc đời của bà. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Câu 3: Điệp từ “nhóm” trong đoạn thơ trên là kiểu điệp từ gì? Các từ “nhóm” trong đoạn thơ có ý nghĩa như thế nào?
Câu 4: Xét về mục đích nói, câu thơ cuối đoạn thơ vừa chép thuộc kiểu câu gì? Chỉ ra và gọi tên các thành phần biệt lập được dùng trong câu thơ đó.
Hướng dẫn trả lời:
Câu 1:
Nội dung của đoạn thơ: Bà tần tảo, lặng lẽ, hy sinh cả cuộc đời. Từ ngọn lửa của bà, người cháu nhận ra một niềm tin dai dẳng về ngày mai. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ mai sau.
Câu 2:
– Từ “lận đận” là từ láy tượng hình → cho thấy cuộc đời bà đầy khó khăn, trắc trở, biết bao gian khổ, bấp bênh.
– Trong bài thơ, tác giả hai lần sử dụng cụm từ “biết mấy nắng mưa” để nói về cuộc đời bà. Nghĩa là: Bà phải đối mặt và vượt qua mọi “nắng mưa” của cuộc đời để trở thành chỗ dựa cho con cái.
→ Hình tượng của bà là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam truyền thống giàu đức hy sinh, dù khó khăn nhưng vẫn tỏa sáng tình yêu thương.
Câu 3:
Điệp từ “nhóm” là một động từ được lặp lại bốn lần ở khổ thơ thứ sáu và có nhiều nghĩa khác nhau.
– Từ “nhóm” trong bài thơ có các nghĩa như sau:
+ Từ “nhóm” trong “nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm” được dùng với nghĩa gốc là để diễn tả hành động tạo ra lửa để nấu nướng. Đây là ngọn lửa thực tế, có thể cảm nhận được bằng thịt giác và xúc giác.
+ Ba từ “nhóm” còn lại mang ý nghĩa ẩn dụ: bà đã đánh thức tình yêu thương trong cháu, những kỷ niệm đẹp và quý giá trong lòng mỗi con người.
Câu 4:
Câu thơ: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa!” là câu cảm thán thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi khám phá ra điều kì diệu giữa cuộc đời bình dị, từ ngọn lửa bà nhen nhóm mỗi ngày, cháu nhận ra niềm tin, tình yêu thương, ngọn nguồn của tình nghĩa.
2. Tổng hợp các đề bài bài thơ “Bếp lửa”:
Đề 1:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”
a. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ?
b. Dựa vào mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ, em hãy nêu bố cục bài thơ?
c. Chỉ ra các từ láy trong đoạn thơ trên. Những từ láy ấy giúp em hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới?
d. Ghi lại ngắn gọn cảm nhận của em về câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”
e. Tình cảm gia đình hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước là một đề tài quen thuộc của thơ ca. Hãy kể tên 2 bài thơ trong chương trình Ngữ văn 9 viết về đề tài ấy và ghi rõ tên tác giả.
Hướng dẫn trả lời:
a. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ?
– Đoạn thơ trên trích trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt
– Hoàn cảnh sáng tác: được sáng tác vào năm 1963, khi ông đang là sinh viên khoa pháp lý trường Đại học Tổng hợp Ki-ét (Liên Xô cũ).
b. Dựa vào mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ, em hãy nêu bố cục bài thơ?
Bố cục: 4 phần
– Phần 1: 3 dòng đầu: hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng cảm xúc hồi tưởng về bà
– Phần 2: Từ “lên bốn tuổi” đến “niềm tin dai dẳng”: những kỉ niệm tuổi thơ và hình ảnh người bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa trong hồi tưởng của cháu.
– Phần 3: Từ “lận đận đời bà… đến “thiêng liêng bếp lửa”: suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.
– Phần 4: (4 dòng cuối): Hình ảnh bà và bếp lửa sống mãi trong tâm hồn cháu.
c. Chỉ ra các từ láy trong đoạn thơ trên. Những từ láy ấy giúp em hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới?
Các từ láy trong câu thơ trên: “chờn vờn, ấp iu”.
– Từ láy “chờn vờn”: gợi đến hình ảnh ngọn lửa bập bùng xuyên qua làn sương mỏng giăng giăng vào buổi sáng sớm. Đây là hình ảnh thực đã được ghi lại trong tâm trí nhà thơ, giờ đây nó đã trở thành ký ức, đong đầy kỷ niệm đẹp về bếp lửa quê hương.
– Từ láy “ấp iu” trong câu thơ giá trị biểu cảm, gợi đôi bàn tay nhóm lửa khéo léo, cần cù, cẩn thận và cần mẫn của bà “rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen”. Đồng thời, “ấp iu” còn thể hiện sự chăm sóc, yêu thương của người bà dành cho cháu trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Tình yêu thương giữa bà và cháu với hình ảnh chiếc bếp lửa ngày càng “nồng đượm”.
– Với sự góp mặt của hai từ láy “chờn vờn, ấp iu”; đoạn thơ đã diễn tả thành công kỷ niệm về bếp lửa, về tấm lòng bà và tình bà cháu thiêng liêng.
d. Ghi lại ngắn gọn cảm nhận của em về câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”
Các ý cần đạt khi nêu cảm nhận về câu thơ:
– “Nắng mưa” là hình ảnh ẩn dụ những nhọc nhằn, gian khó của cuộc đời bà.
– Chữ “thương” với “bà” là hai thanh bằng đi liền nhau, tạo ra âm vang ngân dài xao xuyến, như nỗi nhớ trải dài của người cháu dành cho bà
– Câu thơ chứa đựng tình cảm thương yêu, mong nhớ của người cháu đối với bà. Tình cảm đó chính là cội nguồn của mọi hoài niệm mở ra sau đó.
e. Tình cảm gia đình hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước là một đề tài quen thuộc của thơ ca. Hãy kể tên 2 bài thơ trong chương trình Ngữ văn 9 viết về đề tài ấy và ghi rõ tên tác giả.
Hai bài thơ Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9 viết về đề tài tình cảm gia đình hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước : “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ
Đề 2:
Bài thơ là lời của nhân vật nào nói với nhân vật nào, nói với ai và nói về việc gì? Nêu mạch cảm xúc của bài thơ?
Hướng dẫn trả lời:
– Bài thơ là lời người cháu nói với bà, hồi tưởng về những kỷ niệm tuổi thơ bên người bà, những suy ngẫm về cuộc đời của và hình ảnh bếp lửa.
– Dòng cảm xúc của bài thơ: Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh bếp lửa, bài thơ như lời tâm sự của người cháu với bà.
– Nguồn cảm xúc bắt đầu từ hình ảnh bếp lửa. Nó gợi lại những kỷ niệm tuổi thơ được bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Từ những kỷ niệm đó, người cháu thấu hiểu và suy ngẫm về cuộc đời của bà, về lẽ sống giản dị và cao quý. Mạch cảm xúc của bài thơ chạy từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm.
Đề 3:
Cho đoạn thơ sau:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
a. Chỉ ra từ láy trong đoạn thơ trên. Những từ láy ấy giúp em hiểu hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới.
b. Ghi cảm nhận ngắn gọn cảm nhận của em về câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”.
Hướng dẫn trả lời:
a. Chỉ ra từ láy trong đoạn thơ trên. Những từ láy ấy giúp em hiểu hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới.
Từ láy gợi lên hình ảnh bếp lửa:
– Chờn vờn: dòng ký ức bắt đầu bằng hình ảnh thân thương, ấm áp: bếp lửa “chờn vờn sương sớm”. Gợi lên hình ảnh bếp lửa thực tế được cảm nhận bằng thị giác ẩn mình trong làn sương sớm.
– Ấp iu: Gợi nhớ đến đôi bàn tay dịu dàng, kiên nhẫn, khéo léo và một tấm lòng tỉ mỉ, chi chút của bà.
→ Điệp ngữ “một bếp lửa” với các từ láy “chờn vờn”, “ấp iu” gợi lên hình ảnh sống động, chân thực và rực sáng của bếp lửa quen thuộc trong các gia đình Việt Nam.
– Hình ảnh bếp lửa tự nhiên đánh thức dòng hồi tưởng của nhân vật tôi về người bà, người nhóm lửa mỗi buổi sớm mai. Những hình ảnh trong bài thơ luôn chập chờn, lay động.
b. Ghi cảm nhận ngắn gọn cảm nhận của em về câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”.
Câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa gợi lên hình ảnh bếp lửa và tình bà cháu trào dâng một cảm xúc mãnh liệt, thương người bà lặng lẽ, âm thầm trong khung cảnh “biết mấy nắng mưa”.
+ Cụm từ “biết mấy nắng mưa” là những vất vả, trắc trở bà phải vượt qua để nuôi đứa cháu trưởng thành. Người bà âm thầm, chịu đựng những vất vả “mưa nắng ở đời để nuôi dạy cháu.
+ Động từ “thương” gợi lên tình cảm, sự thấu hiểu và biết ơn của cháu đối với những vất vả bà đã trải qua để nuôi mình.
Đề 4:
Cho câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
a. Chép 15 câu tiếp theo để hoàn chỉnh đoạn thơ.
b. Trong những dòng hồi tưởng về tuổi thơ của người cháu những kỉ niệm nào về tình bà cháu được gợi lại?
c. Vì sao đã bao lâu rồi mùi khói của bếp lửa khiến người cháu có cảm giác “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”.
d. Tìm biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ dưới đây:
e. Đoạn thơ có nhắc tới tiếng chim tu hú, trong chương trình ngữ văn THCS cũng có bài thơ nói tới tiếng chim tu hú, nêu tên bài thơ và tác giả. Âm thanh tiếng chim tu hú ở hai bài thơ có ý nghĩa khác nhau như thế?
Hướng dẫn trả lời:
a. Chép 15 câu tiếp theo để hoàn chỉnh đoạn thơ.
“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!”
b. Trong những dòng hồi tưởng về tuổi thơ của người cháu những kỉ niệm nào về tình bà cháu được gợi lại?
Trong tâm trí người cháu, ký ức tuổi thơ sống lại:
– Tuổi thơ đầy khó khăn, thiếu thốn, khó khăn từ năm lên bốn là những năm chiến tranh khốc liệt, gian khổ: “đói mòn đói mỏi”
+ Tâm hồn đứa trẻ bị cơn đói ám ảnh, nhà thơ cho chúng ta thấy quá khứ bi thảm, đầy bi kịch dân tộc, gắn liền với số phận của những con người mất quê hương.
+ Hình ảnh đau thương của dân tộc gây ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ, với hình ảnh “khói bếp hun nhèm mắt”.
– Tuổi thơ đầy gian khó thời giặc ngoại xâm xâm lược đất nước.
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi”
– Ký ức của đứa cháu gắn liền với tiếng chim tu hú quen thuộc ngoài đồng. Mỗi mùa hè, âm thanh ấy cứ vang vọng trong lòng của những người xa xứ.
+ Với 11 câu thơ, tiếng tu hú được nhắc tới 5 lần, khi thảng thốt, khi khắc khoải, lúc lại mơ hồ từ những cánh đồng xa.
+ Khoảng không gian rộng lớn, khoáng đạt, buồn đến mức lạnh lẽo. Với mỗi cung bậc tiếng hót của chim tu hú, cảm xúc, nỗi nhớ của người cháu ngày càng sâu đậm.
→ Tác giả lựa chọn những hình ảnh, âm thanh tiêu biểu gợi lại những ấn tượng khó phai trong tuổi thơ của chính người cháu.
c. Vì sao đã bao lâu rồi mùi khói của bếp lửa khiến người cháu có cảm giác “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”?
– Bao năm xa bếp lửa và mùi khói, người cháu vẫn cảm thấy “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”.
+ Mỗi khi nghĩ về những năm tháng tuổi thơ vất vả, người cháu luôn bồi hồi, xúc động.
+ Cháu cảm thấy ký ức như đang sống lại, thương và nhớ bà, tình cảm của bà cháu vẫn còn vẹn nguyên.
→ Đó là những tình cảm chân thật và cảm động của người cháu dành cho bà và tuổi thơ của mình.
d. Tìm biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ dưới đây:
“Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.”
– Hai câu thơ trên dùng biện pháp tu từ liệt kê:
+ Các cụm từ: “bà bảo, bà dạy, bà chăm” thể hiện tấm lòng nhân hậu sâu sắc, tình thương bao la và hết lòng chăm sóc cháu của người bà.
+ Hai từ “bà” và “cháu” được lặp đi lặp lại nhiều lần để diễn tả tình cảm gắn bó giữa người bà và cháu trai.
+ Người bà thay thế cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho cháu.
→ Hình ảnh người bà chăm chỉ đêm khuya là sự kết hợp cao quý giữa tình cha, tình mẹ và tình thầy. Hình ảnh về bà còn đọng lại trong ký ức của người cháu, gợi lên cảm xúc mỗi khi cháu nhớ về.
e. Đoạn thơ có nhắc tới tiếng chim tu hú, trong chương trình ngữ văn THCS cũng có bài thơ nói tới tiếng chim tu hú, nêu tên bài thơ và tác giả. Âm thanh tiếng chim tu hú ở hai bài thơ có ý nghĩa khác nhau như thế?
Bài thơ nhắc tới tiếng chim tu hú trong chương trình ngữ văn THCS: “Khi con tu hú” của Tố Hữu.
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”
– Tiếng chim tu hú trong hai bài thơ:
+ Trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt: tiếng chim tu hú báo hiệu mùa hè, mở ra sự ấm áp của tình yêu thương giữa bà và cháu, tiếng chim tu hú gợi nhớ những ngày thơ ấu, khi còn được bà chăm sóc và dạy dỗ.
+ Bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu: tiếng chim tu hú quen thuộc, báo hiệu mùa hè. Tiếng chim tu hú gọi bầy dường như đang khuyến khích người lính phá bỏ mọi rào cản để đón nhận vẻ đẹp và sự tự do của cuộc sống tươi đẹp bên ngoài.
3. Các bài tập trắc nghiệm bài thơ “Bếp lửa” có đáp án:
Câu 1: Bài thơ Bếp lửa của ai sáng tác?
A. Lưu Quang Vũ
B. Bằng Việt
C. Huy Cận
D. Nguyễn Minh Châu
Đáp án: B
Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ “Bếp lửa” là ai?
A. Người bà
B. Người bố
C. Người cháu
D. Người mẹ
Đáp án: C
Câu 3: Bài thơ là sự hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi thơ về người bà và tình bà cháu của nhà thơ. Đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
Câu 4: Bài thơ sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?
A. Tự sự
B. Biểu cảm
C. Nghị luận
D. Miêu tả
Đáp án: B
Cáu 5: Nội dung chính của bài thơ là gì?
A. Nói về tình cảm yêu thương của người bà dành cho con và cháu
B. Miêu tả vẻ đẹp của hình ảnh bếp lửa mỗi buổi sớm mai
C. Nói về tình cảm sâu nặng, thiêng liêng của người cháu đối với người bà
D. Nói về tình cảm nhớ thương của người con dành cho cha mẹ đang chiến đấu ở xa
Đáp án: C
Câu 6: Hình ảnh bếp lửa trong những câu thơ đầu tiên có ý nghĩa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng và cảm xúc về bà của nhân vật trữ tình. Đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
Câu 7: Trong dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình, hình ảnh người bà gắn với hình ảnh nào?
A. Bếp lửa
B. Người cháu
C. Cuộc chiến tranh
D. Tiếng chim tu hú
Đáp án: A
Câu 8: Từ “ấp iu” trong câu “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” gợi đến hình ảnh bàn tay của người bà như thế nào?
A. Kiên nhẫn, khéo léo
B. Cần cù, chăm chỉ
C. Vụng về, thô nhám
D. Mảnh mai, yếu đuối
Đáp án: A
Câu 9: Nội dung của ba khổ thơ “Lên bốn tuổi… chứa niềm tin dai dẳng” nói về nội dung gì?
A. Nói về những câu chuyện bà kể cho cháu nghe khi bà còn ở Huế
B. Chủ yếu là cảnh bà dạy cho người cháu học chữ
C. Là sự hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ sống bên bà của người cháu
D. Chủ yếu miêu tả hiện thực cuộc chiến tranh ác liệt, tàn khốc
Đáp án: C
Câu 10: Tuổi thơ người cháu bên bà được tái hiện như thế nào?
A. Một tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn nhưng ấm áp tình yêu thương của bà
B. Một tuổi thơ nhiều niềm vui sướng, hạnh phúc
C. Một tuổi thôi trong chiến tranh biến động dữ dội
D. Cả A, B, C đều đúng
Đáp án: A
Câu 11: Hai câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy” nhắc tới sự kiện lịch sử nào?
A. Nạn đói năm 1945
B. Ngày kết thúc của kháng chiến chống Pháp
C. Ngày tổng khởi nghĩa năm 1945
D. Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Đáp án: A
Câu 12: Nhận định nói đúng nhất tiếng chim tu hú trong bài?
A. Nói lên nỗi nhớ mong của hai bà cháu
B. Báo hiệu một mùa hè đã đến
C. Gợi ra tình cảnh vắng vẻ của hai bà cháu
D. Cả B và C đều đúng
Đáp án: D
Câu 13: Từ “nhóm” nào sau đây được dùng theo nghĩa chuyển?
A. Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
B. Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
C. Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
D. Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Đáp án: B
Câu 14: Ý nghĩa của ba câu thơ sau
“Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm”
A. Nói lên sự tần tảo, đức hi sinh của người bà
B. Nói lên nỗi nhớ của tác giả về người bà
C. Nói lên thói quen nhóm lửa lúc sáng sớm của người bà
D. Cả A, B, C đều sai
Đáp án: A
Câu 15: Nhận định nói đúng nhất ý nghĩa hình ảnh bếp lửa và ngọn lửa nhóm lên đối với người cháu khi đã trưởng thành, khôn lớn và đi xa?
A. Là một kỉ niệm làm ấm lòng người cháu khi giá rét
B. Tạo thành niềm tin thiêng liêng và kì diệu
C. Là chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua mọi khó khăn
D. Cả A, B, C đều đúng
Đáp án: D