Khen chê là chuyện bình thường, thậm chí ngay cả những xung đột và mâu thuẫn trong tranh luận cũng là điều tốt để phát triển hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người không hiểu giữa văn hóa tranh luận và những câu chỉ trích, hạ nhục là những điều khác nhau. Để hiểu rõ hơn thói xấu này, mời bạn tham khảo bài viết Nghị luận xã hội văn hóa chỉ trích của người Việt hay nhất dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Nghị luận xã hội văn hóa chỉ trích của người Việt hay nhất:
Khen chê là chuyện bình thường, thậm chí ngay cả những xung đột và mâu thuẫn trong tranh luận cũng là điều tốt để phát triển hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người không hiểu giữa văn hóa tranh luận và những câu chỉ trích, hạ nhục là điều khác nhau. Tranh luận không nhắm vào nhân cách, cuộc sống, điểm yếu cá nhân của một người, cũng không phải dùng những lời mỉa mai, không có tính chất phân tích những ưu – khuyết liên quan đến vấn đề cần đề cập để cải thiện.
Tuổi trẻ đã cho các bạn những điều tuyệt vời như: sức khỏe, thời gian, cơ hội, tự tin, nhiệt huyết nhưng tuổi trẻ không cho các bạn những điều cần thiết để thành công như kiên nhẫn, bao dung, kinh nghiệm, khiêm nhường. Có phải vì thế nên chúng ta ngày một ít dần đi những lời cảm thông, những tấm lòng bao dung, không soi xét và chỉ thích chỉ trích, phán xét đến cuộc sống, thành công của người khác và cả khi họ gặp chuyện không hay không? Vì thế nên chúng ta chỉ thích tặng đi những hòn đá và ngần ngại với những chiếc ôm không?
Nếu một người có thành công, các bạn luôn cố gắng phủ định đi công sức của họ, những khó khăn họ đã trải qua để cho rằng họ không xứng đáng. Tìm mọi cách bới móc đời tư cho thỏa đáng thói hư vinh của bản thân, cố gắng kéo thành công của họ cho xuống việc tầm thường ai cũng làm được hoặc thậm chí cho bằng cả thất bại của bản thân mới thấy vui. Ngay cả những người các bạn gọi là bạn, bạn thân, cũng hãy thừa nhận đi, nhiều người trong chúng ta không muốn thấy họ thành công hơn, hạnh phúc hơn, bản lĩnh hơn hay được yêu mến hơn.
Một đứa trẻ thể hiện sở thích, thể hiện vốn ngoại ngữ của mình thì ngay lập tức người trưởng thành lẫn chưa trưởng thành vào đả kích, chỉ trích đời tư, nhân cách cá nhân của đứa trẻ đang trên đà phát triển ấy nhằm kéo em xuống cho không hơn mình, cho nó bằng cái sự “bình thường” của số đông, thay vì tự nhìn lại mặt yếu kém của bản thân hoặc thay vì phân tích những hạn chế về phát âm, cú pháp của em để cùng nhau rèn luyện.
Một cây bút trẻ viết và bán được nhiều sách cũng có nhiều người phải lôi đời tư ra chửi bới hoặc cho rằng người đọc mua nó là không đủ văn hóa, là trình độ kém, cứ phải đọc thứ cao siêu uyên bác mới đủ trình. Một nghệ sĩ già đã dành cả đời làm nghệ thuật, hy sinh cho nghệ thuật, cuối đời bệnh tật, lâm vào cảnh mất nhà, chia sẻ sự khó khăn của mình, nhận được sự ủng hộ và đồng cảm của một số bộ phận nghệ sĩ và khán giả thì ngay lập tức có thật nhiều những chuyên gia, anh hùng lên tiếng phê phán và mỉa mai. Một ca sĩ, diễn viên dùng hàng hiệu, đi dự event được đăng lên báo rất nhiều những comment vào yêu cầu bỏ tiền mua đồ hiệu đó để từ thiện cho người khó khăn. Nhưng khi những ngôi sao ấy đi làm từ thiện, cũng lại báo đăng – nhiều comment lại lên tiếng: “Đi từ thiện mà cũng phải đăng báo. Giả tạo quá!”…
Mình không muốn nói đến sự đố kỵ, ghen tức trong đa số vấn đề đồng tình hay không đồng tình. Nhưng với mọi việc, hãy luôn nhìn bằng ánh mắt cảm thông, bao dung và nhẹ nhàng nhất. Hãy bớt đi những lời chỉ trích, phán xét mà dành cho họ sự động viên nhiều hơn. Vì tuổi trẻ hay ngay cả tuổi già vẫn là cả quá trình phấn đấu, học hỏi. Một thành công, dù to lớn hay nhỏ bé, vĩ đại hay tầm thường thì cũng là họ đã cố gắng bỏ tâm huyết để làm.
Và hãy để họ có thời gian để rèn luyện mình, hãy để họ được phép sống cuộc đời riêng của mình. Nếu họ sống sai, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước cuộc đời họ, đâu phải bạn đúng không? Vậy nên, đừng phóng to những điều chưa tốt thành những thứ tệ hại và bỏ đi, để gạt bỏ đi mọi thứ họ đã làm được. Hãy luôn tin rằng chỉ những lời góp ý chân thành (khi hoàn cảnh được phép) mới giúp con người tiến bộ chứ không phải những lời đả kích hạ nhục đầy áp lực.
Khi các bạn đang buông những lời nói xấu xí vào cuộc sống của ai đó không liên hệ tới cuộc sống của mình, thời gian đang trôi đi không dừng lại, bố mẹ đang già yếu đi, việc nhà vẫn bề bộn, tương lai vẫn bỏ ngỏ và yêu thương đang mất dần, còn những người đang bị các bạn lên án ấy vẫn làm việc, vẫn sống ý nghĩa cho cuộc đời họ, khi đó – ai mới thật sự cần phải thay đổi? Ai mới thật sự sống cho mình và trọn vẹn đời mình?
2. Nghị luận xã hội văn hóa chỉ trích của người Việt xuất sắc nhất:
Chỉ trích nhau dần trở thành thói quen nếu bản thân người thích chỉ trích không hiểu và nhận thức được hành vi của chính mình. Chỉ trích là phán xét. Để phán xét bạn phải buôn chuyện. Những câu chuyện được buôn từ người này sang người kia thường không có căn cứ xác đáng. Bản thân những con buôn không thực sự hiểu hết cốt lõi của vấn đề mà người trong cuộc đang phải đối mặt như tại sao ? Thế nào? Mọi câu chuyện đều có nguyên nhân và nguồn cơn.
Không phải cứ ai đó thất bại chuyện gì đó là bạn cho mình cái quyền chỉ trích phán xét người đó là vô dụng, bất tài. Bạn thừa biết có bao nhiêu vĩ nhân trước khi họ thành công, họ đã phải nếm trải biết bao thất bại. Nếu bạn núp dưới cái mác bạn muốn khuyên và dạy dỗ tôi, trước hết bạn phải biết phương pháp. Mỗi người mỗi tính cách, không phải bạn sử dụng phương pháp này hiệu quả với đối tượng này, là bạn có quyền hồ hởi áp dụng phương pháp ấy cho người khác. Và khi hiệu quả ngược, tức là không như bạn mong muốn, bạn bị chạm tự ái và xù lông lên vì họ không biết điều và vô lễ với bạn? Ở đời, việc dụng người không phải dễ. Quan hệ giữa người với người đòi hỏi bạn phải có nghệ thuật. Và chẳng một ai dám tự xưng tôi là người giỏi nhất nên bạn phải lắng nghe hay học hỏi từ tôi. Tất cả chỉ là để quan sát, là chọn lọc lại những gì thích hợp nhất vào từng hoàn cảnh và từng đối tượng cụ thể khác nhau.
Người dù giỏi cỡ nào hay đang trên đỉnh vinh quang, vẫn đôi lần phải thất bại vì một vài vấn đề nào đó. Tuy nhiên, sự thất bại đó của họ được xem như một bài học thì đúng hơn. Những người thành công không ngại tiếp nhận nhiều bài học mới. Quan trọng họ không xem đó là thất bại là được rồi, sao bạn cứ phải khăng khăng bắt họ thừa nhận là họ đã thất bại để họ phải biết điều? Đó là chuyện của họ, không phải chuyện của bạn.
Lại nói về vấn đề buôn chuyện, gặp người dễ tính, họ có thể im lặng cho qua, chẳng chấp làm gì. Nhưng gặp người nóng tính, họ coi đó là một sự xúc phạm, là một sự chỉ trích nặng nề. Vì bản thân người trong cuộc họ mới biết sự thật nằm ở đâu. Tuy nhiên, không phải sự thật nào cũng nhất thiết phải được nói ra để biện minh.
Trong vấn đề về tuổi tác, ở cái xã hội văn minh này, dù người nhỏ hơn tôi giỏi hơn tôi, tôi vẫn phải lắng nghe, còn bạn làm Giám Đốc, hơn tôi chục tuổi mà mắc cái thói này thì tôi vẫn không phục bạn như thường. Tiền và tuổi tác chỉ là những con số. Địa vị Giám Đốc hay CEO, ngày mai tôi in ra cho bạn 1 hộp business card dễ như chơi. Chúng ta chẳng cần phải lòe nhau bằng những thành tích của bạn của tôi, cũng chẳng cần phải hạ bệ hoặc dạy dỗ nhau chính bởi những tiêu chí ấy, để làm gì?
Mọi người phục nhau thể hiện ở chỗ biết lắng nghe lẫn nhau, biết đồng cảm và có thể chia sẻ động viên lẫn nhau. Nếu đã xác định không giúp được gì cho nhau, thì không nên nhân danh dùng lời nói khuyên bảo bề trên để ra oai hay tự cho mình một cái quyền tối thượng nào đó. Hãy nhớ cho tôi một câu như này ” Tìm hiểu trước – phán xét sau”.
3. Nghị luận xã hội văn hóa chỉ trích của người Việt ngắn gọn nhất:
Thói quan chỉ trích, phán xét người khác từ lâu đã trở thành vấn đề gây nhiều nhức nhối. Chỉ trích người khác nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị người khác, thỏa mãn cảm xúc cá nhân, vô hình gây nên những tổn thương tâm lý cho người tiếp nhận, thậm chí ảnh hưởng tới thể chất và có thể thiệt hại cả về tính mạng. Đây là một hiện tượng có tác hại đáng kể và ảnh hưởng đến nhân cách và đạo đức của thế hệ học sinh nói riêng và văn hóa xã hội nói chung, khiến cho nhân cách và đạo đức của người học sinh bị suy đồi, biến họ thành những kẻ thiếu học thức và bị đánh giá là vô văn hóa. Hành động phán xét đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và lòng tự trọng của người bị lăng mạ và có thể dẫn đến tâm lý bức bối, không kiểm soát được bản thân và hậu quả nghiêm trọng. Chỉ trích, phát xét đối lập hẳn với góp ý, chia sẻ. Thật đáng buồn khi nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra chỉ vì một lời chế giễu, phán xét. Khi một con người vô văn hóa thì sẽ kéo theo cả xã hội bị ảnh hưởng.
Trong cuộc sống hiện đại như bây giờ, nhà nhà người người ai ai cũng muốn mình là người giỏi nhất, bạn cứ lao đầu vào công việc và lúc nào cũng tự cho bản thân mình là nhất, luôn đúng trong mọi việc và không xem người khác ra gì. Rồi từ đó cho bản thân mình cái quyền đó để chỉ trích người khác, ai vừa ý thì khen ngợi ca tụng , ai làm sai một việc nào đó không vừa lòng thì quay sáng mắng thậm tệ và chỉ trích họ không còn từ gì để tả nổi. Không những thế mọi người còn dựa vào vẻ bề ngoài của một ai đó và phát xét tính cách bên trong con người của họ. Bạn coi những người đó như một tờ giấy, khi bạn viết vào chữ gì thì nó sẽ hiện lên chữ đó. Nhưng đã bao giờ bạn thử đặt mình vào vị trí của người mà bạn chỉ trích chưa, bạn đã thử cái cảm giác bị người ta chỉ trích ,nói như thế này như thế kia mà trong lúc đó bản thân chả biết nói gì để biện hộ cho chính mình. Cảm giác đó nó tồi tệ, nó bất lực lắm và thậm chí những lời bạn nói với họ có thể gây ra một hậu quả mà khó ai có thể lường trước được. Vậy thì tại sao bạn phải làm điều đó trong khi có vô vàng các cách giải quyết khác, thay vì bạn phát xét họ qua vẻ bề ngoài thì bạn hãy tìm hiểu xem họ là người như thế nào, tính cách họ ra sao hay là tìm hiểu xem tại sao họ lại làm sai việc này, họ đang gặp vấn đề gì trong công việc này,… sau khi bạn đã hiểu hết về họ rồi thì hãy bắt đầu phát xét nhé. Đừng để một lời nói nhất thời mà phải làm cho mọi người hối hận cả đời.