“Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Nhưng hiện nay vẫn tồn tại những quan điểm sai lầm như văn chương là phù phiếm. Để hiểu rõ hơn, mời các bạn tham khảo bài viết Thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm dấy đây.
Mục lục bài viết
1. Thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm:
Nhà văn Macxim Gorki cho rằng: “Văn học là nhân học”. Quả đúng là như vậy, văn chương có chức năng nhận thức, giáo dục, hướng con người đến cái tốt, cái thiện. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, nhiều người lại cho rằng văn chương là thứ viển vông, xa rời thực tế.
Văn chương hay cũng được hiểu là văn học. Tuy nhiên, văn chương có ý nghĩa rộng lớn, bao quát hơn văn học vì nó chỉ chung cho những tác phẩm được sáng tác bằng nghệ thuật ngôn từ. Như vậy, tất cả các tác phẩm được viết bằng ngôn từ thì đều thuộc văn chương.
Nhiều người xem văn chương là phù phiếm vì họ nhận thấy những nhà văn, nhà thơ sáng tác văn chương đa phần đều có tính cách tự do, bay bổng, lúc nào cũng chỉ “thơ thẩn”, say đắm trong “trăng” với “hoa”. Vì thế, các tác phẩm của họ luôn xa rời đời sống, thuộc về một thế giới nào đó xa lạ với cuộc sống con người.
Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm, cần phải loại bỏ, thay đổi. Khi đọc các tác phẩm văn học, ta không chỉ được chìm đắm trong những câu chuyện hết sức li kì, hấp dẫn mà còn được học hỏi thêm nhiều điều hay, hiểu hơn về cuộc sống, con người. Nói một cách khác, văn chương cung cấp tri thức và phản ánh sinh động hiện thực khách quan qua từng thời kì. Đọc các tác phẩm văn học Việt Nam từ thế kỉ X cho đến nay, ta sẽ nhận ra bối cảnh lịch sử cũng như sự tác động của các khuynh hướng, trào lưu văn học trên thế giới đối với văn chương Việt Nam. Trong thời kì trung đại, đó là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân của những bậc hiền triết, đại tài như Nguyễn Trãi,
Văn học là những cách tân, sáng tạo của người nghệ sĩ về mặt ngôn từ mà thông qua đó, họ tự nhận thức về chính mình và cuộc sống. Ta thấy một Nam Cao luôn ám ảnh với cái đói, cái nghèo, về tấn bi kịch không lối thoát của con người trước năm 45. Sau khi Cách mạng tháng Tám diễn ra thành công, ông rũ bỏ hoàn toàn chiếc áo cũ để khoác lên mình sự tự do, phóng khoáng và hăm hở đi theo Cách mạng. Chẳng phải thông qua văn chương, ta cũng có điểm nhìn mới về người nghệ sĩ hay sao?
Đặc biệt, văn chương còn khơi gợi những tư tưởng, tình cảm, cảm xúc trong sáng, đẹp đẽ ở con người. Một tác phẩm văn học không đem đến cho con người bài học, ý nghĩa thì đó chỉ là một tác phẩm chết, không đáng một xu bởi “Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người” (M.Gorki). Vì thế, những nhà văn chân chính như Thạch Lam luôn tâm niệm rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú thêm.”.
Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận rằng, văn chương chính là phương tiện hữu hiệu để lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những kinh nghiệm, mong ước của ông cha qua hàng nghìn năm được đúc rút thông qua các câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích,… hấp dẫn, li kì. Đời sống sinh hoạt làng xã với những thú vui, nét đẹp bình dị cũng được phản chiếu, khúc xạ trong một số tác phẩm đầy trau chuốt về mặt ngôn từ như “Chùa Đàn”, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Hay đó còn là tinh hoa ẩm thực, sự chăm chút, cầu kì trong từng món ăn của người dân ở “Băm sáu phố phường” (Thạch Lam), “Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng),…
Đời sống tinh thần sẽ thật tẻ nhạt nếu không được bồi đắp, nuôi dưỡng bởi những áng văn hay. Chính vì vậy, mỗi người cần từ bỏ, thay đổi quan niệm: văn chương là phù phiếm. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của chính mình. Tiếp đến là mở lòng đón nhận, thưởng thức văn chương bằng cách tích cực tham gia vào các hội chợ sách, các buổi diễn đàn, thảo luận, tọa đàm; đọc những bài phê bình trên các trang báo, sách để hiểu hơn về tác phẩm.
“Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Nếu đến với văn chương bằng tinh thần gượng ép, vô cảm thì mãi mãi, chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp mà văn học chân chính đem đến cho loài người.
2. Thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm hay:
Trong thế giới hiện đại, mọi người thường tập trung vào công việc và việc kiếm tiền. Tuy nhiên, đây không phải là mọi thứ trong cuộc sống. Tôi tin rằng văn chương là một phần không thể thiếu của cuộc sống và có thể cung cấp cho chúng ta nhiều giá trị.
Đầu tiên, văn chương giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới xung quanh. Các tác phẩm văn chương thường miêu tả những trải nghiệm và cảm nhận của những người khác. Chúng ta có thể học hỏi từ những trải nghiệm này để cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Thứ hai, văn chương có thể giúp chúng ta phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tư duy. Đọc và viết thường xuyên giúp chúng ta cải thiện khả năng diễn đạt của mình, tăng cường sự tập trung và phát triển trí tưởng tượng.
Cuối cùng, văn chương giúp chúng ta hiểu thêm về bản thân mình. Việc đọc văn chương có thể giúp chúng ta thấu hiểu những tình cảm và suy nghĩ của mình, từ đó giúp chúng ta trưởng thành và phát triển tốt hơn.
Vì vậy, quan niệm văn chương là phù phiếm là một quan niệm sai lầm, không có cơ sở mà chúng ta nên bỏ. Thay vào đó, chúng ta nên dành thời gian để đọc và tìm hiểu văn chương. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy nhiều giá trị trong cuộc sống từ những trang sách này.
3. Thuyết phục từ bỏ quan niệm xem văn chương là phù phiếm ấn tượng:
Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm về văn chương, điển hình là quan điểm: Văn chương là phù phiếm. Trước hết, mình sẽ giải thích thế nào là phù phiếm. Theo mình, phù phiếm nghĩa là viển vông, xa rời thực tế và không thiết thực. Vậy, nói “văn chương là phù phiếm” có hoàn toàn đúng hay không? Như mọi người đã biết, thông qua những sáng tác của mình, các tác giả không chỉ phản ánh xã hội, cuộc sống mà còn khéo léo gửi gắm bài học, thông điệp ý nghĩa. Ví như đọc truyện cổ tích, ta hiểu hơn về lẽ sống “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác bảo”. Hay như đọc các sáng tác trong thời kì chống Pháp, Mĩ, độc giả sẽ có cái nhìn chân thực, cụ thể về hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.
Nhà phê bình Hoài Thanh từng khẳng định “Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần” hay nhà văn Peter Handke cũng nhấn mạnh “Văn chương bảo vệ tâm hồn”. Có thể nói, văn chương đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người. Việc chúng ta coi văn chương là thứ viển vông sẽ mang đến nhiều tác hại. Trước hết, nó khiến con người đánh mất và hoàn toàn phủ nhận chức năng nhận thức, giáo dục của văn học. Tiếp đến, nếu không có văn chương, chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, nghèo nàn về tâm hồn và tinh thần. Đồng thời, mất đi cái nhìn toàn diện về cuộc sống xung quanh.
Từ bỏ quan niệm “xem văn chương là phù phiếm”, con người sẽ thu nhận được nhiều thứ tốt đẹp. Chúng ta có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, khám phá vô vàn điều mới lạ thông qua các tác phẩm văn học. Nhờ văn chương, chúng ta hiểu hơn về số phận, tâm hồn con người. Không chỉ vậy, văn chương còn hướng mỗi cá nhân tới cái thiện, cái đẹp; đem lại niềm vui trong sáng, thánh thiện.
Để từ bỏ được quan niệm này, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi suy nghĩ, nhận thức về văn học nghệ thuật. Hãy tự tìm đọc một số tác phẩm để có cảm hứng, hứng thú. Từ đó, ghi lại những điều bản thân thấy ấn tượng. Mỗi người nên nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn, tấm lòng biết cảm nhận cái hay, cái đẹp.