Gần đây có rất nhiều tranh cãi về hai hội Thiên Địa Hội và Nghĩa Hoà Đoàn. Vậy Thiên Địa Hội là gì? Nghĩa Hoà Đoàn là gì? Nghĩa Hoà Đoàn và Thiên Địa Hội có vai trò gì ở Nam Bộ thời kỳ Kháng chiến chống Pháp 1945 không?
Mục lục bài viết
1. Thiên Địa Hội là gì?
Thiên Địa hội là một hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời Khang Hi với mục đích phản Thanh phục Minh. Thiên Địa hội còn được gọi là Hồng môn hay Tam Điểm hội, tuy vậy một số tổ chức tội phạm cũng có tên Hồng môn. (Theo Wikipedia tiếng Việt)
Thiên Địa Hội là một tổ chức có tôn chỉ “Phản Thanh phục Minh”, ra đời vào thời năm 1734 dưới thời vua Ung Chính nhà Mãn Thanh, tương truyền do năm nhà sư thành lập. Năm nhà sư này chạy thoát từ chùa Thiếu Lâm khi chùa bị triều đình đàn áp. Để giữ bí mật, Thiên Địa Hội còn có nhiều tên gọi khác nhau như Tam Hiệp Hội, Nghĩa Hưng Hội… Khi Cách mạng Tân Hợi (10/10/1911) nổ ra thì Thiên Địa Hội đã hoàn tất sứ mạng lịch sử của nó. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển, Thiên Địa Hội với nhiều bang hội bắt nguồn từ nó đã dần thay đổi. Không còn là phản Thanh phục Minh nữa, mà trở thành những băng nhóm xã hội đen, buôn bán ma túy, tổ chức sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện, bảo kê, giết mướn… Dư đảng của Thiên Địa Hội bị triều đình Mãn Thanh tróc nã nên có một số người theo dòng lưu dân người Hoa đi xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có miền đất Nam Bộ.
Về sau Thiên Địa Hội còn có cái tên là Hội Tam Hoàng. Cách đây nhiều năm, từng có một cuốn sách mang tên “Âm mưu Hội Tam Hoàng” của nhà báo Nga chuyên viết về các vấn đề quốc tế Andrey Levin kể về cuộc đấu tranh của cảnh sát Singapore chống lại một trong những hội kín lớn nhất ở vùng Đông – Nam Á: hội Tam Hoàng. Tác giả đã phân tích rõ những nguồn gốc và nguyên nhân gây tội ác một cách có tổ chức của Hội Tam Hoàng chuyên hoạt động cướp biển, buôn lậu ma túy, ngoại tệ, vàng và “hàng sống”. Sau năm 1949, khi chính quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa truy nã thì Hội Tam Hoàng đã chuyển địa bàn hoạt động sang Hongkong.
2. Nghĩa Hoà Đoàn là gì?
Nghĩa Hòa Đoàn là một tổ chức tôn giáo thần bí và đồng thời là một tổ chức chính trị đã lãnh đạo phong trào Nghĩa Hòa Đoàn do Chu Hồng Đăng lãnh đạo. Có thuyết cho rằng tổ chức này liên quan tới Bạch Liên giáo. Lực lượng nòng cốt của Nghĩa Hòa Đoàn bao gồm nhiều người giỏi võ nghệ. Do đó, Nghĩa Hòa Đoàn còn bị những người không ưa nó gọi bằng cái tên “quyền phỉ”. (Theo Wikipedia tiếng Việt)
Về tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn thì Nguyễn Hiến Lê có viết: “Một dư phái của Bạch Liên giáo dấy lên ở Sơn Đông tự xưng là Nghĩa Hòa Đoàn đeo bùa, đọc chú, lập đàn cầu nguyện, luyện tập côn quyền, độn ngực và bụng một lớp giấy dầy: “Hai ngón tay” nói rằng có thần che chở, súng đạn không thể xuyên được; dân chúng rất tin. Mới đầu họ chủ trương: “Phản Thanh, phục Minh”. Mùa thu 1898, sông Hoàng Hà vỡ đê, miền Sơn Đông lụt lớn, dân chúng đói khổ, Nghĩa Hòa Đoàn kéo nhau lên phía Bắc Kinh, Sơn Tây. Họ sống như bọn giang hồ, múa kiếm đấu quyền cho dân chúng xem để xin tiền độ nhật.
Trước thế chiến vừa rồi, ở Nam Việt, các chợ tỉnh, chợ quận nào cũng thường thấy bọn “Sơn Đông mãi võ” biểu diễn và bán vài thứ thuốc hoàn để xoa bóp, trị gãy tay, trật gân… họ to lớn lực lưỡng, biết võ, giữ được truyền thống và lối sống của tổ tiên. Dân chúng tin họ rất đông, ngay một số cụ lớn ở triều đình cũng tin họ nữa, tâu với Từ Hi; Từ Hi tự cao, tự đại, quen được bợ đỡ rồi, cũng tin nữa; triều thần có vài người sáng suốt nhưng không dám nói, sợ lưỡi tầm sét của “Phật bà”. Bà ta nghe lời tên thái giám Lý Liên Anh, lợi dụng ngay Nghĩa Hòa Đoàn, và bọn họ đổi khẩu hiệu là “phù Thanh diệt Dương”, cho họ nhiều tiền bạc lại hứa cho quân đội của triều đình hợp tác với họ để cùng nhau tận diệt bọn “bạch quỉ”.
Năm 1900, bão tố nổi lên. Bọn Nghĩa Hòa Đoàn – sử gọi là Quyền phỉ, tiếng Pháp gọi là Boxers – quấn khăn đỏ, tìm nhà bọn giáo dân Trung Hoa giết hàng trăm mạng, đốt các nhà thờ đạo, giết giáo sĩ, bất kì cái gì của ngoại nhân sáng tạo, xây cất: Đường xe lửa, đường dây thép, máy móc, bưu điện… đều bị đập phá, thiêu hủy hết. (“Sử Trung Quốc”, Nguyễn Hiến Lê, NXB Tổng hợp TPHCM, 2017, trang 345).
3. Có Nghĩa Hoà Đoàn và Thiên Địa Hội ở Nam Bộ thời kỳ Kháng chiến chống Pháp 1945 không?
Nam Bộ kháng chiến là xung đột quân sự giữa Việt Nam và liên quân Anh, Pháp, Nhật bắt đầu xảy ra trước khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, được lấy mốc là ngày 23/9/945, khi các lực lượng quân sự Việt Nam chống lại việc Pháp tái chiếm Nam Bộ.
Trên thực tế, sau khi phong trào của Nghĩa Hòa Đoàn bị dập tắt vào tháng 9/1901, những phần tử thuộc phong trào này đã bỏ trốn, xuôi buồm ra biển, và cập bến vào các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những người này khi đặt chân đến Việt Nam, họ chỉ là những người “gốc” Hoa, sinh sống trên nhiều vùng đất ở Nam Kỳ thời đó.
Khác với Nghĩa Hòa Đoàn, Thiên Địa Hội có “bề dày” lịch sử hơn rất nhiều. Hoạt động của Thiên Địa Hội trên mảnh đất Nam Bộ diễn ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và lắng xuống sau cuộc nổi dậy Phan Xích Long vào năm 1916.
Theo tài liệu của Sở mật thám Đông Dương, dưới thời Pháp thuộc, những năm từ 1914 đến 1918 – là giai đoạn diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất – ở miền Nam Việt Nam (người Pháp gọi là Nam Kỳ) có khoảng 70 đến 80 “hội kín”. Mục đích chủ yếu của những hội này là chống Pháp, chống đám quan lại tàn bạo, tham ô, chống sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá…
Hầu hết những “hội kín” đều sử dụng tôn giáo và phép thuật để chiêu mộ hội viên. Một báo cáo của Văn phòng mật thám Nam Kỳ viết: “Họ – tức các hội kín – tổ chức cắt ngón tay lấy máu pha rượu, uống để thề trung thành. Có hội phát cho mỗi hội viên một lá bùa với lời tuyên truyền “gươm đâm không thủng, đạn bắn không xuyên”.
Có hội cầm đầu bởi một thầy pháp (thầy cúng)… Họ có những dấu hiệu riêng để nhận ra nhau. Trong liên lạc, họ dùng tiếng lóng và những đám giỗ, đám cưới, đám ma là bức bình phong che giấu những cuộc họp. Những địa phương có nhiều hội kín nhất ở Nam Kỳ là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Bạc Liêu, Châu Đốc, Long Xuyên…”.
Không thể đứng ngoài những “hội kín” ấy, Thiên Địa hội vào cuộc. Đầu tiên, họ nhắm đến những người đánh xe ngựa (xe thổ mộ) – là phương tiện giao thông chủ yếu ở Nam Kỳ thời bấy giờ.
Để thống lĩnh ngành vận tải thô sơ này, những người cầm đầu Thiên Địa hội tại Sài Gòn lập ra “Hội Vạn Xe”, căn cứ đặt ngay bến Bình Đông (nay thuộc quận 8), là nơi ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở nông sản thực phẩm, hoa quả lên cung cấp cho các chợ đầu mối ở Sài Gòn…
Theo báo cáo của mật thám Sài Gòn, cuối năm 1889, số lượng thành viên của Hội Vạn Xe vào khoảng 6.000 người, được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, đứng đầu là một người Việt tên Bạch – thường được gọi là “Cai” Bạch.
Xuất thân từ một phu lục lộ (công nhân làm đường giao thông), do mẫn cán nên Bạch được cất nhắc lên làm “cai”, trông coi 1 tổ gồm 40 người, chịu trách nhiệm trong việc rải đá dăm, nấu nhựa đường. Được một người Hoa tên Phóng móc nối, Bạch gia nhập Thiên Địa hội rồi chỉ một thời gian ngắn sau, cả 40 người trong tổ của Bạch cũng trở thành hội viên Thiên Địa hội.
Năm 1916, việc thủ lĩnh của Thiên Địa Hội là Phan Xích Long bị thực dân Pháp bắt (sau bị kết án tử), thì các phong trào Thiên Địa Hội ở Nam Bộ đều “rút” vào hoạt động kín, tạo nên một giai đoạn mới của sự hình thành các “Hội Kín” ở miền Nam. Không có bất cứ một cuộc nổi loạn nào của các nhóm Thiên Địa Hội ở miền Nam sau năm 1916.
Hội kín ở miền Nam là “tàn dư” của Thiên Địa Hội từ sau những năm 1920 về bản chất, chỉ là các nhóm xã hội đen, hoạt động ngầm – thông qua các hiệp hội lao phu. Sau Cách mạng Tháng Tám, hội kín này tiếp tục duy trì và hoạt động cho đến tận năm 1975. Về bản chất, vẫn là tổ chức xã hội đen không hơn, không kém.
Quay lại lịch sử Việt Nam giai đoạn những năm 1930 ở Nam Bộ. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, các phong trào cách mạng kháng Pháp nổ ra khắp nơi. Phong trào cách mạng được ghi nhận gần như đầu tiên chính là Khởi nghĩa Nam Kỳ, vào tháng 11/1940 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng lại mở ra một thời kỳ mới, trong cách thực hiện cách mạng. Đó chính là động lực để Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định cần phải có một tổ chức tập hợp được tất cả mọi tầng lớp nhân dân lại (không phải dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản – dù tổ chức này do Đảng Cộng sản lãnh đạo) để thực hiện cuộc khởi nghĩa đánh đuổi thực dân, ngày 19/5/1941, Việt Nam Độc lập Đồng minh hay còn gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội – gọi tắt là Việt Minh được thành lập.
Kể từ sau ngày này năm 1941, toàn bộ các cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều do lực lượng Việt Minh tổ chức và lãnh đạo.
Như vậy có nghĩa là cả Nghĩa hòa đoàn và Thiên địa hội không có vai trò gì ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp sau năm 1945.
4. Kết luận về Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Đoàn:
Từ những lý lẽ được chúng tôi tham khảo ở trên, chúng ta có thể khẳng định hai điều:
– Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Đoàn là các tổ chức, băng đảng của nước ngoài (của người Hoa).
– Hai tổ chức này là các tổ chức tự phát, có nguồn gốc từ Trung Quốc và chuyên “hoạt động đen”.
– Nghĩa hòa đoàn và Thiên địa hội không có vai trò gì ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp sau năm 1945.