Tóm tắt đoạn trích Trong lòng mẹ ngắn gọn nhất? Dàn ý phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ ngắn gọn và chi tiết nhất? Phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ hay nhất? Phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ cảm động nhất?
Bé Hồng là một nhân vật đáng thương khi sinh ra trong gia đình không có đầy đủ tình thương của gia đình. Vậy diễn biến tâm trạng của cậu bé như thế nào khi sống trong gia cảnh như vậy? Tham khảo bài phân tích dưới đây về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt đoạn trích Trong lòng mẹ ngắn gọn nhất:
- 2 2. Dàn ý phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ ngắn gọn nhất:
- 3 3. Dàn ý phân tích chi tiết về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ chi tiết nhất:
- 4 4. Phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ hay nhất:
- 5 5. Phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ cảm động nhất:
1. Tóm tắt đoạn trích Trong lòng mẹ ngắn gọn nhất:
Hồng là một cậu bé tội nghiệp sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, bố mất sớm vì nghiện ngập, mẹ bỏ đi tha hương để lại Hồng cho bà cô độc ác chăm sóc. Vì bị họ hàng dị nghị và cay nghiệt với bà mẹ khiến bà không thể trở về bên con. Gần đến ngày giỗ đầu của cha Hồng, người cô đã reo rắc vào đầu đứa bé những điều không tốt về mẹ mình nhằm để Hồng ghét bỏ và ruồng rẫy mẹ. Nhưng bé Hồng không hề căm giận mẹ mình mà ngược lại thấy yêu và thương mẹ nhiều hơn. Bé đã khóc rất nhiều, thương cho những ngày cực khổ phương xa, khao khát được gặp mẹ. Một hôm, trên đường đi học về, Hồng thoáng thấy trên xe một người trên xe kéo rất giống mẹ. Bé chạy đuổi theo và gọi to, khi đuổi kịp xe bé đã nhận ra mẹ mình. Em ôm chầm lấy mẹ và òa khóc trong lòng mẹ. Cậu đã cảm nhận được sự yêu thương của người mẹ, một tình yêu thương mà không có gì so sánh bù đắp được. Cậu quên hết mọi lời cay độc của bà cô, chỉ còn tình yêu mẹ vô bờ bến và xúc động không kể xiết.
2. Dàn ý phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ ngắn gọn nhất:
2.1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả.
– Giới thiệu đoạn trích nằm trong hồi kí Những ngày thơ ấu.
– Giới thiệu đôi nét về nhân vật bé Hồng.
2.2. Thân bài:
Luận điểm 1: Cảnh ngộ đáng thương, kém may mắn của bé Hồng:
– Hồng sinh ra trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, không hạnh phúc.
– Bố nghiện thuốc phiện mất sớm, mẹ bỏ đi tha hương cầu thực.
– Sống cùng bà cô cay nghiệt, độc ác luôn châm biếm, nói xấu về mẹ mình cùng với những lời dị nghị, cay đắng của họ hàng, nhằm để cậu ruồng bỏ ghét mẹ mình.
Luận điểm 2: Tình yêu thương của bé Hồng dành cho mẹ:
– Cậu luôn ròng rã mòn mỏi chờ mẹ mình quay về mặc dù mẹ không hề gửi một lá thư cho cậu.
– Bà cô càng gieo rắc những lời cay nghiệt về mẹ mình bao nhiêu, cậu lại càng thương mẹ mình bấy nhiêu.
– Trên đường đi học về, cậu thoáng thấy bóng mẹ, cậu vội vàng đuổi theo vì quá nhớ thương mẹ và cảm xúc dào dạt khi nhìn thấy mẹ.
– Hồng cảm thấy vui sướng tột độ khi được người mẹ xoa đầu và ôm vào lòng. Một cảm xúc mà lâu lắm rồi cậu mới thấy.
– Trong khoảnh khắc lúc này, cậu đã quên hết những lời cay đắng của bà cô và cảm nhận tình yêu của tình mẫu tử.
2.3. Kết bài:
– Khái quát về nhân vật bé Hồng.
– Nêu cảm nhận của bản thân sau khi phân tích nhân vật Hồng.
3. Dàn ý phân tích chi tiết về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ chi tiết nhất:
3.1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả.
– Giới thiệu đoạn trích nằm trong chương IV của tác phẩm Những ngày thơ ấu.
– Giới thiệu nhân vật chính – bé Hồng.
3.2. Thân bài:
Luận điểm 1: Khái quát về tuổi thơ thiệt thòi của chú bé Hồng:
– Hồng sinh ra trong một cuộc hôn nhân không tình yêu, cha mẹ lấy nhau vì ép buộc, cha mất sớm vì nghiện, mẹ bỏ đi tha hương cầu thực.
– Khi mẹ bỏ đi, em sống cùng người cô cay nghiệt, luôn mỉa mai, nói xấu mẹ em trước mặt em, nhằm để cậu ghét mẹ mình.
Luận điểm 2: Cuộc trò chuyện giữa bà cô và Hồng:
– Bà cô nói về mẹ em là một người phụ nữ đã có em bé và ruồng rẫy bỏ Hồng, khi nghe đến hai chữ “em bé”, lòng Hồng đau như cắt, nhưng em cúi đầu im lặng rồi thấy thương và yêu mẹ mình nhiều hơn.
– Bà cô được đà càng nói, em căm tức đến tột cùng, em ước rằng những hủ tục lạc hậu, miệng đời cay đắng đã đày đọa mẹ mình là những thủy tinh, mẩu gỗ để em nhai nghiến đến khi nát thì thôi. Đây chính là biểu hiện của tình mẫu tử, lòng yêu mẹ vô bờ bến, muốn bảo vệ mẹ trước những điều không tốt đó.
Luận điểm 3: Cuộc gặp gỡ giữa bé Hồng và mẹ:
– Trên đường đi học về, em thoáng thấy một phụ nữ giống mẹ mình, em rối rít đuổi theo, miệng liên tục gọi “Mợ ơi!” => Niềm khao khát gặp mẹ càng ngày càng lớn.
– Khi xác nhận đúng mẹ mình rồi, em vui mừng, sung sướng, cảm giác hạnh phúc vỡ òa, trèo lên xe với mẹ mà chân ríu lại => Sung sướng tột độ, không ngờ rằng em lại gặp mẹ trong hoàn cảnh này.
– Ngồi lên xe với mẹ, em được ngửi mùi hương quen thuộc, hai mẹ con ôm nhau nghẹn ngào, da thịt tiếp xúc với nhau, em ước rằng thời gian này chậm lại để em hưởng thụ cảm giác mà bấy lâu nay trống vắng => Khoảnh khắc sung sướng nhất trong đời em sau những chuỗi ngày đau khổ.
=> Lúc này, lời bà cô đã không còn trong đầu em nữa, tình mẫu tử thiêng liêng giúp em vượt qua mọi nỗi đau mà em trải qua.
Luận điểm 4: Đánh giá:
– Cậu bé Hồng là một đứa trẻ bất hạnh, cậu luôn khao khát tình yêu thương từ mẹ. Cậu dũng cảm, giữ vững ý chí về người mẹ của mình. Tình mẫu tử chính là động lực lớn nhất của cậu trước mọi lời nói hay niềm đau.
– Nguyên Hồng kết hợp các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm nhằm tăng tính sinh động, biểu cảm của nhân vật.
3.3. Kết bài:
– Khái quát lại nội dung và nhân vật.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân qua đoạn trích Trong lòng mẹ.
4. Phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ hay nhất:
Bersot đã từng khẳng định: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”. Tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Là một đứa con có giàu lòng yêu thương và tình yêu mẹ sâu sắc, Nguyên Hồng đã rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” được trích trong hồi kí “Những ngày thơ ấu”. Đoạn trích không chỉ cho thấy số phận bất hạnh của chú bé Hồng mà còn cho ta thấy tình yêu thương mẹ vô bờ bến của cậu dành cho mẹ.
Mở đầu câu chuyện, nhà văn Nguyên Hồng dẫn dắt chúng ta đến với hoàn cảnh của chú bé Hồng. Hồng sinh ra trong một gia đình không có tình yêu, bố mẹ cậu lấy nhau vì miễn cưỡng, ép buộc. Từ nhỏ, cậu chứng kiến cảnh bố nghiện ngập, chẳng bao lâu thì bố cậu mất. Nỗi đau đớn này chưa nguôi ngoai thì nỗi buồn khác lại ập tới. Mẹ cậu bỏ cậu đi tha phương cầu thực, để lại cậu cho bà cô độc ác, cay nghiệt. Sống trong hoàn cảnh thiếu vắng tình thương của bố và mẹ là một nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của những đứa trẻ. Đáng ra cậu cũng có một tình yêu của gia đình nhưng số phận éo le, trêu đùa với cậu. Giờ đây, thiếu hơi cha hơi mẹ, cậu trở nên cô quạnh khi sống trong bà cô luôn hắt hủi, không quan tâm tới đứa cháu đáng thương của mình. Tuy nhiên, Hồng là một đứa bé sớm hiểu chuyện, tình yêu của cậu dành cho mẹ mà không có một bức tường nào ngăn cách được, thể hiện rõ nhất tại cuộc đối thoại giữa cậu bé và bà cô .
Với nét mặt nham hiểm, diễu cợt, bà cô vừa cười vừa hỏi “Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không”, cậu im lặng cúi đầu, trong lòng cậu rất khao khát được gặp mẹ, được mẹ ôm vào lòng nhưng cậu sớm biết bà cô không có ý tốt đẹp gì, cậu chỉ biết cúi đầu xuống. Bà cô thấy vậy rồi tiếp tục mắng “Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy tiền tàu cho. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa và thăm em bé chứ”. Hai chữ “em bé” ngân dài ra, thật ngọt mà cay độc như đâm vào tim đứa bé và mỉa mai người mẹ. Hồng dứt khoát trả lời “Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào Mợ cháu cũng về”. Giọng nói dõng dạc khi nhận ra được ý đồ của bà cô xấu xa. Bà càng tiêm vào đầu Hồng những lời lẽ không tốt thì cậu lại càng thương và thông cảm cho mẹ mình hơn. Có thể thấy, Hồng không chỉ là đứa bé hiểu chuyện mà Hồng còn có lòng tin yêu của tình mẫu tử. Khi người cô hay họ hàng nói châm biếm, cay nghiệt về mẹ mình, cổ họng Hồng nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Nỗi uất ức của cậu không biết dồn nén nặng đến như nào, chỉ biết cậu ước rằng “giá như những cổ tục đang đày đọa mẹ cậu kia là những hòn đá hay mẩu thủy tinh thì cậu sẽ vồ ngày đến mà cắn, mà nhai mà nghiến, cho kì vụn nát”. Chỉ với câu văn ngắn gọn, tác giả tách làm nhiều vế, sử dụng các động từ mạnh theo hình thức tăng tiến: cắn, nhai, nghiến những hủ tục đã làm cho mẹ cậu không thể trở về với cậu, hành hạ cậu và mẹ không được gặp nhau. Tình yêu của cậu dành cho mẹ càng ngày càng lớn dần.
Có lẽ, ông trời thương xót cậu, thấy cậu đã đủ khổ để kìm nén những cảm xúc đau thương như vậy, cậu đã gặp được mẹ. Trong một lần đi học về, cậu thoáng thấy hình bóng giống mẹ mình, cậu vội vã, bối rối đuổi theo và rối rít gọi mẹ “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!”. Nỗi khao khát gặp mẹ của cậu khiến người đọc không khỏi xúc động, xa mẹ quá lâu làm cho cậu thèm khát được cái ôm của mẹ vào lòng. Xe chạy chầm chậm và cậu nhận ra đây chính là mẹ mình, mẹ cầm nón vẫy cậu. Khoảnh khắc này có lẽ cả đời cậu không bao giờ quên được, vui sướng tột độ, trèo lên xe mà ríu cả chân lại. Cậu không ngờ rằng có ngày mình được gặp lại mẹ, mà lại gặp trong thời diểm này. Bà mẹ cũng rất vui và cảm động, kéo lay con, xoa đầu con. Được ngồi trên xe cùng mẹ, em òa khóc nức nở, người mẹ thương nhớ con cũng sụt sùi theo. Ba từ òa, nức nở, sụt sùi cùng trường nghĩa, nối nhau miêu tả các dạng thức đặc biệt của tiếng khóc, của những giọt nước mắt. Đây là âm thanh, là những dòng lệ tuôn trào của mọi cảm xúc: vui, sung sướng, tủi, hạnh phúc, nhớ thương. Cảm giác vui tới không kể xiết của đứa con khi xa mẹ quá lâu, lúc gặp lại như vỡ òa. Cậu ngắm nhìn lại gương mặt của mẹ “nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Vẫn là gương mặt ấy, vẫn tươi sáng và làn da mịn màng, vẫn trẻ trung xinh đẹp. Sau đó, cậu được mẹ ôm ấp, nhận được hơi thở ấm áp “đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi..hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở trên khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”. Nguyên Hồng miêu tả từng chi tiết của bộ phận trên cơ thể con người, làm tăng tính sinh động của đoạn trích. Đã từ lâu lắm rồi cậu mới cảm nhận được cảm giác ấm áp mơn man khắp da thịt như thế này. Cậu đang cảm nhận những giây phút hiếm hoi mà giản dị, đẹp đẽ mà thiêng liêng nhất của cuộc đời.
Đó là cảm giác hạnh phúc dạt dào mà những đứa trẻ nào xa mẹ lâu mới cảm nhận được. Thời khắc được ở trong lòng mẹ, được mẹ vuốt ve, gãi rôm cho đã làm Hồng quên đi tất cả những lời cay nghiệt, nói xấu của bà cô đối với mẹ mình. Hồng quả là một đứa bé dũng cảm, quyết liệt, bỏ qua tất cả những lời lẽ xấu xa từ bên ngoài, không tác động được cậu. Hành động này không phải ai cũng làm được, huống gì đây là đứa trẻ con. Tình mẫu tử đã chiến thắng tất cả.
Qua tâm trạng của chú bé Hồng và niềm khao khát tình thương của cậu, chúng ta đã hiểu được phần nào về cuộc đời và số phận của những đứa bé thiếu vắng tình cảm gia đình. Cho dù người ngoài có đối xử tốt với chúng ta như nào cũng không thể sánh được tình cảm của mẹ dành cho con. Nỗi bất hạnh và đau đớn nhất của chúng ta là sống dưới mái nhà không có bố và mẹ. Chính vì thế, ai còn cha mẹ hãy trân trọng và yêu thương họ nhiều hơn. Tình cảm giữa bé Hồng và mẹ đã làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng.
5. Phân tích về nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ cảm động nhất:
Nguyên Hồng được nhận định rằng ông là nhà văn của phụ vữ và trẻ em, bởi hai đối tượng này xuất hiện chủ yếu trong sự nghiệp sáng tác của ông, đồng thời cũng nói lên hình ảnh của ông và người mẹ thuở nhỏ. Đặc biệt đoạn trích “Trong lòng mẹ” được trích trong hồi kí “Những ngày thơ ấu”. Đoạn trích xoay quanh nhân vật Hồng, một cậu bé đáng thương mà giàu lòng yêu thương, khao khát được có tình yêu từ người mẹ.
Trước hết, Hồng sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy hạnh phúc. Cha cậu nghiện thuốc phiện, chẳng mấy chốc để lại hai mẹ con Hồng sống cô quạnh. Ít lâu sau, vì quá đau buồn nên mẹ cậu đã bỏ cậu đi tha hương cầu thực để lại Hồng ở lại nhà cô và những lời rèm pha từ hàng xóm. Một cậu bé còn khá nhỏ đã thiếu thốn tình cảm từ cha lẫn mẹ, giờ đây cậu sống dưới sự ghẻ lạnh của bà cô độc ác. Mặc kệ cháu trai đáng thương, bà cô luôn tiêm nhiễm mọi lời nói xấu, mỉa mai người mẹ nhằm cậu ghét bỏ ruồng rẫy mẹ mình. Hồng chỉ biết im lặng và buồn bã trước những lời nói cay nghiệt đó.
Trong một lần, cuộc trò truyện giữa bà cô và Hồng đã làm thức tỉnh con người cậu. Bà cô cười tươi và quan tâm cậu, nhưng chú bé biết rằng những lời nói đó không hề có ý tốt, ngược lại như ngàn mũi dao đâm vào tim cậu. Khi người cô hỏi Hồng có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ không, trong lòng cậu rạo rực, cậu muốn lắm nhưng tính cách của cô như nào thì cậu lại hiểu quá rõ. Hồng dứt khoát trả lời: “Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào Mợ cháu cũng về”. Bà cô lại tiếp tục giọng ngọt sớt: “Mợ mày phát tài lắm có như dạo trước đâu”, nghe đến đây, cậu thương mẹ mình biết bao, thương cho sự cực khổ của mẹ, lam lũ ngoài kia kiếm sống, khóe mắt cậu cay cay. Thấy Hồng như vậy, bà cô càng ngày càng nói lời sát thương hơn: “Vào mà bắt mợ mày mua sắm quần áo cho và thăm em bé thứ”. Hai chữ “em bé” người cô cố tình nói to và ngọt sớt khiến nước mắt Hồng chảy ròng ròng, cổ như nghẹn lại, cảm giác như ai bóp chặt cổ tới mức không thở được. Hồng đau khổ, cậu ước rằng giá như những cổ tục đang đày đọa mẹ cậu kia là những hòn đá hay mẩu thủy tinh thì cậu sẽ vồ ngày đến mà cắn, mà nhai mà nghiến, cho kì vụn nát. Cậu căm hận những hủ tục lạc hậu, những lời rèm pha đáng ghét và cay độc đó khiến mẹ cậu không thể quay về, chia cắt tình mẫu tử của mẹ con cậu. Qua cuộc trò chuyện, ta có thể thấy Hồng là một cậu bé giàu lòng yêu thương đối với mẹ, những lời nói không tốt về mẹ bao nhiêu, cậu lại càng thương mẹ mình bấy nhiêu.
Nỗi nhớ và khao khát gặp mẹ một ngày một lớn, trong một lần tan học, trên đường về cậu thoáng thấy một hình bóng ngồi trên xích lô giống mẹ mình. Hồng chạy theo và liên tục gọi mẹ. Khuôn mặt cậu hớt hải, trán đẫm mồ hôi, nhìn thấy mẹ mình, chú bé ríu cả chân lại nhảy lên xe và khóc nức nở. Mẹ trông thấy cậu như vậy, bà vừa thương vừa xót mà sùi sụt theo. Khi được ngồi trong lòng mẹ, cậu vui sướng ngắm kĩ gương mặt của mẹ, mặt bà vẫn tươi sáng, nước da mịn màng, đôi mắt trong, hai gò má hồng hào. Áp mặt vào đùi mẹ, Hồng cảm nhận được sự ấm áp mà lâu lắm rồi cậu mới thấy. Khoảnh khắc này có lẽ mãi mãi cậu không bao giờ quên, cảm giác sung sướng tột độ, ngỡ ngàng, hạnh phúc. Không một tình yêu nào bằng tình yêu giữa mẹ và con. Có lẽ, vì được nằm trong lòng của mẹ, niềm vui ấy đã át đi những lời cay nghiệt của bà cô nói về mẹ mình, trong suy nghĩ của cậu bây giờ chỉ ước thời gian trôi chậm lại để cậu có thật nhiều thời gian cảm nhận hơi ấm của mẹ hơn.
Nguyên Hồng đã rất thành công trong xây dựng nhân vật chú bé Hồng bằng sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm. Qua câu chuyện trên, chúng ta cảm nhận được tình thương mẫu tử chính là nguồn động lực lớn nhất để vượt qua rào cản chông gai, thử thách. Thật đáng ngưỡng mộ bé Hồng, một chú bé hiểu chuyện, dũng cảm, có lòng yêu thương mẹ vô bờ bến.