Chính sách giáo dục là gì? Chính sách giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Vai trò của chính sách giáo dục.
Giáo dục luôn là một vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư bền vững nhất, lâu dài nhất và đảm bảo chất lượng nguồn lực cho đất nước. Và muốn có một nền giáo dục văn minh và phát triển, thì Nhà nước phải có đường lối, chính sách giáo dục, đào tạo một cách hợp lý và toàn diện. Vậy chính sách giáo dục là gì? Các chính sách giáo dục và đào tạo hiện nay như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Chính sách giáo dục là gì?
Giáo dục hiểu là việc truyền tải kiến thức, các kỹ năng ngoại khóa từ thế hệ này qua các thế hệ khác thông qua phương thức giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu. Và đây là một trong các hình thức học tập kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của một cá nhân. Giáo dục thường là sự kết hợp từ các yếu tố bên phía nhà trường, gia đình và cả xã hội,… từ đó tạo nên một nền giáo dục hoàn thiện nhằm giúp cho cá nhân phát triển về nhận thức, tư duy. Một nền giáo dục tốt sẽ đem lại cho xã hội những công dân ưu tú để cống hiến làm cho xã hội phát triển hơn.
Chính sách giáo dục được coi là hệ thống các quan điểm, mục tiêu của Nhà nước đưa ra liên quan về giáo dục, trên cơ sở đó đề ra các phương hướng, các giải pháp nhằm mục đích để thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo các giai đoạn nhất định. Chính sách giáo dục luôn được Nhà nước xây dựng và đề cao bởi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, đó là nền tảng cốt lõi của một xã hội.
2. Chính sách giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay:
Theo quy định tại Điều 61 Hiến pháp năm 2013 có quy định về tầm quan trọng của phát triển giáo dục như sau:
– Phát triển giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu của đất nước, nhằm mục đích nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
– Nhà nước luôn có chính sách ưu tiên và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục theo từng cấp bậc, trong đó giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước tiến hành phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý cho từng đối tượng.
– Đối với các vùng miền núi, hải đảo, các vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Nhà nước luôn có những ưu tiên để phát triển giáo dục cũng như ưu tiên trong việc sử dụng, phát triển nguồn nhân tài, từ đó tạo điều kiện để cho những người khuyết tật và người nghèo được tiếp cận tri thức, văn hóa, không bị thụt lùi lại so với xã hội.
Có thể thấy, chính sách giáo dục và đào tạo ở Việt Nam luôn được nâng cao và đổi mới; mục tiêu chung là đưa nền tri thức, văn hóa của Việt Nam lên một tầm cao mới và không bị tụt hậu so với các nước trên Thế giới. Cụ thể như sau:
– Nhà nước luôn phấn đấu xây dựng được một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân; tức là luôn đảm bảo cho người dân một môi trường học tập đầy đủ và văn minh, ai cũng có quyền được học tập và lĩnh hội tri thức. Từ đó, mới có nguồn nhân lực dựng xây đất nước phát triển trở thành một nước vững mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
– Chính sách luôn phải đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán trong mục tiêu, đường lối đào tạo học tập ở các cấp bậc. Chương trình đào tạo phù hợp, luôn được cập nhật, đổi mới, bên cạnh đó xây dựng phương hướng học đi đôi với hành, bên cạnh phổ cập kiến thức lý thuyết thì cần chú trọng đến việc thực hành từ những gì đã học được. Có như vậy, thì việc giáo dục mới đạt được hoàn thiện, giúp cho học sinh, sinh viên phát triển một cách toàn diện.
– Bên cạnh việc chú tâm vào sự phát triển, đổi mới của chương trình các cấp bậc học thì song song đó Nhà nước luôn có chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như tăng cường, đảm bảo được đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất. Từ đó, môi trường giáo dục mới được hoàn thiện và phát triển tốt lên được.
– Tích cực có phương hướng giáo dục từ xa. Trong hai năm vừa rồi, khi dịch bệnh Covid tràn lan, việc áp dụng hình thức học trực tuyến được phát triển và mang lại hiệu quả rất cao. Hình thức học này không kém xa gì hình thức học trực tiếp, công nghệ sử dụng hiện đại giúp cho cả giáo viên, học sinh, sinh viên rèn luyện được kỹ năng sử dụng máy tính đồng thời kiến thức học tập vẫn được tiếp thu một cách trọn vẹn nhất. Việc áp dụng hình thức học từ xa này cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc đi lại.
– Mở rộng quy mô đào tạo nghề bên cạnh việc đào tạo chương trình học đơn thuần. Bởi lẽ hiện nay, vấn đề cốt lõi là học xong và phải vận dụng được hành nghề trong xã hội. Do vậy, mô hình đào tạo học đi đôi với hành, hay học nghề đã và đang được áp dụng phổ biến và là điều cần thiết.
– Tập trung đầu tư giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc. Các địa phương tại vùng miền đó điều kiện khó khăn nên việc tiếp thu việc học cũng khó khăn nên để đẩy mạnh việc tiếp cận văn hóa, tri thức đến các vùng miền để tạo sự phát triển đồng đều, tránh trường hợp có sự phân hóa, phân biệt vùng miền.
Nhà nước ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP tập trung phát triển công tác giáo dục dân tộc như sau:
+ Phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập công cộng, trường dạy nghề, trường dự bị đại học; nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học cho con em các dân tộc thiểu số để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
+ Tập trung phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung của quốc gia nhằm tạo sự đồng đều, phổ cập trong giáo dục.
+ Nhà nước có chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng là học sinh, sinh viên nằm trong vùng dân tộc thiểu số ít người hay ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
+ Có chính sách trong việc hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc….
– Phát triển và mở rộng quy mô của các trung tâm giáo dục cộng đồng.
– Đổi mới cũng như phát triển giáo dục, đảm bảo được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
– Chính sách nâng cao chất lượng học tập bằng việc có những hỗ trợ và liên kết các chương trình giáo dục với nước ngoài hay các chương trình lấy học bổng cho học sinh, sinh viên du học trong nền kinh tế đang được toàn cầu hóa.
Hiện nay, trong năm 2022, Nhà nước có phổ cập một số chính sách giáo dục như định kỳ thực hiện việc chuyển công tác công chức ngành giáo dục không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức giáo dục từ 03-05 năm (căn cứ theo Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT); hay chính sách khám sức khỏe cho sinh viên tối thiểu ít nhất là 01/năm học (quy định tại Thông tư số 33/2021/TT-BYT); chính sách trong việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên theo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông với hình thức đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số (theo quy định tại Thông tư số 43/2021/TT-BGDĐT).
3. Vai trò của chính sách giáo dục:
Chính sách giáo dục tốt sẽ tạo nên một xã hội văn minh. Như vậy, có thể khẳng định chính sách giáo dục có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, rèn luyện một con người, hình thành tư duy, lối sống có đạo đức, từ đó các cá nhân sẽ phát triển và xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Phát triển chính sách giáo dục từ đó góp phần nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, đây là yếu tố thúc đẩy cho sự phát triển vững mạnh về cả kinh tế cũng như văn hóa của một quốc gia.
Phát triển giáo dục đồng thời cũng tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng về cả đạo đức và trí tuệ cho đất nước. Bởi nền tảng, gốc rễ để một đất nước phát triển là con người phải có đạo đức, nhân cách tốt đẹp và có trí tuệ thông minh. Để có được như vậy thì chỉ có thể thông qua giáo dục thường xuyên.